Chuyện thế gian/Quyển thứ nhất/Một người lạ mặt/III

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

III

« Một đêm, võ-sĩ tuy không thua to mấy, song cũng thấy bạc đánh kém mọi khi ít nhiều. Sự ấy do ở một người già, thấp bé và khô-khan, ăn-mặc một cách khốn-nạn đến nỗi ai coi thấy cũng phải ghê-sợ khinh-bỉ, lão đó tiến lại gần bàn, tay run lập-cập đặt vàng lên một con bài. Trong bạn làng chơi, ai cũng ngạc-nhiên nhìn lão, ai cũng đối-đãi lão một cách khinh nhờn ra mặt, thế mà lão cứ điềm-nhiên như không, tịnh không thở ra một lời phàn-nàn nào cả.

« Lão già thua. Lão lại đánh cái nữa, lão lại thua; nhưng lão càng thua bao nhiêu thì những người đứng quanh đó càng tỏ-ý mừng-rỡ bấy nhiêu. Lão cứ đánh gấp-thiếc mãi lên, sau thua đến 50 đồng tiền vàng. Một người trong đám khách bạc, bựt cười sằng-sặc mà nói:

— Lão Viễn-Toa ơi! Lão chớ vội ngã lòng nhé. Lão cứ việc đánh đi.... Thế nào lão chẳng lại gặp canh đỏ mà làm cho vỡ sòng nhỉ?

« Lão già không đáp chi hết, đưa đôi con mắt giết người nhìn kẻ ấy, rồi đi ra mất. Trong một nửa giờ nữa, lão lại trở lại, túi đầy lên những vàng cùng bạc. Nhưng khi cuộc bạc sắp tàn canh, lão già phải ngừng tay lại, vì đã hết cả tiền mặt rồi.

« Võ-sĩ tuy nay đã ra một người luộm-thuộm, đối với việc thiện, dửng-dưng như nước lã, song thấy con bạc khinh-bỉ lão già thậm-tệ thế, cũng không thể không lấy làm bận lòng được. Khi lão già đã đi khỏi, võ-sĩ bèn lấy lời tử-tế trách móc những người còn ở lại trong sòng bạc.

Họ bảo võ-sĩ rằng:

— Ngài không biết lão Viễn-Toa, chớ khi ngài đã biết ra thì ngài đã không quở trách chúng tôi, ngài lại còn đồng-thanh chế lão với chúng tôi nữa. Ngài phải biết rằng lão Viễn-Toa vốn người ở Nạp-Ba, đã mười lăm năm nay tới ở đất Ba-Lê này, thực là một người biển-lận, ai thấy cũng phải rùng mình khiếp-sợ. Lão không biết cái tình nhân-loại là vật chi cả: Lão bỏ cha lão nằm hấp-hối ở dưới chân lão mà lão cũng không chịu rời ra cho một đồng su nhỏ. Bao nhiêu những lời nguyền-rủa của các nhà bị lão phá-hại bằng cách cho vay nặng lãi thì nay theo-đuổi lão kỳ-cùng mà báo-thù lão. Ai quen biết lão cũng phải căm-giận lão, thành ra ai ai cũng cầu Trời tàn hại lão cho bõ ghét. Xưa nay, chưa từng thấy lão đánh bạc bao giờ, nên chúng tôi thấy lão bước vào chốn này, chúng tôi mới ngạc-nhiên như thế. Lão như thế mà lại được chúng ta thì chẳng hoá ra sự chẳng may lắm sao? Lão thấy sòng bạc của võ-sĩ to-tát, cho nên lão thèm-muốn, lão mới tới đây, nhưng lão đã mất hết cả lông-cánh của lão rồi, võ-sĩ ạ. Nhưng từ này mà đi, lão còn lại đây nữa, chúng tôi sẽ tìm cách khử lão đi mới được.

