Bước tới nội dung

Hoàn cảnh với cựu truyền

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Hoàn cảnh với cựu truyền  (1931) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Trung lập, Sài Gòn, số 6452 (30.5.1931); số 6453 (1.6.1931); số 6455 (3.6.1931)

Lâu nay trong nước ta có nhiều người muốn giữ lại bao nhiêu cựu truyền (tradition) của tổ tiên ta ngày trước, bảo rằng nước ta vẫn có văn minh riêng, tức là ở trong những cái cựu truyền ấy, nếu bỏ đi thì chẳng những chúng ta thành ra người vong tổ mà lại còn chính mình tự hủy diệt cái văn minh của mình đi, như thế thì còn gì dại bằng? Nhứt là vào khoảng mấy năm gần đây, nhơn thấy phong tục trong xã hội có lắm điều thay đổi mà những người chủ trương cái thuyết ấy lại càng sốt sắng thêm, bà con họ đã quây quần nhau thành ra một phái ấy là phái bảo tồn quốc túy hoặc duy trì phong hóa.

*

* *

Quốc túy của nước ta là những cái gì? Phong hóa! Phong hóa tức là mấy chục điều (…..)[1] ra cho đồng bào ta tín ngưỡng phụng hành hàng ba bốn thế kỷ nay đó chăng? Nếu vậy thì toàn là những cái xiềng xích dùng mà ràng buộc xã hội nầy (…...)[2] chớ có gì đâu mà đáng quý? Dầu cho là đáng quý nữa, mà làm cách nào để duy trì? làm cách nào để bảo tồn? chưa thấy một vị luận giả nào trong phe họ chỉ vạch ra cho xác thiệt và phân minh.

Muốn cho giải được cái lầm nhiều người, rồi đây chúng tôi sẽ đem vấn đề nầy ra mà nghiên cứu cho thật tinh tường. Nay chúng tôi chỉ nhơn một vài việc mới vừa xảy ra, phụ thêm ý kiến của mình, viết thành một bài sơ lược nầy, có ý chỉ cho ai nấy thấy rằng những cựu truyền của tổ tiên là nhiều cái không thể giữ được, bởi vì hoàn cảnh một ngày một thay đổi thì cách sanh hoạt của chúng ta cũng theo đó mà mỗi ngày một thay đổi.

Cái Tết năm Tân Vị vừa rồi, có nhiều việc dầu nhỏ mọn mặc lòng cũng đủ tỏ cho chúng ta thấy xã hội nầy không phải như một vầng đá lớn, nằm mãi đó mà không lay chuyển; không phải như cái cây cổ thụ khô từ gốc chí ngọn rồi, đứng trơ trơ mà không đâm chồi nứt lộc. Một cái xã hội có sanh khí, có biến động, ấy là điều đáng mừng, dầu cho đem một mớ cựu truyền đổ xuống sông xuống biển cũng vô hại mà.

Đọc một tờ báo ở Huế, thấy nói rằng năm nay các làng ở chung quanh kinh thành không theo tục cũ mà dựng nêu trong ngày 30 Tết như mọi năm. Quan trên thấy (.)[2] như vậy bèn sức trát cho, bắt phải dựng nêu như thường. Trát từ quan xuống đến làng thì đã trễ, bởi vậy có nhà sau ba ngày tiết nhật rồi đến mồng bốn mồng năm mà nêu mới dựng!

Lại trong Nam kỳ, về tỉnh Gia Định, cũng có đôi làng để cho ngày Tết đi qua như ngày thường, không hề ăn Tết, làm rộn rịp như mấy năm trên. Sự nầy cũng đã bị (….)[2] can thiệp vào. Lập tức (….)[2] sức cho làng phải xuất tiền công nho của làng ra mà cho mượn, mỗi nhà năm mười đồng, hầu có sắm thịt sắm bánh, ăn uống chơi bời trong ba bữa.

Liệt vị đọc báo, thấy những cái tin vụn vặt tầm thường như vậy, ai lại chẳng bỏ qua, cho rằng câu chuyện chẳng có ý nghĩa gì cho lắm! Nào ngờ đâu chính trong câu chuyện ấy có ý nghĩa, có ý nghĩa rất lớn, trong đó thấy được rằng những cái cựu truyền hủ lậu không có thể dung nhau với cái hoàn cảnh ngày nay, là ngày trình độ tri thức của dân chúng đã cao lên một ít.

Về sự quan sức cho dân phải dựng nêu, cho dân mượn tiền để ăn Tết, là cái quyền hành chánh và cái hảo ý của các ngài. Song, về phương diện dân, tại sao mà không dựng nêu, tại sao mà không ăn Tết, chúng tôi gần với dân hơn, chúng tôi thuộc tâm lý họ, tưởng nên đem mà giãi bày ra đây.

