Bước tới nội dung

Hai dấu hỏi ngã cũng cần phải phân biệt

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Hai dấu hỏi ngã cũng cần phải phân biệt  (1929) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Thần chung, Sài Gòn, số 273 (17.12.1929) và Trung lập, Sài Gòn, số 6038 (27.12.1929)

Nói chuyện viết quốc ngữ

Sau khi tôi viết bài nói chuyện viết quốc ngữ phải viết cho đúng, đăng vào báo Phụ nữ tân văn, bên quý báo Lục tỉnh[1] có ông Lê Quang Vân viết luôn mấy bài biểu đồng tình, mà chừng như hiện nay ông cũng đương viết nữa chưa hết.

Thiệt ngày nay mà còn phải ngồi cằm cục viết bài để bàn về “vấn đề” nầy thì thật vô lý quá. Nhưng ngày nay mà không nói thì rồi ngày sau cũng phải nói, chi bằng nói bây giờ cho sớm đi một chút.

Huống chi, chuyện chúng ta đương bàn đây, nếu ở đâu thì không thành ra vấn đề được, song ở đất nầy lại thành ra vấn đề ; thì cứ bàn đi, có hại gì đâu ?

Hai với hai là bốn, sự đó tưởng không cần cắt nghĩa. Nếu bảo cắt nghĩa là dư sự, sao được ? Không được, vì còn có người cần dùng sự cắt nghĩa ấy.

Đọc qua mấy bài ông Lê, thấy ổng có ý sốt sắng về sự cải lương ấy lắm. Như vậy là phải. Cái lẽ sờ sờ trước con mắt đó, ai cho mình nhắm mắt mà cãi bướng ?

Ông Lê chịu hết thảy, chịu c với t phải phân biệt, có g với không g phải phân biệt ; ông lại hài[2] thêm những chữ mà người Nam kỳ hay viết lẫn nhau là như uc với ut, ui với uôi, im với iêm, in với inh v.v... ổng biểu phải viết cho đúng nữa. Ổng nói rất phải. Chớ chi ai nấy viết quốc ngữ mà cũng đều có ý viết cho cẩn thận như ông Lê, thì sự cải lương nầy thật chẳng khó, và nếu vậy thì nó chẳng thành ra vấn đề, khỏi mất công bàn luận.

Vậy mà có một điều ông Lê còn chưa chịu thì thật tôi lấy làm tiếc lắm, bởi vậy tôi viết bài nầy để nói chuyện với ông cho vỡ lẽ hơn nữa. Ấy là ông nói để dấu ngã và dấu hỏi lộn nhau cũng được.

Ông Lê nói cứ như ý ông thì dấu hỏi, dấu ngã có lộn chăng nữa, là cái nghĩa của chữ cũng phân biệt, rồi ông đem chữ “bửa củi” với “bữa ăn” làm ví dụ.

Coi cái ví dụ ấy thì thấy ông vẫn biết phân biệt hai dấu ấy rồi : bửa củi thì chữ bửa theo dấu hỏi ; còn bữa ăn thì chữ bữa theo dấu ngã. Ông viết vậy mà ông lại biểu đánh xô bồ làm một cũng không hại chi vì nghĩa nó khác nhau, nên “dầu trong một câu mà gặp đến mười chữ đồng âm tự với nhau, tưởng cũng không lầm nghĩa chữ nầy qua chữ khác đặng”, - thì thật là lạ quá.

Chữ “bửa” dấu hỏi với chữ “bữa” dấu ngã đã là khác dấu thì nó là dị âm, chớ sao ông lại gọi là đồng âm ? Bởi ông cho là đồng âm nên ông nói lẫn nhau vô hại, như vậy là ông cũng còn sai đó.

