Giai nhân di mặc/V
ĐOẠN THỨ V
Chơi chợ Giời toan đường qui phật,
Qua đèo Ngang vãn cảnh cố hương.
Nguyên chùa Thầy ở về núi Sài-sơn phủ Quốc-uy, tỉnh Sơn-tây, chùa ở bên sườn núi, trông xuống hồ sen, trên núi lại có hang Thánh-hóa, trong hang hãy còn vết đầu vết chân in vào bên thạch-bích, tương truyền đó là nơi ông Từ-đạo-Hạnh giải thi. Xung quanh núi lại có am Hương-hải, viện Bồ-mang, đều là di-tích ông Đạo-Hạnh dựng ra khi trước, cảnh chí thực là u nhã. Trót vót trên đỉnh núi đá lại có một chỗ đất không, vuông như bàn cờ, tục gọi là chợ Giời.
Khi Xuân-Hương lên đến chùa Thầy, vào chào bà sư-cụ. Sư-cụ thấy cô ta người tuấn-nhã có lòng yêu-mến, mới hỏi rằng:
— Chẳng hay cô ở đâu ta?
Xuân-Hương nói:
— Bạch lạy sư già, con quê ở Hà-nội, vì cha mẹ mất sớm, số phận long đong; nay con muốn y qui cửa phật, để học đạo tu hành, cho được nhẹ quả kiếp thân sau này là may lắm.
Sư-cụ nói:
— Nam-mô a di đà phật! Nhà chùa từ bi quảng-đại, hễ ai đã có lòng y qui, thì nhà chùa cũng sám-hối phả-độ cho cả. Nay tiểu-nữ đã quyết lòng cát đoạn trần duyên, thì sư-già cũng xin vâng, nhưng chỉ e rằng nhà chùa nâu sòng dưa muối, chả biết tiểu-nữ có kham được chăng?
Xuân-Hương nói:
— Bạch lạy sư-già, con tủi thân con là phận gái, nhân duyên nhỡ nhàng, ba chìm bẩy nổi, đầy đọa bể trần, nghĩ cũng đã lắm điều khổ ải. Vậy con muốn thoát vòng ân-ái, mà theo đạo từ-bi, may ra nhờ giọt nước cành dương, rửa sạch nợ tiền-oan túc-trái, thì thân con chả nhẹ nhàng lắm ru? Mong nhờ sư-già ra tay tế-độ, cứu cho con khỏi kiếp trầm-luân, dù rằng dưa muối chay lòng, con cũng xin kham chịu, chỉ cầu cho tròn quả phúc là hơn.
Sư-cụ nói:
— Tiểu-nữ đã phát tâm thệ nguyện như vậy, thì phật tổ cũng chứng minh, nhưng tiểu-nữ hãy ở đây với sư-già ít ngày, để học cho thuộc câu kinh kệ, rồi sư-già sẽ liệu ngày làm lễ sám-hối thì phát cho tiểu-nữ.
Xuân-Hương được nhời sư-cụ nói vậy, mới lưu ở lại chùa, nghe nhời sư-cụ dạy bảo kinh kệ, sớm tối đèn hương tụng niệm, học đến đâu thuộc ngay đến đấy, nhà sư cũng trọng đãi hơn các tiểu. Một hôm, Xuân-Hương nói với sư-cụ rằng:
— Nam mô phật! Tiểu bấy lâu nhờ được sư-già dạy bảo, cũng đã hâm mộ mùi thiền, cúi xin sư-già chọn ngày thí phát cho tiểu được ăn mặc nâu sồng, theo đòi với các tiểu-ni, để cho trọn đạo tu hành là may.
Sư-cụ nói:
— Tiểu-nữ hãy cứ ở đây học ít lâu, còn việc thí phát thì hãy thong thả.
Xuân-Hương nói đi nói lại hai ba lần; sư-cụ cứ hẹn lần không thí phát cho vội, nhưng vẫn có ý yêu nết Xuân-Hương, mà lại trọng tài Xuân-Hương, vì vậy Xuân-Hương vẫn ở đấy, khi viết sớ, khi tụng kinh, khi nhàn lại đi dạo chơi các chùa xung quanh, để vãn cảnh ngâm thơ, một hôm lên chơi chợ Giời, có đề bài thơ như sau này:
Khen thay con tạo khéo trêu ngươi!
