Hán văn độc tu 1936-1937/Bài học thứ 21
I. Lối văn tự sự
[sửa]韓 信 微 時 (Hàn Tín vi thời): Nói về Hàn Tín thuở còn hèn (tiếp theo)
1/ 及 項 梁 渡 淮, 信 仗 劍 從 之 (Cập Hạng Lương độ Hoài, Tín trượng kiếm tòng chi): Kịp khi Hạng Lương qua sông Hoài, Tín nương gươm theo đó.
2/ 居 麾 下, 無 所 知 名 (Cư huy hạ, vô sở tri danh): Ở dưới cờ, không chỗ biết danh.
3/ 項 梁 敗, 又 屬 項 羽 (Hạng Lương bại, hựu thuộc Hạng Võ): Hạng Lương bị thất bại, Tín lại thuộc về Hạng Võ.
4/ 羽 以 爲 郎 中 (Võ dĩ vi lang trung): Võ dùng Tín làm chức lang trung.
5/ 數 以 策 干 羽, 羽 不 用 (Sác dĩ sách can Võ, Võ bất dụng): Tín hằng lấy chước cầu Hạng Võ, Võ chẳng dùng.
6/ 漢 王 入 蜀, 信 亡 楚 歸 漢, 未 得 知 名 (Hán vương nhập Thục, Tín vong Sở quy Hán, vị đắc tri danh): Hán vương vào đất Thục, Tín trốn Sở về Hán, chưa được biết danh.
7/ 爲 連 敖, 坐 法 當 斬 (Vi liên ngao, tọa pháp đương trảm): Tín làm chức liên ngao, phạm phép đáng chém.
8/ 其 輩 十 三 人 皆 已 斬, 次 至 信 (Kỳ bối thập tam nhân giai dĩ trảm, thứ chí Tín): Bọn của hắn ta mười ba người đều đã bị chém, thứ đến Tín.
9/ 信 乃 仰 視, 適 見 騰 公, 曰 : 上 不 欲 就 天 下 事 乎, 何 爲 斬 壯 士 (Tín nãi ngưỡng thị, thích kiến Đằng công, viết: Thượng bất dục tựu thiên hạ sự hồ? Hà vi trảm tráng sĩ?): Tín bèn ngước xem, thấy ông Đằng công, nói rằng: Bề trên chẳng muốn làm yên thiên hạ ư? Làm sao chém kẻ tráng sĩ?
10/ 騰 公 奇 其 言, 釋 而 不 斬 (Đằng công kỳ kỳ ngôn, thích nhi bất trảm): Đằng công lấy làm lạ lời nói của Tín, tha mà chẳng chém.
II. Cắt nghĩa thêm
[sửa]Hạng Lương là chú Hạng Võ, một vị tướng mạnh của nước Sở bấy giờ, dấy binh đánh nhà Tần; qua sông Hoài tức là kéo binh đi đánh Tần.
Chữ 仗 (trượng), nghĩa là đem thân nương vào cái gì. Mang gươm là lấy thân nương vào cây gươm, cho nên nói 仗 劍 (trượng kiếm). Tín mang gươm đi theo Hạng Lương, chữ 之 (chi) chỉ Hạng Lương.
Chữ 麾 (huy) là cây cờ lớn của ông tướng cai một đạo quân. Ở dưới cờ, tức là làm bộ thuộc của ông tướng ấy. Đây nói Tín làm bộ thuộc của Hạng Lương, mà không có dịp nào cho ai biết tên tuổi. Trong câu, verbe chính là chữ 居 (cư), còn chữ 知 (tri) là verbe infinitif.
Theo Sử ký, Hạng Lương thất trận, chết, Hạng Võ nối Lương làm tướng, cho nên Tín lại thuộc Hạng Võ.
Câu 4 lẽ đáng nói 以 信 爲 郎 中 (dĩ Tín vi lang trung), nhưng đã lược bớt chữ 信 (Tín).
Chữ 干 (can) nghĩa là cầu, verbe trong câu này. Chữ 數 (sác) học rồi, nghĩa là plusieurs fois. Chữ 策 (sách) là kế sách, mưu chước. 數 以 策 干 羽 (Sác dĩ sách can Võ) nghĩa là Hàn Tín nhiều lần bày ra mưu nọ chước kia cầu cho Hạng Võ biết mình có tài để dùng mình. Nhưng Hạng Võ chẳng dùng.
漢 王 (Hán vương) tức là Lưu Bang, cũng tức là Bái Công, lúc đó đã được phong Hán vương, về sau gọi là Hán Cao Tổ. Vì Hạng Võ không dùng nên Tín trốn bỏ bên Sở mà về bên Hán, tức là về với Hán vương Lưu Bang. Khi Tín mới về bên Hán, cũng vẫn chưa được biết tên tuổi gì.
