Bước tới nội dung

Lý luận của tôi 1937

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Lý luận của tôi  (1937) 
của Phan Khôi

Các bài đăng trong mục "Lý luận của tôi" trên Sông Hương, Huế, số 22 (2 Janvier 1937), trang 2; số 23 (9 Janvier 1937), trang 2; số 24 (16 Janvier 1937), trang 2; số 25 (23 Janvier 1937), trang 2; số 26 (30 Janvier 1937), trang 2; số 27 (6 Fevrier 1937), trang 2; số 28 (20 Fevrier 1937), trang 2; số 29 (27 Février 1937), trang 2; số 30 (13 Mars 1937), trang 2; số 31 (20 Mars 1937), trang 2; số 32 (27 Mars 1937), trang 2.

VÔ DỤNG MÀ CỨ CÒN

Bài này nếu được vinh hạnh qua dưới mắt quan Thượng Bộ Kinh tế, thì cái đề, chắc ngài sẽ lẩm bẩm: "Nó lại dở dói cái bộ của mình ra rồi đây".

Nhưng không. Bẩm quan lớn, lần nầy tôi không nói cái bộ của quan lớn nữa. Huống chi trong xứ nầy có thiếu gì cái vô dụng mà cứ còn cho tôi nói mà phải nói đến cái bộ của quan lớn?

Tôi nói là nói cuốn lịch An Nam kia chớ.

Đã lâu lắm, cuốn lịch An Nam đã trở nên vô dụng, vậy mà nó cứ còn đến ngày nay.

Thì các quan Nam triều làm việc theo ngày Tây, nghỉ lễ theo lễ Tây, lãnh lương theo tháng Tây, những cớ ấy còn không đủ cho lịch An Nam chết đi hay sao, vậy mà cuối năm nào cũng còn cứ thấy mặt nó hoài?

Lần nầy đến luật buộc nó chết, thì nó có chết không?

Quyển Trung Kỳ Hộ luật thứ nhất mới ban hành, nơi điều thứ 218, nói về tuổi thành niên, nói rằng:

"Tuổi thời tính theo dương lịch vì tính tự ngày tháng năm nầy đến ngày tháng ấy năm sau là một tuổi."

Thế là chẳng những làm việc, nghỉ lễ, ăn lương theo lịch Tây mà cũng tính tuổi theo lịch Tây nữa. Thế là chẳng những dùng lịch Tây bằng thói quen mà còn dùng lịch Tây bằng luật, nghĩa là dùng một cách rất chánh thức.

Một cái chứng chắc chắn hơn nữa là bộ Trung Kỳ Hộ luật ấy, theo Dụ chỉ nhà vua, từ ngày mồng một tháng giêng Tây năm 1937 bắt đầu ban hành khắp Trung Kỳ.

Trước sau nhau chỉ hơn một tháng, sao không đợi mồng một tháng giêng ta rồi hãy ban hành? Đó là cái dấu tỏ rõ ngày mồng một tháng giêng An Nam không còn có giá trị nữa. Và vì đó tôi càng mạnh miệng nói rằng, cuốn lịch An Nam quả là vô dụng.

Nhưng cùng trong lúc ấy, tôi lại thấy những cuốn lịch An Nam mới in xong, luật cũng không làm chết nó được.

Luật còn không làm chết được cuốn lịch An Nam, còn ai có sức làm nổi được Bộ Kinh tế?

Vì cớ ấy, tôi không nói đến cái bộ của ngài đâu, xin quan Thượng đừng lo.

BÊ CA

CẤM ĐẾN SÁCH TRONG BỤNG

Vừa rồi ở trong Nam thì tờ hằng ngày Việt Nam, ở ngoài Bắc thì tờ tuần báo Dân quê đều bị chánh phủ cấm xuất bản, như người ta thường gọi là “rút phép”.

Một tờ báo viết bằng chữ Pháp ở Hà Nội đứng ra phản đối việc ấy, hô hào các nhà viết báo và viết sách độc lập hiệp sức cùng mình.

Tôi cho tờ báo ấy làm như vậy là thái quá, giá như nó ở Trung Kỳ đây, nó còn hô hào đến đâu nữa.

Vả chăng, tờ Việt Nam của ông Nguyễn Phan Long ra đời hơn một năm rồi, tờ Dân quê của ông Phan Trần Chúc phát hành cũng đã được bốn số. Hai tờ báo ấy nó có tội gì không thì không biết, chứ nó đã là một vật hiện có thì người ta cấm đi cũng cho đáng, chẳng luận sự cấm ấy hiệp pháp cùng chăng.

Còn có thứ chưa hề xuất bản mà đã bị cấm kia, tuy nó không phải báo mà là một cuốn sách.

Cuốn sách ấy chưa hề đem ra bán. Chẳng những thế, mà còn chưa in. Chẳng những thế, mà còn chưa viết. Nói thực tình thì cuốn sách đương còn ở trong bụng của tác giả nó, nhưng đã bị cấm rồi.

