Bước tới nội dung

Cuốn sách Nho giáo gợi ý cho chúng tôi

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Cuốn sách Nho giáo gợi ý cho chúng tôi  (1930) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 56 (12.6.1930)

Nó bảo rằng "người Việt Nam phải viết quốc ngữ cho đúng, dùng danh từ cho đúng"

Trong tập báo Phụ nữ nầy, từ năm ngoái, chúng tôi có mấy bài cổ động viết chữ quốc ngữ và dùng các danh từ cho đúng. Chính tôi, người viết bài nầy, đã viết mấy bài nói về Chữ quốc ngữ ở Nam kỳ và Đính chánh những danh từ mà người ta hay dùng sai.

Lẽ đáng chúng tôi tiếp tục luôn sự cổ động ấy mới phải, nửa chừng chúng tôi lại bỏ dở. Ấy chỉ vì trong khi chúng tôi cổ động, vẫn có nhiều người thức giả hưởng ứng mà cũng còn có nhiều kẻ nói ngang như ghẹ để phản đối lại chúng tôi. Sự phản đối ấy thật chẳng đủ làm cho chúng tôi núng lẽ, nhưng có hơi làm cho chúng tôi ngã lòng, vì nghĩ rằng trong lúc còn chưa đủ trí khôn để hiểu một việc phải, thì mình có hô hào xướng xuất mấy cũng vô ích.

Song le, chúng tôi tạm đình sự cổ động ấy đi một độ, chớ chẳng phải là dứt hẳn. Một sự rất cần thiết cho sự sống của người Việt Nam như vậy, thế nào chúng tôi cũng phải dùng hết sức mà tuyên truyền cho đến ngày thấy hiệu quả.

Mới rồi có một điều khích thích chúng tôi, bắt phải làm nốt cái công việc bỏ dở kia, ấy là sau khi chúng tôi được đọc cuốn Nho giáo của ông Trần Trọng Kim.

Về cuốn sách nầy, trong một số trước, chúng tôi đã có bài phê bình rất cẩn thận. Đây chúng tôi không phê bình một lần nữa, song chỉ nói về cái văn chương của cuốn sách ấy nó đã gợi ý cho chúng tôi viết bài nầy.

Cái văn của sách Nho giáo thiệt là sạch sẽ, đúng đắn mà lại dễ dàng. Cái cách đặt câu gọn gàng và rõ rệt, dùng toàn những lời thường dùng mà đủ nói ra được những cái lẽ cao thâm huyền diệu. Thật Trần Trọng Kim tiên sanh xuất bản cuốn sách nầy, chẳng những làm bổ ích cho học thuật nước ta, mà cũng như phân chứng cho thiên hạ biết rằng tiếng Việt Nam, là thứ tiếng mà người ta chưa chịu công nhận là hoàn toàn kia, cũng có thể dùng mà viết một bộ sách lớn để cắt nghĩa về triết học.

Trong bài phê bình trước, chúng tôi có nói rằng Trần quân đã dùng thức lực và lắm công phu nghiên cứu mới soạn ra được sách Nho giáo nầy. Ấy là chúng tôi chỉ mới nói về phương diện triết lý của cuốn sách ấy, chớ chưa nói đến phương diện văn tự. Nay nói đến phương diện văn tự của sách ấy như mấy lời vừa nói trên kia, làm cho chúng tôi càng thấy sự viết quốc ngữ đúng và dùng danh từ đúng, thiệt là sự rất cần.

Sách Nho giáo nhờ thức lực và công phu nghiên cứu của tác giả mà được soạn ra, lẽ đó vẫn đành rồi ; mà lại cũng còn nhờ sự viết quốc ngữ đúng và dùng danh từ đúng nữa, nếu về phương diện nầy mà kém, thì thật cuốn sách cũng không thành ra cuốn sách.

Những người phản đối sự cổ động của chúng tôi, trong tay họ chỉ cầm có một cái lẽ rất mong manh và yếu đuối, ấy là họ nói : Viết thế nào hiểu được thì thôi. Song họ quên lửng đi rằng viết mà không đúng, thì làm sao cho người ta hiểu được ? Văn viết ra là cốt để phô bày ý tứ mình cho kẻ khác hiểu, mà nếu không hiểu thì viết ra làm chi ? Phô bày cái ý tứ tầm thường mà nếu còn không hiểu thay thì mong gì đến sự giải cho người ta nghe những lẽ cao thâm huyền diệu ?

