Giai nhân di mặc/VI

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
NGUYÊN-HUU-TIÊN

佳人遺墨
GIAI-NHÂN DI-MẶC
Sự-tích và thơ-từ Xuân-Hương

In lần thứ Hai

· · · · · · · · · · · · · · · · · · · · · · · ·

Mà em vẫn giữ tấm lòng son.

Xuân-Hương

東京印館
IMPRIMERIE TONKINOISE
80-82, Rue du Chanvre, 80-82
HANOI

Quyển thứ Nhì
Giá bán: 0 $ 20
 

ĐOẠN THỨ VI

Họa vần thơ giở ngọng oái oăm,
Khoe con tự thi tài đối đáp.

Một hôm, Xuân-Hương đảo ra qua chơi chùa Địch-lộng, chùa ấy ở về Thanh-hoa ngoại-trấn (Ninh-bình), trước kia chúa Trịnh mới sửa sang lại, phong cảnh cực đẹp, đề vịnh rất nhiều. Xuân-Hương vào tới chùa, còn ngồi dưới nhà tổ. Sực đâu có hai người văn-nhân thầy tớ đồ đệ vào chơi, dạo xem cảnh chùa, thấy thơ từ của các người du-thưởng đề nhan nhản cả ở trên tường vôi, một người văn-nhân cũng cầm bút đề lên tường một bài rằng:

Thầy tớ thong dong dạo cảnh chùa,
Cầm thư lưng túi, rượu lưng hồ.
Cá khe lắng kệ đầu ngơ ngác,
Chim núi nghe kinh cổ gật gù.
Then cửa từ-bi chen chật cánh,
Nén hương tế-độ cắm đầy lô.
Nam mô sẽ hỏi nhà sư tí,
Phúc đức nhà ngươi được mấy bồ?

Người ấy đề xong vừa buông bút xuống, người kia liền khen rằng:

— Thơ quan bác thật là giá đáng Thịnh-đường!

Người ấy đáp:

— Bác dạy quá nhời, tôi đã đâu được như vậy, xin bác cũng thử đề một bài chơi.

Người kia nghe nhời cũng đề lên tường một bài.

Thơ rằng:

Mây tan, mưa tạnh, liễu xanh om,
Qua mái thiền-quan nghé mắt dòm.
Ngoài cửa giay tay hai chú béo,
Trong gian chống gối một anh còm.
Chênh vênh án kệ chuông vàng tía,
Lấp ló siêu hương phật đỏ lòm.
Tới cảnh lấy chi mà vãn cảnh?
Quì hai gối xuống gật xom xom.

Hai người đề xong bảo nhau rằng; « Thơ chúng ta thì kém gì thơ Xuân-Hương, giá gặp được chị ta đây, mà xướng họa chơi, thì chắc là đảo áp được chị ta, chứ lại chịu thua à ».

Không ngờ Xuân-Hương ở dưới nhà tổ nghe tiếng bước lên chào.

Hai người văn-nhân hỏi rằng:

— Chị thử xem hai bài thơ đề kia có hay không?

Xuân-Hương nói:

— Thơ không họa vận thì làm hay cũng dễ, nếu mà họa vận, thì lắm khi khó họa trôi được.

Văn-nhân nói:

— Hạn vần nào mà chẳng họa được, chị thử hạn vận, tôi họa cho mà xem.

— Xuân-Hương nói:

— Tôi đâu dám thế, nhưng các ngài đã dạy, thì tôi xin đọc câu này: « Lượng cả xin ông chớ hẹp hòi ». Ngài thử họa câu ấy cho, dùng vần gì hòi thì được, chứ cấm hai chữ « hẹp hòi ».

Văn-nhân ngồi ngẩn mặt ra nghĩ mãi, không biết đáp lại vần gì hòi. Xuân-Hương giục hai ba lần. Văn-nhân bất-đắc-dĩ đọc rằng: « Sẽ lại gần đây tớ thẩm hòi! »

Xuân-Hương nói:

— Thế có phải, thơ mà phải họa vần là túng không?

Văn-nhân nói:

— Giá thử ra bài vịnh vật gì, mà hạn vận, thì tôi làm được ngay, chớ không phải nghĩ như họa vần.

Xuân-Hương nói:

— Đã vậy thì ngài thử vịnh cái « chuông » mà hạ được vần « uông » vào câu thứ hai, thì mới là giỏi.

Hai người văn-nhân ngồi nghĩ thơ thẩn cả mặt ra, cứ ngồi đánh vần chuông... uông... mãi, mà vẫn không được câu nào.