Một hôm, Trọng Minh, người viết báo ở Sài Gòn, dợm làm tác giả của cuốn sách ấy, mới vừa nghĩ ra cái tên sách, bèn đem rao ngay lên trên báo của mình, ấy là bị cấm liền tay.

Như trong một số Sông Hương trước đây có đăng: quan Thượng Bộ Nội vụ ra lệnh cấm lưu hành và tàng trữ trong địa phận Trung Kỳ cuốn Xứ An Nam dưới thời kỳ khủng bố (L'Annam sous la Terreur) của Trọng Minh.

Cái nghề, hễ sách bị cấm lại làm cho người ta ức đọc. Thấy cái lệnh của quan Thượng Nội vụ, nhiều người tò mò đi kiếm cuốn Xứ An Nam dưới thời kỳ khủng bố thử bán ở đâu. Nhưng vô ích, tìm hoài cũng không thấy.

Ấy không phải vì bị cấm mà cuốn sách ấy không bán, nhưng vì là chưa in, cũng chưa viết nữa!

Cho nên, tôi cho bạn đồng nghiệp ở Hà Nội làm như vậy là thái quá.

Ở Trung Kỳ đây, người ta cấm đến sách ở trong bụng mà từ năm ngoái đến năm nay, dân Trung Kỳ vẫn cứ chịu và làm thinh. Thế mà ở Sài Gòn, Hà Nội, những tờ báo đương lưu hành, bỗng dưng bị cấm, các anh lại đòi hô hào phản đối là hô hào phản đối cái gì?

Rồi đây, phải đến ngày mà dù sách trọng bụng cũng không có nữa thì mới hết cấm!

BÊ CA

BỐN LÁ ĐƠN XIN TỪ CHỨC

Trong mấy ngày cuối năm 1936, đến năm 1937, hình như là một cái mùa từ chức. Từ bên Tàu cho đến bên An Nam, người ta thâu nhận một lúc bốn lá đơn.

Tưởng Giới Thạch sau 11 ngày bị Trương Học Lương bắt giam ở Tây An được thả về, liền đưa đơn cho chánh phủ Nam Kinh mà xin từ cả hai chức Hành chánh viện trưởng và Hải lục không quân Tổng tư lệnh Trung Hoa. Đơn thứ nhất bị bác, Tưởng đưa đơn thứ nhì. Thế nhưng Nam Kinh cũng cầm Tưởng lại cho bằng được, chỉ cho nghỉ giả hạn một tháng.

Chừng như nghĩ rằng gà người ta gáy thì gà nhà mình ít nữa cũng phải theo, mấy ông đại nhân vật nước An Nam cũng lật đật đưa đơn.

Cụ sư tổ Vĩnh Nghiêm giữ cái chức Thiền gia pháp chủ của hội Phật giáo Bắc Kỳ hai năm nay. Theo gót chân Tưởng, cụ chẳng những đưa đơn mà còn gởi về trả lại tất cả những áo, mũ và ấn tín cho hội Phật giáo ở Hà Nội mà ông Nguyễn Năng Quốc làm hội trưởng.

Một lá đơn nữa: ông Hoàng Trọng Phu đưa cho quan Thống sứ Bắc Kỳ xin từ chức Tổng đốc Hà Đông.

Một lá đơn khác: ông Vi Văn Định từ chức Tổng đốc tỉnh Thái Bình.

Úy chà! Không biết năm 1937 là cái năm gì mà mới vừa bước qua nó một cái, làm cho loài người ở đâu như ở đâu đều đã vội vã muốn biểu thị cái tánh cao khiết của mình!

Nhưng để rồi xem, tôi đoán sẽ không có một sự từ chức nào được thực hiện cả, các ông ấy muốn tỏ mình ra khiết cũng chẳng được nào. Đó, thì ông Tưởng Giới Thạch đã được lôi lại rồi. Một tháng qua, ông ấy sẽ ngồi trên đầu dân Tàu như trước, thây kệ ông là người cầm vận mạng một nước mà cái sanh mạng của ông đã bị kẻ khác cầm mất 11 ngày.

Đời đương cần cái thứ đại nhân vật lắm, các ngài hồ đã dễ cởi gánh nặng phó cho ai!

Ông Hoàng Trọng Phu, vừa rồi có báo đăng tin rằng sang năm sẽ về làm “Phụ chánh thần thần” ở Huế, trong lúc đức Bảo Đại qua Tây. Báo khác chịu cái tin ấy đúng lắm, chỉ cãi rằng cái chức của ngài sẽ là “Lưu kinh đại thần” chứ không phải “Phụ chánh”. Như vậy mấy ai để cho ông từ chức? Còn ông Vi Văn Định, theo trật tự quan giới Bắc Kỳ hiện thời, ông phải là người dành sẵn để thế chân cho ông Hoàng Trọng Phu. Nếu ông Hoàng một ngày kia về hưu hay về Kinh bất luận, ông Vi sẽ điền vào chỗ khuyết. Để cho ông từ chức, lại là sự không thể được.

