Dưới hoa/XV

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Dưới hoa của Từ Chẩm Á, do Nhượng Tống dịch
XV. — Xa nhớ

XV — XA NHỚ

Dậm tử khi về, nhà huyên vẫn mạnh. Hạ tuần tháng năm, chàng mới bước chân xuống thuyền. Tới nhà hôm trước thì hôm sau Kiếm-Thanh cũng ở Mân-trung về. Anh em xa cách; bỗng chốc xum vầy. miệng chào tay bắt, nhìn xem mặt mũi ngày xưa; gối tựa giường kề, kể lể nỗi niềm đất khách. Cái vui ở đời, còn gì hơn là xa lâu mới gặp, lại còn gì hơn là xương thịt lìa tan, chân trời góc bể, mà hôm sau hôm trước, cùng về cả đôi! Kiếm-Thanh từ độ sang Mân-trung, xa cách cửa nhà, kể đã trải đông sang hạ, nhớ đến nước non quê cũ, xa vắng bấy lâu; nhằm vào ngày tháng trời hè, nghỉ ngơi đôi chút. Hai anh em cùng nhau xum họp, khi ngồi xe dong đường, lúc chèo thuyền hóng mát, hết đi lại đứng, từ gần đến xa. Có khi dấu cũ lân la, bia tàn mòn mỏi, bóng tà nhạt thưa. Có khi chùa cổ nằm nhờ, chuông hồi nghe kệ, đèn mờ xem kinh, có khi viếng khách trung trinh, sóng đào thét giận, non xanh ngậm sầu. Có khi thăm cảnh hoàng khâu, ngổn ngang gò đống, dãi dầu cỏ hoa. Có khi ghi vết chơi qua, vạch rêu mài đá, đề và bốn câu; có khi nhẹ bước lên lầu; mua say mấy chén giải sầu nghìn thu. Khi ngồi kề vế ngồi rù, khi nằm gác cẳng nằm co chung giường. Khi đi nhìn ngắm dọc đường, khi về truyện vãn đêm trường canh khuya. Phúc nhà trên dưới đề huề. Cảnh trời non nước đi về làm duyên. Cỏ hoa chào đón khách quen, tấm thân ngoài vật là tiên trên đời.

Ai ngờ tiệc vui dễ vãn, việc thế không thường, mười ngày chưa thỏa thú chơi, phút chốc đã ra thân ốm. Cái thân đa bệnh, của Mộng-hà, đất khách bơ vơ, ăn ở đã không gìn giữ; quê nhà dong duổi, đi về phải chịu bôn ba; huống chi nỗi riêng riêng những âm-thầm, cái đau ngầm khó nói ở trong lòng chàng không thể sẻ cho Kiếm-Thanh, mà cũng không thể ngỏ cho Kiếm-Thanh biết được. Căn bệnh đa sầu, hơi động đến là lại phát, chỉ trong mấy ngày mà chàng lại phải ôn lại cái sinh hoạt ấm chè siêu thuốc, không thể cùng Kiếm-Thanh cùng ngao du sơn-thủy được nữa rồi.

Khói thuốc đầy nhà, bóng cây rợt cửa, anh thấy chàng ốm, cũng không có lòng nào đi chơi xa nữa, suốt ngày ngồi cạnh chàng. Chàng ốm chuyến ấy, thế bệnh lên rất mau, khi nóng khi rét, bồ hôi ướt đầm; có lúc lại nằm thiếp đi không biết tý gì, hồn mộng lan man, nói mê lảm nhảm. Mẹ và anh đều lấy làm lo lắng, vội vàng mời thầy cắt thuốc, không dám bỏ liều. Kiếm-Thanh vốn biết thuốc, cũng đem ý kiến bàn góp với ông lang. Chữa trong hơn một tuần, bệnh mới hơi bớt, đâm ra chứng sốt rét. Người chàng đã tỉnh, song mỗi ngày một cơn sốt, mình gầy xương mỏi, ly bì lúc nào cũng buồn ngủ, không thích nói truyện với người nhà. Trong chỗ vô hình, nguyên khí chàng suy kém đã nhiều lần, muốn cho khỏi hẳn, còn phải điều dưỡng lâu công, trong hôm sớm có khỏe ngay sao được.

