Làm đĩ/Chương 2

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Làm đĩ  (1936)  của Vũ Trọng Phụng
Chương I - Tuổi dậy thì

Em ngày nay đã trở nên một tay kiện tướng trong nghề hoa nguyệt, song le khi cầm đến bút để tả lại cái đời bọt bèo của em, em thấy tuổi thơ ngây trong sạch của em cũng đáng cho người đời phải quan tâm để cũng muốn hỏi em như em vẫn xót xa cứ căn vặn mãi mình: "Vì lẽ gì em đến nỗi truỵ lạc?". Cùng những vị hiền mẫu, những bậc đức phụ, những tiểu thư đài các sẽ đọc thiên bút ký này, em muốn giao hẹn trước rằng ở đây, em không chỉ đóng vai trò một con chiên sám hối trước ông cố đạo. Em không muốn phải một mình riêng chịu trách nhiệm về cái đời nhơ bẩn này, vì những cớ xô đẩy em vào bùn lầy phần nhiều là ở lúc em còn ngây thơ. Em không muốn chỉ buộc tội em, vì có ai lại nỡ đi buộc tội những đứa trẻ thơ dại? Tuy nhiên em cũng không buộc tội đời, cũng không kết án ai cả. Mình làm thì mình chịu, ta nên có đủ lòng tự ái mà đừng đổ vấy cho người. Vậy thì thiên bút ký này có thể vừa là một cuộc thú tội của con đĩ trước mắt bà này, vừa là một bản án buộc tội hoàn cảnh xã hội, theo trí xét đoán của cô kia. Dù nó được đặt vào loại gì thì tưởng nó cũng không vô bổ cho những người muốn ngẫm nghĩ.

Em sinh ở đời vào lúc bắt đầu có cuộc Pháp Đức chiến tranh[1]. Khi lên bảy tuổi, tóc đã giắt được lược bờm, thì chị ruột em đã vào bếp thổi được cơm, anh của em đã cắp cặp đến trường, và mẹ em lại vừa sinh một đứa con gái. Nhà em ở là một toà nhà tây hai tầng ở phố X... Trước nhà em có đường xe điện, lại có cả vườn hoa. Ngày ngày, em chơi thơ thẩn ngoài phố với các trẻ con khác, hoặc trông những toa xe điện chạy mà bánh xe nghiến ra những cục lửa xanh lè, hoặc là đi nhặt hoa núc nác tây bỏ đầy túi áo, hoặc là ngẩn mặt ra xem những chú Khách làm bánh quế hình xe điếu, xe đạp, hoặc đứng trước một kẻ ăn mày mà nhìn hàng giờ không thôi... Cái tuổi tốt đẹp nhất đời! Họ hàng nhà em ai cũng khen em xinh, hôn hít em, cho em tiền, cắn má, cắn tay em nữa.

Thầy em mỗi ngày bốn buổi chễm chệ trên chiếc xe nhà sơn đen từ nhà ra đi hoặc từ sở về nhà, và mỗi khi nói đến thầy em, ai cũng gọi là "ông Phán". Đẻ em trông nom gia đình và đẻ con. Nhớn lên, em lại biết thêm rằng ông nội em xưa kia là quan phủ, và chú ruột em hiện ở bên Tây, sắp đỗ đốc tờ. Em hoá ra kiêu ngạo, không thèm chơi với những trẻ hàng xóm mà bố không là ông phán, mà nhà không có xe nhà, mà quần áo không được đẹp như của em. Phát sinh ra từ lúc bé, cái tính kiêu ngạo ấy nhiễm vào óc em suốt đời, mà ngay đến lúc đã truỵ lạc rồi, em cũng không thể chữa được. Rồi em đi học. Vốn thông minh tính bẩm, em được các cô giáo yêu chiều, được họ hàng khen lao. Đến khi em mười lăm tuổi đầu, thì các nữ sinh bắt đầu sợ em, ghen ghét em, và bọn con giai đã lập tâm... chim em nữa. Tuổi dậy thì, cái hoàn cảnh xấu, những bạn hữu xấu, một nền giáo dục sai lầm, ngần ấy cái đã làm cho em hoá ra đến nỗi như nay.

