Giải một điều nhận lầm: Tết bây giờ buồn
Bởi người ta đụng đâu cũng đem cái chủ quan ra mà xét đoán nên có lắm cái hiện trạng bị nhận thấy sai lầm. Phần đông họ sai lầm, rồi có một người đứng ra đứng ra toan cởi cái sai lầm cho họ, họ lại bảo là lập dị. Thế thì cứ để yên cho họ sai lầm chẳng là lưỡng tiện? Nhưng ngặt một điều: mình dầu muốn thế, thần Chơn Lý đâu có cho phép.
“Tết bây giờ buồn!” Bất luận đi đâu, ở trong nước Nam nầy, cũng nghe người ta nói như thế. Nói như thế, người ta dựa vào những chứng cớ ở đâu?
“Buồn” đối với “vui”. Hai cái đó dầu là hai cái hiện tượng trước mắt mình, nhưng phải xét rằng nó gốc ở cái động cơ của trong lòng từng kẻ. Một đám táng tôi có cật ruột với người bị khiêng đi chôn đó thì tôi thấy nó là buồn; nhưng mấy cậu công tử kia cốt thừa dịp đi coi để chọn gái thì họ bảo đám táng là vui há chẳng được sao?
Thế mà ai nấy cứ lấy chỗ thấy của mình bảo Tết bây giờ là buồn, thật võ đoán quá.
Tuy vậy, mình lấy cái lý của họ, họ sẽ cãi lại rằng hễ nhiều người nhận thấy đồng nhau, tức là sự nhận thấy ấy có phần đúng: nhiều người bảo Tết là buồn thì Tết quả là buồn. Cho nên mình phải chừa chỗ đó ra mà đem những cái lẽ khác rõ ràng đáng tin hơn để giãi bày mới tiện.
Ta nên biết một dân tộc cũng như một con người: có lúc bé thơ rồi cũng phải có lúc khôn lớn. Cùng một đứa trẻ, hồi 12 tuổi, cái sở thích của nó khác, đến 20 tuổi, cái sở thích của nó khác. Cái sở thích, cái nó cho là vui, hồi 12 tuổi, qua đến 20 tuổi không còn là vui cho nó nữa, nó không thích nữa. Khi bấy giờ nếu có ai bảo cái ấy là buồn cho nó, ấy là nói sai. Bởi nó không thích cái ấy nữa thì nó không chơi nữa, chớ có gì đâu mà buồn?
Chịu khó mà hiểu cái lẽ ấy đi, rồi tự nhiên hiểu Tết bây giờ không phải buồn.
Dân tộc Việt Nam ngày nay bắt đầu như con người lên 20 tuổi. Những búp bê, bong bóng bằng cao su, con chó ngao bằng bông của Nhựt Bổn… những đồ chơi hồi còn để chỏm, liệng đi lâu rồi; mà cho đến chiếc xe đạp bé tý, khẩu súng bắn cá “xẹt”,… cũng coi là đồ trẻ con. Thế thì bảo làm thế nào còn giữ cái quang cảnh Tết ngày xưa được?
Trước hết ta nên biết Tết là gì. Tết chỉ là một ngày đầu năm. Đầu năm ấy cũng như đầu năm khác. Chẳng có cái ý nghĩa gì đặc biệt cho xứng đáng với sự vui mừng cả, thế mà cứ Tết đến là vui mừng, ấy là cái tâm lý của dân tộc đương hồi còn ấu trĩ. Dân tộc khi trưởng thành rồi, nên tìm cái ngày đáng vui mừng mà vui mừng, tìm chưa được thì đợi đã, chớ không chịu vui mừng trong ngày Tết, bởi cho là vô vị.