Kiếm-Thanh vốn tính hữu ái, từ khi chàng ốm, ngày ngày đóng cửa ngồi nhà; quanh quẩn đầu giường, chè nước thuốc thang đều tự tay sắp đặt. Mẹ già thương con, vì chàng ốm, lúc nào cũng canh cánh bên lòng. Kiếm-Thanh muốn cho khuây lòng mẹ, thường nói bệnh em sắp sửa khỏi rồi, kỳ thực thì lòng Kiếm-Thanh cũng bồn chồn chẳng khác gì lòng mẹ. Sớm hôm ngồi bên người ốm, khi rỗi việc thuốc thang, khi kề bàn xem sách để tiêu khiển. Nhân lục trong va ly chàng, bắt được một tập giấy, đọc qua bất giác phải kinh sợ rụng rời. Nguyên những thơ ca, những thư từ của chàng họa lại cùng đưa cho Lê-Nương, bản ráp đều xếp làm một tập; nhất là những giấy của nàng viết thì lại giữ gìn cẩn thận, gói ghém tinh tươm. Cái tung-tích trong năm, sáu tháng, đều chứa cả trong va-ly, tự nghĩ cất thế là kín rồi, cái then bí mật đó, chả ai rò biết được. Kiếm-Thanh trong lúc bất ngờ, biết được cái tin tức quái lạ ấy, trách nào chẳng phải kinh ngạc. Đọc kỹ xem thì nào thề non sông, nào nhời phong nguyệt, biết cậu em tất nhiên đã mắc phải lưới tình. Kế đọc đến mấy bức thư dài, thì bao nhiêu tâm sự đã rõ rành rành. Lại lục kỹ xem, thì nào thơ, nào tờ, nào tấm ảnh của Lê-nương đều lần lượt tìm ra, năm sắc mười mầu, nhìn hoa cả mắt. Đọc xong rồi vừa mừng vừa sợ, mới biết người con gái ấy sẵn lòng Đạo-Uẩn, chịu số Văn-quân, quen biết với cậu em, đã hơn hai tháng; tình ý tuy rằng nồng mặn, thư từ không chút lả lơi, sắc ấy tài này trong đời dễ mấy, kể thực cũng đáng khen đáng kính. Mộng-hà ôm giận Phàn xuyên, kém duyên Tư-mã, đầy lòng buồn bực, biết ngỏ cùng ai, có lẽ vì thế mà thành ốm chăng! Nghĩ thế rồi, lại càng không khỏi lo cho em. Kế đọc đến những thư cuối cùng của hai người, thấy Lê-nương xin đem duyên chị buộc vào cho em, lời chua xót mà ý ân cần, bất giác phải khấp khởi mừng thầm; tự nghĩ rằng: đem lại một đời hạnh phúc, bù cho trăm mối si-tình, việc này là việc hay, ta nên hết sức giúp vì, không để cho nó một mình một ý, rước não cưu hờn, mà đến nỗi, chịu suốt đời ở vậy? Bấy giờ bệnh chàng đã đỡ, song vẫn chưa rậy được. Lăn lóc một mình, buồn phiền trăm nỗi, cũng thích cùng anh trò truyện. Kiếm-Thanh nhân hỏi chàng rằng: « Em ở Dong-hồ, có gian díu với ai không? Sao coi em ra vẻ lo buồn lắm? Chàng vừa bẽn lẽn, vừa ấp úng mà đáp rằng: « Không » Rồi đó lại đánh lảng sang truyện khác ngay. Kiếm-Thanh mỉm cười mà rằng: « Thôi đừng bưng bịt giấu quanh! Người ta đã biết đến tận ruột rồi! Nếu không thì ở đâu ra tấm ảnh kia? Chàng nghe nói biết anh đã biết đến chuyện kia của mình, thì tức lắm. Song lại nghĩ: anh mình chứ ai đâu mà sợ! Chi bằng ta cứ thú thực, nhân đem việc giao thiệp với Lê-nương thuật cả lại với Kiếm-Thanh. Lúc nói, vừa nói vừa ra dáng tức bực cảm thương, sau đến nỗi phải xùi xụt khóc.