Chữ 坐 (tọa) nghĩa là ngồi; nhưng có nghĩa riêng là phạm phép. Tức như một người phạm phép mà lại lây đến nhiều người, gọi rằng 連 坐 (liên tọa). 坐 法 當 斬 (tọa pháp đương trảm) nghĩa là Tín phạm tội mà theo phép thì phải chém. Trong khi đó, Tín đương làm chức liên ngao là một viên quan nhỏ coi việc đãi khách.
Câu 8, chữ 其 (kỳ) chỉ Hàn Tín. Không phải một mình Tín phạm phép, cả bọn Tín có đến 13 người nữa cũng đều bị tội chém và đã chém xong, đến phiên Tín chém sau hết. Trong khi Tín đương quỳ xuống cho người ta chém bèn ngước mắt nhìn lên thì vừa thấy ông Đằng công là một vị quan coi việc hành hình. Chữ 適 (thích) là vừa, học rồi, adverbe, phụ nghĩa cho chữ 見 (kiến).
曰 (viết) là verbe lấy 信 (Tín) làm sujet. Từ chữ 上 (thượng) nhẫn xuống là lời Tín nói.
Chữ 上 (thượng) nghĩa là trên. Sách Sử ký bắt đầu dùng nó làm nom de personne để chỉ nhà vua, rồi các sử đời sau quen dùng như thế. Chữ 上 (thượng) đây chỉ Hán vương.
Chữ 就 (tựu) là tới, đây nghĩa là nên, thành tựu. Nói 就 事 (tựu sự) cũng như nói 成 事 (thành sự).
壯 士 (tráng sĩ) là kẻ sĩ hùng tráng, Tín tự khoe mình làm cho Đằng công chú ý. 奇 (kỳ) là lạ, đây dùng như verbe. 奇 其 言 (kỳ kỳ ngôn) tức là 以 其 言 爲 奇 (dĩ kỳ ngôn vi kỳ). Kề chữ 釋 (thích) đáng lẽ có chữ 之 (chi) để chỉ Hàn Tín, nhưng lược bớt.
III. Văn pháp
[sửa]Chữ 者 (giả)
Chữ 者 là pronom, dùng thay vì người hay thay vì sự vật đều được cả.
Khi thay vì người thì có ba cách đặt như vầy:
1/ Để chữ adjectif lên trên nó, như: 賢 者 (hiền giả): kẻ hiền; 人 者 (nhân giả): kẻ nhân.
2/ Để chữ verbe lên trên nó, như: 行 者 (hành nhân): người đi; 居 者 (cư giả): người ở.
Những khi ấy chữ 者 (giả) hiệp với tiếng adjectif hoặc với tiếng verbe ở trên nó mà thành ra một tiếng nom kép.
3/ Để cuối một propostion mà làm sujet cho proposition ấy; như câu trong Luận ngữ:
不 好 犯 上 而 好 作 亂 者, 未 之 有 也 (Bất hiếu phạm thượng nhi hiếu tác loạn giả, vị chi hữu dã): Cái người (者 giả) chẳng ưa phạm người trên mà ưa làm loạn là chưa hề có đó vậy.
Lại như câu trong Mạnh Tử:
嬖 人 有 臧 倉 者 阻 君 (Bế nhân hữu tang thương giả trở quân): Trong đám người hầu cận có kẻ (者 giả) tên là Tang Thương ngăn vua.
Thay vì sự vật cũng có ba cách đặt.
1/ Để chữ adjectif lên trên nó, như nói: 木 有 直 者, 曲 者, 長 者, 短 者 (Mộc hữu trực giả, khúc giả, trường giả, đoản giả): Cây có cây thẳng, cây cong, cây dài, cây ngắn.
2/ Để chữ verbe lên trên nó, như nói: 馬 有 立 者, 齕 者, 飲 者, 溲 者 (Mã hữu lập giả, hột giả, ẩm giả, sưu giả): Ngựa có con đứng, con nhai, con uống, con đái.
(Chữ 者 giả thay vì sự vật phải tùy theo tiếng nom nào nó đã thay mà cắt nghĩa. Vậy như câu trên, chữ 者 giả thay cho chữ 木 mộc thì cắt nghĩa là cây; câu dưới, chữ 者 giả thay cho chữ 馬 mã thì cắt nghĩa là con).
3/ Để cuối một proposition, không chỉ hẳn về sự vật gì, mà làm sujet cho proposition ấy, như câu trong Mạnh Tử:
人 之 所 以 異 於 禽 獸 者 幾 希 (Nhân chi sở dĩ dị ư cầm thú giả ky hi): Cái điều làm cho người ta khác với cầm thú chỉ có mảy mún. (禽 cầm; 獸 thú; 幾 希 ky hi: mảy mún, ít lắm).
