Lĩnh Nam dật sử/Hậu biên/Hồi thứ XV

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

LĨNH-NAM DẬT-SỬ

Truyện Lý Tiểu-Hoàn và Hoàng Phùng-Ngọc

HỒI THỨ XV

Vì việc cấp, Mai tiểu-thư đành cam-tội,
Không nhịn được, Lý Tiểu-Hoàn phải khởi-binh.

Nay không kể chi đến những nông nỗi Mai tiểu-thư đem Hoàng Hán vượt qua trùng-vi đi đến núi Gia-quế cầu-cứu chi nữa. Chỉ nhắc lại chuyện khi trước Lý công-chúa cho Phù Hùng đến dinh quan Đốc-phủ xin quân, phải Súc Nục đánh cho một trận ngất đi gần chết. Sau Đặng Bưu hiến kế bảo cho người đi nói phao rằng giặc Thiên-mã sắp khởi-binh, để Súc Nục nghe thấy tin ấy, sợ quân giặc Thiên-mã thì phải cầu đến mình. Khi ấy Lý công-chúa cũng phải nghe kế ấy giục Đặng Bưu cứ việc mà làm; một đàng thời sai người đi đến tỉnh-thành để thám thính tin tức. Được hơn một tháng thời thám-mã chạy về báo rằng: « Nay quả thấy trại Thiên-mã đã khởi-binh xung-sát xuống núi; mà Súc Nục thời thân đem binh đến Triệu-khánh để nghênh-địch ». Lý công-chúa nghe tin ấy liền mời Đặng Bưu đến thương-nghị mà rằng:

— Nay trại Thiên-mã đã động binh, mà Súc Nục thì đem quân đi nghênh-địch, ta muốn khởi hết quân trại ta, vòng ra đàng sau trận quân giặc, để cùng với quan-quân cùng giáp-công, thúc-phụ nghĩ sao?

Đặng Bưu cười mà rằng:

— Quan-quân vốn là phường khiếp-nhược, gia dĩ Súc Nục lại là anh vô-mưu, không biết sâu hào cao lũy cứ giữ cho bền, để rồi từ-đồ xuất-kỳ chế-thắng mới được; nay vội đem quân đến Lục-bộ đóng đồn ở chỗ đất tứ-xung, tôi chắc là không đầy mười ngày tất là bại-hoại. Nếu đại-quân đã vỡ thì không còn ai có can-đảm gì cả, quân Thiên-mã tất là thừa-thắng tràng-khu, vào đến giáp tỉnh-thành, song tỉnh-thành cao sâu, đánh được không phải là dễ ta cứ đợi cho nó đánh thành mỏi-sức, rồi ta điều-binh khiển-tướng, thừa khi nó tàn-tệ mà đánh thời cái xỉ núi Ác kia có thể đánh một trận mà báo-thù được. Nếu như bây giờ đương lúc nhuệ-phong quân giặc còn đương mạnh, mà ta vội đem quân đến đánh, thời tổn hại rất nhiều, tiểu-tướng nghĩ là chưa nên. Xin Công-chúa hãy nhẫn-nại đợi ít ngày nữa mới phải.

Đặng Bưu nói rồi từ trở ra Lý công-chúa nghĩ cũng chột dạ về sự lầm lỡ khi trước phải quân Thiên-mã đánh thua, nên cũng phải nghe lời Đặng Bưu. Song hễ lúc nào Công-chúa nghĩ đến Phùng-Ngọc phải quân Thiên-mã làm cho chết thảm-hại, thời trong bụng lại thương đau, nước mắt ràn rụa, thấm ướt cả áo khăn. Một hôm mở hòm xét thấy những bài thơ đề vịnh của Phùng-Ngọc và cái tờ mạo-thư của Lưu Hạc-Linh, Công-chúa lại mở ra đọc, thời tự-nhiên lại nức nở khóc thất-thanh thương xót vô chừng. Hai tên thị-tì là Xuân-Hoa, Thu-Nguyệt chạy đến khuyên giải trăm triều, Công-chúa mới dựa gối nằm nghỉ. Trong lúc mơ màng chợt nghe tiếng địch véo von thê-thảm, sực tỉnh giấc nồng, trong bụng bâng khuâng vơ vẩn, ngồi trong phòng một mình, nghĩ vơ nghĩ vẩn rồi chạy đến trước án, thấy một tờ giấy hoa-tiên bèn cầm bút đề rằng:

