Bước tới nội dung

Duy tân (Nguyễn Văn Vĩnh)

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Xem tác phẩm có tựa đề tương tự tại Duy tân.
Duy tân  (1907) 
của Nguyễn Văn Vĩnh

Bài báo này được viết trong "Đại Nam Đăng Cổ Tùng Báo", số 812 ra ngày 8 tháng 8 năm 1907, viết với bút danh Tân-Nam-Tử.

Một ông quân-tử Pháp tên là Helvélius có nói rằng: dùng tiếng sai làm cho một nước ngu dốt.

Điều ấy ngẫm cực là phải. Như nước Nam ta từ xưa nay cũng chỉ vì miệng nói một đường trí tưởng một ngả, cho nên chữ nghĩa đọc đều không có in vào óc được cho lắm.

Lắm kẻ lúc nói truyện thì cứ dùng những chữ cương-thường, đạo-lý, nhân-tâm, ra từng nút một, như ta nói sôi sôi thịt thịt, không có để trí chút nào vào nghĩa-lý những chữ ấy, cho nên nhàm đi, đến lúc phải cần nói đến những chữ ấy thực, thì cái nghĩa nó không nặng lắm nữa, những chữ hay nói thành ra như mấy tiếng lót, như cái cạp thêu để cạp câu truyện đó mà thôi.

Cũng vì thế cho nên văn hay bây giờ, thực hay cũng không động lòng người nữa, vì bao nhiêu chữ hay, thầy đồ nào cầm được bút là viết ngay, bụng có nghĩ đến hay không nghĩ đến mặc lòng.

Người nước Nam được một cái lạ: là cứ được đọc sách ngâm thơ là xướng, hiểu hay không hiểu không cần. Từ người kể truyện Nhị-độ-mai cho đến ông bình-văn, chỉ cốt có dọng mà thôi. Thế mà đọc đi đọc lại hàng răm bẩy mươi lần cũng không biết trán. Đọc quá đến thuộc lòng, nhưng thuộc cũng ví như con yểng, cũng như cái máy thu-thanh, lắp đi lắp lại mãi cho quen miệng, chớ không phải tại nghĩa-lý in vào trí mà thuộc.

Kià như trong sách cho bao nhiêu là câu hay, mở sách ra trang nào trang ấy là có điều hay cả; giá thiên-hạ cứ để bụng, lấy làm hay mà nhớ, nhớ rồi theo mà làm, thì nước Nam làm chi đến nỗi thế này.

Sách dậy [..][1] thì cứ biết là: vật có gốc ngọn, việc có sau trước, biết thửa sau trước, thời gần đạo vậy.

Xem đến thì nghĩa-lý cũng biết, thuộc như cháo, nhưng chỉ biết nghĩa thế thôi, giả thử có suy xét ra, thì cũng còn thấy hay nữa, nhưng ai chịu suy, chỉ cứ học gọi là biết: vật có gốc ngọn, nhưng gốc là thế nào, ngọn là thế nào, trước là thế nào, sau là thế nào, không suy nghĩ cho hết lý.

Điều đó tôi chắc thế, vì nếu ai cũng vỡ hết mà vỡ tất đã theo, thì khi nào lại có để cho Âu-châu tìm thấy cách dùng hơi nước, cách thu điện-khí trước mình.

Người ta dẫu cũng một đạo. Sách dậy cũng cốt có thế. Sự thật có một [..][2] mà sao người ta khôn hơn mình.

Tại nơi ở, tại phong-thổ, cũng có nhưng cũng tại cách học của người ta. Kể ra thì cũng lại còn một nhẽ nữa, là vì các đứng thánh hiền mình làm sách dậy dân, như là đưa cho từng mớ kim-cương, một trang sách mỗi cho là một chữ hay, không có độn cho đỡ mắt cho khỏi mỏi trí. Sách mình thì mỗi nét là một hòn ngọc, nhìn lắm quáng mắt, không biết cái nào là đẹp là hay.

