Học với sách và học với chung quanh ta
Cũng đồng là sự học mà cái kết quả của nó ở phương Đông với ở phương Tây không giống nhau: phương Tây suy ra thực dụng nhiều, phương Đông suy ra thực dụng ít; phương Tây gần chân lý hơn, phương Đông xa chân lý hơn.
Thấy thế, nhiều người đổ cho rằng tại phương Tây chuộng khoa học và phương Đông không có khoa học.
Đã đành rằng thế, nhưng tại làm sao phương Tây có khoa học và người ta biết chuộng nó? Còn tại làm sao khoa học lại không sinh ra ở phương Đông?
"Sự cần dùng sinh ra khoa học", câu ấy chưa phải là câu trả lời một cách đầy đủ. Cái cớ có khoa học hay không có khoa học còn ở như cái cách học của người ta nữa.
Ấy chính vì chỗ đó mà chúng tôi nghĩ ra cái đầu đề bài nầy: Học với sách và học với chung quanh ta. Học với sách nghĩa là cứ sách mà học, lấy sách làm cái đối tượng cho sự nghiên cứu; học với chung quanh ta nghĩa là học ra ngoài sách, lấy vạn vật ở xung quanh ta làm cái đối tượng cho sự nghiên cứu.
Nói phương Đông nhưng thực ra chúng tôi chỉ nói về người Tàu và người mình. Thật thế, trước khi chưa thâu vào cái học thuật của phương Tây, người Tàu và người mình chỉ biết học với sách mà thôi.
Đức Khổng Tử khuyên học trò ngài đọc Kinh Thi, ngài bảo rằng: "... Đọc Kinh Thi thì biết được nhiều cái tên của cỏ, cây, chim, muông".
Sách Minh Mạng chánh yếu chép lời đức Thánh Tổ phán cùng ông Phan Bá Đạt, Tham tri Bộ Lễ rằng: "Những cái tên của cỏ, cây, chim, muông, từ trước đến giờ cứ tuần tập mà kêu, phần nhiều chưa được rõ rệt; ngày nay phải khảo cứu qua một bận để kêu cho đúng tên...".
Rất đỗi thánh như đức Khổng Tử mà khi đọc Kinh Thi còn chỉ lấy sự biết tên các giống cỏ, cây, chim, muông làm mãn nguyện, thì vua Minh Mạng nhà ta, cầu kêu tên của nó cho đúng, cũng đã thông minh và có chí nguyện lớn lắm rồi.
Thực ra thì, về cỏ, cây, chim, muông, biết được đến cái gì của nó mới là có ích, mới là hữu dụng, chứ chỉ biết cái tên thì có làm gì? Cây cau, tôi biết nó là cây cau, con cóc, tôi biết nó là con cóc, trừ ra sự hơn người không biết một chút, tôi chẳng có được ích gì cho tôi cả.
Ấy vậy mà cũng đã phải còng lưng mỏi miệng đọc Kinh Thi, thuộc ba trăm thiên như cháo mới có được cái hiệu quả thế kia, cái hiệu quả dường như không hiệu quả!
Học với sách, chỉ lấy sách làm cái đối tượng nghiên cứu, từ đức Khổng ngài đã dạy cho chúng ta như vậy, rồi chúng ta cứ vậy mà học luôn đến hơn hai ngàn năm.
Trước đây tám trăm năm, vào đời nhà Tống, giữa học giới phương Đông phát ra cái vấn đề "cách vật trí tri". Đó là một dịp may mắn lắm. Giá bọn học giả bấy giờ biết nghiên cứu vấn đề ấy bằng những tài liệu tự nhiên, biết giải quyết nó bằng cách nghiên cứu có phương pháp thì khoa học sao chẳng sinh ra đất nầy và xã hội sao chẳng nhờ được lắm điều thực dụng? Tiếc thay bọn họ cũng lại đâm đầu vào sách!
Làm thế nào mà cách vật được, Tống nho như các ông Trình Tử, Châu Tử bảo chúng ta chỉ phải đọc sách. Rồi bốn chữ "cách vật trí tri" đã dễ dàng mà hóa ra bốn chữ "độc thư cùng lý". Chỉ có việc đọc sách và suy cho cùng tột cái lý trong sách mà người ta dám bảo như thế đã là đạt đến cái mục đích cách vật trí tri! Chúng ta theo lời ấy, cứ sách mà học ngót một ngàn năm nữa, nhưng cơ khổ, "vật" cũng chẳng thấy "cách" được chút nào, mà "lý" cũng chẳng thấy "cùng" được đến đâu!
