Giai nhân di mặc/I
GIAI-NHÂN DI-MẶC
Sự-tích và thơ-từ Xuân-HươngĐOẠN THỨ I
Gái thanh-xuân nức tiếng văn thơ,
Duyên hồng điệp bực mình ép uổng.
Khí thiêng trong giời đất trung linh phú thác cho người ta, không kỳ con giai, con gái, đời nào cũng có người giỏi. Nhưng vì nữ học nước Nam ta khi trước chưa mở mang ra, vậy trong thanh-sử Việt-nam, chưa thấy mấy người hồng-nhan nổi tiếng. Tuy vậy, mà đã có người nào một thời nức tiếng. thì nghìn năm bia miệng hãy còn truyền.
Nước Nam ta ngoài bà Trưng, bà Triệu là bậc anh-hùng liệt-nữ không kể, lại còn những bậc phong-nhã tài-tình, mà hay gặp phải sự nhân duyên trắc trở, nghĩ cũng hoài hồng ngâm cho chuột vọc, hoài bột lọc cho ngâu vầy, nên mới tỏ mặt phấn son, để đợi khách đồng tâm, bất-đắc-dĩ phải đem văn thơ mà bỡn cợt cùng người tri-kỷ; đó cũng là một người tài-nữ, giận thân giận đời, mà nổi tiếng văn-tài thi-bá ở trong đám nữ-lưu.
Tài-nữ ấy là ai?
Sau nàng Thị-Đểm, trước bà Thanh-Quan, lại nẩy ra một vị tài-nữ ở phường Khán-xuân, huyện Vĩnh-thuận, Hà-nội, là Hồ-xuân-Hương.[1]
Nguyên ở gần phường Khán-xuân có một cái hồ to, tên là Lãng-bạc-hồ, (sau nhà Lê đổi là Tây-hồ), tương truyền ngày xưa là một trái núi đá, có con cửu-vĩ hồ-tinh ở đấy, thường hay biến hiện thiêng liêng, lúc thì hóa làm mỹ-nữ, nhởn nhơ ở trên đầu núi; lúc thì trá hình văn-nhân, ngâm vịnh ở dưới bóng cây; ai mà không biết gặp phải thì tất mắc tai hại. Thần Long-đỗ mới tâu Ngọc-hoàng thượng-đế xin trừ đi. Ngọc-hoàng sai Long-vương dâng nước sông Nhị lên bắt, thì núi ấy sụt xuống thành đầm, tức là Tây-hồ, không biết con hồ-tinh biến đi đấu mất.
Trên bờ hồ có chùa Trấn-võ đời Lê có đúc tượng đồng, nạng 6600 cân để thờ đức Trấn-thiên chân-võ đại-đế, cũng là một nơi linh-tích, người thì bói thẻ, kẻ thì cầu mộng, thiên-hạ đi lại lễ bái cũng nhiều.
Khi ấy ở phường Khán-xuân có nhà họ Hồ, vợ là Hà-thị, nguyên tổ tích từ Nghệ-an ra ở đấy, nhà ở trông xuống hồ Tây, non xanh nước biếc, cảnh chí thiên nhiên, trông ra như vẽ. Thật là.
Phất phơ ngọn trúc trắng tà,
Tiếng chuông Trấn-võ, canh gà Thọ-xương;
Tuỵt mù khói toả ngàn sương,
Dịp chầy An-thái, mặt gương Tây-hồ.
Hồ-thị hai vợ chồng hiếm hoi, vẫn thường ra cầu đảo ở chùa Trấn-võ. Một đêm kia, Hà-thị nằm mơ mơ màng màng thấy một người cao nhớn dị thường, mắt sáng như gương, da đen tựa sắt, bước vào đưa cho một cái gương tròn. Hà-thị nhận lấy giơ lên soi, thì thấy trong gương có bóng ngọc-thỏ, lòe sáng rực lên. Hà-thị giật mình tỉnh dậy, từ bấy giờ cảm động có thai, mãn kỳ sinh được đứa con gái. Khi đứa bé ấy mới sinh trong bàn tay hãy còn có vết tròn tròn như vành gương soi trong lúc mộng, cha mẹ lấy làm kỳ dị, nhân theo tên làng và nhớ điềm lúc mộng mới đặt tên là Xuân-Hương.