Bày đặt ra nên cảnh chợ Giời.
Buổi sớm gió đưa trưa nắng đứng,
Ban chiều mây họp, tối giăng chơi.
Bày hàng hoa quả tư mùa sẵn.
Mở phố giang sơn bốn mặt ngồi.
Bán lợi, buôn danh nào những kẻ?
Chả lên mà cả một đôi nhời
Xuân-Hương đề xong, qua xuống dưới chân núi, thấy một ngọn chùa am thanh cảnh vắng, mới gõ cửa vào chơi, thấy có một vị sư-nam, trông ra chiều thanh nhã phong vận lắm. Xuân-Hương chào; nhà sư ấy mời ngồi chơi, hỏi chuyện kinh kệ, nàng ấy đều ứng đáp đâu ra đấy cả.
Nhà sư hỏi:
— Chẳng hay người học ở đâu, mà thông kinh kệ như vậy?
Xuân-Hương nói:
— Tiểu-nữ theo học sư-bà ở chùa Sài-sơn đây, đã mấy tháng nay, vậy nên mới hiểu được kinh kệ ít nhiều.
Nhà sư nói:
— Chẳng hay người vì nhân duyên sao, mà lại đến y qui cửa sư-già vậy?
Xuân-Hương nói:
— Tiểu-nữ giận vì đường duyên kiếp không ra làm sao, nên mới theo học sư-già, cũng muốn tu cho trọn kiếp,
Nhà sư nói:
— Xem như người nói truyện kinh kệ thì học cũng đã giỏi, đáng lên bậc sư-bác; chẳng hay sư-già sao lại chửa cho thí phát mà truyền thụ áo cà-sa cho, là tại cớ sao?
Xuân-Hương nói:
— Tiểu-nữ cũng đã xin thí phát đôi ba lần, mà sư-già vẫn chửa cho, nghĩ cũng buồn bực; vậy nên hôm nay mới lên chơi chợ Giời, vãn cảnh đề thơ, để cho khuây lòng trần tục.
Sư-nam ta nghe thấy nàng ấy nói đến truyện đề thơ chợ Giời, hỏi đến thơ từ, mới biết nàng ấy là tay tài-nữ.
Nguyên sư-nam ấy xưa là một người học trò hay chữ, văn thơ cũng giỏi, vì thi mãi không đỗ, mới phẫn chí đi tu; nay gặp thấy nàng ấy là tay tài-nữ, mà bực duyên tủi phận cũng muốn đi tu, mới đọc bỡn một câu rằng:
Ngán nỗi má hồng mà phận bạc,
Nỡ đem yếm thắm giấn mầu thâm.
Xuân-Hương thấy ông ấy là sư mô mà nghe giọng thơ từ cũng lẳng lơ, lấy làm phục lắm, bèn ngồi lại bàn truyện văn thơ một hồi lâu, rồi lại giở về chùa nhà. Từ bấy giờ Xuân-Hương vẫn thường đi lại vãn cảnh chùa sư-ông, thư từ xướng họa thực là tương đắc. Một hôm sư ông đang đứng chơi vườn cảnh, bất thình lình có con ong bay lại trâm đốt giữa đầu, sư ta nhăn nhó xuýt xoa mãi. Xuân-Hương mới đọc giễu mấy câu rằng;
Nào mũ ni, nào áo thâm,
Đi đâu chẳng đội để ong trâm?
Đầu sư há phải gì bà cốt?
Bá ngọ con ong bé cái nhầm!
Sư ông phải nàng ấy nói giễu, tức lắm, không biết họa lại làm sao, mới nói rằng:
— Chị hay giễu anh đầu trọc, không trách được sư-già không cho chị thí phát vội là phải.
Xuân-Hương cười nhạt mà rằng:
— Sư già dẫu không thí phát cho tôi tu ở chùa Thầy, thì tôi cũng tu tại gia.
Sư ông nói:
— Chị thì có tu chùa Nhất-trụ.
