Giới thiệu lối văn phê bình nhân vật

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Giới thiệu lối văn phê bình nhân vật  (1931) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, số 93 (30.7.1931)

"Mạnh dạn mà bước ra đi! Ai nấy đương ước ao thấy mặt; đắc ý hòng chết, còn làm hạnh nữa!"

Sau mấy lời nói trửng với cô dâu bên trong cửa đó, ra tới trung đường, người dẫn dâu đứng thiệt chững, cúi đầu trước mặt công chúng, nói lớn lên rằng:

- Thưa hai họ, dâu ra mừng họ đây!

Công việc chỉ có nấy đó mà trước rày tôi cứ triển huỡn với tôi mãi, toan làm lại gác mấy lần, là ý làm sao? Có gì lạ đâu. Ấy chỉ bởi: cô dâu nếu là mới thì lối văn phê bình nhân vật nầy đối với xã hội ta lại còn mới hơn nữa; cô dâu quá mới ấy nếu đáng thậm thà thậm thụt thì tôi là người dẫn dâu còn đáng thậm thụt thậm thà hơn nữa.

Thật lối văn phê bình nhân vật ở nước ta quả chưa hề có. Ta thường có câu cái quan luận định, nghĩa là đến khi đậy nắp hòm rồi mới nhứt định sự khen chê cho một người nào. Chớ không có ai đương sống sờ sờ giữa nầy lại bị đem làm cái đối tượng (objet) cho sự phê bình như những ông Briand, Doumer… bên Pháp mà ta thường gặp trên các báo chí ở bển. Cửa thuở nay không có, bây giờ có, nó phải mới. Nhưng, của thuở nay không có mà cũng không thấy thiếu, thì bây giờ có, nó chẳng phải là thừa ra hay sao? - Thưa không; bởi những lẽ sắp nói trong bức thơ dưới nầy mà nó không thừa.

Trước đây tôi có nhận được một phong thơ, mở ra thấy:

Gia Định, ngày 18-6-31

Ông Phan Khôi,

Kính ông,

Trong văn giới nước nhà, còn một thể văn ít người chịu lưu ý đến, tức là thể văn phê bình (critique): phê bình nhân vật (personnalités) để khảo sát lấy cái bản ngã (le moi) của những người mà quốc dân thường nghe tiếng, đọc văn, hoặc thưởng thức đến những công việc họ làm trong xã hội; phê bình sách vở để định giá trị cho những công trình văn nghiệp (oeuvres) đã sản xuất ra ở trong nước.

Phê bình mà đúng đắn thì ích cho những người bị phê bình đã không ít mà lợi cho phần công chúng lại là nhiều.

Điều nầy hẳn ông đã từng chú ý và có lẽ chính nhờ ở ông mà tôi nhận được ra.

Trong những ngày giờ rảnh, tôi muốn trước hết đem những nhân vật trong nước ra mà phê bình; rồi lần lần sẽ phê bình tới những sách vở lưu hành có tiếng ở xã hội.

Phê bình về nhân vật, tôi bắt đầu từ ông, rồi lần lần sẽ nói đến những ông: Nguyễn Khắc Hiếu, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Trọng Kim.

Theo thơ nầy, tôi gởi đến cho ông hai bài, phê bình ông và ông Hiếu, trước hết muốn nhờ ông kiếm giùm cho một cái cơ quan nào đúng đắn mà đăng cho, để tôi sẽ có nơi mà viết tiếp những bài khác.

Sau tôi lại có ý… (Đoạn nầy lược bớt).

Thiếu sơn

Người gởi thơ cho tôi và tác giả hai bài phê bình gởi kèm luôn cho tôi đó, muốn để hiệu trên báo là Thiếu Sơn, nhưng có cho riêng tôi biết tên thật của người. ấy là một vị thanh niên, trong người, chúng ta đáng để nhiều hy vọng, cứ xem văn đây thì biết; mà cơ khổ, đến ngày nay mới chịu lên tiếng giữa văn đàn, làm quen với xã hội!

Khéo kẻo tôi nói lại lạc đề! Đây tôi chỉ giới thiệu một lối văn mới mà thôi, tức là những bài phê bình nhân vật sẽ đăng sau nầy mà thôi.

Để rồi độc giả đọc coi thử ra sao, riêng phần tôi, tôi phục thiệt tình, văn phê bình nhân vật mà viết như vầy, tôi phải chịu là đúng. Mới ngó như khí sơ lược một chút; nhưng xem kỹ thì thấy ý tác giả cốt trọng về đại thể, chớ không cầu tường. Tôi nói đúng, nghĩa là đúng với phương pháp phê bình; chớ còn sự khen chê ở trong, tôi đâu dám lấy ý riêng mà võ đoán.

Ông Thiếu Sơn nhè tôi mà phê bình trước hết, chỗ đó phải có lý. Tôi - Phan Khôi - có đáng là người đem ra mà phê bình không, ấy lại riêng ra một vấn đề. Nhưng ông Thiếu Sơn bắt đầu từ tôi, có lẽ ông chỉ tin tôi là người chịu được cho kẻ khác phê bình, là cái đối tượng tiện cho ông dùng trước thì ông dùng, chớ ông không hỏi đến đáng cùng không đáng. Mà quả thật thế, tôi chịu được; nếu trong cơ thể tôi có cái gì có thể thêm được sự tri thức cho khoa học thì tôi tình nguyện nằm im trên bàn mổ xẻ cho ông bác sĩ chuyên khoa giải phẫu làm gì đó thì làm.

Nhưng, ngặt thay! Ông Thiếu Sơn phê bình tôi mà lại gởi bài ngay cho tôi, bài ấy sẽ do tay tôi đăng lên báo, báo lại là báo có tay tôi nhúng vào. Như vậy, theo thế thường, là sự không hết tiếng; tôi dầu trực triệt đến đâu, ngang ngay sổ thẳng đến đâu, cũng phải tỵ hiềm trong sự ấy.

Ngót một tháng nay tôi cứ đứng dật dờ giữa sự đăng với không đăng. Không đăng thì uổng lắm, trên đàn văn thiệt mất một lối văn mới, độc giả không được thấy những bài văn hay, hột gạo no nê nguyên vẹn mà để cho lọt xuống dưới sàn thì còn ai chẳng tiếc! Nhưng đăng thì ròng những sợ rồi không khỏi bị lời kia tiếng nọ giữa xã hội quá nghiêm.

Tôi đương lưỡng lự như vậy thì vừa tiếp được bài thứ ba của ông Thiếu Sơn gởi đến, bài nầy phê bình ông Phạm Quỳnh. Tôi tưởng ông Phạm lại còn có cái đại độ chịu cho người ta mổ xẻ bằng mấy tôi; mà đăng bài phê bình ông đi đầu, nó bớt được cái vẻ đột ngột đi một ít, may ra tôi khỏi đeo cái tiếng họa phù thân đái vào mình thì cũng tiện. Nghĩ như vậy rồi tôi nhờ Phụ nữ tân văn phát biểu bài thứ ba của ông Thiếu Sơn làm bài thứ nhứt và trịnh trọng cầm bút thảo mấy lời nầy để trên đầu bài.

Phan Khôi