Nàng ấy từ thủa nhỏ cha đã mất sớm, mẹ thường hay chiều chuộng yêu giấu. Cạnh nhà láng diềng có thầy đồ dạy học trẻ con, nàng ấy thường hay thì thọt sang chơi, thấy lũ trẻ học líu la líu lô, vui lắm, nàng ấy đứng nghe lỏm, hễ nhớ được câu nào, tối về lại bập bẹ đọc với mẹ, rồi đòi mẹ mua sách để học, mẹ cũng chiều con, sáng hôm sau, đưa con sang nhập môn ông thầy. Thầy thấy nàng ấy là con gái mới độ bảy tám tuổi, cũng bảo qua loa một vài chữ Tam-tự-kinh cho đỡ chơi nghịch mà thôi; thế mà nàng ấy học được chữ nào tập viết ngay ra chữ ấy không sai. Thầy mới cho học sách Minh-tâm, học đến đâu cũng nhớ đến đấy.
Học trò thấy nàng ấy thông minh, thường hay tinh nghịch trêu ghẹo, một hôm nàng ấy vừa viết tập xong, nằm dựa phản đầu hè thiu thiu ngủ, không ngờ hớ hênh, một anh học trò bé con chạy lại viết ngay một chữ vào trên mu rùa, nàng ấy giật mình tỉnh dậy, ngồi lên, anh học trò cười ầm lên hỏi:
— Đố biết ta viết chữ gì?
Nàng ấy nói:
— Chữ (Thung) 舂 chứ chữ gì.
Anh kia cãi:
— Chữ (Xuân) 春 thế mà không biết.
Nàng ấy mới ngồi rạng háng ra cho mà xem thì nét ngang đứt ra là chữ Thung 舂 thật.
Nàng ấy dịu nhời mắng các anh kia rằng:
— Thế mà đòi học, nằm là (Xuân) 春 mà ngồi lại là (Thung) 舂, thế mà không biết.
Các anh kia mới hiểu ra đều ngẩn mặt thẹn.
Nàng ấy thiên-tư dĩnh-ngộ thông-minh như vậy, nhưng mẹ nàng ấy nghĩ rằng: Con gái bọc hay chữ cũng chả làm gì, biết chữ lắm ngày sau chỉ viết thư cho giai nhiều; mới bắt nàng ấy về không cho học nữa. Nhưng nàng ấy ở nhà vẫn ham về sự học hành văn thơ, cứ học ngấm ngầm bao giờ không biết. Ngày qua tháng lại, xuân-xanh xấp xỉ tới tuần cập-kê, trông ra dáng điệu tầm thước, mặt hơi rỗ hoa, mà da hơi ngăm ngăm đen, thoạt trông thì không đẹp, mà lại có duyên thầm.
Một ngày kia, nàng ấy nhân đi chợ về, gặp phải giời mưa, khi về gần đến cửa, trượt chân ngã đánh oạch một cái, nằm xoạc cẳng ra; những học trò đứng cửa trông thấy cười ầm cả lên, tung hê lêu hổ. Nàng ấy thẹn đỏ mặt tía tai, đứng dậy vội vàng chữa thẹn đọc ngay hai câu rằng:
Giơ tay với thử giời cao thấp,
Xoạc cẳng đo xem đất vắn dài.
Lũ học trò thấy cô ta tài đọc ứng khẩu như vậy, đều kinh phục bảo nhau rằng: « Chị ả này năm trước mới học bập bẹ mấy câu, mà thơ từ khẩu-khí sao giỏi làm vậy? Ngày mai chúng ta thử đố nó làm một bài thơ xem. »
Ngày hôm sau, lũ học trò nhân thầy đi vắng, mới rủ nhau ra cửa để săn đón trêu ghẹo cô ta.