Giở mảnh vân-tiên giọt lệ đầm,
Những rầu đa-bện nảnh sầu ngâm.
Véo von tiếng địch đâu bay tới,
Thêm ngán tình xưa nỗi xót thầm!

Công-chúa đề rồi, ngâm qua một lượt, lại càng buồn bã, vứt bút đứng dậy, dời bước ra ngoài lan-phòng rồi đi đến hiên sau để xem thử là ai thổi sáo. Khi đến trước hiên trông ra thì là hai tên tì-nữ: Xuân-Hoa, Thu-Nguyệt vì thấy Công-chúa suốt ngày thương khóc, trong bụng vẫn thường áy-náy, vừa thấy Công-chúa ngủ yên, hai tên tì-nữ bèn sẽ bước ra ngoài hiên đứng dưới cây bích-đào giải-muộn, chợt thấy trước hiên treo cái ngọc-địch. Xuân-Hoa bèn lấy xuống bảo Thu-Nguyệt rằng:

— Em thử hát lên mấy câu, để chị thổi sáo này hòa theo chơi một lúc giải buồn nên chăng?

Thu-Nguyệt nói:

— Ừ, hòa chơi một lát cũng hay!

Nói rồi, hai người tì-nữ, bèn cùng nhau kẻ xướng người họa theo dịp hòa ca Lý công-cha bước ra trông thấy sợ làm cụt mất hứng-thú của hai tên tì-nữ, lại sẽ trở gót vào phòng. Cứ y theo cách-điệu của hai tên tì-nữ hát mà làm ra một trăm bài ca để tự tiêu-khiển. Những bài thi-ca ấy điệu-cách công-xảo, hứng thú thê-lương, khác nào: Rạng đông gặp buổi trời mưa, tơ tình trăm mối ngẩn ngơ bên lòng! Đầm đìa cành lựu rủ bông, giọt châu lã chã khóc cùng cùng ai? Lửa lòng như cháy khôn vùi, kể sao xiết nỗi ngậm ngùi tấm thương! Ấy những giọng ca thâm-tình diễm-ngữ như thế, không thể kể xiết được, nay dịch thử hai bài như sau này:

I

Chàng đi đâu vắng tiết trời đông,
Lửa lạnh hương tàn bếp bỏ không.
Xiết nỗi đêm trường khi tuyết giá,
Lò than nửa để khói tro xông.

II

Mùi cam bóc vỏ ngọt vì ai?
Nỗi đắng cay này dễ đã nguôi!
Đầu tóc cũng không buồn chải chuốt.
Bạn uyên đâu vắng nhớ nhung hoài!

Một hôm, Công-chúa đem những bài thi-ca ấy cho Xuân-Hoa, Thu-Nguyệt hát, Xuân-Hoa theo dịp thổi sáo, Thu-Nguyệt thời lên giọng hát một hồi. Xuân-Hoa sẽ liếc mắt nhìn thấy Công-chúa ngồi dựa cái ghế ỷ, đôi dòng nước mắt đằm đìa. Xuân-Hoa cầm cái ngọc-địch ném xuống dưới thềm vỡ tan ra. Công-chúa chùi nước mắt, hỏi rằng:

— Xuân-Hoa sao lại giận gì với cái địch thế hử?

Xuân-Hoa nói:

— Ý chúng tôi thổi sáo là muốn giải buồn cho Công-chúa, nay càng thổi sáo thời Công-chúa lại càng buồn còn thổi làm gì nữa.

Công-chúa sẽ úy-lạo mà rằng:

— Đó là tự tại bụng ta thương đau, chớ không phải nghe thổi sáo mà buồn.

