Bước tới nội dung

Gái trả thù cha/Cuốn thứ nhứt/Lớp thứ tư

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

LỚP THỨ TƯ

Máy vừa chớp lên, thấy xe hơi của bọn lính cãnh-sát đuỗi theo tới đó, thấy có một cái xe hơi bỏ không, nằm dựa bên đường; tên lính nhìn biết là xe của mình, bị tên đồng-lỏa đã giựt khi nãy, liền biểu sớp-phơ ngừng xe lại, rồi bàn với nhau rằng: « Nếu nó bỏ xe lại đây thì chắc là nó liệu chạy không khỏi, nên bỏ xe kiếm chỗ mà trốn, thế thì nó còn núp ẩn quanh quất lối nầy chớ chẳng đâu xa. »

Bèn phân nhau lục soát 4 phía. Còn Cát-lôi-Huấn đứng nhắm nhía một hồi, thì biết chỗ ấy là phía cửa sau nơi xưởng đút súng của nhà Vi-nhĩ-Đình, liền rủ Hắp-Lý đi theo mình, tuốc vào trong xưởng mà tra soát. Vào đến nơi tra soát đã cùng mà chẳng thấy chi hết. Chừng đi đến chỗ lò nấu sắt, vùng ngó thấy Bữu-Liêng nằm ngay dưới lò máy, còn phía trên thì cái lò máy đã lần lần thòng xuống, còn chừng 2 thước nữa thì tới mình Bữu-Liêng.

Cát-lôi-Huấn hết hồn, liền chạy nhào tới, vừa bồng Bửu-Liêng ra khỏi thì cái lò máy đã xuống tới rồi. Cát-lôi-Huấn và Hắp-Lý ngó nhau mà le lưởi. Ước trễ chừng vài phút đồng-hồ, thì Bữu-Liêng đà dẹp đép.

Hồi lâu Bửu-Liêng mới tĩnh lại, hỏi rỏ các việc thì hết hồn, bèn nắm tay Cát-lôi-Huấn ân cần tạ ơn. Còn Hắp-Lý thì kêu hết bọn lính Cãnh-Sát[đính chính 1] đến, dặng dò[đính chính 2] tra soát cho kỷ, tìm bắt cho được quân gian mới thôi. Rồi đó hai người đồng phò Bửu-Liêng ra khỏi xưởng, lên xe hơi chạy thẳng về nhà.

Về đến nhà thì quan Biện-lý đã tới trước rồi, nghiệm xét trong ngoài rồi mới kêu tên bồi già là Thang-Mậu mà tra hỏi trước sau. Thang-Mậu bẩm hết đầu đuôi rồi lại khai thêm rằng: « Ở trong nhà chủ tôi, trừ cô Bữu-Liêng ra thì có bọn Y-tài-Nhĩ, Hải-lợi-Tư và Na-Mật ba người, thường hầm-hầm muốn đoạt cái quân-giới-xưởng cho được mới nghe; cho nên nay mà chủ tôi thác đây thì ba người ấy mừng lắm: nếu muốn tra cho ra cái án nầy thì cứ ba người ấy mà tra, ắt là ra mối, xin quan lớn lưu tâm cho lắm. » Quan Biện-lý nghe nói cũng sanh nghi bèn nói rằng; « Vậy thì mi hãy đi kêu hết bọn Y-tài-Nhĩ lại đây đặng ta cật vấn cho rỏ cái án nầy. » Thang-Mậu vâng lịnh đi rồi, quan Biện-lý bèn day lại nói chuyện với Hắp-Lý. Kế đó lại có một tên lính Cãnh-Sát[đính chính 3] hơ hải chạy vào nói với Hắp-Lý rằng: « Tên đồng-lỏa với bọn ăn trộm ấy nay đã tìm được dấu rồi, hắn núp ở nơi một gò đất kia, song chổ ấy hiểm lắm, hắn cứ núp phía sau gò đất, tay cầm súng sáu mà nghiềm, cho nên bọn lính cũng khó mà bắt nó cho được[đính chính 4]? » Hắp-Lý nghe nói nỗi giận, liền vội vả nạp súng sáu hâm hở ra đi.