« Song, lời họ đe trước đó không thành, là vì đêm sau, lão lại đến sòng bạc võ-sĩ, lão lại thua hơn đêm trước. Song lão vẫn bình-tâm, mỉm cười một cách chua sót, tưởng thế nào rồi cũng gỡ-gạc lại được vậy. Nhưng đêm nào lão cũng thua, mỗi đêm lão mỗi thua to mãi lên, thành ra đến lúc tổng-cộng lại, lão mất tại sòng bạc võ-sĩ tất cả là ba vạn đồng tiền vàng. Cách đó ít lâu, lão lại mò đến, người-ngợm xanh-xao mà gầy-gò, nhưng lần này lão đứng xa bàn bạc, chăm-chắm nhìn con bài của võ-sĩ rút. Đến sau, đang lúc võ-sĩ trang bài để đánh ván khác thì lão kêu to lên một tiếng, khiến mọi người đứng quanh lão phải rợn gáy, rùng mình: « Hãy rồi! » Rồi lão rẽ đám đông ra, ẩy mọi người đi, tiến đến trước mặt võ-sĩ.

— Này, võ-sĩ, võ-sĩ có bằng lòng cho tôi cầm cái nhà của tôi ở phố O-no-ré cùng những bát đĩa, trang-sức, đồ-đạc, bàn-ghế ở trong đó, lấy tám vạn quan tiền tây không?

Võ-sĩ không ngẩng lên nhìn lão già, lạnh-lùng mà đáp rằng:

— Được, tôi bằng lòng.

Rồi võ-sĩ bắt đầu xỉa bài.

Lão nói;

— Tôi đánh Bà chúa. Tức thì con bài Bà chúa thua. Ông lão ngã ngửa người ra, may tựa được vào cái tường, thành ra đứng ngây ở đó như một pho tượng. Chẳng ai để ý đến lão cả.

« Canh bạc đã tàn, con bạc đã tan, võ-sĩ cùng với người hồ-lỳ khuân tiền bỏ vào hòm kín. Lúc ấy lão Viễn-Toa tiến lại, hình như một cái bóng người, ủ-dũ nói với võ-sĩ rằng:

— Võ-sĩ ơi! Cho tôi nói một tiếng; để tôi nói một tiếng thôi.

Võ-sĩ đậy hòm bạc lại, nhìn lão một cách rất khinh bỉ mà đáp rằng:

— Nào lão hỏi gì ta?

Lão Viễn-Toa đáp:

— Tôi thua hết cả gia-tài về sòng bạc của ông rồi, tôi không còn một tý gì nữa, tôi không biết rồi đến ngày mai tôi gối đầu vào đâu và tôi tìm ăn vào đâu được! Vậy nay tôi chỉ mong được ông cứu giúp cho thôi. Ông cho tôi vay một phần chia mười cái món tiền mà ông vừa mới được của tôi đó, để tôi có thể buôn-bán nghề tôi mà kiếm ăn cho đỡ khốn-nạn.

Võ-sĩ nói:

— Lão Viễn-Toa ơi! Lão tưởng việc chi lạ vậy? Lão há không biết rằng một tay nhà sòng bạc là không bao giờ nên trả lại tiền được cho kẻ đã đánh mất rồi ư? Sự đó rất trái với lệ-luật; tôi không bao giờ như thế được!

Lão đáp:

— Võ-sĩ nói có lý lắm. Cái ý-tưởng của tôi mập-mờ và quá-đáng thật; song, tôi vay một phần mười thôi mà! À, thôi, cho tôi vay một phần hai mươi món tiền ấy vậy.

Võ-sĩ càu-nhàu nói:

— Tôi đã bảo lão rằng trong món tiền được của tôi, một đồng su nhỏ tôi cũng không cho ai vay mà!

Lão già mặt càng xanh-xám lại, mà mắt càng sâu hõm vào, nói nữa rằng:

— Vậy, tôi vẫn biết ông không nên cho ai vay tý gì là phải. Giá tôi, tôi cũng đến ăn ở như thế thôi. Nhưng đối với một người ăn mày họ xin thì cũng nên làm phúc cho chớ! Vậy tôi xin ông cho tôi lấy một trăm đồng tiền vàng ở trong đống của-cải mà sự tình-cờ đêm nay đã đưa lại cho ông ấy

Võ-sĩ nổi giận, quát rằng:

— Không, không được! Rõ lão chỉ tìm cách làm bận người ta thôi! Lão Viễn-Toa ơi! Tôi bảo lão thật này: Đến một trăm, đến năm chục, đến hai chục, đến cả một đồng tiền vàng tôi cũng không cho lão đâu. Tôi há lại mất trí-khôn mà để cho ông lại tìm cách làm cái nghề sét-ty khốn-nạn ấy nữa a? Cái số-phận nó đã quẳng lão xuống đống bụi như một con sâu bẩn-thỉu; hễ kẻ nào nâng lão dạy, ấy là có tội. Thôi, lão đi đi! Lão đi đi mà chịu lấy cái nghịch-cảnh đó; vì lão cũng đáng thế lắm kia!