Duy có Sư tổ Vĩnh Nghiêm, sự từ chức của người chắc sẽ thành sự thực. Nhưng “Thiền gia pháp chủ” chỉ là cái danh hiệu nghe ngộ nghĩnh mà thôi, có “chức" gì đâu mà “từ”? Chẳng thế mà trong đơn của người có câu “đồ hữu bị vị”? Thành thử sự từ chức của ông này cũng lại là sự hão.

Như thế, kẻ có chức sẽ không bao giờ từ được, còn người từ được lại không phải chức, rốt cuộc bao nhiêu đại nhân vật không có dịp nào để tỏ mình ra cao khiết cả!

Bốn lá đơn, mới nghe như nhiều lắm; mà thực ra dù có bốn trăm lần cũng kể như không một lá nào.

BÊ CA

SỰ SỐNG VÀ SỰ TỰ DO

Bên Tây có một câu danh ngôn mà ở xứ ta lâu nay thường thấy có người nhắc đến: “Chẳng được tự do, thà chết”.

Câu ấy tỏ ra rằng sự tự do là cần cho người ta hơn sự sống. Chẳng vậy thì sao trong hai cái: mất tự do và chết, người ta lại lựa lấy cái chết mà không chịu cái mất tự do?

Cả đời tôi, tôi chưa được nếm biết cái mùi tự do ra sao và cũng chưa hề chết qua một lần nào, cho nên tôi không có thể đem hai cái mà so sánh xem cái nào tôi thích hơn. Nhưng nhiều lần thấy câu ấy trong sách hoặc trên báo thì tôi cũng yên trí mà tưởng cho tự do là đáng quý.

Nay tôi mới biết ra, bởi phong thổ bất đồng, tính tình người ta mỗi xứ một khác, ở bên Tây có lẽ họ thích tự do hơn sự sống, nhưng bên An Nam mình hiện có lắm người lại cần sự sống hơn tự do.

Câu này đã từ trong miệng họ nói ra: “Thà mất tự do nếu không kiếm ra sự sống!”.

Tôi đã được nghe họ nói vào tai như vậy. Họ là những người tù chánh trị mới được đại xá về nằm ở trong một xó nhà bị quản thúc.

Con nhà giàu xứ này ít hay làm cách mạng hoặc cộng sản, cho nên những kẻ tù chánh trị toàn là kẻ nghèo. Cái sản nghiệp xứng dăm mười đồng bạc của họ đã tan nát trong khi bị tội rồi, bây giờ họ về thật chỉ có hai bàn tay trắng. Bởi vậy, sau khi về, chưa kịp mừng sự đoàn tụ, họ đã phải nghĩ đến sự sống liền tay.

Cái dạ dày bắt buộc họ phải đi làm để cung cấp nó ngày hai bữa. Nhưng không thể được, vì theo trong án, sau khi mãn hạn tù rồi, họ còn phải bị quản thúc, người ba năm, kẻ một năm. Còn ai không bị quản thúc mà là tù đày ở Côn Lôn về, thì quan trên còn ra hạn cho bắt phải ở nhà một năm hoặc mấy tháng mới chịu cho giấy phép đi ra ngoài.

Vì cớ ấy, nhiều người bối rối không biết nghĩ sao, cái dạ dày của họ thì thúc giục bảo phải đi, mà còn quan trên, làng xã và pháp luật thì cầm họ ở nhà.

Ở nhà, không có cái ăn, chết thì chưa chết cho, nhưng họ đói thật tình.

Cái hoàn cảnh ấy làm họ nghĩ đến chốn lao tù mà họ đã gởi thân vào đó mấy năm.

Ở đó, tuy họ đã chẳng còn một chút tự do nào nhưng có sẵn cơm cho cái dạ dày ngày hai bữa.

“Thà mất tự do nếu không kiếm ra sự sống!” Họ nói thế, nghe nó chua cay làm sao, vì tôi hiểu như là họ muốn ở tù lại!

Nếu nhà nước không nghĩ cách nào cho họ sống thì mấy lần đại xá vừa rồi không phải chánh sách khoan hồng về chánh trị mà chỉ là chánh sách tiết kiệm về kinh tế. Nghĩa là thả bớt mấy ngàn tù ra cho nhà nước đỡ tốn cơm.

BÊ CA

THUỐC PHIỆN VỚI CỌNG SẢN

Thuốc phiện với cọng sản, ý chừng hai cái kỵ nhau.

Tôi không hiểu hai cái tại sao mà kỵ nhau. Chỉ thấy ở bên Tàu có lần Ngô Trĩ Huy chỉ trích Trần Độc Tú, lãnh tụ đảng cọng sản bên ấy, có nói rằng: “Ông Trần Độc Tú hút mỗi ngày hai lạng thuốc phiện mà làm cọng sản gì chớ?" thì tự nhiên tôi nghĩ rằng hai cái có chỗ không hạp nhau làm sao đó, cho nên mới đã mắc vào cái nầy thì không thể còn vướng víu đến cái kia.