Nguyên ngoài trước cửa ngõ nhà thày có cái giếng đất, giếng ấy có bắc đôi tấm ván làm cầu để xuống múc nước, mạch nước trong mà tốt, xung quanh có đôi ba ngọn cỏ mọc leo teo. Xuân-Hương thường ra đấy lấy nước về nhà để tắm gội. Hôm ấy nhân nhà hết nước, ra giếng múc nước, vừa bước xuống cầu giếng, thì thấy hai ba anh học trò chạy lại, đứng trên bờ giếng, chắn ngang đầu cầu, không cho lên.
Cô ta nói:
— Các anh rõ khéo trẻ con!
Anh học trò kia nói:
— Hôm qua chị tài giở ngón thơ lắm, vậy chị thử vịnh thơ cái giếng này, đọc ngay cho chúng tôi nghe, thì chúng tôi mới cho chị lên.
Xuân-Hương bất-đắc dĩ phải đọc ngay một bài thơ như sau này.
Ngõ ngay thăm thẳm tới nhà ông,
Giếng tốt thanh thơi giếng lạ lùng!
Cầu trắng phau phau đôi ván ghép,
Nước trong leo lẻo một dòng thông.
Cỏ gà lún phún leo quanh mép,
Cá diếc le te lách giữa dòng.
Giếng ấy thanh-tân ai đã biết,
Đố ai dám thả nạ giòng giòng?
Lũ học trò nghe thấy cô ta đọc xong bài thơ, biết là cô ta có ý nói giễu lũ mình, mình thách cô ta mà mình lại mắc hợm, đều giãn cả ra không dám đứng sán lại chắn ngang nữa. Xuân-Hương nói:
— Đố các anh thử họa đi nào!
Lũ học trò không biết họa ra làm sao, liền ù té chạy mất. Xuân-Hương mới đủng đỉnh bước lên gánh nước về nhà.
Từ bấy giờ nàng ấy nổi tiếng văn thơ, đảo áp các cậu học-trò mấy lần sỉ nhục, vì thế các cậu học-trò cũng tức, hay tìm cách chực để trêu ghẹo. Mẹ nàng ấy biết ý không dám cho ra khỏi cửa.
Trong làng cũng nhiều người đến hỏi, nhưng nàng ấy không thuận ai cả. Nghĩ rằng: Lấy chồng cho đáng tấm chồng, bõ công trang điểm má hồng răng đen, nay mình dẫu không xinh giòn gì hơn ai, ở nhà nhất mẹ nhì con, ra ngoài lắm kẻ lại giòn hơn ta; nhưng đã đính duyên cầm-sắt cùng ai, thì sống gửi thịt chết gửi xương, cũng phải kén người cho xứng đáng. Ước gì quân-tử là chồng, thuyền-quyên là vợ, anh-hùng là con, mới thực là lứa đôi phận đẹp. Nếu mà nhầm phải chú vũ-phu cục kịch, thì chả hoài cành mai cho cú đậu lắm ru! Vậy nên ai hỏi cũng còn đắn đo không lấy.
Một hôm, có người cai-tổng qua chơi nhà, ý muốn dòm nom cô ta. Nguyên người cai-tổng ấy tên là Cóc, vốn là người hào-cường nhất trong tổng nội, biết tiếng nàng ấy từ thủa nhỏ, nhân hóa vợ sớm, mới đến chực xem mặt nàng ấy để hỏi.
Nàng ấy biết ý lẩn vào nhà trong. Anh cai-tổng ngồi hầu truyện bà Hà-thị, tảng lờ mấy câu, rồi từ ra về. Ngày hôm sau, cho người đến đánh tiếng hỏi giạm Xuân-Hương.
Hà-thị hỏi ý. Xuân-Hương không thuận. Nhưng anh cai-tổng cậy mình là tay hào mà lại là nhà phú-hộ, những người hàng tổng đến nhờ vả qui-phục rất nhiều, bảo ai cũng phải sợ. Vậy cứ sai người đến hỏi bảo rằng nếu không nghe thì sau này cũng không thể lấy ai được, mà lại sinh truyện lôi thôi. Hà-thị sợ vía anh cai-tổng, thấy anh ta sai người đến cố hỏi ép lấy, mà ý con mình thì không thuận, sợ rồi anh ta sinh sự nọ kia chăng.