Người ngoài thì không ai bảo là em chịu hoàn cảnh xấu, chỉ đổ em hư thân mất nết thôi. Ừ con gái nhà giàu, bố có chức phận, mẹ là người đứng đắn, dòng dõi nhà quan, lại thêm có chú ruột là một vị bác sĩ y khoa, lại được cắp sách đến trường như thế, ai dám cho là vì hoàn cảnh xấu? Thôi, cái hoàn cảnh xấu là những điều vụn vặt mà chỉ mình em biết mà thôi! Người ta ở đời ai cũng có mắt, mà nghiệm ra quả rất ít ai trông thấy gì, hoặc là gặp cái xấu thì người ta vội tìm cách che đậy nó đi, người ta ghê tởm nó đến nỗi người ta không dám nói đến nó nữa, chứ không phải là muốn tìm phương cứu chữa nó. Năm lên tám tuổi, trong khi các cô gái khác chỉ thích ăn quà nhảm, riêng em, em đã thích chơi búp bê. Cái thích ấy của em không giống của trẻ khác, đòi được thì chơi trong hai ngày rồi đập vỡ. Em nâng niu búp bê, đòi đẻ em phải may áo cho nó, ẵm bế nó suốt ngày, nói với nó như với một người thật. Sự ấy phát sinh ra bởi cái mẫu tính, do sự nhiệm màu của Tạo vật mà có, ấy em cần nói thêm. Cứ tính nết em mà xét, em có thể trở nên một người mẹ tốt, biết thương yêu con cái, và dịu dàng. Do thế, dẫu còn bé dại, em cũng vẫn băn khoăn tự hỏi: "Người ta làm thế nào mà có con? Bao giờ em có con?". Khi đứa em gái đã biết lẫy, em thấy chời búp bê là không thích, em bèn đem hết lòng yêu búp bê ra yêu đứa em gái, vì nó biết cười thật, nói thật, khóc thật.

Rồi em nhận thấy rằng cái bụng của mẹ em lại mỗi ngày một to ra.

Em đã định hỏi ngay, rồi không hiểu vì lẽ gì không dám hỏi nữa. Mấy tháng sau đấy, em thấy thầy em nói chuyện sửa soạn cho me em đi nằm nhà thương. Mà câu nói của thầy em lại điểm thêm bằng một nụ cười! Em kinh ngạc hết sức, vì em đã thấy một người phu xe bị ô tô nghiến và được khiêng vào nhà thương! Ngay lúc ấy, cô em kêu: "Bụng đã to tướng thế kia, lo đi là vừa". Em nhìn kỹ bụng me em thì em thấy nó to một cách ghê gớm mà sao từ trước em không để ý... Em liền hỏi me:

- Me ơi, sao bụng me lại to thế?

Me em gọi em lại gần, hiền từ xoa đầu em, khẽ đáp:

- Vì chị Huyền sắp có em bé nữa đấy, chị Huyền ạ.

- Me có gãy tay đâu mà đi nhà thương?

- Vào nhà thương để đẻ em bé, chị Huyền à.

- Em bé ở đâu?

- Ở trong bụng me đây.

Em càng kinh ngạc. Em cho là người nhớn nói dối em (vì bất cứ lúc nào, bất cứ việc gì, người nhớn cũng chỉ nói dối). Em bèn nói gọn:

- Chỉ dối!

Cô em cười mà bảo:

- Thật đấy, em bé trong bụng me ấy.

Em cãi:

- Thế nó bú vào đâu? Sao không thấy nó khóc?

- Đẻ xong nó mới bú chứ! - Me em đáp.

Em lại hỏi:

- Thế đẻ ra bằng chỗ nào?

