Học giả với chánh trị

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Học giả với chánh trị  (1930) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Trung lập, Sài Gòn, số 6288 (1.11.1930)

Ông Phạm Quỳnh toan cầm cái mâu hôm nay mà đâm cái thuẫn của mình hôm trước

Cách nay không lâu, ngoài Bắc có một bạn đồng nghiệp nhơn việc gì đó mà nói ông Phạm Quỳnh là người nhạy đổi ý kiến ; quả nhiên.

Theo lời bạn đồng nghiệp ấy thì sự đổi ý kiến của ông Phạm là cái ý kiến về chánh trị kia. Tức như ông ấy hồi đầu khuynh hướng về quân chủ, khúc giữa ngả về dân chủ, nay lại muốn quay lộn lại về quân chủ (chỉ nhờ có một chút lập hiến làm cho ông có vẻ tấn tới hơn xưa).

Đây chúng tôi không nói về cái ý kiến ấy ; nhưng chỉ nói về cái ý kiến của ông trong khi ngôn luận.

Thật, mới cách chừng chỗ ba bốn tháng nay mà thấy như ông phát biểu tư tưởng mình cùng một việc mà mỗi lần một khác.

Mọi sự ở thế gian đều theo luật tấn hóa mà đi tới. Tư tưởng của người ta cũng vậy. Tư tưởng đã cũng bị chi phối bởi luật tấn hóa thì tất nhiên có thể khác nhau. Tuy vậy, sự khác nhau bởi cớ tấn hóa đó còn phải có thời gian làm điều kiện. Tư tưởng của người ta chẳng phải như cái quần cái áo mà hòng nói mai thay chiều thay ; có thay đi nữa, có khác nhau đi nữa cũng phải trải qua một cái thì giờ khá lâu, 5 năm hoặc 10 năm, ấy mới là tấn hóa. Còn như đã không phải là tấn hóa, thì có lẽ là mâu thuẫn.

Lúc viết bài nầy không có cuốn Nam phong trên bàn mà soát lại coi thử số nào, ra tháng nào, nhưng nhớ chắc là không lâu đâu, ông Phạm có một bài đăng ở đầu cuốn, nhan là Đọc sách có cảm[1]. Đó là nhơn ông đọc cuốn Nho giáo của ông Trần Trọng Kim, cảm khái mà viết ra. Đây xin lược cử đại ý của ông, miễn sao đừng trật là được.

Trong bài ấy ông nói những kẻ phụng sự cái quốc gia chủ nghĩa có hai cách khuynh hướng : một là lo về phương diện chánh trị, làm cho nước được độc lập tự do ; một là lo bồi bổ nền văn hóa, chuyên công bảo tồn những cái quốc hồn quốc túy, làm cho dân tộc khỏi bị đồng hóa với kẻ mạnh.

Ông nói như vậy rồi ông mới so sánh hai phương diện ấy thì thấy ra bên văn hóa là trọng yếu hơn, bởi vì văn hóa là căn bản của một nước, không có nó thì vận động chánh trị cũng vô ích. Cho nên, nói tóm tắt theo ý ông, dữ kỳ hô hào việc chánh trị thì thục nhược chuyên lo về một mặt văn hóa là hơn. Ông lại nói phân minh rằng huống chi làm chánh trị ở xứ ta hiện nay là khó lắm, không khéo sẽ sa vào con đường lầm lỗi.

Do sự chọn lựa một cách khôn ngoan cẩn thận ấy, ông Phạm nói, mười lăm năm nay ông đã chuyên dụng công về việc trứ thơ lập ngôn, tức là bồi bổ nền văn hóa cho nước nhà. Ông làm như vậy tự cho là đắc sách ; vả lại được một lời tri kỷ biểu đồng tình cùng ông ở ngoài mấy muôn dặm, đủ làm cho ông hả dạ. Ấy là ông Tây chi chi đó ký tên bằng ba chữ X, đăng một bài trong Thái bình dương tạp chí bằng tiếng Pháp, nói rằng : “Bên Đông Dương có phái Phạm Quỳnh, cũng thờ cái quốc gia chủ nghĩa mà chuyên về mặt văn hóa, là phái chánh đáng hơn hết”. Mấy lời khen tặng đó chính ông Phạm đã trích ra mà dặm vào trong bài của mình.