Giường bệnh chuyện tàn, gối thêu lệ đẫm, Kiếm-Thanh thấy em vừa nói vừa khóc cũng ra chiều ái ngại, nhân tìm nhời yên ủi rằng; Mộng tốt xưa nay thường chóng tỉnh, tình sâu chi lắm để riêng oan, Thiên-hạ có nhiều việc thương tâm, người đời vốn lắm phường thất ý, muôn đời nghìn kiếp, một chữ tình đã làm hại biết bao nhiêu anh hùng, hào-kiệt, công tử, vương tôn. Bể ái mông mênh, không thể cứ liều lĩnh đâm đầu xuống được. Nay em đem tấm thân yếu ớt mà đánh nhau với con ma tình rữ rội, phần thua đã nắm chắc trong tay. Huống hồ hoa lê bạc mạnh, đã dạn gió đông, cánh nhạn tan đàn, dễ tìm bể Bắc; nàng đã quyết lòng trần rũ sạch, câu thơ khác với tiếng đàn; em sao còn giấc mộng mê man, tuổi trẻ tìm vào đất chết. Chim ngàn cá nước, khéo mong những của trời ôi, cát lấp sóng vùi, đễ báo được ơn bể rộng. Ngẫm ra vô vị, kể cũng đáng thương. Không phải anh cứ cố tình gàn trở, tự hạ mình làm giống vô tình đâu. Thế nhưng thử xem thế gian biết bao nhiêu kẻ say mê đắm đuối về tình, đến khi kết quả chẳng ra gì, thường không khỏi đem lòng hối hận. Ba sinh giấc mộng vừa tan, bầy trò chỉ tổ thế gian chê cười, xẩy chân để giận muôn đời, ngảnh đầu lại đã ra người trăm năm; lợi hại rõ rành, hồ dễ coi thường cho được. Anh đây lòng lại hỏi lòng, học vấn tài hoa, cái gì cũng chịu thua em cả, duy có con đường tình ái, thì vẫn cầm lòng được đậu. Trong mấy năm nay, gặp không phải không nhiều con gái đẹp, thế nhưng mắt trông mà lòng không nhớ, trước gặp rồi sau lại quên. Như em ngày thường hay cảm, lòng vốn giầu tình, gặp gỡ không lâu mà đã khăng khít giải đồng, mê man hồn mộng. Nên biết rằng trèo non cao buông được tay ra, phải có sẵn lòng cương nghị; trông bể khổ quay ngay đầu lại, mới không thẹn kiếp thông minh.

Em ơi em! Hoa xuân rụng hết, than thở mà chi; mộng cũ tỉnh ra, ăn năn sao kịp, lúc này gỡ thoát được ngay, cũng chưa là muộn, em nên mau mau nghĩ lại kẻo mà... Huống chi cái kế của người ta tính cho em, cũng là tròn vẹn mọi đường; duyên trước để chờ kiếp khác, đang tay hãy dứt giải đồng, hoa kia đem chắp cành này, thay mặt xin tìm bạn ngọc, bụng thực tốt mà kế nghe cũng phải, em đừng có cắm sào đợi nước, cam đem thân mà sống thác với tình. Năm nay em cũng đã đến tuổi rồi, nhà ta họ suy người hiếm. vốn ít anh em, tre ấm bờ phải có đông măng, mẹ cả nghĩ những mong bế cháu. Việc ấy mà thành ra, thì vừa vui lòng cho mẹ già, vừa vui lòng cho người yêu, mà cũng vừa vui lòng cho cả anh chị nữa, nhất cử mà tam tứ tiện, tội gì em chẳng nghe theo. Kiếm Thanh nói, chăm chăm nhìn vào mặt chàng để đợi trả lời. Chàng lẩm nhẩm gật đầu, lẳng lặng không nói câu gì cả.

