Kinh tế xứ ta đã có cơ hồi phục nguyên trạng hay chưa?
Nam Kỳ coi mòi khá, nhưng Trung Kỳ còn tệ hơn
Kinh tế khủng hoảng! Kinh tế khủng hoảng! Cái danh từ mới ấy bắt đầu có trong xứ này đã năm sáu năm nay. Chỉ có người lập dị như ông Babut, chủ nhiệm tờ Pháp-Việt tạp chí ở Hà Nội thì mới đồng ý với một ông Phán già nào đó mà cho rằng đó là bởi cái huyễn tưởng của người ta: tưởng như thế, nói ra như thế thì nó là như thế, chứ kỳ thực ở xứ Đông Pháp này chẳng hề có cái gì là kinh tế khủng hoảng hết. Cũng theo ý ông Babut nữa: hễ cấm người ta đừng cho ai nói “kinh tế khủng hoảng” thì tự nhiên cũng sẽ không có kinh tế khủng hoảng.
Chúng tôi không hiểu sao người ta lại có gan dám xóa bỏ cả sự thực sờ sờ chỉ để mình được tiện phát ra những cái luận điệu kỳ quặc phi thường.
Kinh tế khủng hoảng ở xứ Đông Pháp này sao lại không có? Hàng hóa ngưng trệ, công nhân thất nghiệp, bất động sản mất giá, nhiều nhà công thương vỡ nợ, lắm kẻ cùng đồ phải tự tử, cái họa lớn xảy đến cho trong xứ năm sáu năm như vậy, có con mắt mà còn chẳng thấy hay sao? Ai nấy chỉ mong có một ngày kinh tế hồi phục nguyên trạng mà chưa biết ngày nào.
Cuối năm 1935, người ta cọng sổ trong năm ấy, thấy được những con số đáng mừng. Hoặc giả sang năm 1936 là năm mà kinh tế xứ ta bắt đầu khôi phục lại cái tình trạng lúc trước.
Có vậy đi nữa thì cũng chỉ ở Nam Kỳ là có hy vọng mà thôi. Ra mấy xứ khác, khó lòng mà mong mỏi cái vận thái lai lắm, nhất là xứ Trung Kỳ, xứ đất xấu dân nghèo mà lại hay gặp thiên tai như hạn, lụt, bão.
Tràng an số 90, ra ngày 10 Janvier vừa rồi, chúng tôi có đăng bản thống kê về sự xuất cảng lúa gạo Nam Kỳ trong năm 1935. Theo bản thống kê ấy thì lúa gạo Nam Kỳ bán ra trong năm 1935 chẳng những hơn năm 1934 vừa qua mà còn hơn năm 1928 là năm bán ra nhiều nhất. Bạn đọc hãy để mắt vào những con số này một lần nữa cũng chẳng mệt nhọc là bao:
1928 xuất cảng 1.666.000 tấn
1934 xuất cảng 1.575.500 tấn
1935 xuất cảng 1.718.000 tấn
Vẫn biết giá gạo năm vừa rồi chỉ bằng già nửa giá gạo năm 1928, nên tuy xuất cảng nhiều hơn mà đồng tiền thu nhập lại ít, nhà nông chẳng được bội lợi bằng trước kia; nhưng cái họa Nam Kỳ mấy lâu là ở sự lúa không bán được, ngày nay bán được, ấy là đã khá.
Chúng tôi cho bạn đọc xem một bản thống kê nữa, bản thống kê về xe hơi bán ra trong xứ Nam Kỳ. Xem bản thống kê này chúng ta thấy trong năm 1935, các hãng bán xe hơi ở Nam Kỳ bán ra nhiều xe mới hơn hết thảy mấy năm trước là những năm đương có kinh tế khủng hoảng:
1931 bán ra 413 cái xe mới
1932 “ 271 “
1933 “ 215 “
1934 “ 413 “
1935 “ 730 “
Xem đó thì thấy trong năm 1935 người Nam Kỳ đã mua xe hơi nhiều hơn hai năm 1931-1934 đến 300 chiếc, và nhiều hơn hai năm 1932-1933 đến 500 chiếc. Hơn bù kém, cho đi mỗi chiếc giá hai ngàn đồng bạc, thế có phải trong năm 1935 người Nam Kỳ đã thừa tiền mà huy hoắc[1] đến gần bạc triệu không?
Bán lúa gạo với giá hạ, lấy tiền của ngoại quốc được ít, mà số mua xe hơi tăng lên, tiền chảy ra ngoại quốc nhiều lên: bên xuất bên nhập mất thăng bằng đi như vậy, là một sự đáng lo cho người Nam Kỳ lắm. Tuy nhiên, đó là việc khác, nên nói vào vấn đề khác; ở đây chúng tôi chỉ nhơn thấy một cái trung tượng[2] mà chiêm nghiệm sự phục hưng của xứ Nam Kỳ thôi vậy.
