Gia Long tẩu quốc/Hồi thứ mười lăm

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

HỒI THỨ MƯỜI LĂM

Cơn lưu lạc gái kia thọ khỗ,

Lúc ngặc nghèo cha lại ly trần.


Lai láng biển sầu, chứa chan giọt thảm,
Phận bạch phát giang hồ lưu lạc,
Biết bao lần khổ khổ tâng tâng,
Mãnh hồng nhan khách địa bơ vơ,
Thương vì nổi thời thời vận vận.

Đây nhắc lại khi cô Ngọc-Sương nhờ Châu-văn-Tiếp giết chết tướng giặc là Bùi khắc-Phú mà cứu cô và cha cô khỏi nạn, rồi gá nghỉa nhơn duyên cùng nhau, kế hai đàng phân tay tự biệt. Châu-văn-Tiếp thì bôn ba theo chúa là đức Nguyễn-Ánh, còn Ngọc-Sương với cha cô là ông Cữ-Khôi, thì bõ hết cửa nhà sự sản, lật đật tìm phương lánh nạn, qua ở Long-Hồ (Vinh-Long) rồi mua một cái nhà lá ba căng, cha con cùng nhau tạm đở, ông thì tuổi càng ngày càng già, sức càng ngày càng yếu; lúc nầy là lúc các thứ bịnh hoạn mon men áp tới núp ở bên lưng, làm cho ông nay đau chứng nầy, mai đau chứng khác, lần lần huyết nhụt tiêu ma, thảng mảng lây lất theo tháng ngày, mà coi lại mình đã gầy, vóc đả ốm; hai mé tóc phất phơ trên đầu ông, lần lựa đua nhau đã phê phê bạc trắng, đó là cái biễu hiện cũa tạo hóa đễ thôi thúc con người cho biết đến chừng ấy là cái chừng đả gần đất xa trời, khác nào cãnh chiều bóng xế.

Thật chẵng chi buồn bực hơn là cái cãnh phong chúc tàng niên, tang du mộ ảnh, cái cãnh ấy như đèn tàn dưới gió, bọt nỗi ngoài sông, đả vậy lại bị con ma nghèo cứ theo lân la dòm hành trước cửa, thằng quỉ bịnh rủ nhau áp tới xẫn bẫn bên mình, nó nhơn cái hồi vận bỉ thời quai mà làm cho con người phãi ra tĩnh tĩnh mê mê, điên điên đảo đảo.

Cô Ngọc-Sương thấy nhà đã nghèo, cha lại yếu, thì ngày như đêm, năm như tháng, cô vẩn lo lắng chống cự với cái hồi vận quỉ thời ma.

Cô vẫn là người có tánh chất thông minh, mà lại có tinh thần học thức, nhưng gặp cái đời chiến tranh bát loạn, chỗ nào cũng xăng văn chiêu binh khởi nghĩa, trúc lũy lập đồn, tập luyện theo nghề mũi đạn đường tên, chớ nào có ai cần gì đến việc trường văn trận bút.

vây cực chẳng đã, cô phải dẹp cái tài văn chương chữ nghĩa, mà dùng theo nghề nhõ mọn nử công, lấy việc thêu tiểu vá may, đường kim mối chỉ, gọi rằng đấp đổi tháng ngày trong cơn nghèo ngặc.

Bửa nọ cô lo cơm nước cho ông thân cô xong rồi, cô ngồi dựa song cửa với một ngọn đèn dầu, mà thêu một cập hoang-ương, đặng sáng đem bán cho các nhà giàu có trong làng mà tiêu xài độ nhựt.

Cô thêu một hồi rồi ngừng kim ngó mong ra cửa, thầm suy lặng nghỉ, nhớ tới quê xưa cảnh củ, trong lúc ở tại Long-Xuyên, bây giờ sự sản tan tành, cửa nhà xiêu lạc, cô nghỉ tới đó thì tơ tình cuộng cuộng, nét mặt dàu dàu, nghỉ quơ nghỉ quẫn một hồi lại thở dài than vắn, rồi day qua khêu đèn lên thêu, vừa thêu vừa ngâm một bài tự thán như vầy:

Hôm sớm thêm buồn việc nữ công,
Cha già nhà khó cậy ai cùng,
Bơ vơ thẹn nỗi thân bồ liểu,
Dang ruổi thương người phận kiếm cung.
Nhợ thảm vấn vương hồn xứ sở,
Gánh sầu hoằng hoại thệ non sông,
Bỡi đâu khuấy đục trời Nam-Việt,
Nên khiến phanh phuôi sợi chỉ hồng.

Trong lúc canh khuya đêm vắng, nghe cô ngâm giọng cao giọng thấp, tiếng nhỏ tiếng to, hòa với tiếng dế rủ rỉ bên thềm, nghe rất thâm trằm êm ái.