Xuân-Hương bẽn lẽn đáp lại rằng:
— Rồi còn ông dấy, tôi lại kể xấu cho một lúc bây giờ.
Xuân-Hương nói xong, liền đọc bài thơ rằng:
Chẳng phải ngô, chẳng phải ta,
Đầu thì trọc lốc, áo không tà.
Oản dâng trước mặt năm ba phẩm,
Vãi nấp sau lưng sáu bảy bà.
Khi cảnh, khi tiu, khi chũm-chọe,
Giọng hì, giọng hỉ, giọng hi-ha.
Tu lâu có lẽ lên sư-cụ,
Ngất nghểu tòa sen nọ đó mà!
Sư ông nói:
— Thôi, chị đừng giễu mát tôi nữa.
Xuân-Hương từ ra về chùa, từ bấy giờ cũng không năng đi lại chơi chùa sư-ông nữa. Được ít lâu, người sư-ông ấy bị mang tiếng hoạnh-dâm, phải dân làng người ta đuổi, sư ta phải đi nơi khác. Xuân-Hương mới đến chùa tiễn-biệt, đưa tiễn một bài thơ.
Thơ rằng:
Cái kiếp tu hành nặng đá đeo,
Vị gì một chút tẻo tèo teo?
Thuyền Từ cũng muốn về Tây-chúc,
Trái gió cho nên phải lộn lèo.
Sư ông xem thơ, cười mà rằng:
— Chị này rõ khéo, ông Bái-công chị cũng giễu được, mà người ta trái-gió chị cũng cười, chị thực là tài lái-lút!
Xuân-Hương nói:
— Sao cụ cứ cười tôi là chỉ tu chùa Nhất-trụ, cụ thì có tu chùa Bà-Banh!
Sư ông xoa đầu trọc ngồi cười khì.
Xuân-Hương từ khi tiễn biệt sư ông ấy đi rồi, khi buồn không biết đi chơi đâu, nhân nghe nói ở trên sườn núi Sài-sơn có chùa thiên-tạo, mới đi dạo cảnh xem chơi, đường vào treo leo, cỏ cây rậm rạp, khi tới gần cửa chùa, thì thấy chùa ấy là một cái hầm đá tự-nhiên, xà trên cột dưới, ngoàm nào đố ấy, toàn bằng đá cả, đôi bên sườn đá mồ hôi rỉ ra nhơm nhớp; trong chùa những chỗ hốc đá tạc thành tượng phật ngồi la liệt, y như là một cảnh thiên-nhiên. Khi ấy ở trong chùa có một vị sư cùng mấy chú tiểu đang ngồi gõ mõ tụng kinh. Xuân-Hương mới vịn theo lườn đá, rấn bước leo lên, thì thấy ở trên thạch-bích có một cái hang, tương truyền đó là hang Thánh-hóa, nhân vịnh thơ rằng:
Khen thay con tạo khéo khôn phàm!
Một đố giương ra biết mấy ngoàm.
Lườn đá cỏ leo sờ rậm rạp,
Lách khe nước rỉ mó lam nham.
Một sư đầu trọc ngồi khua mõ,
Hai tiểu lưng tròn đứng giữ am,
Đến, mới biết rằng hang Thánh-hóa,
Chồn chân, mỏi gối hãy còn ham.
Xuân-Hương vịnh xong, trông ra bốn mặt khói tỏa mây phong, giời cao núi thẳm, không biết cùng ai mà tả khúc niềm tây, nghĩ đi nghĩ lại, càng thêm buồn bã, giá mình cứ ở mãi chốn sầm-tịch này, thì dẫu thỉnh thoảng có câu văn thơ nào hay, cũng không biết đọc cho ai nghe. Mà xin thí phát thụ giới thì bà sư-già mãi không cho, xem ý sư-già ra chiều e rằng mình không chắc có tu được chăng, chả nhẽ mình ở mãi đây, thì bao giờ cho trọn đạo tu hành, bởi vậy mới từ sư-già đi vào dạo chơi sơn thủy trong vùng Thanh-hóa.