Cái đó, ông Phạm không nói ra, chớ trong ý ông tự phụ rằng mình là nhà học giả, chuyên tâm về văn hóa, thì đối với nước nhà lại còn đắc lực gấp mấy những kẻ đeo đuổi con đường chánh trị kia. Mà trong đó lại còn như bảo người ta một cách phân minh rằng : Hễ là nhà học giả thì nên tận tụy với văn hóa, đừng nên xen lo vào chánh trị.

Mùa nóng ở Hà Nội chưa đổi sang mùa lạnh, mà cái “hơi” của ông Phạm Thượng Chi đã khác.

Mới rồi ông viết trong báo France Indochine một bài mà tỏ ra cái ý khác với trên kia. Trước hết ông nhắc lại câu của Julien Benda[2], nói rằng những văn nhân học sĩ, nhà tư tưởng, nhà mỹ thuật, nên để mình lên trên cõi tục, đừng có chen vào vòng chánh trị là nơi có những sự tranh cạnh nhỏ nhen ; nếu không thế, là trái với thiên chức của mình. Nước dẫu mất đi nữa, những hạng người ấy cũng nên coi là thường. Bởi vì, trên mọi quốc gia, mọi dân tộc, họ có một cái tổ quốc chung mà tổ quốc gia nầy mới thật là chơn chánh, thật là đáng thờ vậy. Đó là mấy lời của Julien Benda mà ông Phạm nhắc lại.

Ông Phạm phê bình ngay rằng cái thuyết ấy là hẹp hòi lắm. Theo ông, nhà học giả phải phát huy cái lòng ái quốc của mình ra, phải có công nghiệp gì đối với nước nhà ; bằng không thì thật là người có tội.

Phải chi ông nói chừng nấy mà thôi, thì cũng còn ở trong cái phạm vi thờ quốc gia chủ nghĩa của ông, có gì là mâu thuẫn ? Song có một đoạn sau, ông lại khuynh hướng thiệt mặt về phương diện chánh trị.

Ông Phạm cử ra hai vị cổ nhân, là ông Bạch Cư Dị ở nhà Đường bên Tàu và ông Nguyễn Công Trứ bên ta. Ông nói rằng hai người nầy đều là bậc đại thần, đã có công trị nước yên dân, mà đều là nhà văn học hiếm có. Làm học giả văn nhân mà được như vậy thì mới đáng gọi là trọn thiên chức của mình và hết nghĩa vụ đối với xã hội.

Quả như lời ông nói, hai vị đó là nhà chánh trị trứ danh, đã làm tiêu biểu cho trong triều ngoài quận lúc bây giờ. Nếu kẻ học mà làm được như hai ông ấy cũng nên. Song le, làm như Bạch Cư Dị và Nguyễn Công Trứ thì đã ngả về mặt chánh trị rồi, trái với cái thuyết ông Phạm đã chủ trương bữa trước. Bởi vậy chúng tôi mới dám nói ông toan cầm cái mâu mà đâm cái thuẫn của mình.

Có lẽ, bởi bài trước viết trong khi sách Nho giáo ra đời, thì ông Phạm đứng về mặt chủ trì văn hóa ; còn bài nầy viết sau khi cái thai lập hiến vừa tượng ra, thì ông đứng về mặt chánh trị chăng ?

Nói tóm lại, dầu thế nào chúng tôi cũng bỏ qua đi hết, mâu thuẫn đến đâu cũng không có làm chi ; đối với một người vào số ít như ông Phạm, chúng tôi kỳ vọng cho ông nhiều lắm. Muốn văn hóa thì muốn, muốn chánh trị thì muốn, cái chỗ chúng tôi kỳ vọng cho ông chỉ là làm cái gì cho nên hình cái nấy mà thôi. Chẳng nên hình, thà không có.

PHAN KHÔI

   




Chú thích

  1. Nam phong, tuần XXVI, số 149, tháng 4.1930
  2. Julien Benda (1867-1956) nhà văn, nhà phê bình Pháp