Mấy câu vừa mới nói rồi đó, ta nên coi là chỗ gốc. Bởi cái quan niệm về Tết đã thay đổi nên mọi sự vui chơi trong ngày Tết đều thay đổi – hay mất hẳn đi. Mà cái quan niệm sở dĩ thay đổi, là tại dân tộc Việt Nam đã trưởng thành, đã đi khá xa trên con đường tấn hóa. “Lên nêu” cái gì? Cái gì lại “vô khom”? Ông bà đi đâu mà “đưa”? Về đâu mà “rước”? Heo muốn ăn lúc nào, làm thịt lúc ấy, cái gì lại đợi đến hăm chín, ba mươi? Cúng gì là cúng “giao thừa”? Ông gì ông “hành binh hành khiển”? Chuyện trẻ con quá, người lớn hiểu không nổi, còn làm theo sao được? “Sắc bùa” vô duyên lắm, cái gì lại vỗ trống “tầm vinh” mà kêu “mở ngõ”? Đu tiên đu ngô coi càng ốt dột[1] nữa, cái gì lại con trai con gái đánh quần đánh áo vào mà xít tòn ten?[2] Rặt là tuồng trẻ con, người 20 tuổi rồi ai thèm?
Những tuồng trẻ con ấy, người ta cho là vui đó, bây giờ không có nữa hoặc ít đi, người ta bảo là buồn.
Nực cười thay! Một cái dấu tấn hóa của dân tộc rõ ràng ràng, nên biết đến mà mừng mới phải, thế mà lại rủ nhau thở dài than vắn, như đã tỏ mình ra là người hay hoài cổ, cảm khái vô cùng!
Buồn là buồn thế nào mới được chớ? Nếu vứt những cái trò trẻ con ấy đi mà cho là buồn, thế thì cái vui của các ông cũng dễ dàng mà có lắm.
Đến như cái buồn mà tôi không muốn nói ở tờ báo nầy và ở hôm nay thì lại là cái buồn quanh năm, ngày nào cũng có, nào phải đến Tết mới thấy buồn?
Một dân tộc trưởng thành rồi, cái quan niệm đã thay đổi cố nhiên, mà sức làm việc cũng bắt đầu ra hăng hái. Người Việt Nam ngày nay làm việc suốt năm, không như lúc trước, Tháng giêng ăn Tết ở nhà; tháng hai cờ bạc tháng ba hội hè nữa, nên các ông cho là buồn cũng phải. Duy có ở nhà ăn Tết rồi cờ bạc hội hè mãi, các ông mới cho là vui!
Cái vui trẻ con ấy, dân tộc Việt Nam ngày nay đã thành nhân rồi, sắp tự lập rồi, đâu còn thích nữa?
Lại còn một lẽ nữa, nói ra đây e làm cho độc giả cười mà đến nỗi tỉnh người!
Ta phải xét lại, xem những người hay nói “Tết bây giờ buồn” là ai. Hãy nhận kỹ xem rặt là người bốn mươi tuổi trở lên rồi mới có câu ấy. Cái buồn là cái buồn riêng của họ, thế mà họ nói thành ra cái buồn chung cho cả nước, gẫm thật họ cũng đã bất nhân!
Những người ấy họ trải qua những cái vui của họ ở ngày Tết hồi họ còn nhỏ đã chán chê rồi. Pháo, họ đã nghe nhàm tai rồi, bây giờ họ không thích đốt nữa. Nem, họ ăn phủ phê rồi, bây giờ họ không còn thèm nữa. Quần áo, họ diện phỉ sức rồi, bây giờ họ không muốn diện nữa…
Cái gì vui trong ba bữa, họ cũng đã “hứng” hết từ trước kia; ngày nay vai so gối lỏng, không còn sức đâu nữa mà theo đuổi sự khoái lạc trên đời, trong ngày Tết, cực chẳng đã, họ phải đắp chiếu họ nằm, rồi họ kêu “buồn”, thì cũng là buồn lắm chút! Nhưng những người khác, người ta có buồn đâu, chúng tôi đương vui vẻ ở đây lắm chớ!
Chúng tôi vui, không phải thấy ngày Tết mà vui, nhưng vui vì thấy dân tộc Việt Nam đương chạy trên con đường tấn hóa! Trên con đường ấy, chúng tôi xem bằng con mắt lạc quan, chúng tôi bao giờ cũng vui!
PHAN KHÔI
Chú thích
- ▲ ốt dột: ủ dột, buồn rầu (Từ điển phương ngữ Nam Bộ, sđd.)
- ▲ tòn ten: lủng lẳng (Từ điển phương ngữ Nam Bộ, sđd.)