Một hôm, Hà-thị nhân thong thả khuyên bảo Xuân-Hương rằng:
— Con ơi! Nay con đã nhớn tuổi, mà ai hỏi con cũng cứ rãy nảy ra thế này, thì mẹ biết nghĩ sao?
Xuân-Hương thưa:
— Thưa lạy mẹ, con không phải là không nghe nhời mẹ. Nhưng con xem ra những người đưa mối manh đến hỏi đã chắc đâu là người đẹp đôi phải lứa với con. Nếu hẩm duyên ra mà gặp phải anh chàng ngu xuẩn, thì hoài cả một đời con. Vậy con xin cứ một niềm giữ phép khuê-môn, ở nhà hầu mẹ, còn như việc nhân duyên thì vội gì.
Hà-thị nói:
— Con ơi! Những người trước kia mà đưa tin đến hỏi, dẫu con không thuận mà từ khước đi cũng không sao. Nhưng mới rồi có anh tổng kia là người hào-phú trong hàng tổng nhà, đã đôi ba lần đến hỏi, ý muốn ép tình. Nếu con cứ khăng khăng mãi, thì sợ rằng bẽ mặt người ta, sau này biết ăn ở làm sao cho khỏi sinh truyện được?
Xuân-Hương thưa:
Thưa lạy mẹ, con thiết tưởng làm thân gái như hạt mưa dào, hạt sa xuống giếng, hạt vào vườn hoa; dẫu cha mẹ đặt đâu con phải ngồi đấy, con dám đâu đậu cao rỉa lông, để phiền lòng mẹ. Nhưng con chỉ nghĩ một điều rằng gái thanh-tân mà sánh giai chọc-phú, thì chẳng qua đem hồng-nhan mà khoe với xẩm, con nghĩ tủi phận con lắm, mẹ ơi!
Xuân-Hương nói rồi khóc rưng rức, mẹ khuyên dỗ mãi mới thôi. Mẹ tuy biết con không bằng lòng, nhưng bề ngoài vẫn sợ thanh-thế anh cai-tổng, không dám nói từ chối hẳn, vẫn cứ lần lữa xin khất năm ba bữa nửa tháng để dỗ bảo con rồi sẽ xin nhận nhời.
Vì vậy Xuân-Hương vẫn cứ cắm cung ở nhà, sớm khuya hầu mẹ, tháng ngày thấm thoắt, đã ngoài đôi tám xuân-xanh, nhưng không ai dám đưa tin đến hỏi dạm gì nữa.
Một ngày kia, gặp tiết Thanh-minh; theo thói thường nhà nào cũng làm bánh trôi-nước, nàng ấy nhân ngồi ngắm nghía đĩa bánh, cảm hứng mà vịnh rằng:
Thân em thì trắng phận em tròn,
Bảy nổi ba chìm mấy nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn.
Mà em vẫn giữ tấm lòng son.
Nàng ấy vịnh xong mới nghĩ lẩn thẩn thân mình, một đèn một bóng sơm khuya hầu mẹ ở chốn thâm-khuê, dẫu gái thơ vụng dại, đâu dám khoe tài, nhưng thả giọng văn thơ, hồ dễ mấy người tri-kỷ, nên từ xưa đến nay, chỉ thấy những người mối manh ép uổng, nghĩ sự nhân duyên cũng đã chán hơn cơm nếp nát. Vậy cứ thơ thẩn thâu ngày, khi thong thả lại xem sách vịnh thơ để tiêu-khiển. Một hôm ngồi trong buồng học, ngắm nghía bức tranh song tiên tố-nữ, nhân vịnh một bài.
Thơ rằng:
Hỏi bao nhiêu tuổi hỡi cô mình?
Chị cũng xinh, mà em cũng xinh.
Đôi lứa như in tờ giấy trắng.
Nghìn năm còn mãi cái xuân xanh.