Cái nghề thêu thùa mua vá của cô Ngọc-Sương cũng là một nghề tuyệt xảo, nhờ vậy mà được đắp đổi tháng ngày, và cô là người tề gia nội trợ rất giõi, mỗi việc chi cô đều ăn cần ỡ kiệm, xem sóc kỷ cang, việc đáng xài thì xài, còn việc chẳng đáng xài, dầu một đồng tiền kẻm cô cũng không hề chịu tốn, cô nghỉ cho đồng tiền bạc phải biết cách sử dụng nó, thì nó mới giúp đở mình, nếu chẳng biết cách dùng nó, thì nó vào cửa trước rồi tuốt ra ngõ sau mà đi ngay, nó tới tay mình rồi tức thì qua tay người khác, nên cô rất dè dặc cẫn thận trong việc bạc tiền, nhưng mà gặp cái hồi họa dập tai dồn, cũng chẳng biết sao mà chống cự lại nổi.

Từ khi qua ở Long-Hồ (Vinhlong) chẳng được bao lâu, kế ông thân cô thọ bịnh, cô Ngọc-Sương một mình ngày đêm lo lắng, sớm tối thuốc thang, song bịnh ông càng ngày càng nặng, bao nhiêu tiền bạc cắp củm đem theo, từ ấy đến nay, ngày lụn tháng qua, lớp ăn uống, lớp thuốc thang, lần lần tiêu xài sạch hết.

Còn cô Ngọc-Sương thì phận gái thân cô sức yếu, biết làm sao mà chống cự với cái hồi vận bỉ thời quai. Bữa nọ ông thân cô bịnh trở, nằm liệc nơi giường, mà tiền bạc không còn, đặng đi kiếm thầy chạy thuốc, cô bèn nói với ông rằng:

Thưa cha, cha ráng ở nhà, để con ra chợ, coi có ai mướn may vá chút đỉnh gì, đặng lấy tiền hốt thuốc cho cha, bây giờ một đồng một chữ, không có trong nhà, chẳng lẻ ngồi đó khoanh tay mà chịu.

Ông thấy cô nói vậy, thì rưng rưng nước mắt mà nói rằng:

— Con ôi! con có đi thì con nhớ về cho sớm, kẻo cha trông đợi; cô giạ, bèn lấy khăn choàn hầu, rồi lật đật ra đi, cô tới mấy người bán hàng ngoài chợ, hỏi hàng nầy qua hàng kia, mà không ai mướn may chi hết, tội nghiệp cho cô đi hơn một buổi, tưởng lảnh đặng mối nào mà may, đặng lấy tiền chạy thuốc cho cha, chẳng dè tới đâu, người nói bán ế, kẻ nói không may, chẳng ai mướn hết.

Cô Ngọc-Sương thấy việc không thành, thì sắc mặt buồn dàu, kế mặt trời chen lặng, thì sợ cha ở nhà một mình không ai cơm nước, liền lật đật trở về, tới nhà bèn bước vô giường, thấy ông đường nằm nhắm mắt, ông nghe cô về thì mở mắt hỏi rằng:

— Con, con kiếm chổ may vá gì được không?

Cô Ngọc-Sương nghe ông hõi, thì bước lại bên giường mà hai tròng rưng rưng ứa lụy mà nói rằng:

— Cha ôi! con kiếm hết sức mà chưa có chỗ nào mướn may, đễ sáng mai con sẻ đi kiếm chỗ khác thử coi, có lẽ cũng được, xin cha chớ lo, để mặc con toan liệu; trong mình cha bây giờ có khỏe không cha? để con nấu miếng cháo cho cha ăn nghe.

— Nãy giờ trong bụng nóng nảy xót xa, vậy con coi còn gạo nấu cho cha miếng cháo.

Cô Ngọc-Sương nghe cha nói vậy, lật đật ra xách nồi vô hủ lấy gạo đặng nấu cháo cho cha, và nấu một nồi cơm mà ăn luôn thể, kẻo hồi mai đến giờ trong bụng chưa có cơm nước chi hết, chẳng dè vô thấy hủ gạo sạch trơn, không còn một hột, cô sửng sờ rồi ngồi rưng rưng nước mắt, vì cô mắt lớp lo chạy bạc tiền, lớp lo kiếm may vá, phần thì lo chạy thuốc thang cho ông thân cô, nên trong lòng cô lúc bấy giờ lăng xăng trăm mối tơ vò; lớp lo thang thuốc lớp lo bạc tiền. Vì vậy mà cô không dè sự ở nhà gạo hết mà đề phòng, thật nghĩ mà thãm thay cho cái hồi ngặc nghèo, tiền không, gạo hết, đến đỗi một bữa cháo cũng chẳng no, một nồi cơm cũng không có.

