Bước tới nội dung

Giọt máu chung tình/Hồi thứ hai mươi sáu

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

HỒI THỨ HAI MƯƠI SÁU

Bị thế bức chẵng nhìn lời thệ ước,

Lấy lẻ công biện bạch nợ tình chung.

Một lác kế cữa mở ra, thấy một lảo-bà và một người gái trẻ, cầm đèn trong cữa bước ra, rảo mắt ngó xem mổi người. Khi ngó tới Thu-Hà và Vỏ-đông-Sơ, thì người gái kia vùng la lên và nói: Uả cô, uã quan-nhơn, rồi chạy lại ôm Thu-Hà và rưng rưng hai hàng giọt lệ.

Thu-Hà ngó lại thấy thể-nữ Xuân-Đào, thì mừng và hỏi: Sao mi ở đây? Và ở đây với ai?

Xuân-Đào nói: Từ khi tôi ở Thạch-đình gặp Vỏ-quan-nhơn, nữa đêm đến đó kiếm cô, chẳng dè thấy thơ cô đễ lại thì tưởng cô đã trầm thân tự tữ, nơi chốn vực thẩm biển sâu rồi, nên tôi theo Quan-nhơn về ở với mẹ tôi đây từ ấy đến nay, chẳng dè ngày nay cô cháu đặng trùng phùng. và đặng thấy Vỏ-quan-Nhơn đây, thì mừng nầy biết sao mà nói đặng, đó rồi mẹ con Xuân-Đào mời các anh em vào nhà và dọn một phòng riêng cho Thu-Hà ngơi nghĩ.

Thu-Hà vô giường thì cúi mặt làm thinh chỉ ngồi thiêm thiếp, xem lại thì gương đào giá dượi, mày nguyệt nhăn nho, vì đương so đo một mối tơ tình, nó xăng xích bên lòng, không vò mà rối.

Kế đó Vỏ-đông-Sơ bước vô lại đứng một bên và nói: Ái-khanh bây giờ trong mình thể nào? Sao xem sắc mặt có vẻ thảm đạm ưu sầu, hay là quí thể có đều chi chẳng yên, xin nói ra cho biết.

Thu-Hà day lại thấy Đông-Sơ đứng kế một bên, thì lấy tay xô Đông-Sơ dang ra, rồi cúi mặt làm thinh, chẳng một lời chi đáp lại.

Đông-Sơ thấy vậy thì lấy làm lạ kỳ, rồi tiếp mà hỏi nữa: Ái-khanh ôi! bấy lâu kẻ chơn trời người góc biễn, biết bao nhiêu là tháng đợi ngày trông, nay hai ta đặng gặp nhau đây, lẻ thì chẳng xiết vui mừng, nhưng cớ sao ái-khanh lại nở làm thinh, mà chẳng tỏ một lời hơn thiệt? Thế thì ái-khanh đã quên những lời ngày xưa thệ ước, những lúc câu chuyện giọng tình, nên lẳng lặng làm thinh, mà tỏ rằng lòng kia lơ lãng đó chăng? Hay là ái-khanh đã quên cái người ôm ấp một khối chung tình từ ấy nhẩn nay với ái-khanh, rất thương yêu triếu mến đó chăng?

Ái-khanh ôi! ái-khanh hảy ngó lại mà coi, cái người ấy bây giờ đương đứng trước mặt một kẻ rất triếu mến thương yêu đây, và người ấy bây giờ đương đứng mà ao ước trông mong, một đều phối hiệp lương duyên cùng ái-khanh, không cơn nào mà nguôi lòng đổi ý cho đặng, người ấy bấy giờ đây là Võ-đông-Sơ, kìa ai là Thu-Hà thì xin đoái tình mà xem lại?