Thiệt ra thì, theo cho đúng tiếng An Nam, chữ bửa củi với chữa bữa ăn phát âm khác nhau, nó cũng như cái ví dụ ông đã lấy, chữ “ích lợi” và chữ “ít lợi” là khác nhau vậy. Nếu bên chữ “ích lợi” và chữ “ít lợi” mà ông muốn phân biệt, thì bên kia chữ “bữa ăn” và chữ “bửa củi” ông cũng phải phân biệt mới được.

Đó là tôi muốn ông theo đúng tiếng An Nam, theo đúng tự vị Trương Vĩnh Ký và Paulus Của chớ không phải tôi dám ép ông phải theo tôi hay là theo ai khác.

Ông nói phân biệt ngã hỏi thì phiền cho người viết văn, phiền cho sự in sách. Ông nói vậy thì thành ra trái với cái thuyết ông chủ trương. Vì nếu phân biệt c, t, không g và có g chẳng cũng là phiền hay sao ? Mà cái hại của sự lẫn lộn nầy cũng chẳng bé gì hơn sự lẫn lộn kia.

Ông có đặt ra một cái ví dụ như vầy : “Bữa nay khi tôi bửa củi rồi, tôi ra ngoài vườn hái cau đặng đem vô bửa ra cho má tôi ăn” – rồi ông nói nếu câu ấy mà đánh dấu ngã hỏi sai bậy hết cũng hiểu được. Vậy thì câu nầy : “các cô con gái đi trên bãi cát”, mà nếu viết các ra cát, cát ra các thì người Nam kỳ coi cũng hiểu vậy chớ, hà tất ông lại phân biệt c với t ?

Ông đã có ý chữa đổi phần nhiều, thì còn một chút ngã hỏi xin ông cũng nên theo đúng tự vị cho luôn, chớ nên sợ phiền mà sẽ để hại cho văn tự của ta lớn lắm.

Người Nam kỳ tôi thấy có ông Phan Văn Hùm viết quốc ngữ đúng lắm, đúng cho đến ngã hỏi nữa, thấy như vậy thì tôi đã biết ổng chịu học và chắc ổng đã học nhiều. Nếu ông Phan Văn Hùm cũng sợ phiền như ông thì thôi, ổng không khi nào chịu học vậy.

Còn sự phiền cho nhà in, xin ông cũng đừng lo. Tôi có ở nhà in, tôi biết. Chữ dấu hỏi và chữ dấu ngã, người ta để khác hộc, nếu người viết viết đúng thì ấn công cứ đó mà sắp, không có phiền chi đâu mà ông sợ.

Vả lại, sự cải lương nầy tuy vậy mà còn phải lâu lắm, ít nữa cũng mười năm mới thành nền nếp. Bây giờ nếu chúng ta ai nấy nhứt luật chịu viết cho đúng đi, cho đến trong các trường học cũng vậy, rồi sau nầy hễ người nào mà đã biết quốc ngữ tức là người ấy biết phân biệt ngã hỏi, con nít sắp chữ trong nhà in cũng vậy, bấy giờ tự nhiên chúng nó sắp dễ như chơi, chẳng lấy làm phiền chi hết.

Nói tóm lại, trong tiếng An Nam, vì sự khác âm khác nghĩa nên mới có phân biệt dấu ngã với dấu hỏi ; bằng như đồng âm, thì chẳng ai phân biệt làm chi ? Văn tự nước nào cũng vậy, hễ là chữ nào đã phân biệt thì người học cũng phải theo đó mà phân biệt.

Ông muốn đánh xô bồ ngã với hỏi vì ông cho nó là đồng âm. Vậy tôi xin nhắc thêm cho ông chỗ đó, tôi nói : nó là khác âm.

PHAN KHÔI

   




Chú thích

  1. Tức tờ Lục tỉnh tân văn, tuần báo ra tại Sài Gòn từ 1907; đến 1921 hợp nhất với Nam Trung nhật báo, thành báo hàng ngày, tồn tại đến tháng 12-1944
  2. Hài : kể ra, nêu ra (theo H.T.P. Của)