Đến đây đẻ em nín. Cô em cười mà bảo:

- Đẻ ra đằng nách.

Em tin ngay (không hiểu sao em vẫn người nhớn hay nói dối mà nghe thế, em lại tin ngay) và lúc ấy thấy như buồn ở nách vì có ai cù em. Bèn lại hỏi:

- Làm thế nào thì có con?

Đẻ em chưa kịp đáp, thầy em đã sa sầm nét mặt xuống mà rằng:

- Thế mà cũng nói mãi được! - Quay về em - Đi chơi! Đi ngay!

Hãi hùng, em chạy vội đi chỗ khác.

Nhưng sự sợ hãi chẳng những không làm cho em bớt tò mò... Cái tính muốn hiểu, muốn biết do thế, lại càng như bị khêu gợi thêm lên. Em tuy đã yên trí người ta đẻ ra đằng nách rồi, nhưng tại sao người ta lại đẻ thì vẫn không hiểu. Càng bị giam hãm trong vòng ngu muội, em càng hoá ra tò mò. Nhưng mà chung quanh em, từ đấy, tịnh không một ai đả động đến chuyện kia nữa.

Ít lâu sau, nhân một hôm tha thẩn chơi một mình trong vườn sau, em đến bên chuồng gà thì tình cờ em được xem một con gà mái nó đẻ. Em thấy nó đứng lên, xù lông ra, tái mặt đi, cả cái mào đỏ cũng tái xanh đi, rồi một quả trứng từ đuôi nó rơi ra...

Nhân lúc ấy, vú già vào phơi quần áo, em liền phô chuyện, thì lại bị vú mắng là cứ xem gà đẻ rồi thì lang ben ăn mặt! Thế nghĩa là gì em không hiểu mà em cũng chẳng cần biết rõ, chỉ muốn tiện dịp thì hỏi vỡ nghĩa cái vấn đề làm nhọc trí em bấy nay. Vú già làu nhàu:

- Nó ăn no thì đẻ chứ làm sao nữa! Nó đẻ đằng đít chứ còn đằng nào nữa!

Những câu giảng sơ sài về khoa học ấy làm cho em thất kinh đi. Em không hiểu tại sao cũng nhiều khi em ăn no đến phưỡn bụng mà không đẻ như gà! Em giận đẻ em sao không ăn no nhiều lần vào để em có nhiều em bé hơn nữa. Rồi em hỏi:

- Sao nó không để gà con mà lại đẻ trứng!

Nghe đến đây, vú già cười hề hề:

- Đẻ trứng rồi trứng mới nở ra gà con.

- Thế me cũng đẻ ra trứng như gà à?

- Ừ!

- Thế me đẻ đằng nào? Có như gà không?

- Me đẻ đằng bụng. Thôi, đi chơi, hỏi ít chứ!

Thế là từ đấy, em bắt đầu không tin lời me em. Em cho rằng me em chỉ nói dối, thành thử dạy bảo em điều gì, em cũng nghi ngờ, em cũng chỉ vâng lời ngoài mặt. Em đã yên trí là người ta muốn đẻ con thì cứ việc ăn cho rõ no. Và, do sự ấy, em đã bị một trận đòn nhục nhã.

Bữa ấy, nhà có giỗ, họ hàng khách khứa đến đông lắm. Trong số ấy có một cô giáo trẻ tuổi, đẹp lắm, mà em phải gọi là dì, hình như không giữ được thiện cảm với anh chị em. Ngồi xem làm cỗ dưới bếp, em thấy chị em phô với anh em là cô giáo đã chửa hoang một lần, đứa con phải cho đi. Em không để ý đến chữ hoang, chỉ biết cô giáo đã đẻ. Lúc ăn cỗ, thấy cô giáo nói:

- Đĩa nộm ngon lắm, lúc nãy ở dưới bếp tôi đã ăn vụng mãi.