Cô đương ngồi suy nghỉ đến phận nghèo khỗ, thì vẻ mặt buồn xo, bổng thấy một con chó mực lưởng thưởng dưới nhà bếp đi lên, bụng đói xếp xe, lại đứng bên cô, hai mắt ngó lom lom vào nồi, và ngước lên nhìn cô một hồi, rồi nguích đuôi thểng thoãng lại góc nằm khoanh, mắt nhắm liêm diêm, và thỡ ra một cái nghe rất buồn bực, dường như nó thấy trong nồi không gạo, dưới bếp lạnh tanh, và thấy chủ thảm sầu, thì thơ thẫn bõ đi rồi nằm khoanh xó góc mà chịu, thật là:

Chó chực bửa ăn rơi nước mắt,
Mèo rình hủ gạo rụng lông nheo.

Cô Ngọc-Sương thấy trong hủ hết gạo, thì để nồi trên bếp suy nghỉ một hồi, rồi chạy lại nhà chị hai Bé ở lối xóm và nói:

Chị hai, chị còn gạo làm ơn cho tôi mượn đở một nồi, đặng nấu miếng cháo cho ông già tôi ăn, mai giờ tôi mắc ra chợ mới về, chẵng dè gạo hết, chị làm ơn cho tôi mượn đở, rồi mai tôi mua trả lại cho chị, chẳng dám sai đâu.

Chị hai Bé thấy cô nói vậy, lật đật bước vào nhà trong một hồi, rồi trỡ ra nói: cơ khỗ tôi tưởng còn gạo trắng, thì cho cô mượn đỡ một nồi, chẳng dè trong hũ cũng sạch trơn, bây giờ chỉ có một mủng gạo lức đó thôi, cô dùng đặng lấy về mà dùng đỡ.

Cô Ngọc-Sương nghe nói thì sửng sờ rổi nghỉ thầm rằng: Trong cơn thốn thiếu, một nồi gạo chạy củng không ra, bây giờ tối rồi, biết chạy đâu cho đặng, cha thì già yếu, mà trong cơn đau ốm, thì nhờ có miếng cháo hột cơm, mà cháo cơm chẵng có, thang thuốc cũng không, thì chịu sao cho nổi, cô nghĩ như vậy thì nói với chị hai Bé rằng:

— Thôi! chị làm ơn cho tôi mượn đở một nồi gạo lức cũng được, chớ bây giờ không có gạo giã, thì biết chạy đi đâu.

Chị hai Bé nghe nói lật đật vô xúc một chén gạo lức đem ra, cô Ngọc-Sương bưng về vo gạo sạch sẻ rồi nấu, một lát cháo chín cô múc một chén đem lên cho ông thân cô, và nói rằng:

— Cha ôi! để con đở cha dậy húp đỡ vài muổng cháo cho khỏe.

Ông Cử-Khôi lồm cồm cượng dậy, húp hết nữa chén, rồi cô rót nước cho ông uống và nói rằng:

— Thôi cha nằm xuống nghĩ một chút cho khỏe, rồi sáng con sẻ chạy tiền hốt thuốc cho cha.

Ông nghe nói thì lắc đầu rồi ứa nước mắt mà rằng:

— Con ôi! cha biết trong mình cha đả lâm trọng bịnh, không thuốc nào cứu đặng, cha cũng vang vái phật trời, như phải đến phần số thì cho cha nhắm mắt cho rồi, để đau trầm trệ lâu ngày, thì cực khổ cho con, con là phận gái thân cô sức yếu, làm gì mà chống cự nỗi cái cãnh ngộ thãm khổ ngặc nghèo nầy, cha mạnh thì chẵng nói chi, nếu một mai cha có đều gì, thì tội nghiệp cho con lắm, chồng con thì mắc lo việc phò vua giúp nước, còn con thì bơ vơ xứ sở, côi cúc một mình, rủi gặp cơn nắng lữa mưa dầu, thì biết ai mà náu nương nhờ cậy, nói rồi thì hai hàng nước mắt ròng ròng chảy xuống.

Cô Ngọc-Sương bưng chén cháo để xuống đất rồi quì mọp bên giường khóc và nói rằng:

— Cha ôi! Con vái trời cho cha mạnh giỏi mà qua khỏi nạn nầy, dầu con giải nắng dằm sương, cực khỗ thế nào thì con củng lo chạy thuốc thang cho cha, gọi đền chút ơn sâu dưởng dục, công nặng sanh thành, xin cha chớ ưu phiền, mà sanh thêm bịnh hoạn, con tuy thân cô sức yếu, quần vận yếm mang, song từ nhỏ đến giờ, nhờ cha dạy dổ học hành, củng đả nếm được chút ít cái mùi thánh kinh hiền truyện, con củng biết giử cái tư-cách của một gái, thế nào gọi rằng trung trinh hiếu hạnh, thế nào gọi rằng hiền đức nử công. Cha ôi! Con tuy còn thơ bé, song con củng có đủ trí khôn, mà đối với việc trong gia đình, cùng người ngoài xả hội, xin cha ráng tịnh dưởng tâm thần, đặng con lo chạy thuốc thang cho cha, họa may trời còn lòng thương, thì bịnh căng củng lần lần thuyên giảm.