Mà cũng lạ! Ít nhiều người theo đạo Phật, đạo Gia-tô, đồng thời có thể làm dân làng bẹp. Hỏi họ, họ mạnh bạo mà trả lời rằng trong “ngũ giới” hay “thập giới” tịnh chưa hề có khoản “giới yên”, rồi họ cứ bắt lấy dọc tẩu mà kéo như thường. Thế thì chủ nghĩa cọng sản lại hẹp gì mà chẳng dung ả phù dung?

Tôi bèn để ý xem ra trong các quốc gia, thì thấy hai thứ ấy quả kỵ nhau thật.

Nga là nước cọng sản thì cấm ngặt trong nước không cho có một nhểu thuốc phiện. Đông Pháp là xứ dung cho thuốc phiện lưu hành thì lại trừng trị cọng sản thẳng tay.

Người ta cốt không để cho thuốc phiện với cọng sản gặp nhau, cho nên không khi nào dung nạp cả hai thứ một lần mà chỉ có: đã cự tuyệt thứ nầy, cũng cự tuyệt luôn thứ kia nữa. Ấy là như bên Tàu, một mặt “tiễu cọng”; một mặt “cấm yên”.

Thấy báo Tàu đăng tin nội năm 1936 vừa rồi, cả nước Tàu bắn chết hơn chín trăm người nghiện. Và chánh phủ Nam Kinh lại mới lập luận: Bước qua năm 1937, hễ bắt được quả tang ai hút thuốc phiện thì xử tử hình. Họ gọi những người bị xử tử này là “độc phạm”.

Độc phạm? Phải! Thuốc phiện luôn với “morphine” và “cocaine” đều là đồ độc cả. Ai ghiền nó tức cũng như phạm tội lấy thuốc độc giết người.

Bên Tàu nhiều lần họ đã giết những người theo cọng sản cũng như giết những người nghiện. Có lẽ họ cũng coi cọng sản là độc phạm nốt.

Nếu phải vậy đi nữa thì họ cũng có cái lý của họ: Vì những kẻ mê theo “Lénine” hay “Staline” thì cũng chẳng khác những kẻ hằng ngày đã hít “morphine” hay “cocaine”. À ra cái gì có “ine” đằng sau thì là của độc cả!

Đến đây làm tôi lại phải lấy làm lạ nữa: Đã là của độc cả thì sao còn kỵ nhau?

Nhưng cũng đến đây làm tôi thấy ra người Việt Nam thuở xưa tuy không có khoa học mà đã có một câu cách ngôn về khoa học, nghiệm thấy đúng vô cùng. Ấy là câu “độc giải độc”.

Ông Trần Độc Tú nói trên, năm kia bị bắt giam vào một nhà lao mô phạm ở Thượng Hải, tòa kêu án ông mười năm cấm cố. Ở trong lao, ông đòi hút, người ta không cho. Ông cãi rằng: “Tôi không hút thì tôi sẽ chết; tòa chỉ làm án tôi mười năm mà nếu không cho tôi hút thì té ra tòa xử tử tôi!”. Thế rồi họ phải để ông hút tự do.

Bao nhiêu người ghiền ở Trung Hoa bị bắn. Bao nhiêu người cọng sản ở Trung Hoa bị giết. Tại họ chỉ phạm một thứ độc. Phước cho ông Trần Độc Tú, ông đã cọng lại ghiền nên vẫn được sống mà hô những câu khẩu hiệu cọng sản sau khi phà khói thuốc thật dài!

BÊ CA

CÂU NÓI PHI THƯỜNG

Người ta thường nói: “Duy có người phi thường mới làm được việc phi thường”.

Đó là nói về việc làm. Chứ còn lời nói thì tôi thấy như những người thường lại thường nói được những câu phi thường.

Sách Tàu có kể một chuyện:

Một ông vua, trong khi mất nước, chạy trốn có nhờ một người làm nghề giết thịt dê cứu giúp cho làm sao đó, đến sau phục quốc được, ông vua thưởng công cho nhiều người và cũng thưởng đến người làm nghề giết thịt dê ấy. Thế mà người ấy nói rằng: “Đại vương mất nước thì tôi mất nghề giết thịt dê, Đại vương lấy nước lại thì tôi lại làm nghề giết thịt dê, tôi có công gì đâu mà thưởng tôi?”. Nói thế rồi chàng bảy đáp[1] không chịu nhận phần thưởng của mình.

Làm tôi nhớ lại câu chuyện xưa ấy là vì tôi mới được nghe một câu chuyện nay của anh chàng bán thịt chó tại Ngã Tư Sở gần Hà Nội. Tôi cho rằng câu nói của anh bán thịt chó nầy với câu nói của người giết thịt dê đó đều là phi thường cả.

Tại chỗ nầy hôm trước, tôi có nhắc đến chuyện quan Võ hiển Hoàng Trọng Phu xin từ chức Tổng đốc Hà Đông.

