Bước tới nội dung

Lý với thế: Hồ Thích với Quốc Dân Đảng

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Lý với thế: Hồ Thích với Quốc Dân Đảng  (1928) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, số 807 (18.12.1928)

Cái mánh của người ta ở đời dùng mà đương địch với nhau chỉ có lý với thế. Thường thì ai cũng cho cái lý đi trước, ai cũng tôn cái lẽ phải, hễ hiệp với lẽ phải là hơn. Song nhiều khi người ta ỷ đông làm mạnh, hễ phần đông ở đâu tức là lẽ phải ở đó, khi ấy là khi cái lý đi sau, nhường cho cái thế đi trước. Cái lý của phần đông ấy chưa chắc là chơn lý, cho nên đã có người không chịu cái thuyết "phần đông là phải" vì nó chỉ là thế mà thôi. Song le, không chịu cũng không được, vì nó là thế, nó mạnh. Rút lại, ở trong xã hội loài người mà tri thức còn chia ra giai cấp như ngày nay, thì chưa có thể lấy một mình lý mà ở được, phải có thế.

Ta xem việc Hồ Thích[1] với Quốc Dân Đảng nước Tàu mà vỡ ra cái lẽ ấy, và bất giác ngậm ngùi thay cho cái lý ở đời nay.

Trong thời cuộc nước Tàu độ mười lăm năm trở lại đây phải kể Hồ Thích là một người quan hệ[2] lắm, quan hệ cả về mặt văn hóa và về mặt chánh trị. Thế mà mới năm ba năm gần đây, Hồ trở nên một người không hợp với thời cuộc, trái với dư luận, ấy là tại va gặp cái thế của Quốc Dân Đảng.

Độ Dân Quốc[3] gây dựng được năm bảy năm chi đó, Hồ Thích bắt đầu xướng ra cái thuyết dùng bạch thoại thế cho văn ngôn, làm cho văn thể nước Tàu biến đổi ngay và từ đó tư tưởng người Tàu cũng phát đạt rất mau. Hồ là tay Hán học uyên thâm mà lại đậu Tấn sĩ văn khoa nước Mỹ, bấy giờ va chỉ viết báo mà cổ động sự cải cách văn thể chớ đích thân va thì còn ở bên nước Mỹ chưa về. Lúc đó bọn thanh niên nước Tàu trông va về lắm, trông va về để làm người lãnh tụ dìu dắt bọn thanh niên lên trong đường cải cách.

Khi va về, trường Đại học Bắc Kinh liền rước làm thầy giáo (professeur) dạy khoa triết học. Ở đó vài năm, va làm được một cuốn Trung Quốc triết học sử đại cương là sách rất có giá trị trong học giới Tàu ngày nay.

Hồ cũng sốt sắng về quốc sự. Khi dạy học có giờ rảnh, lại hay nghị luận về chánh trị. Va thường tự kỳ mình là một người "tốt", rủ mấy tay danh nhân như bọn Thái Nguyên Bồi phát biểu một cái kế hoạch lập ra một cái chánh phủ "tốt". Nhưng mà chánh quyền nước Tàu bấy giờ về tay bọn quân phiệt cho nên cái kế hoạch của Hồ rốt lại thành ra không ăn thua chi.

Sau đó trong nước càng nhiều việc lôi thôi, Hồ lại lập ra một tờ báo gọi là Mỗi chu bình luận, chỉ trích những sự hư hỏng trong việc chánh trị, nhiều điều đúng đắn, nhưng bọn quân phiệt thấy vậy thì ghét lắm.

Chính trong lúc ấy ở Quảng Đông xảy ra việc chánh biến, Trần Quýnh Minh cử binh đánh Quan Âm Sơn, Tôn Trung Sơn phải chạy đi tránh nạn ở Bạch Nga Đàm. Bấy giờ bên Quốc Dân Đảng đều cho Trần là phản bạn, là phạm thượng; song có một mình Hồ lại nói khác, nói rằng việc Trần làm đó chẳng qua là một cuộc cách mạng mà thôi, ở dưới chánh thể dân chủ có cái phạm thượng là cái gì?

Cái câu Hồ nói đó chưa chắc là vô lý, song đã trái với Quốc Dân Đảng thì họ giận va lắm, hai bên bèn tuyệt quan hệ cùng nhau.

Kế đó Hồ có bịnh, thầy thuốc bảo phải nghỉ một năm. Va bèn giao báo Mỗi chu bình luận lại cho Cao Nhứt Hàm làm tiếp. Khi đó báo nầy nói năng lại xẵng hơn trước, làm cho Quốc Dân Đảng giận Hồ lung hơn dầu rằng va đã từ chức biên tập rồi.

Khi Hồ lành bịnh, Quốc Dân Đảng cũng hơi vượng lại, va muốn bỏ cả hiềm cũ, vào đảng lại để có hoạt động việc nầy việc khác. Không ngờ trong đảng họ còn căm, nhiều đường ngăn trở, thành ra Hồ không làm được việc gì.