Cô nói rồi lấy khăn lau nước mắt, xuống bếp múc cháo ra ăn sơ sịa ít muổng đở lòng, rồi day qua thấy con chó mực nằm khoanh dưới váng yêm liềm, mắt ngó chừng cô, mà không dám léo lại, cô thấy vậy bèn lấy miếng cháo dư, đem lại và kêu và nói rằng:

Mực mực, cờn chút cháo dư đây nầy mi dậy mà ăn đi, con mực nghe cô kêu thì chờn vờn đứng dậy, ngoắc đuôi lia lịa, còn hai mắt ngó cô châm châm, và le lưởi liếm mép hai ba cái, tội nghiệp cho con súc vật nầy là một giống trung tín khôn ngoan, thấy chủ buồn thì củng buồn, rồi kiếm chổ nằm khoanh thiêm thiếp, kế nghe chủ kêu cho ăn, thì chạy loại ngoắc đuôi lia lịa, ra bộ băng xăng mừng quýnh.

Cô Ngọc-Sương dọn dẹp đóng cửa trước sau xong rồi vào giường thăm cha, thấy cha đã ngũ, cô bèn lại váng nằm rồi suy tới nghĩ lui, chẳng biết châu-văn-Tiếp là người đả gá nghĩa nhơn duyên cùng cô, bây giờ ở đâu, mà biệt tín biệt dạng. Chẳng biết người có giử lời ước hẹn khi xưa, cho bằng lòng kẽ sớm trưa đợi chờ, từ khi người theo đức Nguyển Ánh mà phò vua giúp nước, xông pha giửa chốn mủi đạn đường tên, chẳng biết người có bình yên vô dạng, mạnh giõi thế nào, mà vắng bặc âm hao, làm cho cô mong-mõi ngày trông đêm đợi, thật là:

Cánh-Hồng bổng cất tuyệt vời.
Đã mòn con mắt phương trời đâm đâm.

Còn ông thân cô thì bịnh càng ngày càng thêm, sức càng ngày càng yếu, tuổi già thắc thẽo, như trái chín trên cây, chẳng may gặp một luồng gió trận mưa thế cũng ghe ngày phẵi rụng, rồi cô nghĩ đến cuộc nhà gặp lúc thời nguy, phải cơn nghèo ngặc, mà thãm thay trong túi vắng hoe, rủi có đều gì, thì biết cậy ai giùm giúp, rồi cô nghĩ lại phận cô, quê người chiếc bóng, thân gái một mình, thì lã chã giọt sầu, chẵng biết ai xuôi nên nổi.

Cô mảng một mình trằn trọc, tư tư tưởng tưởng, nghỉ nghỉ suy suy, mà đêm lụn canh tàn, nằm không yên giấc.

Kế trời vừa rựng sáng, cô lật đật chổi dậy xuống bếp, nấu cháo và nước, rồi bưng lên cho ông thân cô và nói rằng:

— Cha, cha dậy ăn miếng cháo, con mới nấu đây cha, đặng con tính ra chợ cho sớm, kiếm coi có ai mướn may, thì lấy tiền mua gạo và hốt thuốc cho cha uống.

Ông nghe cô nói thì thở ra một cái, rồi gượng dậy húp ít muổng cháo, và nói rằng:

— Con ôi! con tính đi kiếm chổ may, song cha tưởng người ta có mướn, cũng chẵng kiếm được tiền bạc bao nhiêu, và họ thấy mình năn nỉ chiều lòn, họ lại éo náy mướn rẻ, thì lấy gì mà chi độ cho đủ trong cơn thắc ngặc ốm đau, phần cha ở nhà một mình, vắng trước quạnh sau, không ai nước nôi săn sóc.

Vậy cha có quen với một chú Hương-Bích ở xóm trên đây, cũng là anh em thân thiết với cha thuở nay, con lên nói cha đau, hỏi đở ít nhiều mà thuốc thang chi độ trong cơn túng rối, rồi thũng thẵng con sẻ kiếm chổ may vá mà trả lại cho người ta.

Cô Ngọc-Sương nghe cha nói vậy thì vâng lời, liền sắm sửa mặc áo lấy khăn ra đi.

Khi cô lên tới nhà chú Hương-Bích, thấy thiếm Hương đương ngồi trên váng, sửa soạn ô-trầu, còn chú Hương thì đứng trước hàng ba, xem cây nhắm kiển.

Chú Hương thấy cô Ngọc-Sương ngoài ngõ xâm xâm đi vô, thì hõi rằng:

— Ủa hai, em đi đâu trên nầy, có việc chi không?

Cô Ngọc-Sương bước lại chào hai vợ chồng chú Hương và nói rằng:

— Thưa chú thiếm, cha tôi hỗm rày có bịnh, bảo tôi lên thưa cùng chú thiếm, làm ơn cho cha tôi mượn đở ít quang tiền đặng uống thuốc men, rồi tôi kiếm chỗ may, sẽ lấy tiền trả lại cho chú thiếm, nếu chú thiếm rộng lòng làm ơn giúp giùm cho cha tôi trong cơn thắc ngặc, thì cha tôi và tôi đội ơn chú thiếm ngàn ngày.

