Cuốn sách mỗi tuần

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Cuốn sách mỗi tuần  (1936) 
của Phan Khôi

Các bài đăng trong mục "Cuốn sách mỗi tuần" trên Sông Hương, Huế, số 13 (25 Octobre 1936), trang 3; số 14 (31 Octobre 1936), trang 2.

GIỌC ĐƯỜNG GIÓ BỤI

Bản báo từ nay mở ra mục nầy để mỗi tuần lễ giới thiệu cho bạn đọc một cuốn sách đáng đọc. Hẳn ai cũng biết rằng trong đống sách quốc văn, sách hay còn hiếm lắm; mỗi tuần lễ chọn ra một cuốn, mà một cuốn cho xứng đáng một cuốn, là sự không phải dễ. Vậy trong sự tuyển trạch ấy sau nầy nếu có chỗ miễn cưỡng, cũng xin bạn đọc lượng thứ cho. – L.T.S.

Bắt đầu chúng tôi xin trình cuốn Giọc đường gió bụi của Khái Hưng, trong Tự Lực văn đoàn, do nhà xuất bản Đời nay ở Hà Nội ấn hành, sách dày 244 trang, giá 0$70.

Giọc đường gió bụi là một tập truyện ngắn gồm có 18 truyện, cuốn sách mang cái tên của truyện đứng đầu.

Ông Khái Hưng từ khi ra quyển Hồn bướm mơ tiên, người ta đã công nhận ông là một nhà tiểu thuyết không hổ với cái tên ấy. Vậy những sách nào ra mà ngoài bìa để cái tên tác giả Khái Hưng, chúng ta có thể tin là sách đọc được. Nói thế để chúng tôi khỏi phải giới thiệu cái văn tài của ông Khái Hưng với bà con.

Tuy vậy, khi giới thiệu với các ngài cuốn Giọc đường gió bụi nầy, chúng tôi chẳng những đem đức tin để trong cái tên Khái Hưng mà cũng đã lội qua nó một bận. Thấy nó xứng đáng với đồng tiền của các ngài bỏ ra nên chúng tôi mới dám mời. Ấy là vì người đọc sách chứ không phải vì người bán sách.

Đây không phải phê bình cuốn sách cho nên chúng tôi không thể chỉ ra cách kết cấu, cái nghệ thuật của tác giả hay là đánh giá từng truyện một của cả 18 truyện ấy. Chúng tôi chỉ cần làm như người dẫn lộ cho bà con đi xem một thắng cảnh, bảo trước cho biết trong thắng cảnh ấy có những gì.

Điều thứ nhất chúng tôi thấy ở ông Khái Hưng, là ông ấy đã vào sâu trong các cấp xã hội Việt Nam mà nhất là xã hội Bắc Kỳ. Vào sâu trong đó rồi ông trở ra thuật chuyện cho chúng ta nghe, chúng ta khỏi phải vào nữa mà cũng thú như chính chúng ta đã vào vậy. Khi chúng tôi đọc cái truyện đầu hết thì chúng tôi thấy như thế.

Ông Khái Hưng cũng vào sâu trong cái xã hội loài người, ông ấy đã biết hạnh phúc loài người ở đâu. Đó là cái cảm tưởng khi chúng tôi đọc Tiếng dương cầm, truyện thứ hai.

Tuy không phải mỗi truyện đều hay cả, đều có giá trị như nhau cả, nhưng điều chúng tôi thấy chắc là mỗi truyện đều có ý nghĩa riêng của nó, rất hợp với cái thể tài truyện ngắn.

Văn ông Khái Hưng đến cuốn này thì sạch sẽ và gọn gàng lắm. Tự sự và tả cảnh là hai cái sở trường của ông thì bây giờ hình như lại sở trường thêm. Bạn trẻ muốn học viết văn thì đọc cuốn nầy cũng có ích về phương diện ấy cho mình.

Phải chi chúng tôi không tìm ra những chữ xơi cơm mà viết sơi cơm, vại sành mà viết vại xành thì chúng tôi còn khen cuốn sách nầy về quốc ngữ cũng rất đúng nữa.

T. V.[1]

NHÂN ĐẠO QUYỀN HÀNH

Hôm nay, chúng tôi hiến cho bạn đọc cuốn này, một cuốn có thể gọi là sách triết học ở xứ ta, của ông cử nhân Hồ Phi Huyền tức Phi Thống soạn, xuất bản tại nhà in Vương Đình Châu, Vinh, dày hơn 70 trang, giá 0$40.

Có thể gọi là sách triết học, vì cuốn Nhân đạo quyền hành có phô bày những triết lý để cắt nghĩa hai chữ "nhân đạo" và lắp cho nó một cái tiêu chuẩn theo sở kiến của tác giả. Cả cuốn sách từ đầu đến cuối đuổi theo một vấn đề, một lập luận có thứ tự, như đi từng bước một cho đến chỗ mà tác giả nhận là cái mục đích tối hậu.

Sách như thế mới gọi là một cuốn sách. Bởi nó thuộc về vấn đề triết học nên có thể gọi là một cuốn sách triết học.

Nhưng đó chúng tôi chỉ mới nói về tính chất của cuốn sách, tức là các phương pháp làm sách của tác giả. Chứ còn về cái lý thuyết ở trong thì chúng tôi chưa tiện phê bình.

Muốn phê bình cuốn Nhân đạo quyền hành, ít nhất phải viết một cuốn bằng nó. Sự ấy đành chúng tôi không làm được, xin chỉ nói sơ qua một vài lời về nội dung của cuốn sách ấy.

Tác giả là một thâm nho, những triết lý trong sách này đều dựa theo Nho giáo cả. Cho nên người đọc sách này chắc được sự ích là nhân đó mà biết được một ít triết lý của đạo Nho.

Đến như những nơi tác giả dẫn các thuyết triết học của bên Tây vào thì nó thô thiển và sơ lược quá, đôi khi lại khiên cưỡng nữa, những nơi ấy e không có giá trị.

Tuy vậy, cuốn Nhân đạo quyền hành phải đọc nó mới được. Chúng tôi không hề mách cho bạn rằng trong sách ông Hồ Phi Huyền có chứa đầy chân lý, chúng tôi chỉ khuyên các bạn đọc nó đã cho biết hiện ngày nay đây, người Việt Nam ta, về con đường triết học, đã đi đến một trình độ nào, thế thôi.

T. V.

   




Chú thích

  1. Bài này chắc chắn là do Phan Khôi viết; bút danh T.V. ông đã từng dùng từ những năm 1928 khi viết cho Đông Pháp thời báo; cũng có thể đây là cái tên Tú Vườn ông dùng viết về chuyện đi học đi thi chữ Hán trên Sông Hương năm 1937.