Bóng nắng hun người, hơi nồng rát mặt. Bệnh chàng trước nóng ấm sau sốt rét kể ra cũng hơi đỡ. Song cơn sốt này cất rồi mai lại đến, không dứt hẳn cho. Trong mùa viêm-nhiệt, nung nấu suốt ngày, cởi bỏ áo, quạt luôn tay, cũng còn thấy nhọc nhằn, khó chịu, Huống chi là nằm núp trong chăn, sớm hôm rên rỉ có gió không dám ngồi, có nước không dám uống, thì còn phiền khổ đến đâu. May được sốt cứ cách một ngày mới lên một cơn, lúc không sốt có thể gượng ngồi rậy được. Tựa gối buồn tình, lại sinh nghĩ vẩn, nhân làm tám bài thơ gửi cho Lê nương, để cho biết tình cảnh mình trong bấy lâu nay:

I — Bỗng không xa cách một phương trời
      Lòng đấy lòng đây đã rõ mười.
      Ngọn cỏ tương tư nhìn ủ rũ.
      Khối sầu vô hạn chất chơi vơi.
      Hồn quyên đến chết còn vơ vẫn.
      Giấc điệp khi mơ cũng lạc loài,
      Đóng cửa nằm suông buồn chẳng đã,
      Nỗi mình nào biết ngỏ cùng ai?

II — Sắt nấu vàng nung mộng chẳng thành,
       Cho hay trời ghét giống đa tình,
       Biệt ly thêm não người tri kỷ,
       Xum họp xin chờ kiếp tái sinh.

       Giường bệnh xa bay hồn lãng mạn,
       Thành sầu giam lỏng mặt tài danh,
       Đá mòn sông cạn lòng khôn đổi.
       Chả lẽ mình toan lại dối mình,

III — Cuốn bức rèm thưa phủi áo là,
        Ong về thoang thoảng thấy mùi hoa,
        Xuân đi vợi bớt lòng thơ lại,
        Hè đến dài thêm mối hận ra,
        Hun nóng lửa tình hơi thuốc bốc,
        Phủ râm trưa nắng bóng tre xòa,
        Trước thềm nhặt lá ngô-đồng rụng.
        Bực nỗi không nhời gửi bạn xa,

IV — Nước thẳm non xa biết lối nào.
         Đường kia nỗi nọ tính làm sao.
         Hoa theo sóng bạc thương thân liễu.
         Quả nặng cành xuân ngán phận đào,
         Man mác lòng quê mây khói dục.
         Bơ vơ hồn bệnh gió trăng trao,
         Nhớ mong biết đến bao giờ gặp?
         Phong cảnh Đào nguyên nhẹ gót vào.

V — Xuân đi câu chuyện luống buồn tanh.
        Ríu rít chào ai én trước mành,
        Lệ thấm đã hòa dòng máu đỏ.
        Tin chờ nào thấy bóng chim xanh,
        Bướm như đón khách vào làng mộng.
        Cá bỏ tham ăn mắc lưới tình,
        Bốn mặt non sông lồng bóng xế.
        Sầu này như bể rộng mông mênh,

VI — Bể biếc trời xanh biết hỏi đâu.
         Câu ca chén rượu gọi khuây sầu,
         Hết tài cẩm tú khi ly biệt.

         Chết dạ anh hùng lúc ốm đau
         Ba tháng oanh hoa còn để giận.
         Muôn trùng sóng nước bỗng xa nhau,
         Trường tình chưa dễ tu nên phúc
         Mang nợ tương tư đến bạc đầu.

VII — Nước lạnh đèn thu những bấm ngày.
          Xác ve mòn mỏi biết sao đây,
          Câu thơ rút ruột nhàn mà bận.
          Giấc mộng mê hồn tỉnh vẫn say,
          Duyên ngắn đành xin chờ kiếp khác.
          Sầu dài luống những ngại canh chầy.
          Lục hòm chẳng soạn thư từ cũ.
          Sợ động lòng thương, dục dạ ngây.