Cái tục dựng nêu - phải nhớ, ấy cũng là một cái cựu truyền của tổ tiên - có khắp từ Bắc tới Nam nhưng hỏi đến cái sở dĩ và chỗ hữu dụng của tục ấy thì chưa thấy ai cắt nghĩa cho phân minh và cũng không có sách vở nào giải thích rõ ràng. Có nhiều ông cố lão nói rằng vì đất của ta ở đây nguyên là đất của Chiêm Thành Chơn Lạp ngày xưa, khi ta chiếm cứ được rồi mỗi ngày đầu thì dựng nêu như vậy để tiêu chí là phần đất của mình. Tục ấy ban đầu có nghĩa như vậy, nhưng đến sau lâu ngày tục ấy vẫn theo mà cái nghĩa thì lu lấp. Lời giảng giải của mấy vị cố lão ấy nghe chừng cũng có lẽ; song chỉ cắt nghĩa được cho cái tục dựng nêu ở Trung Nam kỳ mà thôi chớ Bắc kỳ có phải là nguyên đất của Chiêm Thành Chơn Lạp đâu mà cũng vẫn có tục ấy?

Một cái cựu truyền dầu là của tổ tiên bày ra, dầu là từ đời xưa nó có ý nghĩa thế nào không biết nhưng đến thế kỷ nầy không ai còn biết ý nghĩa nó là gì, vả lại dầu là của nó vẫn còn có ý nghĩa nhưng người đời nay không cần dùng đến cái ý nghĩa ấy nữa, thì chẳng nói làm chi cho lôi thôi hết, nên bỏ quách đi là phải. Huống chi xét cho cùng tột các phương diện, sự phế trừ ấy cũng chẳng có hại gì đến xã hội, bất kỳ về phương diện nào.

Sự bỏ dựng nêu trong ngày Tết chẳng phải mới bắt đầu từ mấy làng ở chung quanh kinh đô Huế và cũng chẳng phải mới bắt đầu từ năm nay. Đã có nhiều nơi ở khắp ba kỳ bỏ dựng nêu từ lâu rồi.

(Bị kiểm duyệt bỏ)

Ta có câu tục xưa bày nay làm. Lời ngạn ngữ ấy thấm vào trong óc dân ta từ hồi xưa, bất kỳ việc gì của tổ tiên bày ra cũng nhắm mắt mà làm theo, không luận là hiểu nghĩa cùng chẳng hiểu nghĩa. Cái thói manh tòng ấy đến ngày nay hình[3] người ta không chịu nữa. Người đời bây giờ rõ ràng đã khuynh hướng về mặt lý trí, phàm một sự vật gì cũng muốn tìm cho biết đến cái sở dĩ của nó. Vậy thì trong khi xét thấy cây nêu chẳng có nghĩa gì, chẳng có ích lợi gì, thì ai còn dựng làm chi? ấy là vì tri thức tiến bộ mà cái cựu truyền kia phải phế trừ.

Nhà giàu có, hay là trong vườn sẵn tre, đối với một cây nêu trong ngày Tết là sự rất dễ làm. Đến như nhà nghèo, hoặc ở nơi thành thị, bỏ ra vài ba hào bạc mà mua một cây tre, lại còn khuân vác lôi thôi nữa là khác, vừa tốn tiền, vừa mất công, đem làm một sự vô dụng, thì còn ai mà chẳng chán? ấy là nói về mặt kinh tế, cây nêu ở đời nay không thể có được.

Chẳng gì nữa, Nguyên đán cũng là ngày vui mừng, trong nhà ngoài sân nên trang hoàng cho lịch sự. Thế mà lại nhè trong ngày ấy rước lấy một cây tre cành lá sùm sùm đứng giữa sân, ngó ra chẳng lấy làm chướng mắt hay sao? Thay vào một cây trụ để treo cái đèn lồng, coi chẳng ngộ hơn sao? ấy là nói về phương diện mỹ thuật mà nên giảm cây nêu đi.

Dân Việt Nam đến ngày nay tri thức đã khá lắm, đã biết khuynh hướng về mỹ thuật, mà lại ở chính vào lúc kinh tế khó khăn thì thế nào không bỏ cái tục dựng nêu đi được, dầu cái tục ấy là cựu truyền có ghi trong lời di chúc của mười tám đời Hùng Vương cũng trối thây.

Ăn chơi trong ba ngày Tết, ấy cũng là một cái cựu truyền nữa. Nhưng dân Việt Nam ở vào thời đại nầy nhứt là ở vào cái Tết mới rồi, thì lại có nhiều cái nguyên nhân hoặc xa hoặc gần khiến cho họ tự nhiên không muốn ăn Tết.

Cái nguyên nhân xa tức là vấn đề âm lịch và dương lịch. Người ta thấy hiện nay trong sự sanh hoạt ngày thường của họ, dương lịch ứng dụng rất nhiều; đến như các nơi thành thị, lại tuyệt nhiên không nhớ đến ngày của âm lịch nữa, vì nó đã thành ra vô dụng. Cả năm không hề quen biết gì với âm lịch, rồi đến ngày đầu năm của nó lại thừa dịp mà ăn chơi, như thế chẳng thành ra là sự vô ý thức? Người đời nay mà bảo họ làm những sự vô ý thức như vậy, chắc họ không bằng lòng lắm. Thật vậy, người Việt Nam ngày nay, dầu họ chưa bỏ đoạn cái Tết chăng nữa, họ vẫn không coi trọng như ngày xưa.