Thiếm Hương nghe cô Ngọc-Sương nói vậy, thì ngó chú Hương một cái và nói rằng:

— Con hai nó nói vậy, mà ba nó tính sao?

Chú Hương ngồi nghĩ thầm rằng:

— Ông Cử-Khôi là anh em quen biết, nếu giúp ông thì không lẻ ăn lời, và không biết ông trã đặn không? nếu để lâu ngày thì mình thất lợi, chi bằn mình không cho thì hay hơn, nghĩ vậy rồi day lại nói với cô Ngọc-Sương rằng:

— Cha chã rũi quá, không mấy thuở ông Cữ sai em lên hỏi, mà ngặc vì lúc nầy, tiền qua mới cho người ta vay, hể một trăm thì mỗi tháng trả lời ba phân, còn như hỏi ít, thì tiền lời mắc hơn hội nhị, mà hể hỏi tiền thì phải cầm thế vật chi mới được, nếu mà kỳ mà không trả, thì qua bán đồ ấy mà lấy tiền, qua nghỉ cho để tiền ở nhà đã không lời, mà lại mất công cất giữ, vì vậy nên qua cho người ta vay hết, bây giờ trong nhà còn để đủ xài mà thôi, nếu cho em mượn, thì lấy gì mà chi dụng, thôi em chịu phiền về thưa lại cho ông Cử rỏ, và kiếm chổ khác mà hõi đỡ, chớ chi sẳn tiền thì qua cũng giúp cho ông Cữ uống thuốc kẽo tội nghiệp: còn như em chờ được thì chờ tới tháng sau đây họ trã tiền, chừng đó qua sẽ giúp em mới được.

Cô Ngọc-Sương là một gái thông minh mẫn thiệp, thấy chú Hương-Bích nói vậy, thì biết là một tay chỉ lo chặt đầu lột da người ta mà làm giàu, chớ chẳng biết trọng nghỉa thi ân, mà giúp đở ai trong cơn nghèo ngặc, cô liền ngồi ghé nơi váng va huỡn đãi nói rằng:

— Thưa chú, đêm hôm qua, khi tôi săn sóc cho cha tôi rồi, thì canh đả khuya, tôi vừa lại váng nằm nghỉ mơ màng, bỗng thấy một điềm chiêm bao rất lạ, tôi thấy tôi đi vào một cái cù lao, kiếm thuốc cho cha tôi, xảy gặp một con cá voi nhỏ, nằm trên trãng cát và nói chuyện với một tên phường chài, tôi lấy làm lạ và nghĩ thầm rằng: Cá gì mà biết nói tiếng người ta, tức thì tôi lần lại lóng tai để nghe, thì nghe cá voi ấy nói rằng:

« Ta là Thái tử của Nam-hải Long-vương, đi dạo chơi phong cảnh, rủi mắc cạn nơi đống cát nầy, đả hai ngày rày, ngươi có nước làm ơn cho ta một gáo đở khát.

« Tên phường chài kia, ngẫm nghĩ một hồi rồi trả lời rằng:

— « Tôi bây giờ chỉ có một bầu nước đem theo đủ uống mà thôi, nếu cho ngài thì tôi lấy chi mà dùng trong cơn khao khát vậy ngài chịu phiền nằm đây, chờ tôi ra biển nam-hãi, lấy nước đem về mà cứu ngài đặng không?

« Cá voi nhõ kia, nghe nói thì phùng hai mang lên, quay đầu ngó lại, rồi trong lỗ mũi xịch hơi ra một cái và nói rằng:

— « Ta cùng mi chẳng phải xa lạ, khi thuyền mi gặp lúc cuồng phong nộ lãng, sóng gió hiểm nguy, thì có ta ở một bên ghe mi mà chở che phò hộ, bây giờ ta gặp lúc gian nan như vầy, mà mi đành mặt ngơ tai điếc.

« Mi là người đại ác, một gáo nước mà mi không chịu giúp ta trong cơn khao khát; bây giờ, nếu chờ mi ra biển nam-hãi đem nước về đây, thì chừng ấy ta đã chết khô trên trảng cát nầy, còn gì mà cứu đặng », nói rồi cá voi ấy đập đuôi một cái, cát bay mù mịt, tôi bèn giựt mình thức dậy thì là một giấc chiêm bao.

Cô Ngọc-Sương lại nói tiếp thêm rằng:

— Điềm chiêm bao ấy chẳng biết hung kiết lẻ nào, song tôi nghĩ lại bịnh của cha tôi đương lúc ngặc nghèo nầy, nếu chờ qua tháng sau như lời chú nói với tôi khi nảy, thì chừng ấy chắc là cha tôi sẽ chết khô như cá voi kia vậy, cô nói rồi lấy khăn lau nước mắt và cáo từ ra về; hai vợ chồng chú Hương-Bích nghe những lời cô Ngọc-Sương nói đó, thì trong lòng dường như có vật chi cắng rức lương tâm, thấm thía nghĩ thầm mà hỗ thẹn, rồi thiếm Hương day lại nói với chồng rằng:

— Con Ngọc-Sương nó nói vậy, mình nghe hiểu không?