Mới năm nay, khi Quốc Dân Quân đến Thượng Hải, chánh phủ thành phố mời hết thảy những người tai mắt đến đãi tiệc. Tiệc có Hồ dự. Giữa tiệc, nhiều người đứng lên diễn thuyết năm ba câu. Hồ, chừng như cho mình là một nhà triết học ngôn luận phải khác chúng mới được bèn đứng lên nói một cách sỗ sàng. Đại lược va nói rằng thành phố phải độc lập về đường chánh trị, không ở dưới quyền nào, không chịu mạng lịnh nào thì mới dễ mà mưu việc cải cách; bằng chẳng vậy thò ra bị đằng nầy câu thúc, bị đằng kia khiên chế, thì khó trông cho có ngày đổi mới được.

Va nói như vậy có gì lạ đâu, chẳng qua theo cái phép đô thị tự trị thì phải như vậy. Mới rồi các ông hội đồng quản hạt ta nói về việc tự trị của thành phố Vũng Tàu cũng nói như vậy mà có ai cãi? Cho nên khi Hồ nói xong thì có ý tự đắc.

Chẳng dè mấy viên Quốc Dân Đảng trong tiệc đó đều không bằng lòng, chừng họ chưa quên cái hờn cũ thì phải, nên họ kiếm chuyện gây. Hồ nói vừa dứt, liền có anh đứng dậy bẻ, bẻ rằng: Hiện bây giờ chúng ta "lấy đảng trị nước", quyền của đảng Quốc Dân phải cao hơn hết các quyền, phải giám đốc được cả các cơ quan. Nếu bảo rằng thành phố được độc lập, không ở dưới quyền nào, không chịu mạng lịnh nào, thế là phản đảng thế là phản cách mạng. Điều đó đem nói ở đâu thì còn được, chớ đem nói trước mặt các đảng viên Quốc Dân thì nghe ra không tiện lắm.

Hồ nghe xong, làm thinh, có ý hối, tan tiệc rồi, ra về, có thề với anh em thân rằng rày về sau không hề đặt miệng đến việc đảng và việc nước nữa. Song bên đảng Quốc Dân họ cũng không cần chi Hồ, nói thì nói, không nói thì thôi, mặc kệ.

Hồ với Thái Nguyên Bồi vẫn có cảm tình tốt với nhau, độ nầy Thái đương đắc quyền, nội bao nhiêu đồng chí với mình ngày trước, đều kéo ra để chia công việc với mình, mà chỉ bỏ sót mình Hồ, không dám đả động đến, là vì sợ mối ác cảm của bọn Quốc Dân Đảng.

Ở đời có dễ chi, trong đám người khá với nhau mà đã chếch bụng nhau thì cũng có khi xảy ra sự hãm hại như tiểu nhân được. Ai khôn thì giữ lấy! Từ bấy trở đi, Hồ ở luôn Thượng Hải, thường ngày lấy tửu sắc làm khuây. Người ta thấy Hồ nhiều khi đêm khuya, tuyết lạnh, mà va còn cắp một vài ả vào nhà hàng Tân Tân "hối thén" cho đến sáng. Anh hùng hào kiệt nhằm lúc bất đắc ý thường hay đâm ra như vậy đó. Như vậy mà yên thân. Thà chịu cái độc thủ của kẻ cường quyền, của bọn tiểu nhân; không thà chịu cái chó má của bạn đồng chí, của người quân tử!

Gần đây có tin Hồ về Quảng Tây làm thầy giáo trường Đại học ở đó. Nghe tin nầy, bọn lão hủ theo đóm ăn tàn trong Quốc Dân Đảng miền Nam cùng nhau lập mưu nầy chước nọ để cản trở. Thậm chí họ lập ra những hội nghị nầy hội nghị khác để đối phó việc Hồ về. Đồn vậy chớ Hồ có chắc chi chịu về, bọn nầy hớp tớp đối phó, chỉ tỏ ra cho thiên hạ biết cái bụng xấu của mình.

Thật ra thì họ dại nếu họ có lòng ái quốc thật. Họ rủ nhau chôn Hồ Thích chưa chắc được; mà chôn được thì là tổn hại cho cái văn hóa tương lai của nước Tàu nhiều lắm, họ có biết không?

C.D.

   




Chú thích

  1. Hồ Thích (1891-1962) học giả có ảnh lớn trong văn hóa Trung Hoa thế kỷ XX, qua Mỹ năm 1910, mới đầu học nông nghiệp ở Cornell University, sau đó (1915) đổi sang học văn chương (lấy Ph.D.) ở Columbia University, về nước năm 1918. Năm 1938 làm Đại sứ Trung Hoa ở Mỹ
  2. Quan hệ: như từ "quan trọng" thông dụng hiện nay
  3. Dân Quốc: chế độ chính trị được xác lập sau Cách mạng Tân Hợi 1911 ở Trung Quốc, với tên quốc gia là Trung Hoa Dân Quốc