Ngoài ra, chữ 者 thường dùng để sau một proposition đặng thuyết minh điều gì. Khi ấy nó thường đi với chữ 所 (sở) hoặc 所 謂 (sở vị). Luật đó trước kia đã học. Nay nói thêm rằng có khi không có chữ 所 謂 (sở vị) ở trên, là cũng phải hiểu như có. Vậy như nói: 仁 者 人 也 (nhân giả nhân dã) phải hiểu là 所 謂 仁 者 (sở vị nhân giả), v.v…
REMARQUE ─ Những chữ 者 (giả) hiệp với verbe thành ra nom kép, như 居 者 (cư giả), 行 者 (hành giả) đều đổi ra 居 人 (cư nhân), 行 人 (hành nhân) được, nhưng khi nói 作 者 (tác giả, auteur) lại không đổi ra 作 人 (tác nhân) được, là vì tùy theo verbe. Những verbe neutre như 居 (cư), 行 (hành), 飲 (ẩm), 食 (thực), tự nó trọn nghĩa rồi thì chữ 者 (giả) theo sau nó đổi ra chữ 人 được, nhưng verbe actif như 作 (tác) phải có complément mới trọn nghĩa thì chữ 者 theo sau nó không đổi được làm chữ 人.
IV. Giải trí
[sửa]Theo học thuyết nhà Nho, ngũ hành 五 行 là một lẽ gốc, cho nên đem nó phân phối với nhiều sự vật. Như về không gian thì phối với tứ phương; về thời gian thì phối với tứ thời; về nhân thân thì phối với ngũ tạng, v.v…Nhưng hỏi ra sở dĩ tại sao mà phối như vậy và phối như vậy để làm gì, thì không có sách nào cắt nghĩa nghe cho tường tận cả.
Phối với ngũ phương: đông thuộc mộc, tây thuộc kim, nam thuộc hỏa, bắc thuộc thủy, trung ương thuộc thổ.
Phối với tứ thời: xuân thuộc mộc, hạ thuộc hỏa, thu thuộc kim, đông thuộc thủy, thổ vượng tứ quý (tứ quý là bốn tháng cuối cùng của bốn mùa: tháng ba là xuân quý, tháng sáu là hạ quý, tháng chín là thu quý, tháng chạp là đông quý).
Phối với ngũ tạng: tâm thuộc hỏa, can thuộc mộc, tỳ thuộc thổ, phế thuộc kim, thận thuộc thủy.
Ngũ hành còn phối với nhiều cái khác nữa, nhưng ta hẵng biết sơ qua mấy cái đó.
Lẽ nầy hay đem ứng dụng trong nghề làm thuốc, và ta có thể nói nó là lẽ gốc của y học Trung Hoa.
Đại khái như người bệnh đau về tỳ đương lúc mùa đông thì các ông lang có thể nói rằng: bệnh nầy sợ ra giêng trở nặng. Hỏi tại sao, thì họ cắt nghĩa rằng: tỳ thuộc thổ, mà xuân thuộc mộc, tháng giêng là đầu xuân, như thế là mộc lại khắc thổ, cho nên bệnh nặng.
Nói nghe cũng thông, nhưng chỉ thông ở mấy cái danh từ đó thôi, chứ theo khoa học mà nói cho tách bạch đâu ra đó thì không thể nào nói được. Nếu nó có lý thật thì cái lý huyền diệu quá sức hiểu của chúng ta!
Chúng tôi muốn kể cho các bạn nghe một câu chuyện buồn cười về chữ Hán mà phải giảng qua cái lẽ trên đó, thành ra cái trò cười mà cũng có ích.
Số là trong bạch thoại Tàu dùng chữ 東 西 (đông tây) mà thế cho chữ 物 (vật): khi mua vật gì không nói 買 物 (mãi vật) mà nói 買 東 西 (mãi đông tây).
Có một ông vua đời Minh thấy vậy lấy làm lạ, bèn đem hỏi một vị Hàn lâm:
– Tại sao không nói 買 物 (mãi vật) mà nói 買 東 西 (mãi đông tây)?
Quan học sĩ tâu rằng:
– Nam thuộc hỏa, bắc thuộc thủy, mà theo sách Mạnh Tử nói: 昏 暮 叩 人 之 門 戶 求 水 火 無 不 予 者 (Hôn mộ khấu nhân chi môn hộ cầu thủy hỏa vô bất dữ giả), nghĩa là: Đêm tối gõ cửa ngõ người ta mà xin nước hoặc lửa thì không ai mà chẳng cho. Thế thì nam bắc là vật hời hợt lắm, cho nên không cần mua mà chỉ phải mua đông tây thôi.
Vua nghe, cho là bặt thiệp, có tài ứng đối. Song le, theo thật mà nói thì câu trả lời ấy là xuyên tạc chứ không đúng.
Trong tiếng Tàu kêu 東 西 (đông tây) bất cứ vật gì, chứ không phải duy có vật nên bỏ tiền ra mua thì mới gọi là 東 西 (đông tây). Song bởi tại câu hỏi của vua là hỏi luôn chữ 買 東 西 (mãi đông tây) thành ra quan học sĩ trả lời như vậy nghe mới có lẽ.
Đó, người ta ứng dụng cái nguyên lý ngũ hành ra đến việc như thế!