Vả quan Võ hiển Hoàng làm Tổng đốc Hà Đông đến nay ngót ba mươi năm. Ba mươi năm chuyên làm tổng đốc một tỉnh, là sự xưa nay chưa ai hề có. Tôi không dám nói chắc, chứ có lẽ dân tỉnh Hà Đông cũng chán ngài lắm rồi và mong cho ngài đi đi để ông khác tới thử ra sao. Cái nghề dân thì họ có lòng tham dục vô cùng, dù cho quan Võ hiển là ông quan tốt, họ cũng không khỏi nghĩ như thế.

Ấy vậy mà một bọn quan lại, thân thương, hào phú trong tỉnh Hà Đông nghe được tin ngài từ chức, lại rủ nhau đến cửa quan Võ hiển, năn nỉ xin ngài ở lại. Họ làm như chỉ có quan Võ hiển thì mới làm Tổng đốc Hà Đông được; còn kẻ khác, họ nắm cái ấn tổng đốc tỉnh ấy, họ sẽ đóng lộn đầu đi! Chẳng những thế, mà khi đến van lơn xin ngài ở lại, họ còn nghĩ rằng nếu không có ngài trọng trấn tại đó thì trên quả địa cầu, một cái chấm là tỉnh Hà Đông của họ sẽ sụt xuống thành biển hay sao ấy!

Trong đám thân thương hào phú ắt cũng có người phi thường, sao mà cái việc họ làm chẳng phi thường chút nào? May sao lại có câu nói phi thường ra từ miệng anh bán thịt chó là một người thường!

Người bạn tôi ở Hà Nội vào, nói, một hôm mới rồi có đi ăn thịt chó trong một tiệm ở Ngã Tư Sở. Nhân câu chuyện “ái mộ” trên đó, bạn tôi đem hỏi ý kiến người chủ tiệm thì hắn đáp rằng:

“Tôi biết gì mà hỏi tôi? Ông ấy còn làm Tổng đốc Hà Đông thì tôi cũng vẫn bán thịt chó, mà ông ấy có thôi làm Tổng đốc Hà Đông thì tôi cũng vẫn cứ bán thịt chó. Tôi biết gì mà hỏi tôi?”

Nghe phi thường chưa?

Phi thường lắm. Có lẽ còn hơn “lý luận của tôi” nữa!

BÊ CA

CHÍNH PHỦ

Thuở xưa, các nước trên thế gian còn theo chế độ quân chủ, thì cái cơ quan thống trị một nước ở lúc bấy giờ gọi là “triều đình”. Từ ngày người ta đổi theo chế độ dân chủ, hoặc quân chủ lập hiến, hoặc không lập hiến mà vì cớ gì đó cái quyền quân chủ bị giảm đi, thì cái cơ quan thống trị không gọi là “triều đình” nữa mà gọi là “chính phủ”.

Hiện nay các cơ quan thống trị ấy ở khắp trên trái đất hầu như đâu đâu cũng là chính phủ tất cả mà không còn là triều đình. Cho đến các nước quân chủ như nước Anh, nước Nhật, người ta chỉ nghe nói có chính phủ Anh, chính phủ Nhật mà thôi, chớ không hề nghe nói có triều đình Anh, triều đình Nhật.

Triều đình là cái cơ quan sanh ra bởi chế độ quân chủ, người ta cho là không tốt, thì nay nó đã phải “hạ màn” đi rồi. Thế còn chính phủ là cái cơ quan lên thay cho nó, có tốt không? Dù cho ai cũng phải có ý hồ nghi là không tốt.

Ở nước nào cũng vậy, chính phủ với dân cũng đứng ra hai phương diện tương đối, không hòa hợp nhau và có khi đến nghịch nhau.

Ở nước nào cũng vậy, đọc trên báo cái tin nào thấy nói của chính phủ thì dân cho là tin dối.

Ở nước nào cũng vậy, những bài diễn văn của các người cầm quyền chính phủ thì không được thính giả hoan nghênh hoặc đến bị coi là lếu láo, chá chạ.

Nói tóm lại là các chính phủ hiện nay, bất kỳ chính phủ nào, đối với dân đều như đã mất hết lòng tín nhiệm cả rồi.

Nếu quả vậy thì muốn định nghĩa cái danh từ chính phủ, duy có dùng tiếng An Nam mà định nghĩa là rất đúng.

Dễ lắm, chỉ có nói lái lại một cái là được: chính phủ là “chú phỉnh”.

Bởi “chú” hay “phỉnh” lắm nên không ai tin. Cũng vì vậy mà mất lòng tín nhiệm của nhân dân.

Phước cho xứ nào chỉ có một chính phủ thì dân bị phỉnh ít hơn, cũng như vô phước cho xứ nào có nhiều chính phủ thì dân bị phỉnh nhiều hơn.

Trong cõi Đông Pháp, riêng một mình xứ Trung Kỳ có cho đến hai chính phủ, lại Nam, Bắc Kỳ, Cao Miên, Ai Lao, bốn xứ có bốn chính phủ nữa, cộng là sáu chính phủ; lại thêm chính phủ Toàn quyền đứng trên hết, cộng là bảy chính phủ. Ôi! Nhiều quá!

