Bước tới nội dung

Gái tân thời ở Hà Nội

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Gái tân thời ở Hà Nội  (1933) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Phụ nữ thời đàm, Hà Nội, số 7 (29. 10. 1933), trang 1-2.

Ở Hà Nội gần nay có một cái danh từ mới mà lưu hành khắp giữa các hạng người, là: "gái tân thời". Các bà cụ, các ông cựu nho tự vị mình là nhà đạo đức, trong khi răn dạy con cháu em út, thường nêu cái danh từ ấy lên mà coi như là một gương xấu; cho đến anh phu xe, chị hàng dong, lũ trẻ con bê tha nơi các chợ các giếng, trong khi chộ cô gái nào trước mắt mà có ý cho là lạ, thì cũng dùng cái danh từ ấy để phân biệt với "gái thường".

"Gái tân thời", ba tiếng ấy, tự nó chẳng có hàm cái ý gì là xấu cả. Theo như anh phu xe, chị hàng dong, lũ trẻ con hiểu, thì cũng là lạ chứ không xấu. Duy đến khi bị các bà cụ, các nhà đạo đức dùng, thì ba chữ "gái tân thời", cái nghĩa nó, tức là "gái hư".

Thế cho biết một danh từ, một sự vật, tùy theo cái quan niệm của từng người đối với nó mà nó khác. "Ông chủ bút, ông trợ bút", trong làng báo coi là vật rất thường, mà về đến nhà quê có khi được tôn như vị thần, vị thánh; trái lại, gặp quan phủ, quan huyện hay nhà trọc phú, thì lại bị liệt vào hạng cáo già, rắn độc, cho là bọn hay sinh sự, vái chào rồi tránh đi, không thèm chơi.

Nói vậy cho những cô nào là gái tân thời hãy biết mà tự an ủi lấy mình. Trong khi các cô bị người ta nêu làm gương xấu thì cũng như bọn làm báo chúng tôi bị coi là cáo già, rắn độc. Miễn chúng tôi đừng cáo già, rắn độc thì thôi, còn chủ bút trợ bút thì cứ việc mà chủ bút trợ bút; cũng như các cô, miễn các cô đừng làm gương xấu thì thôi, còn tân thời thì cứ việc mà tân thời.

Thế thì, bảo gái tân thời tức là gái hư, không đúng. Bảo vậy, chẳng qua do tư tâm hoặc thành kiến của người đời, chứ không đúng với sự thực. Hư hay nên là ở chỗ khác, nào có phải ở chỗ tân thời cùng chẳng tân thời.

*

* *

Ai là thức giả, chỉ nên xét xem ở Hà Nội đây, người ta dùng cái danh từ ấy, định nghĩa thế nào. Hay nói một cách khác: chỉ nên xét xem thế nào thì gọi bằng gái tân thời ở Hà Nội.

Sự thực ở đó. Chị em có giá trị hay không, ở đó. Các cô tân thời nên để ý đến sự điều tra ấy của những trang thức giả. Còn ngoài ra, người ta cho là lạ hay cho là hư thì cũng đồng thị vô ý thức như nhau, chẳng lấy gì làm khinh trọng cho các cô.

Chẳng những điều tra mà nếu nghiên cứu ra cho thật kỹ nữa rồi, cũng chẳng thấy được cái ý nghĩa gì xứng đáng của ba chữ "gái tân thời". Quả vậy thì kẻ nào mang lấy cái tên ngộ nghĩnh ấy chẳng hóa ra mang một cái tên vô vị?

Nếu cái điều chúng tôi nhận thấy ở đây chẳng lầm thì gái tân thời Hà Nội, chỉ là gái ăn mặc và trang sức theo kiểu mới. Quần trắng, áo màu, giày cao gót, là tân thời chứ gì? Để răng trắng, rẽ đường ngôi lệch, là tân thời chứ gì? Còn gì là tân thời nữa? Nói chuyện với đàn ông bằng tiếng Pháp; thỉnh thoảng viết bài đăng nhật trình; trên danh thiếp có đề chữ nữ sĩ…

Khi người ta dùng ba chữ gái tân thời, có phải hiểu rằng một người con gái gồm có ít nhiều những điều ấy không? Lại khi các cô tự coi mình là gái tân thời, có phải cũng hiểu rằng mình đã gồm có ít nhiều những điều ấy không? Chúng tôi tưởng ở Hà Nội đây ai cũng hiểu như thế, không ai hiểu khác được.

Ngoài sự ăn mặc mới, trang sức mới ra, không có cái gì mới cả, mà gọi được là gái tân thời, như thế, cái danh ấy cũng dễ dàng lắm nhỉ!

Không, không được! Gái tân thời phải có học thức mới, tư tưởng mới, giỏi ra nữa phải có cách sinh hoạt mới: như thế mới là "tân".

Nói tiếng tây, viết báo, những sự đó cũng coi như một sự trang sức, chẳng phải mới gì đâu. Cái "mới" thật, phải mới từ trong đầu mới ra.

Mới cách ăn mặc, mới cách trang sức, mà cho là gái hư thì thật là quá đáng; nhưng chỉ mới nội ngần ấy thôi, thì ai dám bảo là gái nên?

"Tân thời" dịch bởi moderne, tiếng Pháp. Chính nghĩa nó là điều gì hợp với cái thời mình đương ở. Thời chúng ta đương ở đây, cố nhiên hình thức phải hợp mà nhất là tinh thần lại càng phải hợp. Thế thì, gái tân thời đã mới hình thức, cũng phải mới cả tinh thần.

Bao giờ cho trong khi người ta gọi "gái tân thời" mà hiểu là gái có học thức mới, có tư tưởng mới, bấy giờ phụ nữ ta mới thật là có tiến bộ!

P. K.