Trải hơn hai ngàn năm, thánh hiền sư nho, nói vô phép, chỉ là những con mọt sách, chẳng chịu cho sự tri thức của mình trực tiếp với mọi vật tự nhiên, đừng trách có ngày hai cái văn hóa gặp nhau mà rồi phương Đông phải bắc mặt làm học trò phương Tây là đáng!
Học giới phương Tây không phải là không cần dùng sách, có lẽ sách của họ lại còn nhiều hơn của ta nữa, nhưng cốt nhất một điều, kẻ học ở đó còn học rộng ra bên ngoài sách, không chỉ bo bo với sách mà thôi.
Bên ta tương truyền đời thượng cổ, chỉ một mình vua Thần Nông lấy lưỡi nếm trăm thứ cỏ mà phát minh ra các vị thuốc để trị bệnh. Bên Tây thì chẳng thiếu gì người như thế: cả đời họ tìm tòi gom góp không biết bao nhiêu giống thực vật, rồi tò mò học của mỗi thứ từng cái thân cây, từng cái rễ, từng cái lá cho đến cái gân lá.
Bọn khác chuyên khảo cứu về loài sâu bọ. Một nhà côn trùng học ham mê quá, thấy con sâu nào cũng bắt cho kỳ được. Một hôm nhân lột vỏ cây, gặp hai con độc trùng. Ông ta đã mỗi tay bắt lấy một con, rồi bỗng lại thấy thêm một con nữa. Con nầy có hình trạng lạ, ông cố bắt cho được, bèn bỏ con bên tay phải vào miệng để bắt nó. Không ngờ con trùng trong miệng vội xịt nước cay của nó vào trên lưỡi ông, làm ông chịu không được phải nhả ra lập tức. Thế là con nầy với con thứ ba đều sẩy cả. Chỉ có thế mà nhà học giả nhớ tiếc suốt cả đời.
Có người chuyên nuôi các giống khỉ để học về nó; người khác cứ ít ngày lại chính tay mổ một con động vật nhỏ để nghiệm xem trong nó trái tim nhảy cách nào và mạch máu chạy cách nào.
Từ trên cao ném xuống, vật gì nặng thì đến đất chóng hơn, vật gì nhẹ thì đến đất chậm hơn: bên Tây đời xưa người ta bảo thế. Một nhà vật lý học không tin, đã chịu khó trèo lên cái tháp thật cao, cầm mấy vật nặng không đồng nhau ném xuống, thì thấy cái kết quả không đúng hẳn như thế, mà lại trong một trường hợp đặc biệt, hai vật nặng không đồng nhau cũng có thể rơi đến đất cùng một lúc kia. Nhân đó đánh đổ được một cái thuyết sai lầm.
Ngoài sách ra, kẻ học phương Tây còn học ngay ở vạn vật chung quanh mình như thế, nên các khoa học mới nhờ đó mà thành lập được và mọi sự cần dùng cho nhân sinh cũng nhờ đó mà được đầy đủ thêm.
Cái học thuật của phương Tây, tức là cái học thuật trọng về sự nghiên cứu tự nhiên ấy, khi nó truyền sang bên ta rồi, ta cũng lại cứ trong sách của họ mà học theo: ấy thật là điều đáng cho ta tỉnh ngộ và hối cải.
Ta cũng có vạn vật ở chung quanh mình, khi đọc sách xong, sao ta không chú ý đến? Giữa chúng ta vừa mới có kẻ nghiên cứu thử lá vối, trồng thử thủy tiên, sao lại cả lũ xúm nhau cười?
À ra con rồng cháu tiên là giống chỉ biết học sách thôi, chỉ quen với sự học trong sách thôi, ai bỏ sách mà học ra ngoài tức là làm một việc chướng mắt hay một việc điên rồ, phải bị những ngón tay chỉ vào như chỉ thằng ở lỗ!
Không, trong đám mười người học với sách phải có một người học với tự nhiên mới được. Có thế, học thuật mới mỗi ngày một mới.
"Con chuột đồng hóa làm con chim cút" (điền thử hóa vi như), "con sẻ sẻ vào trong nước lớn hóa làm con nghêu" (tước nhập đại thủy vi cáp): chính Kinh Lễ dạy chúng ta như vậy đó mà đã gần ba ngàn năm nay chúng ta vẫn nghe theo, chưa có ai chứng nghiệm ra thử là nói thật hay nói láo. Ấy chỉ vì chúng ta cứ học trong sách mà không biết kinh nghiệm ra ngoài.
Những cái tri thức về khoa học mà chúng ta đã nhặt được ở nhà trường ngày nay nếu không nhờ thực nghiệm ra giữa vạn vật thì nó cũng sẽ chẳng khác gì những cái tri thức đã nhặt được ở Kinh Lễ, Kinh Thi ngày xưa vậy.
PHAN KHÔI