Hán văn độc tu 1936-1937/Bài học thứ 4
I. Học tiếng đôi
[sửa]về nom kép
Chữ Hán | Âm | Nghĩa |
---|---|---|
天 文 | Thiên văn | (Khoa học) thiên văn |
地 圖 | Địa đồ | (Bức) địa đồ |
日 蝕 | Nhật thực | Sự mặt trời bị ăn |
洪 水 | Hồng thủy | Lụt lớn |
弟 子 | Đệ tử | Học trò (của ai) |
門 生 | Môn sinh | Học trò (của ai) |
母 國 | Mẫu quốc | Nước mẹ |
友 邦 | Hữu bang | Nước bạn |
長 男 | Trưởng nam | Con trai đầu lòng |
正 室 | Chánh thất | Vợ cả |
曾 祖 | Tằng tổ | Ông cố |
小 姑 | Tiểu cô | Em gái chồng |
冬 瓜 | Đông qua | Bí đao |
木 耳 | Mộc nhĩ | Nấm tai mèo |
扁 豆 | Biển đậu | Đậu ván |
II. Cắt nghĩa thêm
[sửa]Thiên văn 天 文 là một khoa học, học về sự vận hành của mặt trời, mặt trăng cùng các tinh tú.
Địa đồ 地 圖 là bản đồ vẽ những cái có trên đất: núi sông, đường sá, đô thành, xã thôn, v.v… Hoặc vẽ cả trái đất, hoặc vẽ riêng một nước, một tỉnh, một làng; cũng có chia ra địa đồ cai trị, địa đồ kinh tế, địa đồ quân sự, v.v…
Nhật thực 日 蝕 là sự mặt trời bị ăn. Nghĩa thật của nó là mặt trời bị ăn, nhưng đây là tiếng nom vậy.
Hồng thủy 洪 水 là nước lụt thật lớn, từ xưa đến nay chỉ có một vài lần vào khoảng ba ngàn năm trước, tức tiếng Pháp gọi là “déluge”. Lụt thường không gọi 洪 水 được, dù lớn mấy cũng chỉ gọi là 大 潦 đại lạo.
Đệ tử 弟 子 là học trò (của ai). Tiếng ta không phân biệt: khi chỉ một người ôm sách đi học cũng kêu là học trò, khi chỉ một người thọ nghiệp với người khác cũng kêu là học trò. Chữ Hán thì khác: người trước là học sinh, người sau là đệ tử 弟 子 hay môn sinh 門 生 (Nên chú ý điều này: khi nói đệ tử 弟 子 thì là nom kép; khi nói tử đệ 子 弟 thì là nom bình hành, vì tử đệ có hai nghĩa: con và em).
Môn sinh 門 生 lấy ý là trò ấy do cái cửa của người ấy mà ra, tức là đi học với người ấy.
Mẫu quốc 母 國 là danh từ mà dân một nước nào đi ra ngoại quốc hoặc thuộc địa xây gọi lại bản quốc mình, như người Pháp ở đây gọi nước Pháp là mẫu quốc.
Hữu bang 友 邦 là danh từ mà các nước ở láng giềng với nhau hoặc giao hảo với nhau gọi nhau.
Trưởng nam 長 男 là con trai đầu lòng. Vợ của trưởng nam thì gọi là 冢 婦 trủng phụ.
Chánh thất 正 室 là vợ cả, nói thế để phân biệt với vợ nhỏ, gọi là 側 室 trắc thất.
Tằng tổ 曾 祖 là ông cố đẻ ra ông nội. Cháu của ông cố gọi là 曾 孫 tằng tôn.
Tiểu cô 小 姑 là em gái của chồng (xưng bởi chị dâu); đừng lẫn với tiểu muội 小 妹 là em gái nhỏ (xưng bởi anh trai lớn).
Đông qua 冬 瓜 là bí đao, vì thứ bí này có trái trong mùa đông.
Mộc nhĩ 木 耳 nghĩa đen là “tai của cây”. Vì thứ nấm ấy giống cái tai mà mọc trên cây, Bắc Kỳ vẫn gọi theo tiếng chữ là mộc nhĩ.
Biển đậu 扁 豆 nghĩa đen là hột đậu dẹp, vì chữ 扁 “biển” nghĩa là dẹp.
III. Văn pháp
[sửa]Nom liên thuộc
Nhắc lại hai bài văn pháp trong hai kỳ báo trước: Những tiếng nom đi liền nhau chia ra ba thứ:
1/ Nom kép: hai nom đi liền nhau mà chỉ có một nghĩa.
2/ Nom bình hành: hai nom đi liền nhau mà có hai nghĩa rời ra, kêu tên hai sự vật.