Cái nguyên nhân gần tức là sự khủng hoảng về kinh tế. Khắp cả nước, chẳng nhiều thì ít, đâu đâu cũng có chịu cái ảnh hưởng của sự khủng hoảng nầy hết, ai nấy chỉ lo ăn cho vừa đủ sống thì vui chơi làm sao được?

Ngoài hai cớ đó lại còn cái hiện tượng thuộc về tâm lý của dân tộc nữa là khác. Đương trong lúc kẻ lân cận mình có lắm sự buồn rầu mà mình nỡ nào lại ăn chơi? Sự đó không phải là sự trái với thường tánh loài người, và cũng không đợi nói nhiều lời mới rõ.

Tóm lại, những cái cựu truyền nói trên đây từ rầy về sau càng ngày càng tiêu mòn cho đến tuyệt diệt, chớ không ai có sức nào mà duy trì bảo thủ cho còn lại được, vì nó đã không thích hiệp với hoàn cảnh nữa.

Cái gì đã không thích hiệp với hoàn cảnh tức là cái không lợi cho sự sanh hoạt hiện thời của chúng ta. Muốn sự sanh hoạt của chúng ta có lợi, nghĩa là được tiến bộ mau chóng, thì phải bỏ nó. Trái lại, đeo mà giữ nó thì có hại.

Chẳng những cái nghi thức bề ngoài như sự ăn Tết, dựng nêu, gặp hoàn cảnh này là phải tiêu diệt, cho đến những điều xưa nay ta vẫn coi trọng, những điều có thể cho là cái căn bản của chế độ trong xã hội, thét rồi cũng phải lung lay. Trong khi ta ngó thấy nó lung lay đó, chẳng nên sợ mà cũng chẳng nên tiếc. Chẳng nên tiếc, vì nó không thích hiệp với hoàn cảnh thì phải bỏ, có tiếc cũng chẳng được chi; chẳng nên sợ, vì cái căn bản ấy nó mất, sẽ có cái khác thay vào, chẳng có gì mà sợ.

Như: kính nhớ tổ tiên, ấy là một điều gốc trong luân lý của ta. Trong nước ta hiện nay chưa có người nào nhẫn tâm đến nỗi mở miệng ra bảo xóa bỏ điều ấy. Nhưng cái thế nó tới dần dần, rồi sự kính nhớ tổ tiên cũng không thể bảo tồn cho y nguyên như xưa được; không xóa bỏ, chớ cũng sẽ gần như xóa bỏ.

Cái điều gốc đó biểu hiện ra trong sự giỗ chạp, tế tự, đến ngày ấy, con cháu phải nhóm về nơi từ đường mà lễ bái ông bà. Theo đời xưa thì mỗi một người, đã thành nhân rồi, không có thể thiếu mặt trong những ngày nầy được. Nhưng bây giờ, vì hoàn cảnh ép buộc, kẻ làm con cháu thường phải bấm bụng mà chịu sự thất lễ ấy.

Trong nước ta ngày nay, mười nhà thì hết chín nhà có người đi ra tha phương sanh lý, đến nỗi có nhà những kẻ trai tráng đi hết, toàn để người già với con nít ở nhà, cho nên đến ngày giỗ chạp, tế tự, phần nhiều làm theo kiểu đơn sơ, và trong lúc đó, người đương sự thường cảm thấy cái vẻ tiêu điều. Tội nghiệp! đem những cái tình cảnh buồn bã nầy mà phô ra, có thể làm cho mấy bà cụ mủi lòng mà đến nỗi khóc! Nhưng biết sao được, ở đời nầy phải vậy!

Đó rồi lâu lâu người ta quen đi, có lẽ không lấy sự giỗ chạp tế tự làm trọng nữa cũng chưa biết được. Nếu một ngày kia có như vậy, thì có hại gì cho xã hội ta không? Thiết tưởng cũng chẳng hại gì. Vì đến ngày ấy người ta lại thay đổi cái quan niệm đối với tổ tiên đi, không trọng ở sự cúng tế mà trọng ở sự nối dõi, làm cho tổ tiên sáng danh, chẳng thấy cái gì là có hại.

Thêm một cái ví dụ nữa. Như con cái phải theo quyền cha mẹ trong lúc cha mẹ đương còn. ấy cũng là một điều gốc nữa trong luân lý ta. Hiện nay có nhiều kẻ muốn bồi bổ cái gốc ấy lắm, song làm gì cũng không lại với hoàn cảnh; hoàn cảnh mạnh hơn.

(còn nữa)[4]
T.R.[5]

   




Chú thích

  1. Các chỗ này bản gốc bỏ trắng 2-3 dòng, chừng 16-30 từ
  2. a ă â b Mỗi chỗ này ở bản gốc đều để trắng 2-3 từ, có lẽ bản đúc đã bị đục bỏ trước khi báo in
  3. Phải chăng chỗ này là hình như (bản gốc sót 1 từ?)
  4. Bài này chưa được đăng hết
  5. T.R.: Thông Reo, bút danh của Phan Khôi