Gương sử Nam/Thiên thứ nhất/Tiết thứ ba

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

TIẾT THỨ BA


Nói về việc người nước ta nên trông cậy nước Lang-sa.

Từ khi nước Lang-sa cai-trị nước ta, thì trên là vua, giữa là các quan, dưới là dân sự, ai ai cũng là nhờ ơn bảo-hộ, nhưng dẫu thế mặc lòng, không có thể nào cho khắp mọi người đều bằng lòng cả, vì chưng cũng có người thi đã đậu rồi, mà không được bổ làm quan; hoặc là làm quan đã thôi rồi, mà không được bổ lại; hoặc là cha ông có tội, mà con cháu tích lấy làm thù. Những hạng ấy là nhiều về những hạng trung-lưu xã-hội. Vả xem lại từ khi nước Lang-sa đến Gia-định, cho đến khi ra Bắc-kỳ, trừ ra những loài giặc cướp, không nên kể làm gì, còn như những người có học hành, mà phản đối lại với nhà-nước; như Gia-định thì có thủ-khoa Huân, Trung kỳ thì có phó-bảng Hiệu, tiến-sĩ Phùng, Bắc-kỳ thì có tán Thuật. Những người ấy chỉ biết có lòng yêu nước, mà không xem thời xem thế, nên đã không có ích cho nước, mà lại thiệt hại cho dân, tưởng cũng là cái sự làm gương cho mình, không còn phải nghi hoặc gì nữa. Vì chưng cách năm năm nay, người nước ta lại trông thấy nước Nhật-bản đánh được nước Nga-la-ti, (la Russie), tưởng rằng nước nhỏ có thể chống với nước to; loài hèn có thể chống lại với loài mạnh. Mới sinh ra đảng nọ, lập ra hội kia, hoặc kẻ thì vận động ở trong. hoặc kẻ thì vận động ở ngoài.

Bây giờ ta thử xét lại những cách vận-động, có thể làm được hay không?

Những người vận-động ở trong chắc là nói rằng: «Nước ta có đất đến 336.000 cây lô-mết vuông. (kmq), có dân đến 15 triệu người, nhẽ nào mà lại không nên ra được một nước tự-chủ? Vả lại nước ta thủa trước phải nước Tầu cai-trị đến hai lần, mà lần trước thì có ông Ngô-Quyền đánh một trận ở sông Bạch-đằng, mà đuổi được nhà Nam-Hán: lần sau thì có ông Lê-Lợi, đánh một trận ở bầu Chi-lăng, mà đuổi được nhà Minh, như thế cũng là chứng cớ rõ ràng, làm sao mà không tự-chủ được?

Nhưng không biết rằng: thủa trước nước ta với nước Tầu, học hành nghề nghiệp, cũng đã như nhau. Mà nước Tầu tuy rằng gần với nước ta, mà đường xá đi lại nhiều điều bất tiện.

Xem như bài sớ của ông Lý-Tố đã tâu thì kể rằng: « Quân nước Tầu đi từ châu Duyện, châu Dự cho đến Nhật-nam cách 9.000 dặm, thì quân đi phải đến 300 ngày, mà lại vận tải lương thực, nhiều sự tổn phí », thế mới biết rằng thủa trước nước Tầu khó sự cai-trị nước ta, cũng bởi vì cớ ấy vậy.

Còn như nước Lang-sa với nước ta, tuy rằng đường đất cách xa, mà đánh một cái giây-thép, thì lính thuộc-địa ở Ấn-độ, hoặc ở châu A-phi-lị-gia, trong 15 ngày đã đến nước ta. Vả lại sự nghề nghiệp càng ngày càng tấn bộ, mới cách trong mười năm nay, bởi tầu hơi mà đã tấn lên làm tầu đi chìm dưới bể; bởi xe lửa đã tấn lên mà làm tầu bay trên giời; bởi điện báo có giây, mà đã tấn lên làm điện báo không giây. Xem như nghề nghiệp ngày càng tinh xảo như thế, thì người nước ta lấy nghề nghiệp cũ mà địch với nghề nghiệp mới bây giờ thế nào mà địch cho lại được.

Vả lại các sự đánh nhau trong đời bây giờ, chẳng những cậy sự nghề nghiệp, mà lại phải cậy sự bạc tiền. Xem như cách trong mười năm nay, nước Nam-phi-châu (le Transwaal), cự lại với nước Hồng-mao (l'Angleterre), đến hai năm giời nước Hồng-mao cũng đã tốn đến hơn 300 triệu, thế mà cứ đánh mãi mà không chịu thôi, về sau nước Nam-phi-châu cũng là phải chịu sự bảo-hộ.

