Bước tới nội dung

Hạnh Thục ca/31

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Hạnh Thục ca
của Nguyễn Nhược Thị Bích, Trần Trọng Kim sưu tầm, phiên âm, chú thích, giới thiệu
31. Tôn-Thất Thuyết đánh quân Pháp

Tôn-Thất Thuyết đánh quân Pháp

Khuyên can chúng thảy hết điều,
Cắt thầm, Tôn-Thuyết dấy liều nửa đêm.
Phen này may rủi thử xem,
Đã đành cô-chú[1] quyết đem đánh vầy.
Chẳng cho ai biết ai hay,
Cũng chăng tấu đạt, một tay thiện hành[2].
Chiến công đều Phấn-nghĩa binh,
Chỉn dùng những phúc tâm mình mà thôi.
Chắc gì bẻ nạng chống trời,
Hay là làm chước thoát nơi lửa thành.
Hay làm bất ý thình-lình,
Họa là may đặng công thành tiên ky.
Thất kinh ai nấy hồn phi,
Đêm khuya nào biết sự thì làm sao.
Quanh co hơ-hải cùng nhau,
Lệnh truyền thách cửa hỏi mau cho tường.
Giờ lâu mới thấy gửi sang,
Rằng nguyên ở đó thị cường bắn lên.
Ta nay không nhẽ điềm nhiên,
Phải toan cự địch, hư nên[3] nhờ trời.
Ầm ầm tiếng súng khắp vời,
Khói um mù đất, lửa ngời lòa mây.
Canh tư thắng phụ chưa hay,
Canh năm nghe báo rất may mừng lòng.
Bình-đài thu phục đã xong,
Lầu Tây đương đốt, lửa chong bốn bề.
Phen này Tây ắt phải về,
Ngửa nhờ trời đất phù-trì lắm thay[4].
Nói cười chưa kịp trở tay,
Phút liền súng nổ đạn bay kinh hồn.
Ai ngờ Tây rất quá khôn,
Để ta bắn trước thảy luồn nấp đi.
Ở ta dại chẳng biết ky[5],
Những mà hết sức dương uy bắn dồn.
Liệu chừng thuốc đạn đã mòn,
Dấy lên Tây mới thành môn bắn vào.
Dường như sấm sét ầm-ào,
Dẫu là núi cũng phải nao huống thành.
Quân ta khôn sức đua tranh,
Đem nhau trốn chạy tan tành bèo trôi.
Bấy giờ trời đã sáng rồi,
Văn-Tường liền khiến gửi lời tâu xin.
Khiêm-cung nay phải ngự lên,
Lánh nơi pháo đạn chẳng nên trễ-tràng.

  1. Cô chú 孤注 là một thành-ngữ nói có bao nhiêu tiền đem đánh bạc một tiếng cuối cùng để quyết được thua.
  2. Thiện hành 擅行 là tự chuyên làm việc gì.
  3. Hư nên là thắng bại.
  4. Đó là một sự mơ-tưởng, đem sự mong-muốn của mình mà diễn ra như là sự thực, chứ lúc bấy giờ ban đêm Tây nấp, không ra đánh, sao mà biết là được thua ? Sáng ngày Tây tấn-công thì quân của Tôn-Thất Thuyết vỡ tan.
  5. Ky ta thường đọc là .