Khi đi đường trèo đèo lặn suối, quán nọ đồi kia, tới huyện Kim-bảng, qua núi kẽm Trống, đó là nơi giáp giới tỉnh Ninh-bình với tỉnh Thanh, đôi bên có hai trái núi mọc ken lại với nhau, ở giữa có một khe nước; giọt nước trên khe đá rơi xuống lõm bõm cả ngày; lại có một con đường nhỏ đi lỏn vào giữa kẽm núi, len lỏn hẹp hòi, vậy người ta mới gọi là kẽm Trống. Khi Xuân-Hương qua đó thấy sơn thủy hữu tình, có đề thơ rằng:
Hai bên thì núi, giữa thì sông,
Có phải đây là kẽm Trống không?
Gió đập cành cây khua lắc cắc,
Sóng giồn mặt nước vỗ long bong.
Gần ở đấy lại có một cái hang sâu, tục gọi là hang Cắc-cớ. Xuân-Hương cũng đến tận nơi xem để đề vịnh, Thơ rằng:
Giời đất sinh ra đá một chòm,
Nứt làm đôi mảnh hỏm hòm hom.
Kẽ hầm rêu mốc trơ toen hoẻn,
Luồng gió thông reo vỗ phập phòm.
Giọt nước hữu-tình rơi lõm bõm,
Con đường vô-ngạn tối om om.
Khen ai đẽo đá tài xuyên tạc,
Khéo hớ hênh ra lắm kẻ dòm.
Xuân-Hương lịch lãm chơi bời, trải xem phong cảnh núi non ở vùng Kim-bảng, rồi dần dần đi vào Thanh-hóa. Khi bấy giờ giời gần xế chiều, Xuân-Hương muốn tìm chỗ nghỉ ngơi, trông qua bên kia suối, thấy có mấy nhà quán-khách, nhà gianh vách sậy, thôn quê xào xạc, Xuân-Hương mới rấn bước bước lên, qua dịp cầu suối, đứng lại nhìn xem phong cảnh. Thơ rằng:
Đứng chéo trông theo cảnh hắt heo,
Đường đi thiên thẹo quán treo leo.
Lợp lều, mái cỏ gianh xơ xác,
Xỏ kẽ, kèo tre đốt ngẳng nghiu.
Ba chạc cây xanh hình uốn éo,
Một dòng nước biếc cỏ leo teo.
Thú vui quên cả niềm lo cũ,
Kìa cái diều ai gió lộn lèo?
Xuân-Hương nghỉ lại ở đó một đêm, sáng hôm sau lên đường, qua đèo Ba-dội. Đó là thuộc về huyện Tống-sơn, núi cao ngất giời, ai vào đường trong cũng phải qua đó, trèo hết đèo nọ lại đến đèo kia, vậy người ta mới gọi là ba đèo Ngang. Chỗ rẫy núi chạy dài đôi đên bích-lập, có con đường đi hom hỏm, y như cái đó cá, tục gọi là cửa đó ông Khổng-Lồ.
Khi Xuân-Hương qua đấy có đề câu đối rằng:
Khéo khen ai! Đẽo đá chênh vênh; tra hom ngược, để đơm người đế, bá.
Trách con tạo! Lừa cơ tem hẻm; rút nút suôi, cho lọt khách cổ, kim.
Xuân-Hương qua đấy trèo qua đèo Ngang, đứng trên trót vót đỉnh núi, trông ra cửa bể Thần-phù, nước non cảm hứng, hoa cỏ vui lòng, vậy có nên bài tuyệt-diệu như sau này:
Một đèo, một đèo, lại một đèo,
Khen ai khéo tạc cảnh treo leo.
Cửa son đỏ loét tùm bum nóc,
Hòn đá xanh rì lún phún rêu.
Lắt-lẻo cành thông, cơn gió thốc,
Đầm-đìa lá liễu, giọt sương gieo.
Hiền-nhân, quân-tử ai là chẳng?
Mỏi gối, chồn chân cũng phải trèo.
Xuân-Hương qua đèo Ngang rồi vào tới Thanh-hóa, về quê Nghệ-an, thăm hỏi họ hàng, rồi lại đi chơi vãn cảnh các chùa chiền miền trong, đi đến đâu thì lừng tiếng văn thơ đến đấy.