Tức thì em nói:

- Dì ăn vụng thế, nhỡ quá no mà đẻ em bé thì xấu lắm.

Em nói thế là vì mỗi khi me em đẻ thì xanh đi, xấu đi. Trong bàn cỗ, có người tủm tỉm cười, có người trừng mắt nhìn em, mà cô giáo thì đỏ cả mặt. Em không hiểu đã phạm một tội tày đình.

Thấy chị em tủm tỉm cười, em nói:

- Nay mai me cháu cũng đẻ, mà chắc là đẻ ra trứng.

Em không ngờ cả nhà cùng nhất loạt mắng ngay em:

- Câm ngay! Rõ con nhà vô phúc!

Tối hôm ấy, thầy em bắt em lên giường nằm, cầm xe điếu, bảo em từ rày không được nói láo như thế, và vụt em mười cái, mỗi lần vụt lại điểm vào bằng một câu hỏi: "Mày nhớ chưa?".

Cố nhiên em nhớ trận đòn ấy mãi đến bây giờ. Vì đó là lần đầu thầy em đánh em, và cũng là lần đầu em phải oán ghét thầy em. Em chỉ còn sợ mà thôi chứ không thể nào yêu thầy em như xưa được nữa. Em chỉ nhắc lại những câu cắt nghĩa của vú già! Lúc phải đòn, em muốn cãi, lại cấm cả khóc nữa. Lòng oán giận bố ấy có ảnh hưởng rất tai hại cho sự thụ giáo của em về sau.

Ngày hôm sau, chị em mặc áo đẹp cho em đến nhà hộ sinh mà chị gọi là "nhà thương". Khi bước chân vào, những cô khán hộ chạy đi chạy lại tấp nập. Thỉnh thoảng em lại thấy me em ở phòng bên cạnh kêu lên inh ỏi, rên lên ầm ĩ, như đau khổ lắm, như bị đánh đập vậy. Rồi một cô khán hộ bưng qua mặt em một cái chậu trong đó có một cái khăn bông máu me đầm đìa. Người ta vui mừng nói với chị em là me em sinh con giai. Không biết vui, em chỉ khiếp sợ và ghê tởm. Em nguyện không bao giờ dám xin me em một đứa bé nào nữa, nếu me cứ phải kêu rên như thế. Ngay cái buổi tối hôm ấy em trông thấy đứa bé thì lại được dịp khám phá ra rằng vú già cũng nói dối em. Mẹ đẻ ra con chứ đâu có đẻ ra trứng như gà! Mà làm sao người nhớn - bất cứ ai - lại hay nói dối thế? Tức qua, em lại hỏi chị em nữa:

- Chị nhỉ, thế me đẻ đằng nách hay đằng đít?

Ngần ngừ một hồi lâu, chị em đáp:

- Me đẻ đằng bụng.

Em sung sướng thấy lời nói ấy mới có lý.

Một đứa bé như thế chui qua hậu môn thế nào? Tất nhiên phải ra đằng bụng mới lọt...

- Thế lúc đẻ thì bụng me rách ra, rồi chảy máu ra à?

Chị gật đầu. Điều ấy lại hình như có lý, vì sau những khi ở cữ, lần nào me em cũng phải nằm nửa tháng ở nhà hộ sinh. Em tưởng trong thời gian ấy, bụng me em lại liền lại, và me em nằm nhà thương cũng như anh cu li xe bị tai nạn ô tô là vì thế. Bất giác em thấy càng thêm yêu chị em. Chỉ một người ấy là nói thật với em, ở đời... Em tưởng đã gần biết hết những điều huyền bí của Tạo vật. Còn về cơ quan sinh dục thì em tưởng chỉ dùng tiểu tiện mà thôi.

Nhưng chẳng bao lâu em lại thấy một cách chán nản rằng chính chị em cũng nói dối nốt!