Thu-Hà nghe rồi đứng dậy ngó Đông-Sơ cách lơ láo và trả lời rằng: Tôi chẳng phải là ái-khanh của người ấy, và cũng chẳng phải là Thu-Hà của Đông-Sơ, đó đâu, những lời ngày xưa thệ ước, nay đã xem như bọt nước chảy dòng sông; cái khối chung tình ngày xưa, nay xem như một bóng đương quang nó làm tang giọt tuyết, người ấy tuy bây giờ đứng đó, nhưng tôi chẳng dám gần, người ấy tuy bây giờ ở đây, nhưng tôi không nhìn đặng.

Nói tới đây liền lấy tay ôm ngực, và sắc mặt buồn xàu, kế đám giạc nghĩ cụ ưu phiền lừng lẫy nỗi lên, rồi đánh một trận với đám giặc ân tình trong trái tim, làm cho cả một tòa lương tâm đều phập phồng hồi hộp, đó rồi Thu-Hà mặt mày chán ván, té xiểu nơi giường, còn Đông-Sơ nghe mấy nhiêu lời, thì ngọn lữa phẩn khích trong lòng, hực hực xung lên, làm cho héo ruột xàu gan, rồi cả và mình đều rướm rướm mồ hôi, đổ ra như tấm.

Đông-Sơ ngó Thu-Hà sững sờ một hồi, và tầm tư sự nghĩ rằng: Lạ thay, từ khi tri ngộ Thu-Hà tại Hoa-viên đến nay, ta chưa hề có đều chi phụ nghĩa bạc tình cùng nàng, và cũng chẳng có đều chi làm cho nàng phiền lòng mích dạ, cớ sao nay lại buông lời lạt lẻo, xem ra như người đã bội nghĩa vong tình, hay là nàng đã gá cuộc nhơn duyên với nơi nào, nên mới nở mượn những lưởi búa lời dao, đặng mà cắc đức dây tình xưa nghĩa cũ đó chăng? Hay là nàng bị giang-hồ lưu lạc, đã nhiều phen họa dập tai dồn, làm cho nàng hoản hốt tâm thần, mà ra kẻ kinh hồn lảng trí.

Nghĩ vậy rồi bước tới và hỏi rằng: Ái-khanh, tôi xin hỏi một lời: Khi tại sông Nhỉ-hà, ái-khanh có nhớ một người nào bơi thuyền cởi sóng mà xông pha giữa chốn vạng trận phong đào, đem một sanh mạng mà liều với sông biễn nước trời, chẳng kễ cái cảnh ngộ hung hiễm dang nguy, chẳng kễ cái tiền đồ cuồng phong nộ lảng. Chỉ biết lấy một lòng nhiệc thành ân ái, mà đối đải với một kẻ yêu dấu tình nhơn trong lúc ngộ nạn lâm nguy. Nếu mà chẵng may bị lượng sóng vô tình nó chôn dập giữa chốn trường giang, thế thì ái khanh cũng phải cảm động lòng thương và nhỏ một giọt nước mắt ân tình, ngỏ khóc cho kẻ vì mình mà phải chịu oan hồn uổng tữ đó chớ? Nhưng may mà ngày nay cái sanh mạng của kẻ ấy hảy còn sống nơi cỏi dương gian nầy và đương đứng trước mặt ái-khanh đây, là Vỏ-đông-Sơ, mà gắn vó kêu nài cùng ái-khanh một lời rất thiết yếu rằng: vì cớ nào mà ái-khanh chẳng tưởng đến lời non thề biễn hẹn? Vì cớ nào mà chẳng nhìn đến kẻ nghĩa củ tình xưa? Xin ái-khanh hảy tỏ hết cái tâm sự dấu diếm nơi lòng, và nói thiệt căng do cho tôi rỏ, dẩu mà hai ta chẳng phải nhơn duyên trời định, khiến cho ái-khanh chẳng đoái tình thương, thì tôi cũng lấy một chí khí đại độ trượng phu, mà đễ cho người thong thỏa theo lòng sở dục. Còn như có đều chi bức ép hay là bị một thế lực mạnh mẻ nó buộc ràng. làm cho ái-khanh rủng chí phiền lòng, thì tôi sẻ hết sức gánh vát đởm đương chẳng đễ cho ái-khanh phiền lòng cực trí chi hết. Nếu ái-khanh chẳng tưởng mà nói rằng Thu-Hà chẳng phải là người tình nghĩa của Đông-Sơ nầy, vậy thì Thu-Hà là người của ai? Xin hảy nói cho nghe thữ?

