Bước tới nội dung

Dân với quan

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Dân với quan[1]  (1930) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Trung lập, Sài Gòn, số 6235 (1.9.1930)

Đối với quan, dân Nam kỳ lại còn sợ hơn dân Trung Kỳ

Trung lập trong một số mới rồi, chúng tôi có nói rằng muốn trừ cái hại ăn hối lộ giữa quan trường thì trước phải làm cho dân đừng sợ quan mới được. Cái lẽ tại làm sao, chúng tôi có cắt nghĩa rõ trong bài ấy. Đại ý chúng tôi bảo dân nên kính quan là đủ chớ không nên sợ quan ; hễ dân sợ quan, ấy là quan cậy lấy chỗ đó mà ăn tiền của dân.

Vậy mà chúng tôi xét xem trong cả xứ Nam kỳ nầy, dân lại sợ quan quá lắm, còn hơn dân Trung kỳ sợ quan nữa. Sự đó là quả thiệt, chẳng phải chúng tôi nói thêm nói thừa chi.

Lấy lẽ ra mà nói thì dân Nam kỳ thuộc dưới chánh thể dân chủ nước Pháp, còn dân Trung kỳ thuộc dưới chánh thể chuyên chế triều đình An Nam ; dân Nam kỳ ở dưới cái chế độ phân quyền, dân Trung kỳ không có ở dưới cái chế độ ấy, thì dân Nam kỳ ít sợ quan hơn mới phải. Song xét về mặt thiệt sự thì lại không phải vậy, ấy là điều chúng tôi đã lấy làm lạ mà từng ra công nghiên cứu.

Một lần chúng tôi đi chơi miệt Lục tỉnh, theo chưn một ông chủ quận về viếng một làng nhà quê trong thuộc hạt của ông. Sau khi ông chủ quận tới nhà việc rồi, chức việc cả làng lớn nhỏ kéo nhau đem lễ ra mừng và lạy lúc ngúc coi thiệt tội nghiệp quá. Có mặt chúng tôi ở đó, hình như quan chủ quận lấy thế làm khó coi, nên biểu họ đừng lạy nữa, song họ cũng cứ việc lạy không thôi. Sau lúc đó quan chủ quận hỏi han mấy điều, thì trong hương chức người nầy nạnh người kia, tỏ ra là sợ quá, không dám đứng trước mặt quan mà đối đáp.

Lại một lần nữa tại làng kia, sát bên quận Hốc Môn, chúng tôi thấy một viên cai tổng đối đãi với hương chức dân sự làng ấy mà phải dửng dưng[2]. Số là có 13 tên dân làng đứng đơn kiện hương chức tại quan chủ tỉnh. Quan chủ tỉnh phú về cho quận sai cai tổng đi làm ăng kết[3]. Hôm ấy, trước mặt cai tổng, 13 tên dân đã chính tay mình thò điểm chỉ mà kiện hương chức đó thì hết bốn tên chối lứt rằng không có kiện. Thầy cai hỏi tại sao không kiện lại ký đơn ? Bốn tên dân ấy thưa rằng kiện thì muốn kiện, song le sợ hương cả và hương chủ lấy đất lại không cho làm nữa. Đó rồi thầy cai kêu hương chủ hương cả mà quở um sùm, thậm chí tự xưng là “tao” mà kêu họ bằng “mầy”. Chúng tôi lại có ý nhìn ra rằng trong lúc đó có một mình cai tổng ngồi trên ván, còn kỳ dư hương chức đều đứng cả, vòng tay mà đối đáp, rất là lễ phép.

Việc vừa nói trên đây xảy ra trong mùa thu năm 1926, bấy giờ có một viên phóng sự báo kia ở Sài Gòn chứng kiến việc ấy, chẳng phải chúng tôi nói thêm.

Ở Trung kỳ, chúng tôi cũng có quan sát kỹ lắm, dân sợ quan, vẫn sợ, song không có đâu mà sợ quá như vậy. Cái thói lạy, nhà nước đã cấm rồi, mà dân Trung kỳ cũng vẫn còn lạy quan. Tuy vậy, họ chỉ lạy trong khi tới nha môn một lần đầu mà thôi, và đi năm bảy người cũng chỉ lạy một vài người ; chớ còn kéo cả tua mà lạy quan trong khi quan tới làng thì thiệt là chưa hề thấy.