Lên chín tuổi... Cuộc đời mở ra một chặng đường mới cho em. Bắt đầu cắp sách đi học, sự tiếp xúc với xã hội ngây thơ đầy những sự ngu dốt, dại dột, tinh quái, nhảm nhí, đã làm cho em mất cả cái lương thiện chi bản năng đi vì em thấy rằng cuộc đời có toàn những điều bí mật cần phải khám phá cho rõ. Vấn đề nam nữ, vấn đề hôn nhân, sự tiếp tục cho khỏi bị tiêu diệt của loài người, ngần ấy cái xô và trí não em như nước bể đánh vào hốc đá. Lòng tò mò, sự muốn khám phá cho ra lẽ huyền bí của Tạo vật, sự muốn hiểu biết, làm cho em rất để ý đến những chuyện thô tục mà người ta vẫn nói chung quanh em một cách vô tâm. Ngoài số bạn gái, em còn có vài đứa bạn giai, vì em học lớp dự bị[2] một trường tư thục, trong đó có cả giai lẫn gái. Em vẫn ngây thơ chơi với những đứa con giai, vì em chưa phân biệt giai gái khác nhau ở chỗ nào. Đó lại còn là một điều cần vì chúng em phải mượn sách vở của nhau, soạn bài vở với nhau, hoặc rủ nhau đi bắt dế mèn, nhổ hoa cỏ, nhặt búp đa...

Một hôm, cùng cả ba ngồi trên một chiếc ghế trong vườn hoa, hai đứa con giai, bạn em, nói đến cái vấn đề ấy. Một thằng phồng mồm thổi căng cái búp đa ra.

Em ngồi, vờ nhìn ra xa, những vẫn lắng tai nghe chúng nó cãi nhau, bảo nhau là dốt, là ngu.

Em xen vào:

- Me tôi vẫn hôn tôi, sao tôi không có con đi?

- Phải là chồng chị hôn chị, thì mới có con được chứ lị...!

Thằng bé hơn tuổi tức đỏ mặt, đẩy thằng kia một cái. Em bỗng đỏ mặt... Hình như em thấy thẹn, tuy không hiểu tại sao mà thẹn. Rồi em lại không thẹn nữa, vì em chưa tin. Em không thể nào nhận được rằng cái cơ quan mà đấng Tạo hoá ban cho ta chỉ để tiểu tiện thôi, lại bị người đời đem dùng vào việc quái lạ ấy. Em bèn hỏi:

- Thế à? Sao anh biết?

- Sao lại không biết? Tôi đã trông thấy giữa ban ngày!

Thằng kia bĩu môi:

- Mày chỉ bịa!

- Lại còn bịa nữa! Tao thấy rõ ràng!

Lời nói rành rành ấy khiến em tin đến bảy phần, chỉ còn nghi có ba. Rồi em thấy nếu thật như thế thì loài người xấu lắm. Em không thể nào lại đi cho phép rằng từ cô giáo của em mà em kính trọng vô cùng cho đến thầy đẻ em là những người em coi là đứng đắn, là nghiêm nghị, là có ai, mà lại đi làm cái việc như thế. Bạn em, tên nó là thằng Ngôn, có lẽ đã nói thật, vì nếu không được mắt thấy, sao nó lại có thể bịa ra như thế được? Tuy nhiên, em cũng bĩu môi:

- Thôi đi, anh Ngôn cũng chỉ bịa!

Kẻ phản đối nó được thể, vỗ tay chỉ mặt bạn mà reo lên rằng:

- Ê ê! Bịa... ê ê! Rõ đồ ê chệ.

Thằng Ngôn tức vì bị chế thì ít, nhưng tức vì em bĩu môi có lẽ lại nhiều. Nó cau có nhìn em như van lơn, khẩn khoản em nên tin nó. Rồi nó lên giọng trịch thượng bảo thằng kia:

- Tao làm cho mày xem nhé?...