Chú Hương-Bích ngồi nhịp nhịp chơn và nói: nó nói nó thấy điều chiêm bao như vậy, thì sợ cha nó chết chớ gì, cái tánh đàn bà con gái, hễ thấy điềm gì lạ, thì nghi nan sợ hãi, chớ có gì lạ đâu.

Thiếm Hương ngó chú Hương nửa con mắt rồi cười một cái lạt lẻo mà nói rằng:

— Thật cái lổ tai mình dày quá, con Ngọc-Sương nó thấy mình không cho nó mượn tiền, nó bày đặt chiêm bao chiêm bị, nói vậy mà biếm nhẻ kiêu ngạo mình, mà mình không hiểu hay sao?

Chú Hương-Bích đương ngồi vé quần gải bấp vế xạt xạt, nghe vợ nó vậy thì vổ trên bấp vế cái bép, rồi trợn mắt nheo mày mà nói rằng:

— Trời ôi! con Ngọc-Sương nó đặt chuyện mà biếm nhẽ mình sao? Sao hồi nảy má nó không nói cho tôi hỏi nó, để bây giờ nó đi về rồi, thì nói gì cho đặng, con nhõ nầy quá quắc dử chưa, để tôi xuống mắng vốn với ông già nó, và nói cho nó biết.

Thiếm-Hương nói: thôi đi, cái mặt mình dốt nát đó, xuống nói chót choét đây, nó kiếm chuyện mắng nữa mà thêm xấu.

Khi cô Ngọc-Sương trở về dọc đàng, vừa đi vừa nghĩ, nghĩ mà ngán ngẩm cho tình người lạt lẽo, cuộc thế đão điên, hễ khi rượu trà lành mạnh, thì anh em thân thiết chơi bời, còn lúc hoạn nạn ngặc nghèo, thì giã làm mặt ngơ tai điếc, hèn chi sách có câu rằng:

Ân nghĩa tận tùng bần xứ đoạn.[1]
Thế tình thiên khán hửu tiền gia.[2]

Chờ chi cha tôi giàu có, thì chúng nó thưa thưa giạ giạ, đỡ đỡ nưng nưng, tới lui theo khi chén rượu chung trà, anh em theo lúc đồng tiền túi bạc, còn lâm cơn bịnh hoạn gặp lúc nghèo nàn, dầu cho tới nó mà năn nĩ ỹ ôi, thì cũng chẳng ngó ngàn giúp đỡ; có nghĩ vậy thì mặt hoa ũ dột, mày nguyệt nhăn nho, thật ghê gớm thay cho cái lũ tham phú phụ bần, chĩ biết say mê theo mùi kẽm hơi đồng, mà chẳng kể đến thân bằng cố hữu, ngán thay cho đám nhơn tình thế thới, điên điên đão đão, tĩnh tĩnh mê mê, chẵng biết kẽ phải người không, chĩ bo bo theo thói tham lam khổ khắc, nay mình gặp cơn nghèo ngặc, nào ai là người tế nhơn lợi vật, nào ai là kẽ truất khổ lân bần, ngó vào bàng gia lân lý, trông ra xã hội nhơn quần, xét lại thì mấy ai ở đăng hảo tâm; nắng toan giúp nón, mưa dùm áo tơi.

Cô Ngọc-Sương đương đi thơ thơ thẩn thẩn, nghĩ nghĩ suy suy, bổng có một bàng tay thình lình vổ ngay trên vai cô một cái, và cất tiếng hõi rằng.

— Em hai, em đi đâu đây, mà xem bộ lơ là buồn bực như vậy?

Cô Ngọc-Sương dựt mình ngó lại, thấy bà chủ Mai là người ỡ lối xóm với cô, thì vội vả thưa rằng:

— Thưa bà, tôi đi xuống dưới chú Hương-Bích về.

— Qua nghe nói ông già em đau, nay đã mạnh chưa?

— Thưa bà, cha tôi hổm nay đau nặng, một ngày một yếu, phần thì thuốc thang không có, phần thì thiếu thốn bạc tiền, nên cha tôi bão tôi xuống chú Hương-Bích mượn đở ít nhiều, đặng lo mà chạy thầy hốt thuốc, nhưng mà...

Bà chủ nghe cô nói tới đó rồi nín đi, thì hỏi tiếp rằng:

— Nhưng mà rồi sao? em có mượn được chăng, sao em nói tới đó rồi lại không nói cho dứt?