Nhưng sao từ xưa nay bao nhiêu người nhìn vào đống ngọc ấy không ai biết nhìn kỹ mà tách ra cho dạch dòi, lấy từng câu mà diễn ra từng quyển, giải cho người khác biết cách dùng câu ấy vào thế sự? Chỉ vì cái lười. Học cứ biết rằng học. Trông vào đống ngọc cứ tắc lưỡi khen rằng đẹp, nhưng viên nào đẹp thế nào, câu nào hay làm sao, cũng không suy biến cho kỹ.

Đến nay kế đến có sách mới của Tầu của Nhật sang cũng vậy.

Cứ ông nào xem hết bộ ẩm-băng; bộ danh hoàn-trí-lược; vài quyển sử các nước; nhớ được răm chữ: ái-quần, nhiệt-thành, văn-minh, tự-do, bình-đẳng, đồng-bào là tưởng đã đương duy-tân rồi. Suy xét ít. Ông Lương, ông Khang nói làm sao, là cứ thế mà nói không bàn-soạn bẻ-bai gì cả.

Tôi lo không khéo lại bỏ ngâm-nga tứ-thư ngũ-kinh, mà ngâm-nga ẩm-băng đó mà thôi. Mà cái sự đổi ấy chắc thiệt. Sách nho xưa là sách dậy, sách bây giờ là sách bàn. Đã đành xem sách bàn hay hơn và mở trí khôn hơn sách dậy, nhưng người ta bàn thì mình phải suy, có câu bàn phải cũng có câu bàn trái. Câu nào phải thì chịu, câu nào trái phải xét mà bàn lại.

Có sách Tầu, báo Tầu sang đây, thì là một điều hay, nhưng phải biết có nhiều câu hay bên Tầu không hay ở nước Ta. Mỗi nước mỗi tục. Nguyên cũng hủ như nhau nhưng mỗi nước hủ một cách. Bịnh sốt rét với kiết di-tả dùng một thứ thuốc mà chữa thì chết.

Vậy xin các ông có tân-thư đến cũng nên xem, mà bàn bạc cho mỗi ngày một giộng ra, phải lấy việc người mà suy việc mình. Nhưng phải tỏ ra cho thiên-hạ biết rằng: ta cũng là người đây. Thấy điều hay biết suy biết xét, chớ đừng người nói sôi thì ừ sôi, người nói thịt thì ừ thịt, cứ thế mà lắp đi lắp lại mãi, nghĩa-lý không hiểu thấu, thì có khác chi cái thằng đi học khôn ở trong truyện trẻ.

Phải biết rằng duy-tân là: xưa làm biếng nay cần mẫn; xưa tin thần ma, nay suy nghĩa-lý; xưa ăn mặc lôi-thôi, lười-lĩnh, nay ăn mặc sạch-sẽ gọn-gàng; xưa chanh nhau đùi gà, nay ganh nhau công việc; xưa ao ước nẹt dân, nay ao ước làm đầy-tớ rỏi được việc cho đồng-bào; xưa bắt vợ làm trâu, nay trọng đàn-bà hèn yếu; xưa ái-quốc trong làng, nay ái-quốc ngoài nước; xưa phiện-phò cờ-bạc, nay buôn bán học-hành; thế thì là duy-tân, chớ không phải duy-tân là hót nhảm hết xó này đến xó kia những tự-do, nghĩa-vụ, lợi-quyền, mà nghề mình vẫn không có; không phải là cứ nói liều nói lĩnh: nay giấy quân, mai cầu cứu mà đổ máu giại ra chẳng ma nào cứu đâu! Làm người muốn ở đời phải khôn, phải xét thế lực mình mới được, xét việc gì phải xét đầu xét đuôi, rồi hãng nói, chớ đừng có nằm đáy giếng trông lên tưởng giời bằng cái vung; duy-tân không phải là cứ dận xằng dận xịt hết đổ ra lũ này lại đổ ra bọn kia. Mình tiến cứ việc mà tiến, dậy cứ việc mà dậy, không có ai nghe cũng là tại mình, chớ nhời hay mà phải nhẽ thì ai cũng phải lọt tai.

Tân-Nam-Tử

   




Chú thích

  1. đoạn này có 16 chữ Nho
  2. đoạn này có 3 chữ Nho