Nhưng, tuy nhiều mà dân ta không đến nỗi là vô phước. Vì đối với chính phủ, dân ta chẳng khi nào mất lòng tín nhiệm.

Quan Toàn quyền Brévié mới đến đương còn chân ướt chân ráo, thì đã có nhiều tờ báo đứng ra ủng hộ ngài rồi. Như thế tỏ ra rằng dân tin ở chính phủ lắm, họ chưa hề bị phỉnh lần nào và lần nầy cũng sẽ không bị phỉnh vậy.

BÊ CA

THÌ GIỜ KHÔNG ĐỢI

Ra rứa, ông Diệp Văn Kỳ, người Nam Kỳ, bị trục xuất một cách bất công bình khỏi Nam Kỳ, hiện giờ đã quyết không có thể trở lại Nam Kỳ được rồi.

Thì mới rồi, khi quan Toàn quyền Brévié[2] còn ở Sài Gòn, ban trị sự hội Liên hữu báo giới có đến yết kiến ngài, xin ngài xét lại việc ông Diệp mà quan Toàn quyền đã trả lời một câu trợt lớt. Ngài nói từa tựa như vầy: Đó là cái quyền riêng của quan Thống đốc để giữ cuộc trị an trong xứ, tôi không thể can thiệp được.

Quan Toàn quyền của chánh phủ Bình dân còn không can thiệp được việc ấy thì ai mà can thiệp được? Thôi, ông Diệp Văn Kỳ phải chịu phép ở luôn đất Huế.

Nhưng, theo tình thế riêng của ông có nhiều điều buộc ông không ở Huế lâu được, nhất là gia quyến và sự sản của ông ở cả Nam Kỳ.

Thế thì bề nào rồi đây ông Diệp cũng phải trở lại Nam Kỳ. Nhưng ngặt thay, cái ván cờ tàn ông đương đánh, như đã hết nước đi, còn làm cách nào trở lại được?

Vắt óc, tôi thử vì ông Diệp nghĩ ra một kế. Tôi phỏng đoán ông trở lại Nam Kỳ được, mà phải trở lại một cách sang trọng, oai bệ, trở lại với cái chức... Lãnh sự Trung Hoa.

Tôi xét ra họ Diệp ở An Nam là dòng dõi của ông Diệp công bên Tàu đời xưa. Tức là ông Diệp công, trong sách Luận ngữ, hỏi chánh trị nơi đức Khổng Tử, đức Khổng Tử thưa rằng: “làm cho kẻ gần vui lòng, kẻ xa đi đến”, mà không ngờ bây giờ con cháu của mình lại bị trục xuất bởi cớ chánh trị, chẳng vui lòng tí nào.

Đã bị trục xuất khỏi Nam Kỳ thì cũng cầm như bị trục xuất khỏi nước An Nam, tôi như ông Diệp thì tôi đi thẳng về Tàu, tìm họ Diệp mà nhìn tổ quán rồi nhập tịch ở đó. Vào dân Tàu được rồi, tôi lần hồi trở lại Nam Kỳ.

Chánh phủ Nam Kinh bây giờ đương cần thứ nhân tài ngoại giao biết tiếng Pháp, vì bên ấy người ta học tiếng Anh nhiều chứ học tiếng Pháp không mấy người. Ông Diệp Văn Kỳ, đã làu thông tiếng Pháp lại sở trường về pháp luật nữa, tất nhiên được chánh phủ Nam Kinh trọng dụng.

Vào tập sự ở Bộ Ngoại giao Nam Kinh cũng như tập sự tại phòng trạng sư Sài Gòn một lúc, rồi ông có thể xin qua làm lãnh sự Nam Kỳ thế cho ông Trần Cẩm Y bây giờ.

Bạn đọc thử nghĩ, lúc bấy giờ ông Diệp Văn Kỳ trở lại Nam Kỳ với một cách đắc ý dường nào, oai phong lẫm liệt, thôi, còn phải nói...

Nhưng việc đời, trong việc mãn ý đến đâu, thường thường cũng còn có điều bất mãn. Từ bây giờ như đã có tin còn mấy tháng nữa thì quan Thống đốc Pagès thăng nhiệm đi nơi khác. Lúc ông Diệp trở lại, chắc không được gặp ngài.

Thì giờ không đợi!...

BÊ CA

THÀ LÀM TỚI CHÚT NỮA

Các bạn đọc tôi, đọc đến bài nầy chớ nghĩ rằng tôi có ý xúi giục người ta khi làm chính trị phải làm tới cực đoan; nhưng hãy tin rằng tôi sở dĩ có cái lý luận như thế là vì một sự kinh nghiệm mà tôi đã thấy ở cách xử trí của chính phủ nhiều lần.

Cái kinh nghiệm ấy có thể quy nạp ở một câu nầy: phàm làm chính trị mà làm lỡ dở thì lại bị tội nặng hơn làm đến nơi đến chốn.

Như thế, vì sự so tính lợi hại, những người làm chính trị cũng nên làm đến nơi đến chốn đi, tội gì làm lỡ dở cho khổ thân?