« Lão Viễn-Toa đưa hai tay che mặt, rôi rên-rĩ thảm-thiết. Võ-sĩ sai người nhà mang hòm bạc lên xe ngựa, rồi to tiếng hỏi lão Viễn-Toa rằng:

— Vậy chớ bao giờ lão trao nhà cửa đồ-đạc cho tôi kia?

« Lão Viễn-Toa đứng phất dậy, lên giọng cứng-cáp mà nói rằng:

— Ngay bây giờ; võ-sĩ đi theo tôi!

Võ-sĩ:

— Được, lão lên ngồi xe với tôi đi đến nhà lão nhân thể, rồi mai lão đừng ở đó nữa!

« Khi đi đường, Viẽn-Toa cùng võ-sĩ không nói nửa tiếng. Lúc tới phố O-no-rê, lão xuống xe, vào cửa bấm chuông. Một bà già nhỏ ra mở cổng, trông thấy lão, kêu to lên rằng.

— Trời ơi! Lão đấy ư? Cô An-gĩ-la đã vì ông mà lo-sợ gần chết đây kia kìa!

Lão già đáp:

— Im đi! Trời ơi! Trời đừng để cho nó nghe thấy tiếng chuông tôi vừa bấm xong nhé! không để nó biết ta đã về đây mới được!

« Lão nói xong, cầm bó đuốc ở trong tay mụ nọ soi cho võ-sĩ đi. Mụ già đứng ngây người như chết. Lão Viẽn-Toa nói:

— Tôi cũng đã sếp sẵn cả rồi, võ-sĩ ạ. Võ-sĩ thù tôi, khinh tôi, lấy làm thú mà hại tôi, chớ thực võ-sĩ không biết tôi là thế nào đâu! Tôi đây trước kia cũng là con bạc đỏ như ông, cũng cứ được mãi như ông. Tôi đi đánh bạc khắp trong Âu-châu, tôi đã lại đâu mở bạc, là vàng cũng chẩy lại kho bạc của tôi như sòng bạc của ông vậy. Tôi vốn có một người vợ đẹp và rất trinh-tiết, nhưng tôi hờ-hững, thành ra trong sự phú-quý mà vợ tôi sống một cách khổ-sở. Một hôm, tôi ở tỉnh Giên mở sòng đánh bạc, sẩy có một người thiếu-niên La-mã tới, ký-cược cả gia-tài mà đua cuộc đỏ đen. Người ấy thua hết, rồi cũng phải làm như tôi bây giờ, xin mãi tôi lấy một món tiền để đi về La-mã. Tôi khinh-khỉnh cười mà không cho hắn vay. Hắn giận tôi quá, rút dao nhọn ra, đâm trúng vào vú tôi. Các bực lang-y đã phải ra sức khó-nhọc mới chữa khỏi được tôi. Thành ra tôi bị đau-đớn trong rất lâu ngày. Vợ tôi ra tay săn-sóc tôi, khuyên giải tôi, cùng tôi chịu đau khổ. Vì thế, tôi thấy ở trong lòng tôi sinh ra một mối cảm-tình; cái cảm-tình đó cùng với cái sức khỏe của tôi, tôi ngỡ không còn bao giờ tôi lại có nữa (vì những con bạc thường tắt hết các mối cảm-tình), thế mà nay nhờ vợ tôi, tôi lại được có. Trước kia quả tôi không biết cái ái-tình và cái nghĩa tận-tâm của một người vợ là cái gì cả; mãi tới nay, tôi thấy tôi quên tình cầm-sắt mà đổi lấy tình cờ-bạc thì tôi hối-hận vô cùng, tôi coi tôi hờ-hững với vợ tôi như một tội rất nặng vậy. Tức thì bao nhiêu những kẻ mà tôi tàn-hại, mà tôi nhẫn-tâm bỏ chết mặc đời, tôi thấy hiển-hiện ra như những quỷ-thần báo-phục cả. Tôi nghe thấy tiếng họ từ ở trong mả kêu ầm-ầm lên mà chửi rủa những tội ác tôi đã từng làm khi trước. Chỉ có vợ tôi ngồi cạnh tôi là đuổi được những cái quái ấy đi cho tôi thôi. Tôi sợ thật, tôi khiếp thật; những cái khiếp sợ ấy không biết lấy tiếng gì mà nói được. Tôi bèn thề không bao giờ còn mó đến con bài nữa. Tôi rứt hết những cái giây liên-lạc nó giàng-buộc tôi lại chốn ấy, tôi ẩy xa những quân hồ-lỳ nó kêu-van tôi đi, rồi tôi đến ở một cái nhà nhỏ ở La-mã. Than ôi! Nhưng tôi chỉ được hưởng có một năm thật là sung-sướng, thật là vui-vẻ thôi. Cái vui-vẻ sung-sướng ấy, tôi có ngờ đâu lại được hưởng một lần ở trong đời tôi như thế. Vợ tôi sinh được một đứa con gái, cách chừng vài giờ thì chết. Tôi không hi-vọng chi nữa, tôi buồn chán đến nỗi trách Trời, giận đất, tôi tự mắng tôi, tôi tự xỉ tôi, rồi tôi bỏ nhà trốn sang ở thành Ba-Lê, hình như một người có tội sợ nơi vắng-vẻ vậy. An-gĩ-la giống hệt như mẹ: Thật là một bức truyền-thần của vợ tôi. Nó chóng lớn như thổi; bao nhiêu những mối thương-yêu của tôi trú-trọng cả vào một nó. Ấy cũng chỉ vì nó mà nay tôi muốn giầu-có thêm lên đó thôi. Tôi có cho vay nặng lãi thật, chớ như thiên-hạ vu cho tôi lùa-đảo những người khốn-khó thì quả là tôi không. Những người vu-khống cho tôi ấy là ai đó? Toàn những kẻ khốn-nạn họ đến quấy-rối tôi để vay lấy tiền, cùng những kẻ hoang-phí họ vứt tiền đi, rồi tới khi tôi đòi nợ, họ lại đâm khùng mà gắt-gỏng lại tôi đó. Tôi chẳng qua cũng như người thu tiền, tôi thu tiền để làm giầu-có cho con tôi đó thôi. Vừa mới ít lâu nay, tôi có cứu được một người trẻ tuổi khỏi mất danh-dự: Vốn người ấy nợ to, tôi phải xuất món tiền lớn cho vay. Thế mà, Võ-sĩ ạ! Người ấy dám chối nợ và nhất-định không trả tôi tại trước tòa án đó. Tôi có thể kể cho ông biết đôi ba mươi phen tôi bị lừa như thế rồi, ông ạ. Ấy cũng vì tôi bị lừa mãi mãi như thế, nên tôi thành ra hơi nhẫn-tâm. Nhưng nếu tôi ăn-ở nhẹ-nhàng quá thì chẳng thiệt-hại cho tôi lắm ru! Còn nhiều việc khác nữa kia! Tôi dám nói với ông rằng tôi cũng lau ráo được nhiều nước mắt của kẻ khốn-khổ, và họ kêu-cầu trời đất phù-hộ độ-chì cho bố con tôi cũng không phải là ít vậy. Nhưng, chắc tôi nói đây, ông cho tôi là nói khoác, ông chẳng tin tôi nào... Phải, vì ông là người ham-mê cờ-bạc kia mà! Tôi tưởng rằng ma-quỷ cũng bớt giận mà không hằn tôi nữa, hay đâu chúng che mắt tôi mờ-tịt hẳn đi. Tôi thường nghe thấy nói võ-sĩ là người đại-phú, mỗi chiều tôi gặp một người đánh bạc đã vì ông mà thành đứa ăn mày đi ở ngoài đường; tôi bỗng thấy trong mình có một cái hạnh-phúc, giả đem ra chống lại với cái hạnh-phúc của ông, chắc cũng có phần hơn; bởi vậy tôi quyết chí đến phá cái sòng bạc hại người của ông; cái chí đó không chịu rời xa tôi lúc nào cả, tôi bèn đến nhà bạc của ông. Nay cái của-cải của con gái An-gĩ-la tôi, đã vào tay ông hết rồi, tôi mới chịu quay về. Thôi thế là thôi, còn gì! Vậy chớ ông có bằng lòng cho tôi mang ít quần-áo của con gái tôi đi không?