Đây nhắc lại bọn Y-tài-Nhỉ ba người, từ ngày Vân-đặt-La bị giết, bề ngoài tuy làm bộ bi ai, chớ bề trong đều lấy làm đắt chí; cho nên những lời của Thang-Mậu nói với quan Biện-lý chẳng phải là vu.

Ngày ấy ba người ở nhà trong lòng mổi người đều sanh một lý-tưỡng khác nhau.

1• — Y-tài-Nhỉ thì tưởng rằng: Nay anh ta là Vân-đặt-La đã chết rồi, con gái của ảnh là Bữu-Liêng yếu đuối, có thế nào mà quãn-lý quân-giới-xưởng ấy cho được; mà trừ ta ra thì có ai bây giờ? Chắc sẻ về tay ta Quản-lý. Vậy hễ đến ngày ta lảnh trách-nhậm ấy được rồi, thì ta phải đến tại xưởng mà diễn thuyết cho mấy ngàn công thợ ấy nghe. Thế nào trong bài diển-thuyết ấy ta cũng phải nói mấy câu như vầy là cần yếu hơn hết.

Nguyên tôi với anh tôi, tình hữu-ái chẳng ai hơn được. nay chẳng may mà anh tôi bị giết một cách rất thãm, tôi lấy làm thương tiếc chẳng cùng. Nhưng kể từ ngày nay là ngày đầu hết, tôi với các anh em lại được gần gũi với nhau hết lúc bi thương, tới ngày khoái lạc. Vậy từ đây tôi xin các anh em, hãy đồng tâm hiệp lực mà vùa giúp với tôi, làm cho cái quân-giới-xưởng của giòng Vi-nhĩ-Đình nầy càng ngày càng tinh tấn, kế chi cho anh tôi mà làm cho được vẻ vang; thì quân-giới-xưởng lấy làm may mắn, tôi đây cũng may mắn.

Nếu ta nói như vậy thì bao nhiêu thầy thợ trong xưởng biết bao là khoái chí; mà rồi tiếng vổ tay ắt sẻ vang trời giậy đất. » Nghĩ tới đó rồi mừng rở nhãy nhót, lấy làm đắc chí vô cùng.

2• — Còn Hải-lợi-Tư thì lại tưởng rằng: Hể Bữu-Liêng tuân theo di-mạng của cha nàng rồi, thì nàng tức là vợ ta, ngày làm phép hôn-thú xong rồi, thì sãng nghiệp của Bửu-Liêng tức là sãng nghiệp của ta, chừng ấy chức Tỗng-lý tại quân-giới-xưởng nầy, trừ ta ra thì còn có ai? Mà hể ta lảnh chức Tỗng-lý rồi thì mỗi ngày ta nghinh ngan trong xưởng, bao nhiêu thầy thợ, ai mà dám chẳng xu phụ theo ta. Ấy có phải là nhứt hô bá ứng, khoái là dường nào? » Nghĩ tới đó rồi cũng dương-dương đắc ý, hớn hở vui mầng.

3• — Duy có Na-Mật thì lại tưởng khác hơn hết rằng: « Ta với Bữu-Liêng đã là bà con thân-thích, lại là bạn gái bình nhựt cũng hay thương yêu nhau; nay xét rỏ tấm lòng của Bữu-Liêng, thì chẳng những là chẳng khứng lấy Hải-lợi-Tư làm chồng, mà lại cũng chẳng ưa chi Y-tài-Nhĩ; vậy thì cái chức Tỗng-lý nơi quân-giới-xưởng nầy ắt nàng tự nhiệm lấy, chớ chẳng hề phú thát cho ai, mà rồi chắc sao nàng cũng dùng ta làm người phụ tá, dường ấy thì cái đại-quyền trong xưởng nầy sẻ lần lần lọt về tay ta. Chừng ta đắc thế rồi thì mấy ngàn người trong xưởng ai ai mà chẳng xu phụ theo ta. » Nghĩ tới đó rồi cũng lấy làm khoái chí!