Siếu-mai[2] chi dám tình giăng gió,
Bồ-liễu thôi đành phận mỏng manh.
Còn thú vui kia sao chẳng vẽ?
Trách người thợ vẽ khéo vô tình!
Nàng ấy đang buồn bực ngâm vịnh một mình, sực lại thấy ở nhà ngoài anh cai-tổng đưa tin đến hỏi. Hà-thị không biết từ chối thế nào được, bất-đắc-dĩ phải nhận nhời, rồi định ngày ăn hỏi.
Hà-thị thong dong lại sẽ bảo Xuân-Hương rằng:
— Nay người ta đã cố tình đến hỏi, mẹ cũng đã nói lần lữa mãi không xong. Vả anh ta là tay hào-trưởng, giàu có chẳng kém gì ai, khi xưa kén lấy con dòng, bây giờ kén lấy no lòng thì thôi. Nếu con mà làm dở truyện ra, thì phiền lòng mẹ lắm, con ơi!
Xuân-Hương thưa:
— Thưa lạy mẹ, con nhờ ơn mẹ sinh có một con, kể từ khi nâng niu trứng nước đến giờ, công ơn cha mẹ dưỡng-dục sinh-thành, nói sao cho xiết! Con những mong rằng con khôn nhớn lên, để họa là báo đáp đức cù-lao được chút nào chăng. Ngờ đâu nhân duyên ép uổng, để cho bận lòng mẹ lo phiền, con xin cam chịu là bất-hiếu. Vậy con chỉ xin mẹ cho con sớm khuya hầu mẹ, quyết rằng con không lấy ai, dẫu cho kẻ kia giàu tám vạn nghìn tư thì có làm gì?
Hà-thị thấy con nói như vậy, không biết nghĩ sao, mà mình trót đã đính ngày cho người ta ăn hỏi, sợ rồi nhỡ việc ra thì làm thế nào. Từ bấy giờ Hà-thị càng nghĩ càng lo, phiền não ủ ê. Xuân-Hương biết ý mới tỉ tê khuyên mẹ rằng:
— Mẹ ơi! Xin mẹ chớ phiền, việc đó cũng chẳng khó chi mà ngại.
Hà-thị nói:
— Con ơi! Người ta đã đính ngày đưa lễ đến hỏi, mà mẹ trót đã nhận nhời, thôi con cứ nghe nhời mẹ, thì mẹ mới yên tâm, không thì nay mai người ta đưa lễ đến nơi thì làm thế nào?
Xuân-Hương thưa:
— Thưa lạy mẹ, nếu người ta đã cố ép tình như vậy, thì con cũng xin chiều lòng mẹ không dám nói gì, cho rằng họ có đưa lễ đến nữa, thì cũng xin vâng, nhưng còn đến ngày nghinh-hôn thì hãy xin hoãn lại một vài kỳ, rồi sẽ liệu.
Hà-thị thấy con đã chịu nhời, thì mới yên tâm. Đến kỳ, anh cai-tổng đưa lễ vật đến ăn hỏi, Hà-thị cũng phải nhận, nhưng còn ngày cưới thì hãy xin thong thả.
Anh tổng Cóc từ khi đưa lễ hỏi rồi, năm bảy tin cho người đến nói xin cưới. Hà-thị cũng chưa dám đính hẳn rõ kỳ nào, còn hẹn đến sang giêng năm mới, chọn được ngày lành tháng tốt thì sẽ xin vâng. Anh cai-tổng ta không biết làm thế nào cũng phải nghe nhời, chỉ nóng ruột mong cho chóng hết năm.
Khi bấy giờ đã gần tết, dân gian nhà nào cũng sắm sửa câu đối dán tết, đến chiều hôm ba mươi tết, Xuân-Hương cũng viết một câu đối dán cửa rằng:
Ma-vương đưa quỉ tới.
Thiếu-nữ rước xuân vào.
Qua sang tháng giêng, anh tổng Cóc lại cho người đến xin định ngày cưới. Khi bấy giờ Xuân-Hương không có thể bảo mẹ từ chối sao được, vậy phải y nhời cho cưới.