Xuân-Hoa khóc mà rằng:

— Công-chúa được bao nhiêu tinh thần, mà cứ ngày đêm thương khóc như vậy, thì còn gì nữa. Vả Công-chúa không tiếc gì mình, lại không thương đến lão phu-nhân ư?

Xuân-Hoa nói rồi, nước mắt rỏ ròng ròng. Thu-Nguyệt cũng khóc. Công-chúa liền dắt hai tên thị-tì lại gần lấy tay vỗ vào lưng mà bảo rằng:

— Ta không phải là không biết thế đâu, song ta thương tình không thể cầm lòng đậu, thôi từ nay ta cũng nghe lời hai ngươi mà nén bớt mối sầu đi.

Hai tên tì-nữ lau nước mắt mà tạ rằng:

— Công-chúa nếu từ nay nén bớt lòng thương đau đi, thời không những hai chúng con được nhờ ơn, cả đến lão phu-nhân cùng các hàng chư-tướng đều được nhờ ơn Công-chúa cả.

Thật là:

Nọ phải nhiều lời khuyên chủ biết,
Chỉ đem thương mẹ gợi lòng thơ.

Nói về Phù phu-nhân vì con Đặng Bưu đầy tháng, nên Đặng Bưu mời phu-nhân đến núi Ngọc-nhị ở chơi bảy tám ngày, nhưng phu-nhân vẫn áy-náy về Công-chúa không yên lòng, cố ý muốn cáo-từ trở về. Song mẹ con Đặng phu-nhân cố nài mời ở chơi lại mà rằng:

— Bên ấy với bên này cũng thế, xin mời tẩu-tẩu hãy ở chơi lại tối nguyên-tiêu này rồi hãy về.

Phù phu-nhân nói:

— Thím không biết con bé nhà tôi nó thương nhớ Hoàng-lang, suốt ngày thương khóc, tôi đã ở chơi đây bảy tám ngày không biết ở nhà nó ra thế nào, tôi phải về xem nó mới được.

Đặng phu-nhân thấy nói như vậy mới để cho Phù phu-nhân trở về

Khi Phù phu-nhân trở về vào đến nhà trong, liền chạy vào trước phòng Công-chúa thấy Xuân-Hoa Thu-Nguyệt hai tên tì-nữ đương ở ngoài trước thềm bắt bươm-bướm chơi. Phu-nhân liền hỏi rằng:

— Chẳng hay Công-chúa ở đâu?

Hai tên tì-nữ thấy phu-nhân đã trở về vội vàng cúi đầu mà thưa rằng:

— Công-chúa tôi đang ở trong phòng nằm nghỉ.

Phù phu-nhân sai cuốn rèm châu, bước vào phòng xem, thấy Công-chúa đang nằm dựa ghế thiu-thiu ngủ, hoa-dung gầy-gùa, vẻ mặt xanh nhợt. Phu-nhân cả kinh liền bước đến ôm lấy Công-chúa khóc mà rằng:

— Con ơi! sao con hình-thể gầy-gùa làm vậy. con phải biết rằng mẹ già chỉ trông về có một con, con nghĩ sao nén bớt tình thương, để cho mẹ mong nhờ về thân con, cớ sao con cứ liều tính-mệnh con đi, mà thương đau đến nỗi gầy cả người đi như vậy?

Phu-nhân nói rồi, ẵm Công-chúa vào trong lòng, vừa khóc vừa vỗ-về khuyên-giải mãi. Công-chúa cũng khóc mà rằng:

— Thương thay cho Hoàng-lang chết một nỗi thảm-cực, nên con cực chẳng đã, đau lòng như cắt mà thôi.

Mẹ con đương ở trong phòng khóc lóc, chợt có tin báo: Hoàng Hán là đầy tớ Hoàng Phùng-Ngọc mới trở về. Công-chúa nghe nói vội vàng dắt tay Phù phu-nhân chạy ra ngoài tiền-đường thời Hoàng Hán đã vào đến nơi. Công-chúa trông thấy Hoàng Hán, tự-nhiên động lòng khóc oà lên. Hoàng Hán cũng khóc. Khóc rồi, Hoàng Hán cúi lạy phu-nhân và Công chúa, rồi đứng ra một bên. Công-chúa hỏi:

— Ngươi trốn lại đây được từ bao giờ?