Xin nhắc lại rằng chỗ chúng em ngồi chơi là một vườn hoa rộng mông mênh, lại ở giữa phố tây, đương lúc một giờ trưa vắng ngắt. Trên đầu chúng em là một cây đa um tùm che lấp ánh nắng. Trước cảnh lặng lẽ êm đềm ấy, thằng Ngôn vừa buông ra câu nói xong thì ngồi sát lại bên em... Thằng kia chừng như cũng chẳng nghe ra cái gì cả; nó vẫn yên lặng ngồi dưới cỏ, ngây thơ ngẩn mặt ra nhìn. Nó không trả lời thằng Ngôn, chỉ trân tráo cặp mắt như người khát khao chỉ chực xem những vai tuồng sắp ra sân khấu.

Em không cần thuật lại thằng Ngôn đã làm cái trò gì. Người ta đoán cũng biết được.

Dù thế nào đi nữa, cái trò ấy cũng chẳng qua là trò trẻ con. Vì nó đã làm ra trước mặt đứa trẻ khác đường hoàng, không như người lớn làm mà biết sự mình làm là xấu nên thường phải giấu giém, không dám cho ai thấy. Chỉ thương hại cho em, bởi cái tính thóc mách muốn biết mà không ai bảo cho mà biết, lại bởi sự bạn bè tinh nghịch dại dột không ai ngăn ngừa, thành ra mới có chín tuổi đầu mà tình cờ đã phạm vào tội lỗi đáng thương.

Trong lúc ấy hẳn thầy em đương đánh một giấc trước khi đi làm buổi chiều, còn me em thì ngồi bên cạnh ô trầu, ai nấy ở nhà để tin rằng em tạt qua nhà đứa bạn nào đó, hoặc chép bài, hoặc hỏi chữ, lo việc học hành, chứ có ai ngờ đến nông nỗi dường kia!

Lúc về nhà, cho đến buổi chiều hôm ấy, ở trong lớp học, em vẫn nhận thấy trong người có một thứ cảm giác hơi là lạ. Chẳng những thế, mà cả trong thân thể em, em cũng bắt đầu phát kiến ra cái thứ nước mà trước kia, em chưa hề thấy bao giờ. Sự xét nhận ấy dặn bảo em từ nay trở đi, phải để tâm mà xem xét xem trong thân thể mình có những thứ quỷ quái gì... Người lớn đã không bảo rõ cho em, cố nhiên em chỉ còn có một cách học lấy, học của tự nhiên, học của Tạo vật. Như vậy, em đã vào sự đời rồi. Em đã hơi hiểu tại sao trời lại sinh ra con trai và con gái, tại sao phải có vợ chồng... Em đã bắt đầu hiểu rõ nghĩa của những lời chửi thô tục, và rất ngạc nhiên, rất hổ thẹn cho cả loài người về sự người lớn dùng tên cái việc giao cấu để chửi.

Nói tóm lại thì, than ôi cái điều mà đáng lẽ người lớn, thầy me em, cô giáo em, phải giảng dạy cặn kẽ cho em để em biết được công dụng và sự lợi hại của nó là thế nào, thì họ đã lặng thinh, đã đánh mắng em, và để cho một đứa trẻ là thằng Ngôn dạy bảo em, như thế! Từ ấy, em tự nguyện không hỏi người lớn nữa, vì bạn em cũng đủ "giảng bài" cho em. Đó là sự nguy hiểm mặc lòng, lúc bấy giờ, em có biết đâu là nguy hiểm!

Đêm hôm ấy, em phải qua một cơn khủng hoảng lớn về tinh thần. Cái linh hồn hèn yếu của một cô bé mới có chín tuổi, đã nao núng trước sự kích thích của tính tò mò và những ý nghĩ đáng ghê tởm... Em trằn trọc không ngủ được, cứ tự hỏi lại mãi mình: "Cái việc là chỉ có thế mà thôi hay sao?". Rồi em đâm ngờ, ngờ rằng tuy vậy, thằng Ngôn nó cũng chưa biết rõ được, vì nó chỉ lớn hơn em có một tuổi. Rồi em thấy hổ thẹn, thấy lo sợ, sợ ngộ thầy me em mà biết chắc em đến nát xương vì phải đòn. Hay là chừa đi! Ừ! nhưng mà chừa được thì cũng khó khăn lắm thay...! Bao nhiêu ý nghĩ giày vò mãi cái trí xét đoán non nớt của em, rồi em ngủ thiếp đi lúc nào không biết.