Thu-Hà nghe Đông-Sơ gạn hỏi mấy lời, thì nghỉ mà đau lòng ly biệt, xót ruột ân tình, làm cho thỉnh thoản trên má hồng nhan, đã chứa chan hai hàng giọt lệ, rồi day lại mà nói với Đông-Sơ rằng:

Bấy lâu tôi cũng ngở Thu Hà nầy là một người vợ chưa cưới của Đông-Sơ; chẳng dè ngày nay Thu-Hà thành ra một người vợ đã cưới rồi của Vương-Bích!

Bấy lâu cũng tưởng mượn bước giang-hồ lưu-lạc, đặng cho khỏi cái dây oan trái nó buộc ràng; chẳng dè ngày nay cái kiếp đọa hồng nhan, nó chưa chịu nhả nhớm, buông tha, hảy còn đeo đủi mà bắc vào tay bức hiếp.

Đông-Sơ nghe rềi nhiếu mày ngó sững Thu-Hà và hỏi: ái-khanh hảy nói cho tôi rỏ. Vương-Bích ở đâu? và vì cớ nào mà ái-khanh gọi rằng vào tay bức hiếp?

Thu-Hà nói: anh tôi và Vương-Bích mới gặp tôi nơi Lữ-quán, nói rằng trong khi gã cưới, đã có hôn-thơ bằng cớ, và hai bên thân tộc rỏ ràng, rồi chiếu tờ tập nả của quan phê, mà nói rằng: tôi bị tội bội ước đào hôn, nên người và anh tôi tìm theo mà bắt lại, may nhờ Triệu-quí-hữu thừa cơ rồi giả kế mà cứu tôi trong lúc giữa đường, song tôi nghĩ dẩu cho cao chạy xa bay, thì sớm muộn cũng chẳng khỏi vào tay oan trái đó nữa.

Vì vậy tôi nay còn gì mà gọi rằng một người tình nghĩa yêu dấu của Đông-Sơ, vì tôi đã bị làm một người bức ép buộc ràng của Vương-Bích, nói rồi thì mạch nước mắt chung tình, đã cuộng cuộng tràng ra, làm cho hai tròng thu ba phải dầm dề hột lụy.

Còn Đông-Sơ nghe rồi thì tơ tình rối ruột, tráng đỗ mồ hôi, thật là một việc rất trắc trở khó khăn, dẫu cho ai thiết thạch tâm trường, gặp lúc như vầy, cũng phải sững sờ ngơ ngẫn, huống hồ Đông-Sơ là kẽ đã giao lời thệ ước, nặng gánh chung tình, lẻ nào nghe vậy mà chẳng xúc động tâm thần, bầm gan tiếm ruột.

Đó rồi Đông-Sơ làm thinh đứng sững, nghĩ nghị một hồi; bèn day lại kêu Thu-Hà và hỏi: Ái-khanh nói rằng Vương-Bích có chiếu tờ tập nả, và có dựng chứng hôn-thơ, nhưng chẳng biết trong giấy hôn-thơ, ái-khanh có ký tên hay chẳng?

Thu-Hà nói: Tôi đã từ hôn chẳng chịu, lẻ đâu còn chịu ký tên.