Nam Kỳ đã đành là có mòi[3] hưng vượng, có cơ hồi phục lại quang cảnh cũ, nhưng còn Trung Kỳ thì sao (vì chúng ta ở Trung Kỳ, đối với nó phải coi là thân thiết hơn)?
Trung Kỳ cũng có kinh tế khủng hoảng, nhưng khủng hoảng một cách khác, không giống với Nam Kỳ; tiếc thay trong một bài báo ngắn này chúng tôi không có thể giãi bày cho tường tận.
Chúng tôi chỉ sợ rằng trong lúc Nam Kỳ đã hết khủng hoảng rồi mà Trung Kỳ vẫn còn cứ khủng hoảng không thôi. Nam Kỳ nhờ lúa gạo, Bắc Kỳ nhờ vật sản của công nghệ, ấy là chỗ đại yếu của kinh tế hai xứ. Đến Trung Kỳ thì lúa gạo đã không đủ ăn, vật sản công nghệ cũng không có, người dân ở đó chỉ nhờ các thứ nông sản như tơ, đường và các của trên rừng dưới biển như gỗ, chè, mắm, muối. Những tơ, đường, gỗ, chè, mắm, muối ấy khi người Trung Kỳ bán ra được thì có tiền tiêu; còn khi không bán ra được thì họ bó tay chịu chết.
Cử hai vật tơ và đường mà nói thì đủ thấy cái nguy cơ của xứ Trung Kỳ còn dai ngày lắm, không biết bao giờ cho hết. Đại để hai vật ấy lúc trước của của người Trung Kỳ bán ra được là nhờ bấy giờ cơ khí còn chưa thạnh hành mấy. Từ ngày người ngoại quốc có dư dật những đường nấu bằng máy và tơ nhân tạo đem bán cho ta, hàng tốt mà giá rẻ, thành ra tơ và đường của người Trung Kỳ phải tuyệt nghiệp. Cái nguyên nhân kinh tế khủng hoảng của xứ Trung Kỳ một phần lớn bởi đó mà ra.
Thế thì trong khi lúa gạo Nam Kỳ bán được, chẳng qua là sự may mắn cho kinh tế Nam Kỳ đó thôi, chớ người Trung Kỳ thật chẳng có trông mong gì vào đó. Chẳng những không trông mong mà người Trung Kỳ còn sẽ phải lo vì sự ấy nữa. Bởi xứ Trung Kỳ là xứ “ăn mua”, nếu gạo Nam Kỳ không bán được cho ngoại quốc thì họ sẽ ăn được giá rẻ, là lợi cho họ; còn trái lại, họ sẽ chịu thiệt hại, vì phải ăn gạo giá mắt.
Giả sử tình hình kinh tế cứ như thế này hoài, người Trung Kỳ không bán thổ sản được, không có đồng tiền thâu vào, mà trong khi ấy, gạo Nam Kỳ lại bán chạy, giá cao, người Trung Kỳ phải ăn đắt đỏ, thì thật cái nguy cơ cho họ không biết đến đâu mà nói.
Vụ thuế mới rồi, đến như tỉnh Thanh Hóa mà còn phải nạp trễ, đủ biết dân Trung Kỳ nghèo quá đỗi, tình hình kinh tế càng ngày càng tệ hơn. Còn mấy tỉnh đàng trong như Quảng Nam, Quảng Nghĩa, người ta cũng phải bán trâu bán ruộng mới nạp được thuế cho thanh,[4] chớ không phải dễ dàng như mấy năm trước. Ở nhà quê có người tỏ ý sợ cho mùa thuế năm 1936 này lắm…!
Vậy Trung Kỳ chưa hết khủng hoảng đâu. Mà muốn chữa bệnh khủng hoảng cho Trung Kỳ thì phải làm thế nào cho họ bán đồ thổ sản được chạy. Còn sự bán lúa gạo được là sự nên mừng cho Nam Kỳ chớ không phải nên mừng cho Trung Kỳ.
TRÀNG AN
Chú thích
- ▲ huy hoắc 揮 霍 : tiêu tiền không nghỉ (Đào Duy Anh: sđd.), vung vãi, phung phá (Trần Văn Kiệm: sđd.)
- ▲ trung tượng: chưa rõ nghĩa; phải chăng là: cái cảnh tượng được trung hưng lại?
- ▲ có mòi: có triệu chứng, có dấu hiệu (Từ điển phương ngữ Nam Bộ, sđd.)
- ▲ nộp thuế cho thanh: nộp thuế cho xong (“thanh” = xong xuôi, theo H.T. Paulus Của: sđd.)