Hoàng Hán nói:

— Hồi tháng một năm ngoái, tôi ở trại Thiên-mã cùng với Mai tiểu thư đi đến thôn Mai-hoa để tìm Hoàng tướng-công...

Công-chúa vừa nghe nói, giật mình mà rằng:

— Hoàng tướng-công nhà ngươi đã chết thảm-hại ở trại Thiên-mã rồi, sao ngươi lại còn đến thôn Mai-hoa mà tìm nữa?

Hoàng Hán nói:

— Tướng-công tôi có can gì mà chết bao giờ.

Công-chúa ngơ-ngác mà rằng:

— Tháng tám năm ngoái, tướng-công nhà ngươi có sai người biểu-huynh Lưu Hạc-Linh cầm thư đến đây báo tin rằng phải quân giặc nó độc-ác đập đánh thảm-cực nguy chết đến nơi. Sau ta tại trận-tiền lại nghe thấy quân tặc-nô Gia-Cát Đồng bảo rằng vì tại Hoàng lang chịu phải độc-hình uất-tức lên mà chết, tin ấy có lẽ lại không đích thực hay sao?

Hoàng Hán nói:

— Thực không có việc ấy bao giờ.

Công-chúa liền sai người đến trại Đặng Bưu gọi Lưu Hạc Linh, thời đã trốn đi từ bao giờ rồi Công chúa mới biết thư trước là giả-mạo, liền đổi buồn làm vui mà rằng:

— Chẳng hay Hoàng-lang không chết, sao không về đây mà lại về thôn Mai-hoa?

Hoàng Hán bèn thuật chuyện lại mà rằng:

— Khi Hoàng tướng-công tôi bị vây ở núi Vân-thổ, không thể trốn ra được, nên tiểu-nô phải khuyên Hoàng tướng-công tạm kết thân với Mai tiểu-thư để cho thoát nạn. Sau Hoàng tướng-công tôi nghe tin Mai Anh dụ Công-chúa đến giết chết, Hoàng tướng-công tôi nghe tin ấy chỉ muốn tự vẫn mà chết theo. Tướng-công tôi có viết hai cái phong thư gọi tôi đến dặn rằng; Hễ sau khi tướng-công chết, thì tiểu-nô phải đem hai phong thư ấy đưa về cho Trương tiểu-thư và Trương thái công mà từ-biệt, Tướng-công tôi dặn bảo như thế, rồi bèn lẻn ra đàng vách đá sau núi để gieo mình.

Hoàng Hán nói đến đấy bèn dờ vào trong mình lấy hai phong thư đưa ra. Công-chúa liền mở cái thư đưa cho Trương tiểu-thư ra xem, thì thấy trong thư nói mấy câu rằng: « không chịu để nhơ thân mình, nhất định không chịu kết-hôn với quân giặc vân vân. » còn ở đoạn dưới đều là những lời: thương tiếc Công chúa vì mình mà chết, thời ư nghĩa mình không nên sống mà ư tình cũng không nỡ sống lấy một mình, phải nên chết theo Công chúa ở dưới suối vàng vân vân. Đoạn thư ấy nói nhiều lời chua xót, không ai nỡ đọc hết. Công-chúa đọc chưa xong, hạt châu đôi hàng giọt dài giọt ngắn rơi lã-chã. Đọc xong, òa lên khóc mà rằng:

— Nói như thế này thì Hoàng-lang đã đi đời rồi còn gì nữa!

Hoàng Hán vội vàng gạt đi mà rằng:

— Không, tiểu-nô cứu lại được

Công-chúa nói:

— Sao mày lại cứu được?

