Kính cùng ông Ngô Quý Hòa
Tôi nghe : có khi mình đi kiện người ta mà cùng một lúc ấy lại làm trạng sư cho người mình kiện đó. Ấy tức là cái bài ông trách tôi trên đây[1].
Ông nói tôi là một người mà người ta đã cho là kiêu ngạo tự đắc, rồi ông cũng đồng ý với lời người ta đó mà chắc cho là tôi vì học thức rộng mà kiêu ngạo. Kế đó ông lại trách tôi sao có nói với Đức Kỉnh làm chi.
Thưa ông, tôi cám ơn ông, ông đã làm trạng sư cãi lẽ cho tôi mà không ăn tiền !
Theo lời ông đó, tỏ ra là tôi không kiêu ngạo. Người ta nói tôi kiêu ngạo là lầm. Vì nếu tôi kiêu ngạo thì tôi có nói với ông Đức Kỉnh làm chi cho ông trách.
Theo ý ông, ông cho ông Đức Kỉnh là không đáng nói, mà tôi cũng nói với ông ấy, thế mới càng rõ ra tôi là không kiêu ngạo.
Nhưng mà, như lời ông, tôi đã không nói với ông Đức Kỉnh nữa. Việc báo Đuốc nhà Nam làm hại danh dự tôi, là việc quan hệ, tôi không thể nói với người không có trách nhiệm là ông Đức Kỉnh. Tôi phải nói với ông Nguyễn Phan Long.
Còn như ông muốn xem những bài nghị luận về học vấn, xin ông cứ đọc Phụ nữ tân văn mấy số tới, tôi luôn luôn có bài biện luận với ông Trần Trọng Kim.
Đến như tờ Trung lập dạo nầy thì bổn báo chủ nhiệm cùng cả tòa soạn chỉnh đốn lại hẳn hòi lắm, chắc ông đã thấy rồi.
Rốt bài, tôi xin nói thêm rằng nếu ông cho tôi là có học thức rộng thì ông nên tin luôn rằng tôi không có kiêu ngạo bao giờ. Vì “học nhiên hậu tri bất túc”, biết nhiều chừng nào lại càng sợ mình là dốt chừng nấy, có dám kiêu ngạo đâu. Song nếu tôi không có học thức rộng như ông nói đó thì hoặc giả tôi kiêu ngạo chăng. Chỗ nầy tự mình tôi cũng không biết đặng.
PHAN KHÔI
Chú thích
- ▲ Thư của ông Ngô Quý Hòa đăng mục “Độc giả luận đàn”, Trung lập số ra ngày 28.7.1930