Ví dụ : Hai chữ “triết lý”, nghĩa là cái lý thuộc về triết học, mà nếu theo như nhiều người Bắc kỳ hay lẫn lộn ch với tr, viết thành ra “chiết lý”, thì nghĩa nó là “bẻ lẽ”, dùng lý lẽ mà bẻ bác nhau ; vậy có phải bởi mình viết không đúng mà làm cho người ta hiểu nghĩa nầy ra nghĩa khác không ? Hết thảy trên trái đất nầy, bất kỳ thứ chữ nào, nếu dùng nó để phô bày ý tứ mà lại có thể làm cho lộn nghĩa nầy ra nghĩa khác, thì thứ chữ ấy không thành lập được ; nó sẽ không dùng được để viết một cái khế vay, chớ đừng nói dùng để mà viết sách triết học.

Người Nam kỳ mình thấy người Bắc viết sai thì biết cười. Cách mười năm trước, hồi ông Phạm Quỳnh vào Nam về, có viết bài “Một tháng ở Nam kỳ” đăng ở tạp chí Nam phong. Trong bài ấy, có một chỗ, Phạm quân viết lầm chữ “chòi” ra chữ “tròi”, thì ở Nam kỳ có ông đọc mà cười ngất nga ngất nghẻo ; ông ấy có nói vào tai tôi rằng : Trong tiếng An Nam, chẳng có “cái tròi” là cái gì ! Song đến khi người Nam kỳ chính mình viết sai, chữ “ngang” ra chữ “ngan” chữ “bát” ra chữ “bác” thì lại nói rằng viết thế nào hiểu thì thôi, chẳng lấy làm quan hệ chút nào hết, như vậy là nghĩa làm sao ?

Tôi nói rằng : Nếu người Nam đã buộc người Bắc phải viết “triết lý” viết “chòi” đặng cho mình hiểu được, thì chính mình người Nam cũng phải viết chữ “bán” chữ “bác” theo nghĩa của nó, đặng cho người Bắc hiểu.

Chúng tôi nói vậy, chẳng phải công kích riêng về sự viết sai của người Nam kỳ ; nhưng chúng tôi công kích chung hết thảy, người Bắc, người Trung, người Nam, mỗi nơi đều có sai lầm theo thói quen riêng của mình ; chúng tôi hết sức công kích mà khuyên người ta phải viết cho đúng. Đúng gì ? Đúng tiếng Việt Nam, đúng tiếng mẹ đẻ, đúng với tự vị Trương Vĩnh Ký và Paulus Của.

Ấy là mới nói về sự viết quốc ngữ cho đúng, chớ chưa nói đến sự dùng danh từ cho đúng.

Sự dùng danh từ cho đúng, lại còn quan hệ lắm nữa, quan hệ cũng chẳng kém gì sự viết đúng nói trên kia.

Theo luận lý học (logique), khi người ta suy nghĩ một sự vật gì trong lòng hoặc trong óc mình rồi phán đoán nó là gì, thì cái đó gọi là “khái niệm” (concept) ; đoạn dùng ngôn ngữ mà phát biểu cái khái niệm ấy ra, thì gọi là “từ” hay là “danh từ” (terme). Danh từ và khái niệm chỉ là một vật, có điều khi nó còn ở trong lòng thì kêu bằng khái niệm, đến khi phát ra bằng tiếng nói thì gọi là danh từ. Hễ danh từ mà dùng sai, tức là mình nghĩ sai, tức là cái khái niệm của mình không đúng. Nghĩ không đúng và nói ra không đúng, là sự nguy hiểm lắm, theo như lời Khổng Tử mà tôi đã dẫn ra trong một bài trước kia : “Danh chẳng chánh thì nói ra chẳng thuận ; nói ra chẳng thuận thì việc làm chẳng nên ; việc làm chẳng nên thì lễ nhạc chẳng dấy ; lễ nhạc chẳng dấy thì hình phạt chẳng nhằm ; hình phạt chẳng nhằm thì dân không chỗ đặt tay chơn.”