Xuân-Hương nói:

— Hai ngài đã mất tự đắc lên mặt thơ chưa?

Văn-nhân nói:

— Ừ, thế chị thử làm đi xem nào.

Xuân-Hương nói:

— Dễ thường phải giở giọng anh ngọng ra mới hạ trôi được vần thơ này chăng?

Văn-nhân nói:

— Giọng gì thì giọng, chị hạ thoát được vần thơ ấy mới tài.

Xuân-Hương nói:

— Các ngài định cuộc gì nào?

Hai người văn-nhân đoan rằng xin chịu cuộc, hễ làm được thì biếu giấy hoa-tiên cùng bút mực.

Xuân-Hương được nhời đoan cuộc, mới đọc lên hai câu rằng:

Một đàn thằng ngọng đứng xem chuông,
Nó bảo nhau rằng: Ấy ái uông!

Hai thầy văn-nhân lắc đầu le lưỡi khen nức nở rằng: « Tài! Giá những hạng chị này mà được học như bọn con giai mình, thì hay chữ biết chừng nào! Không trách được đi đến đâu nổi danh thi-bá đến đấy ».

Xuân-Hương nói:

— Tôi thấy các thầy đồ thường hay rung đùi ngâm thơ lắm, từ rầy hai thầy còn dám lên câu đề vịnh nữa, hay thôi?

Văn-nhân nói:

— Thôi, tôi kệch chị rồi.

Xuân-Hương lại đọc luôn bốn câu tiễn hai thầy văn-nhân rằng:

Dắt díu đưa nhau đến cửa chiền,
Cũng đòi học nói, nói không nên.
Ai về nhắn bảo phường lòi tói,
Muốn sống! Đem vôi quét giả đền.

Hai thầy văn-nhân tẽn mặt, phải chịu thua cuộc rồi giở ra về.

Xuân-Hương từ được cuộc thơ ấy, tiếng tăm lại càng lừng lẫy cả trong Trung-kỳ, rồi lại đi chơi khắp các chùa, nghĩ rằng đi cho biết đó biết đây, ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn. Nhưng đi đến các chùa sư-nữ thì ai cũng nghe tiếng mình là tài-nữ, vả lại trông dáng điệu mình, thì ai cũng không chắc rằng mình có vững lòng mà tu. Vậy nên trong bọn thiền-trai sư-nữ không ai dám thí phát cho mình đi tu. Còn đến những chùa sư ông, thì cũng có người biết mình là thực đam mến mùi thiền, mà kinh kệ cũng đã thông hiểu, giá được một cảnh chùa mà tu luyện, thì cũng tu cho trót được. Nhưng đi đến chùa sư ông nào thì không thấy mấy người chân-tu, mà sư hổ mang thì nhiều, nhiều bác thấy cô ta nhũn nhặn, lại muốn ước ao lưu ở làm vãi-mầm, vậy nàng ấy đi vân-du khắp mọi nơi mà không được như ý, nên lại giở về ngoài Bắc.

Nhân khi thong thả lên chơi Tuyên-quang, thăm chị em bạn, qua bên đường thấy một chỗ có hai hòn đá nằm chồng chất lên nhau, một hòn hình như người đàn ông nằm trên, một hòn hình như người đàn bà nằm dưới; khách buôn bán qua lại vẫn gọi là đá Ông chồng, Bà chồng, Xuân-Hương qua đó sực nghĩ giời đất sinh ra cũng kỳ, đá là loài vô tri, mà còn hữu tình như vậy, nữa mình là gái thuyền-quyên, mà lại lắm mối tối nằm không, nghĩ cũng buồn tình, vậy mới nên bài tức cảnh.

Thơ rằng:

Khéo khéo bày trò tạo-hóa-công,
Ông chồng đã vậy lại Bà chồng.
Từng trên tuyết điểm phơ đầu bạc,
Thớt dưới sương pha đượm má hồng.
Gan nghĩa dãi ra cùng chị nguyệt,
Khối tình cọ mãi với non sông.
Đá kia còn biết xuân già giặn,
Chả trách người ta lúc trẻ trung!

Xuân-Hương qua đó lên thăm chị em rồi lại giở về nhà, hằng ngày thơ thẩn một mình, mới giở ra thêu dệt, học tập việc nữ-công để cho khuây khỏa; một đêm kia, thắp đèn ngồi dệt cửi, nhân vịnh thơ rằng:

Thắp ngọn đèn lên thấy trắng phau,
Con cò mấp máy suốt đêm thâu.
Hai chân đạp xuống năng năng nhắc,
Một suốt đâm ngang thích thích mau.
Rộng hẹp nhỏ to vừa vặn cả,
Ngắn dài khuôn khổ vẫn như nhau.
Cô nào muốn tốt, ngâm cho kỹ,
Chờ đến ba thu mới dãi mầu.