(Hai thứ ấy đã học qua rồi; còn một thứ nữa sẽ học trong bài văn pháp hôm nay)
3/ Nom liên thuộc: hai nom đi liền nhau mà một nom này thuộc về một nom kia.
Ta đã biết trong văn pháp tiếng Pháp có chỗ nói về compément d’ un nom thì trong văn pháp chữ Hán thứ nom liên thuộc này cũng giống như vậy.
Kêu bằng complément d’ un nom như nói: l’ ami du père, l’ eau du fleuve thì trong chữ Hán nói: 父 友 phụ hữu, 江 水 giang thủy, tức là nom liên thuộc đó.
Phụ hữu, giang thủy không phải chỉ có một nghĩa, cho nên không phải nom kép; lại không phải có hai nghĩa rời ra, cho nên cũng không phải nom bình hành. Kêu bằng nom liên thuộc bởi vì hai chữ liên nhau mà chữ hữu 友 thuộc về chữ phụ 父 (bạn của ai? của cha), chữ 水 thủy thuộc về chữ 江 giang (nước của đâu? của sông).
Muốn làm hai nom dính nhau (ami với père, eaau với fleuve) thì trong Pháp văn dùng chữ de; vậy trong chữ Hán có dùng chữ gì không?
Có. Người ta dùng chữ 之 chi vào giữa hai nom để nối nó lại và chỉ nghĩa nom này thuộc về nom kia. Bởi vậy 父 友 phụ hữu tức là 父 之 友 phụ chi hữu, 江 水 giang thủy, tức là 江 之 水 giang chi thủy.
Chữ 之 chi ở đó giống như chữ de trong tiếng Pháp. Có điều khác nhau là: trong Pháp văn cái complément ở sau (père ở sau ami; fleuve ở sau eau); còn Hán văn, cái complément ở trước (父 phụ ở trước 友 hữu; 江 giang ở trước 水 thủy).
Thế nhưng mà, chữ 之 chi ấy, người ta phải bỏ đi luôn luôn, chỉ khi nào có sự cần đặc biệt thì mới để.
Số là 父 之 友 phụ chi hữu mà bỏ chữ 之 chi đi, nói 父 友 phụ hữu; số là 江 之 水 giang chi thủy mà bỏ chữ 之 chi đi, nói 江 水 giang thủy, thành ra hai nom đi liền nhau, dễ mà lẫn lộn với nom kép và nom bình hành.
Nhưng mà không lẫn lộn được.
Có cách để phân biệt nom liên thuộc cho khỏi lộn với hai thứ nom kia tiện lợi lắm. Cứ hễ gặp hai nom đi liền nhau, mình thử đặt chữ 之 chi vào giữa mà có nghĩa thì mới là nom liên thuộc. Còn không, thì không phải.
Vậy như 夫 人 phu nhân, nếu thêm 之 chi vào, thành ra 夫 之 人 phu chi nhân,[1] 牛 羊 ngưu dương, nếu thêm 之 chi vào thành ra 牛 之 羊 ngưu chi dương, thì đều không có nghĩa chi hết, không phải là nom liên thuộc.
Trừ ra có một ít nom kép có thể để chữ 之 chi vào mà có nghĩa, như 天 子 thiên tử, có thể nói 天 之 子 thiên chi tử.
IV. Tập đặt
[sửa](về nom liên thuộc)
Nom kép và nom bình hành thường là những chữ sẵn có; còn nom liên thuộc thì tùy khi mình đặt, muốn để nom nào thuộc về nom nào theo sự mình cần nói. Vậy đặt sẵn ra đây ít nhiều chữ để tập cho quen, hầu sau người học có thể theo đó mà tự đặt lấy.
