Bước tới nội dung

Hồi ức lục

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Hồi ức lục  (1935) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Tràng An, Huế, số 66 (15 Octobre 1935), trang 3. 

HUẾ HỒI TÔI CÒN NHỎ

Sau mười mấy năm lăn lộn ở Hà Nội rồi Sài Gòn, Sài Gòn rồi Hà Nội, tôi trở về chen một chỗ đứng ở đây đến nay vừa tròn tám tháng. Lần này tôi ở Huế được đến bằng ấy tháng kể cho là lâu hơn hết những lần khác; nhưng cũng còn kém cái lần tôi ở đến mười tháng là lần đầu tiên hồi tôi còn nhỏ. Bởi vậy bây giờ lắm lúc trông cảnh trông người làm tôi không thể không nhớ lại cái được cái mất cái quang cảnh Kinh đô trong thời kỳ tôi còn bé bỏng ấy. Rồi nhớ đến đâu tôi nhắc đến đó một cách không tổ chức ra đây.

*

* *

Năm ấy vào năm bính thân, niên hiệu Thành Thái thứ chín (1886), tôi lên mười tuổi. Bấy giờ ông thân tôi vừa đậu Phó bảng năm trước, được bổ làm Thừa biện bộ Hộ, nên tôi đi theo ở với người.

Chúng tôi ở một sở nhà tranh trong một cái vườn chừng hơn một sào đất. Tôi còn nhớ: ở cửa Thượng Tứ đi vào một đỗi, bên tay phải có chùa Giác Hoàng, khỏi đó không xa mấy thì đến nhà tôi, nó nằm về bên tay trái, xây mặt ra đường. Theo địa đồ bây giờ thì chùa Giác Hoàng chừng như ở vào khoảng Bảo tàng viện, còn nhà tôi ở về đỗi vườn hoa.

À, té ra hồi đó từ cửa Thượng Tứ đi vào, hai bên đường hầu hết là nhà người ta ở cả. Tôi nhớ chắc cái nhà đối diện với nhà tôi là nhà ông chủ Phiếm, một ông thầy dạy chữ Tây thuở ấy; còn cái nhà sát rào với nhà tôi về phía tay phải, là nhà ông Đặng Như Vọng, đương làm Viên ngoại ở bộ nào đó, tôi quen gọi bằng ông Viên. Sát rào bên tay trái nhà tôi có một cái nhà rất nhỏ và rất ủm thủm[1] làm trên một thẻo đất vừa lọt chớ không có vườn. Trong nhà gồm có bốn người vừa già vừa trẻ: một bà già chừng bảy mươi, một người đàn bà góa là dâu bà ấy với hai đứa con nhỏ, một trai một gái; đứa trai tên là thành Lép.

Thằng Lép tuổi cỡ tuổi tôi mà người đọn[2] tệ. Nó đứng tới cổ tôi. Con mắt nó lại bét[3] quanh năm. Nhưng được cái nói lém lắm: Mỗi sáng sớm, Tây lính ở Mang Cá đánh xe bò đi ngang qua, nó lơn tơn chạy theo, vừa ngửa tay ra vừa nói “Xum xum bù đà, xà bệt xin xu”, thế là họ quăng cho nó khi một vài đồng khi dăm bảy đồng.

Với tôi, thằng Lép kêu bằng anh nhưng tôi lại kêu nó bằng thằng. Lúc bấy giờ những sự như thế không cần cắt nghĩa. Nó biết tôi là con quan – nhỏ lớn cũng là quan – tự nhiên nó cũng phải kính nể tôi. Nhưng mỗi khi tôi thấy nó biết nói tiếng Tây, dám giao thiệp với Tây, thì tôi lại đâm ra sợ nó cách kín đáo.

Con đường từ cửa Thượng Tứ đi vào, thuở ấy hai bên có hai cái mương để khi trời mưa cho nước rút. Cái mương cũng khá rộng và sâu. Bởi vậy chỗ ngõ đi ra đường của nhà nào cũng có bắc một cái cầu hoặc bằng tre hoặc bằng ván. Ngay bên cái cầu tre của nhà bà già ấy, người ta cất lên từ khi nào không biết một cái quán lợp tranh, chính bà già ấy ngồi bán. Ngôi hàng sơ sịa lắm: trầu cau, thuốc giấy và nước chè tươi.

Một chỗ Kinh đô mà nhà cửa, đường sá, quán xá lôi thôi như thế, kể thật cũng chẳng có gì là ra vẻ trang nghiêm cho lắm.

Sở nhà chúng tôi có ba cái: một cái nhà trên, kiểu một căn hai chái, một cái nhà bếp, lại một cái toàn bằng đất làm nối sau và thông với nhà trên. Ông thân tôi nói đó là vì chủ nhà trước, ông huyện Mai, người hơi có tiền mà lại cẩn thận, nên làm ra để ngừa hỏa hoạn: Bao nhiêu của cải ông thộn vào một cái giường thùng, đặt trong nhà đất ấy, có lửa dậy cho khỏi cháy. Bởi thuở ấy lâu lâu trong thành lại có đám cháy to, người ta bảo rằng “động hỏa”. (Còn nữa)

C. D.

   




Chú thích

  1. nhà ủm thủm: nhà thấp thỏi, chật hẹp (Huình Tịnh Paulus Của: sđd.)
  2. đọn: thấp nhỏ, lũn đũn (Huình Tịnh Paulus Của: sđd.)
  3. mắt bét: hở trống, dường như rách khóe mắt (Huình Tịnh Paulus Của: sđd.)