Gạo Nam Kỳ có thể lên giá chăng?

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Gạo Nam Kỳ có thể lên giá chăng?  (1932) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Trung lập, Sài Gòn, số 6663 (23. 2. 1932)

Bán qua Nhựt hay là bán qua Pháp?

Sau khi gạo xứ ta hạ giá xuống rất tệ mạt đã hai năm nay, vào độ năm ngoái, có một lần hình như muốn cất lên chút ít, nhưng không được bao lâu rồi rẻ cũng huờn rẻ mạt, cho đến ngày nay, theo giá ở nhà quê, cũng vẫn nằm ở chỗ 5-6 cắc một giạ.

Sự giá gạo rẻ mạt như thế, có người nói rằng cũng là một cái đỡ cho nhà nghèo là phần đông ở xứ ta. Theo ý họ, nếu trong cơn kinh tế khủng hoảng nầy mà giá gạo lại cao như mấy năm trên nữa, thì nhà giàu chẳng nói chi, chớ nhà nghèo biểu họ có tiền đâu cho đủ đặng mua đổ vô nồi mà nấu ngày hai bữa? Nói rằng đỡ cho nhà nghèo là nghĩa như vậy.

Không phải, nói như vậy là lầm. Nói như vậy là đảo ngược đi, xách cái quả trở lên làm cái nhơn, thì sao cho trúng đặng? Cái nhơn của cơn khủng hoảng ở xứ ta đây tuy có nhiều cái, nhưng sự gạo rẻ là một cái nhơn đó, bởi đó mà sanh ra cái quả là kinh tế khủng hoảng kia. Nay trở lại nói rằng "nếu trong cơn khủng hoảng nầy mà gạo mắc" thế có phải là ngược không? Theo ý chúng tôi và cũng theo sự thiệt nữa, nếu giá gạo xứ ta cao lên thì cái nạn kinh tế khủng hoảng ắt sẽ giảm dần rồi đến dứt hẳn; vả lại, nếu giá gạo từ trước không hạ thì hoặc giả cái nạn khủng hoảng cũng đã chẳng xảy ra nữa kia.

Nói thế để cho biết gạo rẻ là sự hại cho bề sanh kế của dân ta lắm vậy. Cái sự dở cho nhà nghèo, chẳng qua bởi người ta thấy lộn hiểu lầm đó thôi, chớ một mai mà giá gạo cao lên, nhà giàu bán gạo được bội lợi, rồi đem đồng tiền ấy ra làm công nầy việc khác, phát ra cho nhà nghèo thì dầu gạo có cao đi nữa mà đã có tiền mua thì nhà nghèo cũng chẳng hề chi. Đó là cái tình hình mấy năm trước, trong khi gạo kém mà dân vẫn no, sao người ta không nhớ?

Giá gạo cao là lợi cho dân Nam kỳ từ nhà giàu đến nhà nghèo. Điều ấy thật rõ ràng dễ thấy lắm. Bởi vậy hiện nay ai cũng đương mong cho gạo lên giá, dẫu có một vài kẻ nói nghịch lý như trên đó cũng chẳng làm cho xoay trở lòng người được.

Trước đây có tin rằng bên Nhựt Bổn mùa nầy bị thất, mà thất nặng lắm, tính số lúa thóc sẽ thâu vào không đủ cho người trong nước họ ăn xài. Như thế thì họ phải mua gạo ngoài. Mà mua ở đâu? Nam kỳ ta sẽ rước được mối hàng ấy không? Đó là một cái vấn đề chưa có thể quyết được đó. Chớ đừng có mới nghe Nhựt Bổn thất mùa mà đã vội tin rằng ta sẽ bán gạo cho họ được.

Bởi ngoài Nam kỳ ra, còn Xiêm La và Miến Điện cũng là hai xứ có gạo nhiều. Thế thì làm sao chắc được rằng người Nhựt, khi họ hụt gạo ăn, họ sẽ không mua của Xiêm, Miến mà mua của ta?

Ai cũng vậy, trong việc ấy chỉ có tính lợi tính hại mà thôi. Mấy năm nay, người Nhựt ít mua gạo của ta, là vì họ chê gạo của ta xấu, hay trộn cám vào và dễ mau sanh mọt. Thế là một cái cớ mà khó mong cho gạo ta được tiêu thọ ở xứ Nhựt vậy. Lại về thuế xuất cảng nữa. Hiện nay chánh phủ tuy đã bỏ món thuế 45% rồi, song cái nguyên ngạch vẫn còn nguyên ngạch. Thuế xuất cảng gạo xứ ta nếu nặng hơn ở Xiêm và Miến thì cũng đủ làm cho ta mất mối hàng dễ lắm. Muốn cho gạo ta bán được trong dạo nầy tưởng chánh phủ nên chú ý đến chỗ đó.

(Bị kiểm duyệt bỏ)

Mới hôm 19 Février, có tin ở Hà Nội do phủ Toàn quyền gởi vào, nói về sự gạo ta được tiêu thọ bên Pháp mỗi ngày được thêm nhiều hơn. Ấy là nhờ có chánh phủ Pháp khuyến dụ nhân dân ở bển ăn gạo và cổ động cho họ mua gạo của Đông Pháp nữa. Tuy vậy mà giá gạo ở xứ ta có nhờ tiêu thọ vào ngả ấy mà được lên giá như mọi năm chăng, thì hình như chưa chắc và chúng ta chưa có thể tin cậy ở một nơi ấy đặng. Trong một số tới, chúng tôi xin bàn tiếp về việc nầy.

T. R.