Lại như cách sáu năm nay, nước Nhật-bản đánh nhau với nước Nga-la-ti, (la Russie) mỗi một ngày quân phí đến một triệu. Nước Nhật-bản là nghèo mà hà-tiện, mà sự tổn phí còn đến như thế, về sau bởi sự hết tiền. dẫu có đánh được cũng phải chịu hoà, mà không dám bắt nước Nga-la-ti chịu sự bồi-thường. Thế thì lấy nước ta là nghèo mà địch với nước Lang-sa là giầu, thì định làm sao được?

Nên biết rằng cái sự vận-động ở trong ấy chắc là không nên vậy.

Những người vận-động ở ngoài chắc nói rằng: « Nước Lang-sa với nước ta là khác loài, khác chữ vuỗn là không binh vực cho ta, thế thì phải nhờ những nước đồng-chữ đồng-loài với ta, giúp ta lấy sự tự-chủ ».

Không biết rằng cái công việc lấy thuộc-địa thủa trước, với công việc lấy thuộc-địa bây giờ khác nhau. Như là thủa trước nước Tầu lấy nước ta, cùng nước Cao-ly nước Diến-điện, chẳng qua là bắt ta phải nộp những đồ cống-hiến, để mà khoe rằng nhiều nước thuộc-quốc mà thôi, mà bây giờ trong cách lấy thuộc-địa, thì chắc không làm như thế nữa. Bởi vì trong cách lấy thuộc-địa bây giờ, chẳng kể nước nào cũng chỉ cốt đem dân đến mà ở, đem đồ sản vật đến mà bán. Thế thì càng gần nước ta bao nhiêu, người đến càng chóng, đồ đến càng nhiều, nước ta lại càng thêm ra những sự thiệt hại. Xem như người nước Tầu sang ở nước ta, chẳng qua là sự trú ngụ, nào có thần thế gì đâu, mà trong sự buôn bán nghề nghiệp, đã là tranh hết của ta. Lại xem như nước Nhật-bản bảo-hộ nước Cao-ly, mới trong năm sáu năm giời, mà dân Cao-ly đã chịu nhiều sự khốn khổ. Thế thì ta trông mong những người đồng-chữ đồng-giống, có ích gì không? Nhưng mà nói thế mà thôi, chắc là người Lang-sa vuỗn là một nước phú cường, mà đã bỏ tiền bỏ của ra ở nước ta cũng nhiều, dẫu đến thế nào cũng là không chịu. Vả bây giờ các nước mạnh trong địa-cầu này, nước nào cũng phải có ngoại giao, xem như nước Lang-sa, trước thì giao với nước Nga-la-ti, bây giờ thì giao với Anh-cát-lị, cũng vì cớ bảo thủ xứ Đông-dương này. Xem như nước Lang-sa phú cường đã như thế, ngoại giao lại như kia, dẫu rằng người mình muốn vận-động ở ngoài cách gì, tưởng cũng không nên ra việc gì vậy.

Thế thì nước ta có thể tự-chủ được không?

Nói rằng: nước ta có ba cái cơ hội tự-chủ, đều là phải nhờ nước Lang-sa cả. Cái cơ hội lần thứ nhất, là ở đời đức Gia-long. Lúc ấy nước ta mới giao thông với nước Lang-sa, nếu khiến theo nước Lang-sa mà thay đổi trong việc học hành, thì nước ta đã trước các nước ở Á-đông này, mà làm ra một nước mạnh lớn, cũng chẳng khác như nước Nhật-bản trong đời bây giờ. Cơ hội thứ hai là đời vua Tự-đức, lúc ấy nước Lang-sa đã đến nước ta, nếu khiến ta mà biết sửa sang trong việc học hành, thì ta đã nên ra một nước tự-chủ, cũng chẳng khác gì nước Tiêm-la trong đời bây giờ. Hai cái cơ hội ấy là việc đã qua rồi, không nên trông mong làm gì, còn cái cơ hội thứ ba là việc tương-lai, còn có thể mà trông mong được. Nghĩa là từ giầy mà đi, người nước ta phải nương dựa lấy nước Lang-sa, để mà thay đổi trong việc học hành, thì về sau sự khôn ngoan mình đã tấn tới rồi, chắc là nước Lang-sa cho mình tự-chủ ở trong, nước Lang-sa bảo-hộ ở ngoài, thì về sau mình cũng như nước Gia-nã-đại, (le Canada), nước Uc-đại-Lị (l'Australie) là thuộc-địa của nước Hồng-mao (l'Angleterre). Mà lại phải biết rằng: việc tự chủ lấy vì chưng gặp nước Lang-sa thì mới mong được, gặp lấy nước khác thì lại không xong.