VIII — Xuân về những xót dạ hôm mai
           Đèn lụn canh khuya cảnh não người.
           Hồn mộng vắng từ khi viễn biệt.
           Lệ tình dành đến buổi trùng lai.
           Ngày hoa đà để đi như nước.
           Sắc cỏ buồn trông tốt lợp trời,
           Thơ ít đừng coi làm truyện lạ.
           Vắng mình dù viết gửi cho ai?

Thơ làm xong, viết vào giấy, bỏ trong phong-bì. trân trọng đưa cho Kiếm-Thanh bảo bỏ nhà giây thép hộ. Mê man hồn bệnh, năm so ngày hạ chưa dài; vơ vẩn tơ sầu, mùa đổi gió thu đả thổi. Mộng-hà khốn đốn trong hơn một tháng mà con ma sốt rét vẫn còn quấy nhiễu bên mình. Chẳng bao lâu thì thư trả lời của Lê-nương cùng thư mời đi của nhà trường đã theo nhau mà đến. Vì bấy giờ đã là lúc sương ngọc deo thu, gió vàng rụng lá, cách ngày khai trường cũng chẳng bao lâu. Chàng được thư, bụng đinh-ninh đến ý-trung-nhân muốn đúng hẹn đi ngay, song bên mình bệnh vẫn vấn vương hình như có ý quyến luyến cùng chàng không nỡ buông tha ngay nhau được!... Người nhà ai cũng can không nên đi vội. Bà mẹ nói: « Con yếu như thế, không nên dầm sương dãi nắng ngay. Hãy ở nhà điều dưỡng ít ngày, chờ khi thật khỏe hãy sang trường, cũng chẳng muộn gì cho lắm. Nếu không thì viết thư từ chức hay tìm người khác dậy thay, cũng không hại gì. Chàng bất đắc dĩ, phải viết thư cho nhà trường, nói rằng mình còn đương yếu, xin hãy thư cho mấy ngày, đợi khi hơi bớt sẽ thuê thuyền đi ngay để dự lễ khai trường, định ngày dậy học Chàng lúc ấy, thân tuy nằm một chỗ, song kỳ thực thì hồn những bơ vơ rậm liễu, mộng đà lẩn quất buồng đào... Một hôm có người bà con đến hỏi thăm, mách có thứ thuốc bột hiệu « Kim-Kê » chữa sốt rét rất thần hiệu. Thế nhưng tính rất công, vị rất đắng, phần nhiều kẻ không dám dùng. Chàng mừng rỡ mà rằng: Tôi chỉ mong chóng khỏi, còn có ngại gì. Liền theo lời mua về, uống vào quả nhiên linh-nghiệm. Trước sau có hai liều mà bệnh đà khỏi chỉ, nóng rét không thấy phát, ăn uống đã như thường, duy có tinh thần thì vẫn chưa lại hẳn. Thế nhưng chàng thì tự cho thế là đã khỏi mà người nhà cũng cho câu « thuốc đắng đã tật » là câu tục ngữ nói không sai. Bèn sắp sửa hành lý cho chàng. Kiếm-thanh thấy chàng khỏi bệnh, cũng được yên lòng liền định cùng ngày cùng túi đàn cặp sách, lên đường đi xa. Bấy giờ là vào tháng bẩy mùa thu năm Kỷ-Dậu. Anh em xương thịt, nào được mấy người, thế mà khi hợp khi tan, nào biết thế nào mà đoán. Sâm thương đôi ngả, chốc đã năm dòng; lan huệ một nhà, vừa vào mùa nắng; bỗng không lại khổ sở về con ma bệnh, xum vui tình tự, chút lòng chưa cam. Đó là sự không may cho Mộng-hà, hay không may cho Kiếm-thanh? Chẳng bao lâu mà một hồi còi máy, hai cánh buồm thu, dòng nước vô tình đã đưa đón mỗi người đi mỗi ngả...