Như thế, nào có phải chính tôi đây khuyên những người ấy: Thà làm tới chút nữa! Mà thật chẳng khác nào chính phủ hay nhà nước đã dạy khôn cho những người ấy: Thà làm tới chút nữa!

Đây là những chứng cứ trong sự kinh nghiệm:

Năm 1908 người ta khống cáo ông Phan Châu Trinh, gây ra cuộc biến loạn ở Trung Kỳ. Ban đầu người ta ghép ông vào tử tội, rồi sau được giảm xuống, đày chung thân đi Côn Lôn, “ngộ xa bất nguyên”.

Nhưng, bị đày đâu chừng không đầy hai năm thì ông Phan được trả lại tự do ngay, vả còn được nhà nước cấp tiền cho sang Pháp du lịch một cách ung dung tự đắc.

Thế mà cũng năm 1908 ấy, những người bị ghép vào cùng một án với ông Phan, nhưng nhẹ hơn: kẻ 15 năm, kẻ 20 năm, cũng đày ra Côn Đảo, như bọn các ông Đặng Nguyên Cẩn, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng... thì ở ít nhất là 13 năm mới được về.

Đáng lẽ trong khi thả ông Phan ra, nhà nước nên thả luôn các ông ấy nữa. Cái nầy, nhà nước để các ông ấy ở tù đến 13 năm, khác nào nhà nước bảo các ông ấy: Tại các anh không làm dữ như Phan Châu Trinh nên các anh không được tha.

Trong việc ân xá chính trị phạm vừa rồi, tôi cũng còn thấy những sự giống như vậy nữa.

Bao nhiêu tay cách mạng hoặc cộng sản ghê gớm đã được ân xá mà một người đàn bà, cô Nguyệt, bị can vào một cái hội kín chẳng nên thân, lại không được ân xá.

Một số đông những người trong Đông Dương Cọng sản đảng, đều là tay hành động xuất sắc, thì đã được về với vợ con rồi; còn Hà Công Trừng, cái tội chỉ có xuất dương không xin phép, phải còn ở lại Côn Lôn.

Sao không tha hết thảy đi?

Hễ những người như cô Nguyệt, ông Hà Công Trừng mà còn chưa ra khỏi ngục thì họ phải tự nghĩ rằng lần sau mình có làm, thà làm tới chút nữa.

Nhà nước không ân xá cho những người làm quốc sự lỡ dở đó, là ý gì vậy? Hay chỉ có ý để giúp cho cái lý luận của tôi càng cứng lý thêm?

BÊ CA

ĐỤNG LÀ SỰ THƯỜNG

Ở bên Tàu, năm Dân quốc thứ 10 vào khoảng tháng năm, tháng sáu gì đó, tại Bắc Kinh, ngoài cửa Tân Hoa có cuộc biểu tình của giáo sư và học sinh các trường, bị lính can thiệp, hết mấy người trong bọn họ bị thương, theo sự thực là lính đánh.

Chuyện ấy đăng lên các báo được vài hôm, có lời cải chánh của chính phủ, nói không phải tại lính đánh nhưng tại các giáo sư và học sinh “đụng mà bị thương”.

Tờ Thần báo, nhân chuyện ấy viết ở một mục nửa bỡn nửa thực như mục “Lý luận của tôi” đây, đại ý nói rằng:

“Giáo sư và học sinh đụng lính đến nỗi bị thương, câu chuyện nghe lạ quá, nhưng ở Trung Quốc thì chẳng lấy gì làm lạ.

Ba bốn năm về trước, tại Phố Khẩu, một chiếc tàu đò chở khách quá giang đụng một chiếc tàu binh của nhà nước đương đậu giữa sông, chiếc tàu đó chìm, chết bao nhân mạng.

Rồi đến một vài năm sau, giữa sông Dương Tử, một chiếc tàu của Chiêu thương cuộc đụng phải chiếc tàu trận của nhà nước, trong có quan Quốc vụ tổng lý Đoàn Kỳ Thụy ngồi, chiếc tàu ấy cũng đắm, chết đi bao nhiêu mạng mà chẳng có ai đền.

Nhân đó biết rằng sự đụng mà chết ở Trung Quốc là sự thường lắm, huống chi đụng mà bị thương. Vả cái gì của chính phủ thì nó phải cứng, ai đụng nấy chịu, còn kêu với ai được?...".

Dưới bài ấy ký tên Tử Nghiêm. Báo ra rồi, người viết bài được nhiều thơ tới công kích, mắng là “chó săn của chính phủ”, và ngăm dọa thế nầy thế khác. Sau nhờ ông chủ nhiệm Thần báo viết nhiều bài phân trần, công chúng mới nguôi giận.

Tôi kể chuyện ấy ra đây, tôi cũng nói như Tử Nghiêm: “đụng là sự thường”; chỉ khác một điều là không phải đụng vào cái gì cứng của chính phủ, mà là đụng vào dư luận.

Thường, vì Thần báo đã đụng một lần đó ở bên Tàu rồi, và Sông Hương vừa rồi cũng có đụng một lần ở bên An Nam nầy nữa.