— Thưa bà, nhưng mà chú hương-Bích nói tiền mắc cho người ta vay hết, nên không cho mượn, vì vậy nên tôi phải về không, bây giờ tôi chưa biết tính sao mà mượn ai cho đặng. Cha tôi cũng tưởng chú là anh em quen biết thuở nay, lẽ nào trong cơn đau đớn như vầy, mà chú không giúp đở chút đĩnh, nên mới sai tôi xuống hõi, nhưng mà sự tưởng cũa cha tôi đó, là để cho người biết thi ân trọng nghĩa, truất khổ lân bần kìa, chớ như chú hương Bích nầy, thì dẩu cho cốt nhục đồng bào, chú cũng không nới cái túi tham của chú ra đặng.

Bà chủ Mai nghe cô nỉ non nói vậy, thì cãm động lòng thương rồi nói rằng:

— Ác nghiệp dữ không? sao hổm nay em không nói, để chạy hõi người ta làm chi, cho trễ nãi công việc, thôi em lại nhà, qua cho mượn chút đĩnh đặng lo chạy thuốc men cho ông già.

Qua tuy không giàu có gì, song thấy việc phải nghỉa thì cũng biết làm ơn, vì em út cũng là người ỡ lân cận xóm riềng, rủi gặp lúc ngặc cơn nghèo, nếu qua không hay thì thôi, còn hay biết lẽ nào làm mặt ngơ tai điếc sao đặng.

Qua đây tuy đàn bà góa bụa mặc dầu, song cũng biết làm sự nghĩa, chẵng phải như bọn nhà giàu bất nhơn kia, coi đồng tiền bằng bánh xe, ỷ lấy cái thế lực kim tiền, rồi kiếm chước chặt đầu lột da người một giống một nòi mà thủ lợi vậy đâu. Thôi em đi theo qua, qua giúp cho không sao phòng ngại.

Cô Ngọc-Sương lặng nghe mấy lời bà chủ Mai nói, thì trong lòng phới phở, nở mặt tươi mày, rồi đáp rằng:

— Thưa Bà, nếu bà có lòng đại độ, ra ơn giúp đở em út trong lúc túng cùng, thì ơn bà tôi ghi chạm vào lòng, không bao giờ quên đặng.

Nói rồi cô theo bà về nhà, bà lật đật vào buồng lấy hai đính bạc và ít quan tiền, đem ra đưa cho cô Ngọc-Sương và nói: đây Hai, em lấy bạc tiền nầy về, lo chạy thuốc cho ông già em, chừng nào hết, thì em lại lấy thêm chút đỉnh nữa mà dùng, em đừng ái ngại chi hết.

Cô Ngọc-Sương thấy bà thật là một người hão tâm hào-hiệp, thì cúi đầu cãm ơn, rồi lật đật trở về bước vào buồng thăm cha.

Ông thấy cô về thì hỏi rằng:

— Sao con xuống chú Hương-Bích mượn đặng nhiều ít gì không?

— Thưa cha, con xuống hỏi, chú nói tiền mắc cho người ta vay hết, nên không cho mượn.

Nguyên chú Hương-Bích là người trí thức cũa ông, nên ông có lòng trông cậy dầu nhiều không có, thì chút đĩnh có lẽ chú cũng giúp cho, chẵng dè cô Ngọc-Sương nói vậy, thì trong lòng ông đã thất-kỳ-sở-vọng, rồi ngước mặt thở dài một cái, xem rất thãm sầu, và không nói chi hết.

Cô Ngọc-Sương thấy ông thất-vọng mà buồn rầu thì nói với ông rằng:

— Những cũng một diệp may cho nhà mình lắm cha, khì con hỏi chú Hương-Bích không đặng, trỡ về dọc đàng, con gặp bà chủ-Mai, thấy con buồn bực thơ thẩn bên đàng, thì chạy lại hỏi con, con thuật công việc cho bà nghe, Bà thấy vậy bão con lại nhà, rồi cho mượn hai đính bạc với ít quang tiền, bà lại dặn con rằng chừng nào thiếu dùng, thì lại bà giúp nữa cho, không sao phòng ngại, thật bà là một người rất hão tâm hào hiệp, trọng nghĩa lân bần, chẳng phãi như chú Hương-Bích, chĩ biết tiếc trọng đồng tiền, mà chẳng biết tới anh em nhơn nghĩa chi hết.

Cô nói rồi lấy hai đính bạc trong túi đưa cho ông xem.

Ông tỏ ra có vẽ vui mừng cám cảnh rồi nói rằng:

— Con ôi! bạc tiền là một giống quí báu cũa người, song dùng nó phãi cách, thì nó làm cho người ta khen ngợi kính vì, còn dùng nó không nhằm cách, thì nó giết chết linh hồn, phá hại lương tâm, làm cho người ta chê cười khinh bỉ là vậy đó đa con, nên phương ngôn có nói câu rằng: tiền bạc giết chết linh hồn người, nhiều hơn là gươm dao giết chết xát thịt.

Cô nghe ông nói rồi, thì vội vã trở ra, lo rước thầy chạy thuốc cho ông, và mua gạo thóc vật thực, để dành mà dùng trong cơn bi yếu.

Song bịnh ông càng ngày càng nặng, đến đỗi cơm cháo không ăn, cô lo chạy thuốc thang, thầy nầy qua thầy kia, mà không thấy dấu gì là công hiệu.