Cớ thứ nhất là vì trong cách các nước lấy thuộc-địa trong đời bây giờ, dẫu là nước nào cũng cốt đem dân ra ngoài mà ở. Mà nước Lang-sa thì khác hơn các nước. Xem như nước Anh nước Phổ dân đi thuộc-địa phần nhiều là những kẻ bần cùng, mà những kẻ bần cùng ấy đã đi ra ngoại-quốc, không còn mong về xứ sở cũ mình nữa. Còn như nước Lang-sa, thì dân sự giầu có. Xưa nay vốn là quen tính phong lưu. Vả lại từ đời vua Nã-pha-luân đệ nhất (Napoléon 1er) đã định các luật quân phân gia tài, thì con giai con gái, cũng đều có phần, nên chi ai nấy cũng đều có của sung sướng. Vì cớ sung sướng ấy, thì chẳng kể những người quan lại làm gì, dẫu đến người làm ruộng người đi buôn trong ba bốn năm, cũng đã giở về xứ cũ của mình, thế mới biết rằng nước Lang-sa lấy thuộc-địa, cũng là lấy để làm nơi đi chơi, không phải là lấy làm nơi trường-trú vậy.

Cớ thứ hai, xem ra bây giờ, các nước chung quanh nước mình, hoặc có nước đã mạnh rồi, hoặc có nước đương còn sắp mạnh. Thế thì giữ cõi Đông-dương này, phải nhiều binh lính; nhiều binh lính thì phải tốn nhiều tiền bạc.

Xem ra từ thủa nước Lang-sa đến lấy nước ta, cho đến bây giờ, phỏng chừng tốn kém đã đến 700 triệu rồi, mà sự ích lợi cũng không được bao nhiêu, nên chi dẫu có muốn chở nhiều binh lính, tốn nhiều tiền của, mà đem sang nước ta, thì dân sự tưởng cũng có nhẽ không ưng. Xem như trong mấy năm nay, các quan chính-phủ đại-thần đã xướng lên rằng: « nước Lang-sa phải công ti với nước ta », cũng là muốn cố kết lấy lòng người, để mà lấy người nước ta giữ nước ta vậy.

Xem hai cớ ấy thì biết rằng ta gặp nước Lang-sa bảo-hộ, cũng là một cái sự may cho người nước ta vậy.

Thế thì bây giờ muốn tự-chủ thì phải làm ra thế nào?

Nói rằng: muốn tự-chủ thì phải học; học thì phải lấy nước Lang-sa làm thầy.

Mà sự học ấy không phải là muốn cho mau cho chóng được đâu? ví như làm nhà thì trước phải đắp cái nền, giồng cây thì trước phải ương cái hột, ấy là một cái nền độc-lập, một cái hột văn-minh. Có nền thì nhà có thể dựng nên to, có hột thì cây có thể giồng nên nhớn, tuy rằng sự học hành mình đã tấn tới rồi, chắc thế nào cũng sinh ra sự cạnh tranh. Nhưng mà cạnh tranh lấy sự hòa bình, không phải cạnh tranh lấy sự kịch liệt, như là người nước mình những người tư-chất cao, mà học được khoa chuyên môn, thời chắc là nhà-nước phải dùng làm việc, thế là cạnh tranh trong sự làm quan, người mình tư chất tầm thường, mà được một nghề gì, thì người mình dẻ công người ta chắc phải thuê mình, thế là cạnh tranh trong sự nghề nghiệp. Dẫu là người nước Lang-sa làm chủ, mà trong sự làm quan cùng các nghề nghiệp, đều là người mình, thế thì người nước Lang-sa vuỗn là phần ít, mà người mình vuỗn là dành được phần nhiều, cái sự cạnh tranh như thế, vuỗn là không phải mất máu mất đầu, mà tự nhiên lại được quyền được lợi. Nếu người nước ta cứ theo một đường ấy mà làm, mau thì 50 năm, chậm thì một trăm năm, chắc rằng người nước ta, đều như nước Lang-sa, nghĩa là đều như là một loài khôn ngoan, giống nhau. Lấy loài khôn mà cai-trị loài ngu thì dễ, lấy loài khôn mà cai-trị loài khôn thì khó, chắc rằng khi ấy nước Lang-sa lại giao lại quyền tự-chủ cho ta, mà ta thì nhờ nước Lang-sa bảo-hộ ở ngoài vậy.