Võ-sĩ đáp:

— Cả cái mắc áo của con lão nữa! cho lão mang cả đi. Cho lão mang cả giường chiếu cùng sanh nồi đi; tôi giữ làm quái gì những của khốn-nạn ấy. Nhưng lão chớ có lấy một cái đồ-vật gì quí-giá đi đó! Tôi sẽ đứng đây gác cho lão mang đi...

« Lão Viễn-Toa nhìn tròng-trọc võ-sĩ trong một vài giây đồng-hồ, rồi trút ra một giòng nước mắt; lão liền quỳ xuống gối võ-sĩ mà kêu-van một cách thiết-vọng rằng:

— Xin ông hãy còn lấy một chút tình nhân-loại! Ông hãy thương-hại đến cha con tôi một tý. Không phải tôi đâu! Ấy là con tôi, là con An-gĩ-la tôi, là đứa con yêu-quý vô-tội của tôi mà ông làm nên khốn-khổ đó. Vậy, ông thương lấy nó, ông ra ơn thương nó mà cho riêng nó vay một phần hai mươi cái món tiền ông đã được của tôi đó thôi. Tôi chắc lắm, tôi chắc thế nào ông nghe thấy tên nó cũng phải cảm-động... Ới, An-gĩ-la! con ơi!

« Rồi trong khi lão thổn-thức khóc chẳng ra hơi, lão cứ đọc đi, đọc lại mãi cái tên đáng yêu, đáng mến của con lão.

Võ-sĩ điềm-nhiên và lên mặt khinh-khỉnh nói:

— Lão cứ giở lắm trò mãi làm cho tôi khó chịu cả người đây..!

Nhưng đang khi ấy, cửa mở toang ra, một người con gái mặc áo ngủ, đầu tóc xễ-xõa, mặt-mũi xanh-xao, chạy sổ ra ôm lấy ông lão, nâng lão dậy, ôm chặt lão vào hai tay, rồi kêu rằng:

— Cha ôi! Cha ôi! Con nghe hết rồi, con biết hết rồi, cha ạ. Cha thua bạc hết rồi ư? Nhưng cha chẳng hãy còn con gái An-gĩ-la của cha đây ư? Con há không thể làm-lụng mà phụng-giưỡng được cha ư? Ới cha ơi! Cha chẳng đáng tự hạ mình ở trước mặt cái con người kiêu-ngạo này nữa! Cha con ta không nghèo-kiết mà cũng không khốn-nạn đâu! Chính hắn, hắn tuy sống ở giữa sự sung-túc, nhưng sống một cách cô-độc; chắc ở trên đời này không có một cái tấm lòng nào ở cạnh hắn ta, để hắn ta khi đã chán-nản sự đời rồi, có chỗ mà chút sầu sẻ thảm sang đâu! Cha ơi! Lại đây với con! Cha con ta bỏ ngay cái nhà này đi, chớ để cho hắn hưởng lâu cái sự khốn-khó của cha nữa!

« Lão Viẽn-Toa ngã xuống một cái ghế, bất tỉnh nhân-sự. An-gĩ-la quỳ xuống bên cạnh, cầm lấy tay cha, hôn-hít vuốt-ve mãi, rồi kể ra những tài-hoa, những kiến-thức của nàng có thể đem ra phụng-giưỡng cha nàng được. Nàng lại xin cha nàng chớ có quá sầu như thế cho tổn tinh-thần, vì rằng hễ nàng được khâu-vá, được hát-sướng cho cha nghe, nghĩa là được khoe hết cái tài-năng cho cha biết thì nàng lấy làm sung-sướng thôi.

« Trông thấy An-gĩ-la đẹp-đẽ nhường ấy, đang khuyên-giải cha già bằng cái tấm lòng vàng ngọc như thế, bằng cái chữ hiếu đáng yêu, đáng phục như thế mà lại làm lờ đi được thì chẳng hóa ra phạm một tội đại ác lắm ư?!