Bữa nọ, bịnh ông trầm trọng, bức rức không yên, ông bèn kêu cô mà nói rằng:

— Con ôi! cha thế nào cũng không sống đặng, thôi con đừng thuốc thang chi nữa, mà uổng phí bạc tiền, vì cha biết trong mình cha thế nào rồi, cha đến tuổi nầy dầu nhắm mắt cũng yên bề phận mạng, cái đường đời cũa cha tới đây đã cùng, con chớ thấy vậy mà ưu sầu khóc lóc.

Con ôi! cái cảnh trần thế nầy là một cái quán để cho người tạm ở ít lâu mà thôi, còn miền địa-phủ kia, mới thật là chổ quê hương xứ sở, cha bây giờ tuổi đã cao, tác đã yếu, tinh thần liệt nhược, cốt nhục tiêu ma, đó là cái hạn kỳ thôi thúc cha phải từ biệt dương trần, mà trở về quê kiển.

Đã biết rằng cái xuất tuồng ly sầu biệt hận nầy, ai xem đến cũng phải xót dạ đau lòng, huống hồ cha con mình là phụ tử tình thâm, thì bao xiết là gan xàu ruột héo.

Nhưng mà cha khuyên con một đều là phải lấy một tinh thần mạnh mẽ, mà đối với cái cảnh thế-cuộc-tan-thương, chẵng nên học theo thói nhi nử thường tình, mà làm hư danh giá con nhà thế-phiệt.

Con ôi! Châu-văn-Tiếp là người đã gá nghĩa tóc tơ cùng con, vẫn là một người hào-hiệp trượng-phu, anh hùng khí-phách, mai sau may mà vợ chồng sum hiệp, gặp gở lương duyên, thì con phải làm sao cho đáng mặt thuyền-quyên, xứng trang thục nử, mà đối đãi cùng người, được vậy dầu cha thát xuống tuyền-đài, cũng đặng chút vui lòng sở-nguyện.

Ông nói tới đây thì tiếng đả khang, hơi đã mỏn; rồi nhắm mắt nằm yêm, mà mê mệt tâm thần, không nói chi đặng nữa.

Cô Ngọc-Sương thấy ông thần sắc biến đổi, bức rức không yên, thì ứa lụy đôi tròng, rồi lấy tay để trên ngực ông đặng coi trái tim còn nhãy mạnh yếu thế nào, thì nghe bộ mạch thần-kinh của ông chỉ còn thoi thóp, nhãy pháy pháy như sợi tơ, và hơi thỡ phưởng phất yếu như mành chỉ.

Cô lật đật lấy mền đấp điếm cho ông, rồi ngó lại quanh mình, bà con chẵng có, thân thích củng không, chỉ có một cha một con, mà gặp cái tình cảnh tử biệt sanh ly, thãm thiết như vầy, thì cô nghỉ càng đứt ruột đau lòng, biết bao là dầm dề giọt lệ. Dây lâu cô ngó lại, thì ông đã tắc hơi, cô bèn gục đầu bên giường mà khóc thôi nức nở.

Khi ông mấy rồi những chị em cô bác ở lối xóm hay, chạy lại viếng thăm, rồi người lo việc nầy, kẻ dùm chuyện khác, kẽ giúp công, người giúp của, đặng lo sự tẩn liệm cùng cô, vì cô là người tánh tình hòa-nhã, ăn nói phải đều, bình nhựt cô lấy một sự tình nghĩa mà đối đãi với cô bác chị em, giao thiệp với xóm riềng lân lý, đều là nhỏ nhoi tử tế, người trong xóm có đều chi hoạn nạn, thì cô đến chia thãm phân phiền, chị em có việc gì bất hòa, thì cô lại khuyên lơn bàn giãi, nên khi cô hữu sự, ai nấy đều vì nể thương yêu cà hết sức hết lòng mà dùm giúp cô trong cơn mai táng.

Khi cất táng ông xong rồi, cô bán cái nhà đặng làm phần mộ cho ông, còn dư thì trã tiền thốn thiếu người ta, rồi tính qua Mỷ-tho, trước là thăm người dì, sau là hõi hang tin tức Châu-văn-Tiếp luôn thể.

Vì nghe đức Nguyễn-Ánh đánh đuỗi quân Tây-sơn thâu phục Saigon lại rồi, nhưng mà người tình nghĩa của cô là Châu-văn-Tiếp chưa biết trấn thủ nơi nào, nên cô tính qua Mỷ tho cho tiện bề dọ thăm tin tức.

Bửa nọ cô đến từ giã và cãm ơn bà chủ Mai và chị em quen biết lối xóm, rồi mướn một chiếc ghe đưa cô qua nhà người dì ở Mỷtho mà trú ngụ.


   




Chú thích

  1. Cái ơn nghĩa đều bị chổ nghèo mà dứt.
  2. Cái tình đời cứ coi nhà nào có tiền thì hơn.