Dịch văn Tư Mã Thiên/Lời tựa

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Bài đăng trên Trung lập, Sài Gòn, số 6679 (Phụ trương Văn chương số 45, thứ bảy 12. 3. 1932)

Tư Mã Thiên là một nhà sử học gồm văn học ở về đời nhà Hán, hơn hai ngàn năm nay. Xưa như vậy mà các nhà văn học, sử học Tàu sau đó cũng chưa thấy tay nào bằng. Coi bộ người Âu châu đối với học giả Trung Quốc, họ ít phục lắm, mà đến Tư Mã Thiên thì trong đám họ, người nào biết tới đều phải phục. Tư Mã Thiên chẳng những có văn tài đặc biệt mà cũng có tư tưởng khác người ta, có thể gọi là cách mạng đi cũng được. Nhứt là về phương pháp làm sử, ông ta biệt lập ra một lối, mà lối của ông, dầu mấy tay sử học đại gia bên Âu châu cũng phải chịu. Nói sơ bấy nhiêu, đủ thấy cái giá trị của họ Tư Mã là dường nào. Thật là nước Tàu nhờ có ổng mà mới chiếm được địa vị tương đương trong cõi văn học thế giới, bằng không thì sợ e cũng hỏng mất.

Vậy đó mà bao nhiêu kẻ học ở nước ta từ trước mấy ai biết đến Tư Mã Thiên? Nói chi các cụ ngày xưa như cụ Phan Thanh Giản, cụ Phạm Phú Thứ, các cụ bây giờ như cụ Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng thì họ biết đến Tư Mã Thiên đã đành rồi. Thử đem mà hỏi mấy ông tấn sĩ bét mấy ông cử nhân hàng, thì hoạ may họ có nghe đến tên là quá lắm; chớ còn biết đến người Tư Mã Thiên ra sao, tư tưởng ra sao, học vấn ra sao, văn chương ra sao, thì dám chắc họ nói không đi.

Nói vậy không phải là đặt điều mà nói cho quá đâu. Người nghe cũng chớ lấy gì làm lạ nữa. Bởi vì cái học của ta hồi xưa quái lắm, chỉ học cho thuộc sách nhớ điển cố mà làm bài, chớ không học cho biết người đời xưa, biết cái thời đợi đời xưa, biết cách sanh hoạt đời xưa, như sự học của bọn thanh niên ta ngày nay vậy.

Ngày nay hễ ai đã học chữ Pháp khá lên một chút thì cũng phải đều biết ông J. J. Rousseau, ông Victor Hugo v.v., từ tư tưởng, học vấn cho đến sự nghiệp, văn chương, lịch sử của mấy ổng thế nào, có thể đem mà nói ra được. Nhưng ở xứ ta hồi xưa, học mà biết rõ được ông Tư Mã Thiên thì ít lắm, chỉ người nào có chí, thoát ra ngoài vòng học khoa cử thì mới tò mò đến chỗ đó  mà thôi.

Họ mà cứ chăm theo học sách nước khác, cổ nhân nước khác, còn sách nước mình, người nước mình thì chẳng ai hề nói đến, biết đến, sự ấy đã đáng thương hại lắm rồi. Huống chi đã học mà lại còn không biết nữa, thì thật chỉ có nên đánh đòn mà thôi, chớ không biết còn đối phó họ cách nào!

*

* *

Văn của ông Tư Mã Thiên chỉ để lại có một bộ Sử ký. Mà trong bộ Sử ký, lại còn có một vài người đời sau xen bậy vào nữa. Cái đó thì duy có ai tinh tâm xét nghiệm mới biết được.

Sử ký là sách chép công việc nước Tàu từ đời Hoàng đế cho đến Hán Võ đế. Nguyên ở bên Tàu hồi xưa cách chép sử cứ biên theo từng năm, như sách Xuân thu của đức Khổng cùng sách Trúc thơ kỷ niên đều vậy cả. Vậy kêu bằng thể sử biên niên. Đến ông Tư Mã Thiên, ông bỏ, không theo cách ấy nữa, ông lập ra thể kỷ truyện. Nghĩa là mỗi người nào chép y đầu đuôi của người nấy, mỗi việc nào chép y đầu đuôi của việc nấy. Thể sử kỷ truyện ấy gần giống với lối chép sử của người Tây bây giờ, có một điều rất tiện là hoặc người hoặc việc, đầu đuôi xâu suốt nhau, không có rời rạc như thể biên niên.

Đầu bộ Sử ký có một bài tựa kêu là Thái sử công tự tự, bài tựa ấy trọng yếu lắm. Vả lại ngoài bộ Sử ký ra, văn của họ Tư Mã lại có "bức thơ gửi cho Nhiệm An". Muốn biết tư tưởng nhân cách của họ Tư Mã thế nào thì đọc hai bài ấy – bài tựa và bức thơ – cũng biết được.

Ông là người có nghĩa khí, giữ tín nghĩa cùng bạn hữu lắm, rất ghét cái thói đời đen bạc. Nhơn vì hồi đó có Lý Lăng làm tướng đi đánh Hung Nô, lỡ ra va phải đầu giặc. Chửng các quan ở nhà hè nhau tâu cùng vua mà làm tội Lý Lăng. Vua Võ đế cũng nghe theo. Ông bèn dâng sớ can, nói rằng Lý Lăng vì túng thế quá (không có viện binh) phải đầu, va đầu thì đầu chớ đây rồi va cũng kiếm cách gì báo ơn cho nhà Hán; vậy mà mấy ông đại thần kia có tài ở nhà ũm vợ, thấy Lý Lăng sa cơ thất thế một cái, liền mũi nhọt với vua, để làm tội va, như thế là oan cho va lắm. Lời sớ ấy dâng lên, vua Võ đế nổi giận, nói Tư Mã Thiên lại dám đi nói giùm cho Lý Lăng, bèn xử Tư Mã Thiên tội hủ hình nghĩ là cắt dái đi.

Theo con mắt tôi đọc sách Sử ký nhứt là bức thơ gởi cho Nhiệm An, thì tôi thấy ra ông Tư Mã Thiên tức giận sự không công bình ấy lắm, ông cũng coi cái trò đời chó má ấy là chẳng ra chi, cho nên thỉnh thoảng ông lại lộ cái ý phẫn uất và khinh bỉ ra.

Trong Sử ký, ông có vì bọn thích khách, bọn du hiệp mà lập liệt truyện. Chỗ đó ông tỏ ý cho chúng ta biết rằng bọn đó chớ nên khinh, họ còn biết trọng nghĩa hơn đám sĩ phu nữa.

Sở dĩ ông không tự tử, theo lời ông nói, là muốn sống để làm trọn công việc văn chương mà truyền lại đời sau. Trong bức thơ gửi cho Nhiệm An, ông có nói rõ như vậy. Rồi đây tôi sẽ bắt đầu dịch bức thơ ấy.

PHAN KHÔI