Đông-Sơ nói: Nếu ái-khanh thiệt chẳng ký tên, thì cang chi mà ái-khanh còn nghi ngờ lo sợ. Dẩu cho Vương-Bích quyết lòng ép buộc, mà đầu cáo cùng quan trên, thì ái-khanh cứ thiệt khai ngay, quan trên cũng chẳng lý nào mà ép duyên chồng vợ đặng, vả lại việc vợ chồng cưới gả, thì do nơi hai bên trai gái thuận tình, dẩu cho cha mẹ cũng chẳng nở ép uổng việc nhơn duyên. Huống hồ anh em có quyền chi mà buộc ràng sự trăm năm tơ-tóc. Nếu ái-khanh lòng còn nghi ngại, thì tôi xin Hoàng-thượng ngự bút tứ hôn cho hai ta, dầu cho Vương-Bích kiện tới thiên-đình, cũng chẳng làm chi hai ta cho đặng.

Thu-Hà nghe mấy lời Đông-Sơ biện bạch, thì bao nhiêu những sự ưu sầu nghi cụ, chấp chứa nơi lòng, tức thì chẳng đủi mà tự nhiên tang đi, chẳng dầm mà tự nhiên tiêu mất, rồi đổi lại một tình trạng rất hân hoan vui vẻ, hiện ra một sắc diện rất đẹp đẻ mặt mày, mừng thay anh én gặp bầy, hết cơn ly hận tới ngày hiệp hoan. Cái mừng nầy nói ra khôn xiết, mà viết cũng chẳng hết lời, đó rồi Thu-Hà bước lại ôm Đông-Sơ mà thỏ thẻ giọng tình, và mừng và nói:

Lang-quân ôi! Lang-quân sẻ xin ngự bút tứ hôn cho đôi ta sao? Vương-Bích chẳng làm chi hai ta đặng nữa sao?

Lang-quân ôi! Lang-quân ôi! Nếu mình chẳng hết lời phân trần cặng kẻ, thời tôi mãng bị một sự kinh hãi nghi sầu nó làm cho tôi rối loạn tâm thần; mất cả trí khôn, hết đều tư tưởng chi nữa, đến đổi gặp mà chẳng dám nhìn, xem dường một kẻ lảng hạnh vong tình, và một người ăn lời thệ ước kia vậy.

Lang-quân ôi! Nay tôi mới thiệt là Thu-Hà của Đông-Sơ, nay tôi mới thiệt là vợ chưa cưới của Đông-Sơ, chớ chẳng còn nghi ngờ lo sợ chi nữa, vậy nay đôi ta đã đặng nhứt trường hội ngộ, thì xin tính sao cho trọn chữ ân-tình, trước là đẹp đẻ cuộc giai ngẩu lương duyên, sau là khỏi tay Vương-Bích và anh tôi, người theo buộc ràng ép uổng.

Đông-Sơ day lại choàng tay qua vai Thu-Hà rồi kề môi dựa má, lấy giọng an uổi mà rằng: Ái-khanh ôi! Cũng bởi tôi đa mang việc nước, mà làm cho ái-khanh phải lạc bước giang-hồ, cũng bởi cơn thời vận dang nan, nó làm cho cái vóc yễu điệu hường nhan, phải dãm bớt vài phần khí sắc.

Ôi! Trong lúc mai kề liểu dựa, mận ấp đào ôm nầy, thì chẳng biết bao nhiêu mà vẻ cái tình trạng rất thân ái thương yêu, làm cho ngọn lữa ân-tình phưởng phất, lừng lên rồi cả hai đều hồn mê ruột rối. Bổng nghe trước cữa rần rần vó ngựa, rảng rảng lạc đồng, kế thấy Triệu-nương và thễ-nử Xuân-Đào, hơ hãi chạy vào, và kêu và nói:

Tiễu-thơ, Tiễu-thơ, Vương-Bích và công-tữ Bạch-xuân-Phương, hai người đương giục ngựa buông cương rầng rầng chạy tới kia kìa

Đông-Sơ nghe nói liền rút gươm vội vã bước ra, Thu-Hà thất kinh chạy theo niếu lại và nói. Lang-quân, xin Lang-quân ở nơi phòng nầy với tôi, đặng đễ coi Vương-Bích cữ động thế nào, rồi chúng ta sẻ tùy cơ ứng biến.