Đến như hương chức đối với cai tổng thì không có đâu phân biệt quá như ở Nam kỳ. Ở Trung kỳ, cai tổng lại có khi kiêng nể hương chức nữa, bởi vì cai tổng mà làm phách thì các làng họ rủ nhau họ kiện mà khốn. Ở ngoải, chúng tôi thấy làng kiện tổng mà tổng phải thú[4] làng luôn luôn.

Chúng tôi thấy nhiều cái hiện trạng giống như vậy rồi phải tin rằng dân Nam kỳ lại còn sợ quan hơn là dân Trung kỳ. Sau lại, chúng tôi truy nguyên ra, thì biết cái “sợ” ấy là do sự di truyền trên lịch sử.

Ở Nam kỳ khi còn thuộc về triều đình An Nam, là xứ biên bỉ[5] xa vua. Hồi đó, như ông Lê Văn Duyệt làm tổng trấn Nam kỳ, thì thiên hạ coi như ông vua vậy. Bởi vậy sau khi ông chết, cái mả ổng, người ta mới kêu bằng “lăng”. Ở Trung kỳ có vậy đâu. Quan lớn mấy mặc lòng, “mả” mà kêu “lăng”, ấy là tiếm, vì chỉ có mả vua mới kêu “lăng” mà thôi.

Bởi cái cớ xa vua đó nên dân Nam kỳ ngày xưa sợ quan quá thể. Ngày xưa ở Trung kỳ, dân có bị quan ức hiếp thì còn có phép “quì giá ngự”, nghĩa là đội đơn đi kiện với vua ; chớ còn ở Nam kỳ, vua có đời nào giá ngự đến trong nầy mà dân hòng quỳ đặng ? Cho nên khi nào bị ức hiếp quá thì họ nổi giặc, tức như giặc Ngụy Khôi nổi lên giết một vị tham quan là ông Bạch Xuân Nguyên hồi trào Minh Mạng, ngoài cách ấy ra, không còn kêu rêu với ai cả. Song le, đến sự nổi giặc thì đã quá lắm rồi !

Cái sợ quan của dân Nam kỳ từ một trăm năm trước di truyền lại đến bây giờ. Ngày nay dân Nam kỳ sợ quan, ngó như sự lạ, mà là sự thường, vì cái sợ của lịch sử để lại !

Duy có điều nầy là lạ. Từ ngày Nam kỳ thuộc về nước Pháp, cái chánh thể dân chủ cai trị trên đất nầy, lá cờ tam sắc, cái huy hiệu của tự do, bình đẳng, bác ái, bay phấp phới trên cửa nhà người dân xứ nầy, lẽ thì dân được thong thả hơn hồi xưa mới phải, cớ sao dân vẫn sợ quan như hồi trào Minh Mạng ?

(Bị kiểm duyệt bỏ)

Cái quyền cai trị ở tay nầy vào tay kia, cái chánh thể đương thế nầy xoay qua thế khác, mà chẳng dạy bảo cho nhân dân biết một chút chi về điều đó hết, thì họ mới ở đời làm sao ? Chúng tôi thấy cái chánh thể thì đổi mà cái óc nhân dân thì không đổi. Lấy cái óc cũ mà sống dưới cái chánh thể mới thì họ cũng chẳng có được hạnh phúc gì là bao nhiêu. Cho nên bây giờ muốn cho quan đừng ăn hối lộ thì phải đổi cái óc của dân đi, làm cho dân đừng sợ quan như hồi ở dưới quyền vua Minh Mạng kia mới được.

T.L.

   




Chú thích

  1. Bài này cũng như mấy bài sau đều ký tòa soạn Trung lập, nhưng vẫn thuộc các đề tài bút chiến với Đuốc nhà Nam, hẳn vẫn do Phan Khôi viết (chú của Lại Nguyên Ân)
  2. Dửng dưng hoặc dửng dừng dưng : trong hành văn của Phan Khôi mang nghĩa riêng ngạc nhiên, kinh ngạc
  3. Enquête: điều tra
  4. Thú : nghĩa như “chịu” (chịu đầu phục, chịu tội) (theo H.T.Paulus Của)
  5. Biên bỉ : chỗ giáp cõi, giáp ranh (theo H.T.Paulus Của)