Lúc ấy ba người ở riêng ba phòng, mỗi người còn đang mộng tưởng, kế nghe Thang-Mậu gỏ cữa và kêu và nói rằng: « Có quan Biện-lý mời đến cho người hỏi thăm một việc. Ba người nghe nói giựt mình, liền mở cữa theo Thang-Mậu đến nhà Biện-sự. Quan Biện-lý tra hỏi rồi lấy khẩu-chiêu từ người mà đem vào thũ-sách (Carnet).

Lúc quan Biện-lý tra hỏi, thì ba người ấy hình sắc coi bộ giớn giác mặc dầu, song mà lời nói rất nên lanh-lợi, không có lầm vấp một tiếng chi, cho nên quan Biện-lý tuy cũng hồ-nghi, mà không tìm được cớ.

Còn Bữu-Liêng khi về đến nhà rồi, trong mình hết mệt, nằm ngữa nơi ghế phô-tơi, nhớ tới cuộc đại-biến trong nhà vùng sa nước mắt. Cát-lôi-Huấn ngồi dựa một bên, vuốt ve Bửu-Liêng mà an ủi. Hãi-lợi-Tư bước vào ngó thấy, lửa ghen đà nỗi giậy phừng phừng. Kế thấy tên bồi chạy vào kêu Cát-lôi-Huấn ra ngoài cho quan Biện-lý nói chuyện.

Cát-lôi-Huấn đi rồi, Hãi-lợi-Tư mới men lại gần mà nói với Bửu-Liêng rằng: « Qua thấy em buồn rầu, thiệt lòng qua cũng lấy làm[đính chính 5] chua xót, ngồi đứng không an; vậy xin em hãy bỏ bớt sự rầu, kẻo mà sanh bịnh, đến nay chú đã thác rồi, dầu em có khóc lóc cho lắm củng chẳng ích chi, miểng là em hảy thuận theo lời di-mạng của chú mà ưng qua thì tuy chú đã thác rồi, song chú ở dưới suối vàng cũng vui lòng mà nhắm mắt; ấy là cái lòng hiếu của em đó. » Bữu-Liêng chĩ cứ làm thinh cúi đầu mà khóc chớ chẳng thèm nói đi nói lại tiếng chi. Hãi-lợi-Tư lại vói nắm tay mà nói tiếp thêm rằng: « Lời di-mạng của chú, xin em hãy nhớ, nay anh em ta phải tuân theo lời di-mạng của chú mà làm; rồi đây việc của em tức là việc của qua, qua phải hết sức mà giúp em, xin em chớ lo. » Bửu-Liêng nổi giận, vùng giựt tay trợn mắt mà nói xẳng xớm rằng: « Ta chẳng nề ưng mi, lời di-mạng của cha ta, ta chưa thừa nhận, mi chớ trông cậy mà uỗng công, hãy đi ra cho rãnh. » Hãi-lợi-Tư thấy nàng giận dũi liền quày quã riếu riếu đi ra. Kế đó Y-tài-nhĩ củng bước vô, và cười và vổ vai Bữu-Liêng mà nói rằng: « Cháu chớ buồn rầu mà sanh bịnh hoạn, từ đây việc nhà của cháu có chú đỡm đương, cháu cứ ở yên trong nhà, chẳng cần lo tới; chú thương cháu lắm, cháu hảy tin chú mựa chớ hồ nghi. » Y-tài-nhĩ nói chi thì nói, Bữu-Liêng làm thinh ngó lơ chổ khác. Y-tài-nhĩ hổ thầm bỏ đi một nước. Rốt sau Na-mật cũng lõn-lẻn bước vào ngồi kề xuống dựa bên Bữu-Liêng, kiếm lời diệu ngọt mà nói rằng: « Xin chị chớ ưu sầu làm chi, để mà lo phương tự vệ lấy mình, tôi với chị thuở nay vẩn đã thương yêu nhau, việc chi cũa chị thì tôi phải hết lòng mà giúp chị; chí như Cát-lôi-Huấn là người xảo trá dị thường, xin chị chớ nên tin mà bị người gạt gẩm.. » Nói chưa dứt lời, Bữu-Liêng vùng nạt rằng; « Mi chớ dèm siểm làm chi, Cát-lôi-Huấn là người thiền-đốc, ta đã biết rỏ lòng rồi, ấy là một người đoan-chánh đáng tin, mi chớ có dèm pha, thiệt ta không mượn. » và nói và đứng dậy háy Na-Mật một cái rồi phủi đích bỏ đi chẳng thèm ngó lại.

