Gương sử Nam/Thiên thứ nhất/Tiết thứ nhất/Hồi thứ ba

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

HỒI THỨ BA

Năm 1873, là năm vua Tự-đức thứ 25, có người tây thương tên là Đồ-phổ-nghĩa, (M. J. Dupuis) cầm tờ ông Nguyên-soái Gia-định, ra Bắc-kỳ, xin sự thông đường Vân-nam. Quan Tổng-thống là ông Nguyễn-tri-Phương không cho. Đến năm 1874, ông Nguyên-soái Gia-định, lại sai ông quan-ba tên là Ngạc-nhe (Francis Garnier), đem 400 quân ra Hà-nội, chỉ là có ý sai ra xem xét mà thôi. Khi ông ấy đã đến rồi, trông thấy ta làm ra nhiều sự ngăn trở. Ông ấy đánh thành Hà-nội. Ông Tổng-thống Nguyễn-tri-Phương cũng tự tử ở trong thành. Rồi ông Ngạc-nhe lại lấy luôn tỉnh Hải-dương, tỉnh Ninh-bình, tỉnh Nam-định. Chỉ có 100 quân, mà trong một tháng, lấy được bốn-thành như vậy.

Khi vua Tự-đức đã được tin rồi, thì sai ông Trần-đình-Túc, ông Nguyễn-trọng-Hiệp ra Bắc-thành; sai ông Nguyễn-văn-Tường vào Gia-định. Ông Nguyên-soái Gia-định, tên là Du-bi-lê (Amiral Duperré) sai ông Hoắc-đạo-sinh (M. Philastre), đi với ông Nguyễn-văn-Tường ra Bắc-kỳ, mà giao giả bốn tỉnh lại.

Khi quan tây quan ta, chưa đến Hà-nội, ông Ngặc-nhe cưỡi ngựa lên đường Sơn-tây, đi đến gần cầu Diệu, phải quân Lưu-vĩnh-Phúc giết đi. May mà nước Pha-lang-sa không lấy làm sự thù oán, cũng chịu ký tờ hòa-ước với ta, trong tờ này thì ta phải nhận nước Pha-lang-sa được đặt khâm-sứ ở kinh, và đặt lãnh-sự ở Hà-nội, ở Hải-phòng. Lại có một câu nói rằng: Vua An-nam từ giầy mà đi, có quyền tự-chủ, không phải phục nước nào nữa (nghĩa là ta không phải phục nước Tầu như khi trước vậy). Tờ hòa-ước đã ký rồi, thì bốn tỉnh lại giả lại cho ta. Rồi nước Pha-lang-sa lại cho ta 5 chiếc tầu khói, 2.000 khẩu súng nạp-hậu. Nhưng mà súng thì ta sếp vào kho vũ-khố, tầu thì không mượn người tây xem máy, chiếc thì chìm ở cửa Nhượng, chiếc thì chìm ở cửa Thuận-an.

Xem lại công việc trong lần này, chẳng qua là một người tây thương xin sự thông đường Vân-nam. Tưởng cũng không có ngại gì, mà sinh ra sự ngăn chở. Thế mà khi đầu thì tiếc một cái tờ thông-hành, mà không chịu cho. Sau thì hòa-ước đến bao nhiêu điều cũng là phải ký. Tuy rằng lúc ấy nước Pha-lang-sa cũng còn lấy lòng tử tế mà giả lại bốn tỉnh cho ta. Nhưng mà đất nhớn người nhiều, mà không biết cách cai trị, thì dẫu rằng có cũng như không, dẫu rằng còn cũng như mất vậy.