Trong bài phê bình sách Nho giáo, tôi có chỉ ra mấy cái danh từ mà tác giả dùng sai. Như dùng chữ “lương tri” mà cho rằng tức là “lý trí”, dùng chữ “quân quyền” thay vì chữ “chủ quyền”. Do sự dùng sai ấy mà thành ra kết luận thiên lệch đi, như tôi đã chỉ ra đó. Độc giả coi đó thì đủ thấy sự dùng danh từ nó quan hệ là dường nào.

Những danh từ mới mà ta dịch của ngoại quốc thì lại càng khó cho đúng lắm. Tuy vậy, ta mong dịch vừa cọ bia[1] cũng còn hơn là sai đến ngàn dặm. Đây tôi cử ra lấy vài chữ. Như sự lấy photo, ta nên kêu bằng “chụp bóng” thì nó đúng hơn là kêu bằng “chụp hình” ; vì trong khi làm sự ấy, người thợ chỉ chụp lấy cái bóng của ta mà thôi, chớ đâu có chụp lấy cái hình của ta được ? Lại cinéma, ta nên kêu bằng “chiếu bóng” thì đúng hơn là kêu bằng “hát bóng” ; vì trong khi làm sự ấy, họ chỉ chiếu cái bóng ra cho ta coi mà thôi, chớ nào có hề hát xướng gì đâu ? Vậy mà người Nam kỳ ta cứ quen kêu là chụp hình, là hát bóng, thì thiệt là sai lầm quá, tỏ ra rằng cái khái niệm của người ta không được chơn chánh và đích xác. Giả sử có đứa con nít nào con của một ông thông thái đất nầy, mà là đứa tọc mạch hay hỏi, nó nài xin ông già nó cắt nghĩa chữ “chụp hình” và chữ “hát bóng” cho nó nghe, thì tôi chẳng biết ông ấy sẽ trả lời cho nó thế nào ! Tôi chẳng biết ông ấy sẽ lúng túng đến bực nào !

Đừng có khinh thường mà nói những điều như vậy là vụn vặt không quan hệ. Hễ kêu không đúng tên, thì chẳng ai thèm lên tiếng hết, chẳng ai thèm chạy lại hết. Muốn theo phương pháp khoa học mà tìm cho thấy chơn lý thì đối với mọi sự vật, cần phải kêu đúng tên nó, hầu cho cái chơn lý của nó lên tiếng và chạy lại cùng mình.

Cái nguyện vọng to tát của chúng tôi là mong lập cho nước ta một nền học thuật bằng chữ quốc ngữ. Chúng tôi nhìn nhận rằng sự học vấn mà sở dĩ tấn bộ được một là nhờ ở văn tự cho phân minh, hai là nhờ ở luận lý học cho phát đạt. Luận lý học ví chẳng khác cái chìa khóa dùng để mở các cái tủ khoa học. Mà cái bước thứ nhứt của luận lý học lại ở sự viết mặt chữ cho đúng, dùng danh từ cho đúng ; nên chúng tôi mới bắt đầu có sự cổ động nầy.

Chúng tôi làm sự cổ động nầy chẳng phải là vô ý thức, mà cũng chẳng phải là do cái kiến giải tầm thường đâu. Cái chương trình của chúng tôi đại lược như vầy : Ban đầu hết, chúng tôi ép nài người Việt Nam viết chữ mình cho đúng, dùng danh từ cho đúng ; rồi kế đó, chúng tôi dùng tiếng Việt Nam mà viết sách luận lý học để truyền bá cái học nầy cho mọi người, ngõ hầu ai nấy có cái tinh thần khoa học trong óc, chẳng còn có kẻ nói ngang nói bướng như ngày nay ; khi bấy giờ, cái nền đã vững chãi rồi, tự nhiên cái nhà học thuật Việt Nam sẽ thành lập trên cái nền ấy.

PHAN KHÔI

   




Chú thích

  1. Cọ bia : gần đúng, gần trúng (theo H.T. Paulus Của)