Lúc ấy Triệu-Dỏng đương đứng trước khách đường, xảy thấy hai người cởi ngựa rầm rầm chạy tới, thì biết là Bạch-xuân-Phương và Vương-Bích, sợ chúng nó vô nhà thình lình, thì gặp Thu-Hà; liền lật đật chạy ra, đứng ngăn trước ngỏ.

Vương Bích xuống ngựa châm chĩ bước vô, thấy Triệu-Dỏng mặt đồ vỏ trang, bộ coi nghiêm chĩnh, khác lúc giã dạng tên đánh xe, nên không nhìn đặng, bèn kêu mà hỏi rằng: Tên kia, ngươi có thấy hai người gái chạy vào đây chăng?

Triệu-Dỏng nói: Tôi chỉ thấy hai người trai là hai chú đó thôi, chớ không thấy ai nữa.

Vương-Bích nghe Triệu-Dỏng trả lời như vậy, bèn dòm vô nhà đặng coi có ai chăng, xãy thấy có bóng đờn bà lấp ló phía trong, thì nghi và nói: Người nói không ai, sao trong nhà có dạng đờn bà con gái đó vậy? Người hảy tránh, để ta xét coi, và nói và sấn sước bước vô.

Triệu-Dỏng nỗi xung, lấy tay cảng lại và nói: Ngươi muốn xét thì phải xin phép cái cánh tay ta đây, bằng ngươi ỷ thế làm ngang, thì nó không hề đễ cho mi bước tới một bước.

Vương-Bích nghe nói thì mặt đỏ phừng phừng, và nói: Để ta bước vô coi mi làm chi ta cho biết, nói rồi xốc tới bước vô, Triệu-Dỏng tức thì lấy tay nắm ngang ngực Vương-Bích, quăng ra một cái rất mạnh, làm cho Vương-Bích hỏng chơn văng ra xa hơn năm thước rồi té nhào xuống đất, Triệu-Dỏng nhảy lại đạp chơn trên lưng, muốn đánh thêm một thoi, cho rồi đời ngang ngược.

Bạch-xuân-Phương thấy Triệu-Dỏng sức mạnh phi thường, xem thế ắc cao cường vỏ nghệ, thì chạy lại mà cang rằng: Xin tráng-sĩ bớt lòng thạnh nộ, vì vương Hữu trong cơn nóng nãy, mà ra sự lỗi lầm, nếu thiệt chẳng có hai gái vào đây, thì chẳng cần chi mà sanh đều tranh đấu, nói rồi lại dắc Vương-Bich trở ra, rồi cả hai lên ngựa đi về một nước.

Triệu-Dỏng mặt còn phừng phừng sắc giận, đương đứng trợn mắt ngó theo, xãy nghe có người phía sau bước tới vỗ vai một cái và nói rằng: Mừng cho Triệu-quí-hửu đắc thắng.

Triệu-Dỏng day lại thì thấy Đông-Sơ và các chị em đều chạy ra mừng rở.

Thu-Hà nói: Nhờ có Triệu-quí-Hữu mau chơn ra cảng trước ngỏ, nếu không thì anh tôi và Vương-Bích, đã xốc vô nhà, gặp tôi và Lang-quân ở đây, ắc sanh đều đại sự.

Kế đó Đông-Sơ day lại biểu tên bộ-hạ đi mướn một cỗ xe, rồi rước Thu-Hà và hai anh em Triệu-Dỏng trở về tư dinh, và dọn dẹp mot phòng cho Thu-Hà và Triệu-Nương ngơi nghĩ, còn Đông-Sơ thì tính làm một tờ biễu chương, bày tỏ sự tình, đặng xin Hoàng-thượng ngự bút tứ hôn, ngỏ cùng Thu-Hà vầy duyên cang lệ.