« Võ-sĩ cũng thấy nôn-nao cả người và hối-hận vô-cùng. Võ-sĩ coi An-gĩ-la như một vị thần-tiên hiện ra để trừ hết những sự điên-cuồng dồ dại cùng những việc đê-tiện xấu-xa của mình đi... Võ-sĩ thấy trong mình có một ngọn lửa mới, nó chuyển vận cả tâm-thần võ-sĩ đi vậy. Xưa nay võ-sĩ không biết yêu là gì, võ-sĩ chưa yêu ai cả. Lúc võ-sĩ nom thấy An-gĩ-la ấy là lúc sinh ra cho võ-sĩ một cái nguồn bối-dối vô hi-vọng, là vì rằng võ-sĩ đã sử nhẫn-tâm như thế ở trước mặt nàng, thì còn mong chi khiến cho nàng cảm-động được nữa! Võ-sĩ muốn nói, nhưng nói không ra hơi, tiếng võ-sĩ tắt hẳn đi, sau võ-sĩ cố sức mãi mới nói được rằng:

— Lão Viễn-Toa ơi!.. Lão nghe tôi nhé!... Thôi, tôi không được gì của lão nữa đâu! Đây, cái tủ bạc của tôi đây này, tôi xin trả lại lão. Nhưng thế này chưa phải là đã hết đâu!... Tôi còn sẽ là người cấp tiền cho lão nữa kia! Đấy, lão hãy lấy tạm lấy.

Viễn-Toa kêu rằng:

— Chao ôi! Con!

« Nhưng An-gĩ-la đứng dậy, tiến lại gần võ-sĩ, nhìn võ-sĩ một cách cao-kỳ, rồi vững-vàng bảo võ-sĩ rằng:

— Võ-sĩ! Ông phải biết rằng còn có sự quý giá hơn tiền-bạc kia! Cái qúy-giá ấy là những cái tính-tình mầu-nhiệm nó khuyên-nhủ bố con ta mà ông chưa từng bao giờ có đó. Ấy cũng vì những cái ấy nó khiến chúng ta không thèm nhận những của ông cho ta vậy. Thôi, ông giữ lấy cái kho-vàng bất-lương ấy để cho sự nguyền-rủa độc-ác nó theo-đuổi ông đến kỳ-cùng, hỡi ông đánh bạc vô lương-tâm kia ạ!

« Võ-sĩ nói:

— Phải, tôi được mắng chửi như vậy cũng là đáng lắm, tôi mong được thế lắm. Tôi xin thề rằng hễ cái bàn tay này còn mó đến một con bài nào nữa thì tôi xin xuống mãi dưới cùng-tít âm-ty, mà nếu cô khinh tôi đuổi tôi xa cô đi, thì tôi chết mất, cô An-gĩ-la ạ. Ôi! Chắc cô không hiểu tôi đâu! chắc cô cho tôi là thằng vô cảm-tình; nhưng tới khi tôi lại bắt vỡ óc tôi ở gót chân cô thì cô mới biết rõ tôi! Cô An-gĩ-la ơi! Tùy ý cô định sống, chết cho tôi đó! Thôi, từ-giã cô!

« Võ-sĩ nói hết mấy lời ấy, đi ra mất. Lão Viễn-Toa biết hết cả sự-tình của võ-sĩ như đi guốc vào trong óc vậy. Lão kinh-nghiệm hết những sự đó, và lão nói với con rằng, trong những nghịch-cảnh như thế, thường mình phải tự bắt-buộc mà nhận cái của tặng của võ-sĩ. An-gĩ-la rên-rĩ lên mà nhận ý cha. Nàng yên-trí rằng từ bấy giờ trở đi, nàng chỉ thấy võ-sĩ mà khinh thôi. Thế nhưng mà phàm việc gì đã nghĩ rằng không thể nào được, phàm việc gì đã nghĩ rằng không bao giờ lại thế được thì thường lại vì cái ý-định của sự tình-cờ mà đã thu-sếp sẵn-sàng lẫn-lộn cả ở trong tâm-khảm người ta rồi.