Phải nhớ rằng nom liên thuộc nguyên có chữ 之 chi ở giữa hai nom mà thường thường người ta bỏ chữ 之 chi ấy, không để vào. Vậy như:
井 水 tỉnh thủy tức là 井 之 水 tỉnh chi thủy; theo tiếng ta đáng nói là nước của giếng, nhưng cũng nói quen là “nước giếng”
手 心 thủ tâm tức là 手 之 心 thủ chi tâm; theo tiếng ta đáng nói: lòng của bàn tay, nhưng cũng nói quen là “lòng bàn tay”
足 心 túc tâm tức là 足 之 心 túc chi tâm; theo tiếng ta đáng nói là lòng của bàn chân, nhưng cũng nói quen là “lòng bàn chân”
人 身 nhân thân tức là 人 之 身 nhân chi thân; theo tiếng ta đáng nói là thân thể của người ta, nhưng cũng quen nói là “thân thể người ta”
牛 耳 ngưu nhĩ tức là 牛 之 耳 ngưu chi nhĩ; theo tiếng ta đáng nói là tai của trâu (bò), nhưng cũng nói quen là “tai trâu”
海 風 hải phong tức là 海 之 風 hải chi phong; theo tiếng ta đáng nói là gió của biển, nhưng cũng nói quen là “gió biển”
山 石 sơn thạch tức là 山 之 石 sơn chi thạch; theo tiếng ta đáng nói là đá của núi, nhưng cũng nói quen là “đá núi”
房 門 phòng môn tức là 房 之 門 phòng chi môn; theo tiếng ta đáng nói là cửa của buồng, nhưng cũng nói quen là “cửa buồng”
海 門 hải môn tức là 海 之 門 hải chi môn; theo tiếng ta đáng nói là cửa của biển, nhưng cũng nói quen là “cửa biển”
犬 牙 khuyển nha tức là 犬 之 牙 khuyển chi nha; theo tiếng ta đáng nói là răng của chó, nhưng cũng nói quen là “răng chó”
羊 肉 dương nhục tức là 羊 之 肉 dương chi nhục; theo tiếng ta đáng nói là thịt của dê, nhưng cũng nói quen là “thịt dê”
牛 角 ngưu giác tức là 牛 之 角 ngưu chi giác; theo tiếng ta đáng nói là sừng của bò, nhưng cũng nói quen là “sừng bò”
人 力 nhân lực tức là 人 之 力 nhân chi lực; theo tiếng ta đáng nói là sức của người, nhưng cũng nói quen là “sức người”
天 心 thiên tâm tức là 天 之 心 thiên chi tâm; theo tiếng ta đáng nói là lòng của trời, nhưng cũng nói quen là “lòng trời”
林 木 lâm mộc tức là 林 之 木 lâm chi mộc; theo tiếng ta đáng nói là cây của rừng, nhưng cũng nói quen là “cây rừng”
Nên hiểu thêm một điều nữa: trong chữ Hán, về nom liên thuộc bỏ chữ 之 chi, cũng như trong tiếng ta bỏ chữ “của”.
V. Cách học bài thứ tư này
[sửa]Hôm nay học 15 tiếng đôi, cốt để biết thêm nhiều danh từ, 15 nom kép có giải nghĩa rất rõ ràng, là muốn cho biết được chữ nào chắc chắn chữ ấy. Cố nhiên là người học phải theo mấy phép đã cho trước mà học cho thuộc lòng.
Bài văn pháp hôm nay dính với hai bài trước. Phải hợp cả ba làm chung một cái đề cương để coi cho dễ học.
Trong văn pháp tiếng Pháp, chỗ nói về complément d’ un nom có dạy người học lấy hai nom mà làm dính với nhau bởi một chữ de. Đây ta cũng bắt chước mà làm như vậy, tức là thực hành tự tập đặt vừa nói trên.
Đây ta làm dính hai nom bởi một chữ 之 chi. Theo trên kia, muốn nói nước của giếng thì nói 井 之 水 tỉnh chi thủy; muốn nói gió của biển thì nói 海 之 風 hải chi phong; rồi suy ra mà đặt những chữ khác.
Phải làm việc này như cách tập dịch: viết trên giấy một bên chữ quốc ngữ, một bên chữ Hán.
Có mấy đề ra sẵn dưới đây, hãy cứ đó mà dịch theo. Còn như sự thử lại coi có đúng không, thì người học tự làm lấy cũng được. Vì trong bài đã dạy kỹ lắm, không có thể lầm. Điều nên nhớ là cái complément bao giờ cũng ở đằng trước, nghịch với tiếng Pháp.
ĐỀ DỊCH: 1/ Sừng của dê; 2/ Lông của chó; 3/ Lòng của người; 4/ Cây lúa của ruộng; 5/ Cây của núi; 6/ Lông của bò; 7/ Da của heo; 8/ Gió của núi; 9/ Sắc của trời; 10/ Tài của miệng; 11/ Sắc của gái; 12/ Anh của chồng; 13/ Hình của núi; 14/ Nhà của cha; 15/ Sắc của mặt trăng.
Ban đầu tập đặt hãy để chữ 之 chi. Sau nhuần lòng rồi ta hãy bỏ chữ 之 chi đi.
Chú thích
- ▲ Cái ví dụ nầy không được đúng cho lắm. Vì có người nói 夫 之 人 phu chi nhân cũng có nghĩa. Nghĩa là “người của chồng”. Nói thế, có ý kể người đàn bà có chồng rồi là thuộc về chồng, vật sở hữu của chồng. Cũng bởi thế cho nên năm trước bên Tàu có lần phụ nữ đã nổi lên đòi bỏ đứt cái danh từ để xưng hô họ ấy, vì họ cho là nhục. – Đã thế thì ta nên lấy cái ví dụ 夫 子 phu tử (nghĩa là thầy); 夫 子 nếu thêm 之 vào, thành ra 夫 之 子 phu chi tử, là “con của chồng” mới thật không có nghĩa.