Từ hôm sau mà đi, em đã biết thẹn. Em không dám chơi với con giai nhiều như trước nữa, và cũng dám mó máy đến phần hạ bộ đứa em giai bé cuối của em, cái vật mà me em quý lắm, vẫn mó máy đến luôn, và có khi lại gọi em đến xem nữa kia... Những khi me em giơ cái vật ấy của đứa em giai bé mà bảo em: "Ghét, ghét cái ông bòi của ông đây này!" thì em cắm cổ chạy mất. Me em khen mãi em: "Con gái tôi đã lớn, đã biết, đã ngoan lắm rồi!". Mỗi khi được khen, em thấy mình xứng đáng, cũng sung sướng lắm.

Ba hôm sau, em mới tìm Ngôn mà em cũng không biết tại sao em tìm nó. Nó ốm. Bà Tham là mẹ nó cứ hỏi mãi em: "Này chị Huyền, hôm nó đi chơi vườn hoa với chị, thằng Ngôn nó có đái vào cây đa cây đề nào không?". Em nghe thì sợ lắm, những chưa phải đáp thì bà đã nói đến chuyện cúng lễ với những người lớn khác. Rồi bà thêm: "Mấy hôm nay nó sốt mê, sốt mệt".

Không gặp bạn, em ngán ngẩm ra về. Trong mấy hôm, em phải đi học một mình, buồn quá.

Từ đó, em cứ hay để ý tóc em đã dài được bao nhiêu, ao ước ngày được vẫn khăn, luôn luôn giữ mặt mũi chân tay cho sạch sẽ, bắt đầu biết trang điểm, dù chưa dám lấy phấn đánh tự do. Thầy em khen: "Nó đã có vẻ người lớn!".

Sau khi thằng Ngôn ốm dậy, nó vẫn hàng ngày đi học với em. Hễ có dịp, nhất là khi đi từ nhà tới trường và khi đi từ trường về nhà, là chúng em lại chuyện trò rầm rĩ với nhau. Chuyện gì? Chẳng có gì khác hơn vấn đề nam nữ.

Có một lần nó tả lại rất tỉ mỉ sự thầy me nó ngủ với nhau mà nó xem thấy. Nó nằm giường bên cạnh có màn che, nó thức mà cha mẹ không hay, lại còn bật đèn sáng quắc!

Viết đến đây em xin mở một dấu ngoặc để yêu cầu những bậc ưu thời mẫn thế chớ nghĩ đến quốc gia xã hội vội, hãy để thì giờ thảo luận về sự cẩu thả của kẻ làm cha mẹ, và cách sắp đặt nơi ăn chỗ nằm hỗn tạp và nguy hiểm của mỗi một gia đình Việt Nam ta.

Em cho rằng với vấn đề nam nữ, hay nói trắng ra là đối với việc giao cấu, trẻ con vì ngu muội mà phạm tội đã đành, chứ chính người lớn cũng chẳng khôn gì hơn. Việc ấy, người lớn bảo là nhơ bẩn mà không nói đến; không nói đến mà cứ lằm lằm lụi lụi làm hoài! Làm mà dại dột làm ra trước mặt trẻ con, cái giống có tính hay bắt chước, bảo sao chúng chẳng tằn mằn cho được? Một sự giấu đi mà có hại như thế, thì chi bằng đem nói toang ra để dạy bảo nhau, ngăn cấm nhau?

  1. Tức năm 1914.
  2. Tương đương với lớp hai ngày nay.