Xuân-Hương vịnh xong, thấy canh đã điểm ba ngồi nghĩ tương tư thơ thẩn, sực nhớ đến ông chiêu Hổ khi trước, thực là một người tài danh, người đâu gặp gỡ làm chi, trăm năm biết có duyên gì hay không? Sao lâu nay không thấy ông ấy lại chơi, không biết là tại duyên cớ làm sao? Sau hỏi thăm ra mới biết ông ấy phải ứng triệu vào kinh, đã khiêu bổ ra làm Tri-huyện. Nàng ấy mới gửi thư hỏi thăm. Ông chiêu Hổ phục thư lại giả nhời có câu rằng:

Nay đã mần cha thằng xích-tử,
Rầy thì đù mẹ cái hồng-nhan.

Xuân-Hương tiếp thư buồn bực quá chừng, nghĩ rằng ông này mới ra làm quan, mà đã hợm mình; đã vậy thì ta gửi lại cho ông ấy một câu đối, để mỉa lại chơi, liền viết một câu dùng chữ Thập-can gửi đến, xem ông ta đối đáp ra làm sao?

Chiêu Hổ tiếp thư thấy có câu đối ra rằng:

Mặc áo Giáp, dải cài chữ Đinh; Mậu, Kỷ, Canh, khoe mình rằng Quí.

Ông Chiêu Hổ xem xong, cười mà nói rằng:

— À! Con này dám khoe tài mà lại nói riếc mình, phải đáp lại mà mắng cho mới xong.

Nói vậy, liền viết một câu dùng chữ Bát-quái đáp lại như sau này:

Làm đĩ Càn, tai đeo hạt Khảm; Tốn, Ly, Đoài, khéo nói rằng Khôn.

Xuân-Hương tiếp câu đối đáp lại thấy ý ông ấy mắng mình, lại càng bực mình tủi phận, vì là khi xưa ông ấy đã đi lại chơi bời, văn thơ xướng họa, cũng là tay đich-thủ với mình, tưởng rằng một hai chắp mối tơ mành, thì cái mối trung tình của mình cũng gặp được người tri-kỷ. Ngờ đâu ông ấy tính hay chớt-nhả, lại bỉ mình là đĩ thõa, mới ít lâu nay kẻ nam người bắc, quan san xa cách, mà mối tình lại thoảng đi như không. Nhưng thiên-hạ thiếu gì người tri-kỷ, ta hãy cứ khép cửa buồng tu, đào tiên không nhẽ rơi vào tay phàm mà sợ.

Xuân-Hương từ khi ấy ở nhà vui thú thôn quê, khi chơi giăng, khi hóng mát, ở trên hồ Tây, một hôm chiều mát, Xuân-Hương đủng đỉnh bước lên chơi đài Khán-xuân, văng vẳng xa nghe tiếng chuông chùa Trấn-võ, vậy có thơ rằng:

Êm ái chiều xuân tới Khán-đài,
Lâng lâng chẳng bợn chút trần ai.
Ba hồi chiêu-mộ chuông gầm sóng,
Một vũng tang-thương nước lộn giời.
Bể ái nghìn trùng khôn tát cạn,
Nguồn ân trăm trượng dễ khoi vơi.
Nào nào cực-lạc là đâu tá?
Cực-lạc là đây, chín rõ mười!

Khi ấy đang mùa xuân tiết, dân quê thái bình, hội hè vui vẻ, giai-nhân tài-tử dập dìu chơi xuân, làng nào cũng giồng cây đu, để cho giai, gái chơi nhởn thỏa thuê. Xuân-Hương ngắm xem những trò đời lẳng lơ đa tình, tự nhiên thành vịnh.

Thơ rằng:

Tám cột khen ai khéo khéo giồng!
Người thì lên đánh, kẻ ngồi trông.
Giai giu gối hạc khom khom cật,
Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng.
Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới,
Hai hàng chân ngọc duỗi song song,
Chơi xuân đã biết xuân chăng tá?
Cọc nhổ đi rồi lỗ bỏ không!

Xuân-Hương đang ngồi vịnh thơ một mình, sực con nhài vào báo có quan hậu-bổ lại chơi.