Cái bài Giáo hiếu, nói về sự trục xuất của hai ông Diệp Văn Kỳ và Bùi Thế Mỹ, đăng ở mục này trước kia, chỉ là một bài thuộc về thể văn “phản ngữ” (ironie),[3] vốn không phải mạt sát gì hai ông ấy. Thế mà vì một vài bạn đồng nghiệp cắt nghĩa sai đi để tố cáo chúng tôi, thành thử trong dư luận cũng có một số người hiểu lầm và trách móc.

Thật ra thì không có gì đáng trách móc cả, nhưng cái bài của Thần báo đã bị dư luận không dung thì bài của Sông Hương cũng bị không dung nốt, có thế mới thấy đụng là sự thường.

May sao gần đây chúng tôi có tiếp được nhiều thơ gửi đến minh oan cho bài “Giáo hiếu”. Nhân đó tôi biết rằng đụng vào dư luận cũng còn khá, không nguy hiểm như đụng vào cái gì cứng của chính phủ, không chết cũng bị thương.

BÊ CA

KỸ MÀ CÒN SÓT

Giữa kỳ Hội chợ Huế lần nầy, Bộ Kinh tế của Nam triều có mở một cuộc thi về luận văn Kinh tế. Ba vấn đề do Bộ ấy ra, đã đăng trong Sông Hương số vừa rồi.

Vấn đề thứ nhất hỏi về việc di dân và dinh điền. Ai có đọc qua chắc cũng thấy cái chỗ tư lự của quan Thượng Bộ Kinh tế thật là tới nơi tới chốn.

Hỏi về việc di dân và dinh điền mà ngài cũng không quên việc tài chánh, tôi phải phục ngài là hết sức thông minh.

Quan Thượng biết cái bộ của ngài không có tiền cũng như hết thảy dân Trung Kỳ đều biết vậy. Nếu trong đề ra bắt người ta bàn vông vông những việc lớn lối mà khi mở tủ sắt của Bộ Kinh tế ra, chỉ vỏn vẹn có ba trăm bạc, thì chẳng là một việc làm để giúp cho mấy tờ hài báo một đề mục khôi hài! Quan Thượng nghĩ kỹ lắm, ngài chăm lo sự kiếm tiền.

Rồi cũng trong vấn đề, ngài nói cho chúng ta biết rằng kiếm tiền chỉ có hai cách, là quyên liễm và mở quốc trái. Riêng về sự mở quốc trái, quan Thượng chỉ chưa quyết định phải mấy năm mới trả vốn xong và trả tiền lời bao nhiêu, bèn đem hỏi thí sanh.

Nhơn việc di dân mà nghĩ đến cách kiếm tiền, nhơn việc quốc trái mà nghĩ đến sự trả vốn và trả lãi, thật quan Thượng nghĩ kỹ lắm, tâm tư của ngài thật là chu đáo.

Nhưng theo tôi thì kỹ mà cũng còn sót.

Ngài chưa nghĩ đến chỗ mở quốc trái thì ai đứng mở, ai đứng ký tên trong trái phiếu.

Ở các nước giàu mạnh, thì người chủ trương việc mở quốc trái là quan Thượng Bộ Tài chánh. Nhưng Bộ Tài chánh của Nam triều thì có thể đảm nhận việc ấy được không?

Năm trước có một lần quan Thượng Bộ Tài chánh ra lệnh định giá đồng bạc là bảy quan, không ai được mua bán trồi hay sụt; nhưng mà rồi cái lệnh ấy không ai tuân cả, đồng bạc cứ theo giá chợ lên xuống đến bây giờ.

Vậy thì, định giá đồng bạc còn chẳng được thay, huống chi mở quốc trái! Quan Thượng Kinh tế chắc không mong quan Thượng Tài chánh chủ trương việc ấy được rồi, thế thì còn mong ở ai?

Ai, ai là người đủ tín nhiệm để đứng ký tên trong trái phiếu hầu có vay tiền mà làm công việc di dân? Ai, ai là người sẽ đứng ra chủ trương việc ấy, tưởng quan Thượng phải nghĩ đến trước khi nghĩ đến sự trả vốn và trả lời.

Thế mà trong vấn đề không thấy nói tới, cho nên tôi bảo quan Thượng nghĩ kỹ mà còn sót.

BÊ CA

   




Chú thích

  1. bảy đáp: chưa rõ nghĩa; các từ điển từ Việt cổ không có từ này; nhưng trong ngữ cảnh, ta có thể hiểu “bảy đáp” là tên gọi người làm nghề giết mổ súc vật. Phan Khôi đã từng dùng từ “bảy đáp” này khi dịch “Thích khách liệt truyện” của Tư Mã Thiên và chú thích là: “bảy đáp là nghề làm thịt và bán”.
  2. Joseph Jules Brévié, giữ chức Toàn quyền Đông Dương từ tháng 9/1936 đến 23/8/1939.
  3. ironie (chữ Pháp): mỉa mai, phản ngữ.