Lúc ấy Trinh thám Hắp-Lý đã dắc lính trở về mà nói rằng tên đồng-loả với quân trộm đã trốn khõi rồi. Ai nấy nghe vậy củng lấy làm thường, trong giây phút Cát-lôi-Huấn đương đứng nói chuyện với quan Biện-lý bổng thấy phía sau nhà nơi cữa kiến (pha-ly) có một người đang núp ló tại đó, mặt mày hung ác, tướng tá dữ dằng, coi kỷ lại thì là tên đồng-lỏa của bọn trộm, đang kê miệng súng sáu vào nhà muốn nhắm Bửu-Liêng mà bắn. Cát-lôi-Huấn thất kinh, liền rút súng ra thảy cho một mủi; tên trộm ấy té nhào. Trong nhà nghe tiếng súng nổ, ai nấy đều lao-xao, Cát-lôi-Huấn lại hiệp với Hắp-Lý dắc lính nhảy ra cữa song, thấy tên trộm ấy nằm ngay dưới đất, đạn trúng ngang hông, bị thương rất nặng, chĩ còn có một chút hơi thỡ hoi-hóp vậy thôi. Bèn hối lính cảnh-soát khiên đam vào nhà đễ ngồi dựa ngữa trên ghế, lột miếng vải đen trùm mặt hắn ra, trong giây phút lần lần tĩnh lại, nhướng mắt lên, làm tuồng sợ hải mà nói lập-cập rằng: « Tôi thiệt chẳng muốn giết Bửu-Liêng, ấy là tại... tại..... bọn.... bọn nầy nó.... nó..., xuối tôi.... » Và nói và chĩ bọn Y-tài-Nhĩ, lại chĩ luôn đến Cát-lôi-Huấn, rồi té ngữa ra trên ghế mà tắc hơi.

Quan Biện-lý suy nghĩ một hồi rồi nói với bọn Y-tài-Nhỉ rằng: « Các người đều bị hềm nghi liên cang với vụ sát-nhơn ấy; vậy thì ai về nhà nấy, chờ ta tra hỏi cho xong sẻ hay. » Ai nấy vâng lời phân nhau ra về, Cát-lôi-Huấn vừa bước ra khỏi nhà, Hãi-lợi-Tư đón lại mà nói xẳn xớm rằng: « Trong xưỡng không cần dùng thầy nữa thầy phải đi ra cho khỏi xưỡng nội ngày hôm nay, không đặng trể nải. » Cát-lôi-Huấn cười gằng và đáp lại rằng: « Chú có quyền lực gì mà dám đuổi tôi, nếu cô Bửu-Liêng đuổi tôi thì tôi đi liền, chú chẳng cần phải nói. » Hãi-lợi-Tư tuy giận câm gan, mà không biết làm sao đặng, trong lòng hổ thẹn liền bỏ đi xuôi một nước.

Tắc lớp thứ tư, nối qua lớp thứ năm.


  1. Gốc: cảnh-soát được sửa thành Cãnh-Sát: chi tiết
  2. Gốc: đặng dò được sửa thành dặng dò: chi tiết
  3. Gốc: cảnh-soát được sửa thành Cãnh-Sát: chi tiết
  4. Gốc: được chăng được sửa thành cho được: chi tiết
  5. Gốc: lấy lòng được sửa thành cũng lấy làm: chi tiết