Bước tới nội dung

Cuộc diễn thuyết hổi về dân quyền

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Cuộc diễn thuyết hổi[1] về dân quyền  (1928) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, số 803 (8.12.1928)

Đã là dân quyền mà sao lại không được diễn thuyết?

Mới mấy ngày trước đây, thấy Đuốc Nhà Nam đăng tin rằng đến tối ngày 5-12 tới đây, lúc 9 giờ đúng, ông Lê Minh Điểu sẽ diễn thuyết tại nhà hàng Casino ở chỗ góc đường Bonnard và Pellerin đấu nhau, về vấn đề nhân quyền và dân quyền.

Rồi đó kế thấy có những truyền đơn in thật đẹp rải khắp thành phố cũng nói như vậy.

Ông Lê Minh Điểu là người có tiếng ở đất này cũng như các ông khác, ai lại chẳng biết. Cái lý lịch ông ngày trước không kể; còn mới hồi Khải Định mạt niên đây, ông là Phán sự tòa Khâm sứ, là Nội vụ phủ Lang trung, cận thần của Tiên đế; và rốt lại, ông là chủ đồn điền.

Hiện bây giờ thì ông làm đại lý cho hội nhân quyền bên Pháp đóng chi hội tại Huế. Cái nhân quyền hay cái dân quyền ở xứ Huế mà sống làm sao được? Phen nầy ông quyết về Sài Gòn cổ động chủ nghĩa của hội mình, cho nên có cuộc diễn thuyết hôm nay.

Bởi cái danh tiếng ông, cái chức hàm ông như vậy mà lại diễn thuyết về nhân quyền và dân quyền thì ai lại chẳng thích nghe? Cho nên khi thấy báo nói và truyền đơn rải ra thì ai nấy rộn rực, nô nức, mong cho đến ngày, sẽ ăn cơm sớm mà đi nghe kẻo uổng.

Quả nhiên đến tối thứ tư ngày 4, trước cửa Casino đặc những người là người. Nói rằng đông bằng đám rước cụ Bùi năm trước thì khí hàm hồ, chớ cũng được số ba bốn trăm người là ít.

Tuy đông mà không ồn. Ai nấy vòng tay cúi đầu đứng chờ cho đến giờ.

Đến giờ. Không thấy diễn giả ở đâu, mà thính giả cũng không được vào cửa Casino. Anh ở đâu? Tôi ở đây! Té ra là cùng nhau giang mãi ngoài trời.

Thình lình thấy trong đám đông có một cái xe kéo rẽ đường mà lòi ra. Trên ngồi một vị thiếu niên, hô lên rằng: "Xin anh em hãy bằng lòng ra về, vì chánh phủ không cho diễn thuyết".

Nói tầm bậy! Lẽ nào? Đợi chút coi...!

Đợi... Đợi... Chín giờ 15, chín giờ 20!

Nói chơi mà thật. Quả nhiên có mươi, mười lăm viên cảnh sát vừa Tây và Nam cầm roi đến đuổi. Đi về đi! Đi về ngủ, khuya rồi, đứng chi đây?

Bấy giờ quần chúng quốc dân Việt Nam tan lần lần ra, mỗi nơi một khúm.

Bốn cái bánh cao su trên đường sơn hắn ín êm như ru, ấy là hai cái xe kéo song song đến. Một, người đàn ông ngồi, một, người đàn bà. Người đàn ông đó tức là diễn giả. Diễn giả tức là Lê Minh Điểu tiên sanh.

– Cảm ơn đồng bào có lòng hạ cố đến nghe bỉ nhân; song tiếc thay! hôm nay tôi không nói được!

– Tiên sanh không nói được hay là không được nói?

– Ấy cũng vì không được nói cho nên không nói được.

– Chánh phủ cấm hay sao?

Bứt ngang câu hỏi, cái roi cọ hơi hơi vào bốn cái cẳng hai anh cu li xe, biểu đi đi, không có phép đậu xe giữa đường.

Hai xe trong cõi hồng trần như bay.

Còn coi cái gì đây nữa? Đi về mà! Nói cho biết nghe!

Ừ được! Dễ biểu đa!

Về hết. Trước cửa Casino một mớ người đi xem chiếu bóng.

Có người số đi nghe diễn thuyết mà không được nghe, nay trở vào coi chiếu bóng.

Chính là người bị đuổi lúc nãy, bây giờ đi đường đường vào Casino, đi đến đâu sát rạt đến đó, chẳng ai dám ngăn trở chi hết. Mua giấy[2], trực chỉ vô, ngồi lô thì ngồi, ngồi hạng nhứt thì ngồi, ta có tiền đây, ai cấm ta?

Ấy là nhân quyền, ấy là dân quyền, còn đòi chi nữa?

Cuộc diễn thuyết hóa ra cuộc xi-nê-ma! Ừ mà diễn thuyết thì lại khác chi xi-nê-ma?

Kh.

   




Chú thích

  1. Hổi: bị hoãn (theo Từ điển phương ngữ Nam Bộ)
  2. Mua giấy: mua vé