Hoàng Hán mới thuật-chuyện lại mà rằng:

— Khi Hoàng tướng-công tôi lẻn đi gieo mình, tôi hiền mách cho Mai tiểu-thư biết, tiểu-thư vội vàng chạy ra cứu ngay được; Mai tiểu-thư phải hủy mình xin lỗi với Hoàng tướng công, ngày hôm sau Hoàng tướng-công tôi yêu-cầu phải đi thu-liệm lấy hài cốt Công-chúa, nên Mai Anh bèn cùng với tướng-công tôi đi đến núi Nha-cốc, tìm được hài-cốt người con gái áo đỏ đem liệm thân xong, chọn lấy đất ở núi Cẩm-thạch để mai-táng, rồi xây đắp thành phần-mộ cực cao, làm lễ tế chiêu-hồn, tế xong tướng-công tôi thừa đêm hôm ấy trốn đi.

Công-chúa nghe đến đó bất-giác lại vui vẻ mà hỏi rằng:

— Sau này ra thế nào nữa?

Hoàng Hán lại thuật-chuyện lại mà rằng:

— Khi Hoàng tướng-công tôi trốn đi rồi, thời Mai tiểu-thư bèn cải-trang đi tìm tướng-công, hễ tìm được tướng-công tôi thì định cùng về Trình-hương để phụng-dưỡng ông bà Hoàng thái-công, vì tiểu-thư chắc rằng tướng-công tôi vẫn tin là Công-chúa đã chết rồi, thì tướng-công tôi tất về thôn Mai-hoa, nên Mai tiểu-thư cũng đem một nghìn vàng và tên tiểu-bộc cùng với Hoàng Thông đi đến thôn Mai-hoa. Không ngờ rằng nhà Trương tiểu-thư ở đó về hồi tháng ba năm trước phải tên Hà Túc-Tượng ở Huệ-châu đem dẫn quân giặc Hỏa-đái đến cướp phá bắt cả nhà Trương tiểu-thư đi mất; khi tướng-công tôi đến nơi thấy tình cảnh như thế, ai là chẳng tức, bèn cùng với cậu em Trương tiểu-thư là Trương Chí-Long đến cửa quan Đốc-phủ để thưa kiện. Quan Đốc-phủ nào có biết đâu rằng tướng-công tôi đã kết thân với Công-chúa, chỉ cứ một mực bảo tướng-công tôi giao-kết với quân mán trại Gia-quế để mưu làm phản-ngịch, đem tướng-công tôi tra tấn mãi phải chiêu-xưng, rồi kết thành án phản-nghịch, mà giam vào trong nhà ngục để hậu-trảm.

Công-chúa hốt-nhiên cả giận mà rằng:

— Thằng giặc Súc Nục này, mấy lần nó trêu ta, nay nó lại dám như thế à!

Liền hỏi lại Hoàng Hán mà rằng:

— Ngươi đã thám-thính được đích thực không?

Hoàng Hán nói:

— Trước kia trại Thiên-mã có sai Trần Long đi thám-thính, khi đến nơi có gặp Hoàng Thông ở ngoài cửa nhà ngục-thất nói tớưng-công tôi có nhắn lời ra cầu-cứu Mai tiểu-thư. Mai tiểu-thư bèn đại-khởi binh-mã, nào là phá Triệu-khánh, vây tỉnh-thành, sau bị thua phải khốn ở núi Bạch-vân; tiểu-nô bèn khuyên Mai tiểu-thư đi đến cầu-cứu với Công-chúa đem binh đi giải vây để cứu lấy tướng-công tôi. hiện Mai tiểu-thư chực ở ngoài viên môn, cúi xin Công-chúa phát-binh cứu-viện lấy cho.

Lý công-chúa nghe thấy nói Mai tiểu-thư đến đó, liền dựng đôi lông mày lên không nói gì cả, vào thẳng ngay trong phòng, mặc ngay mũ áo cẩm-bào ngự-tứ, truyền-lịnh cho quân đao-phủ thính hậu. Vụt chốc tiếng vàn-bản rung động, nổi hiệu ba tiếng súng, rồi bát-âm chuông trống nổi lên rước Công-chúa thăng ngự công-đường; khi ấy trên thềm dưới thềm đều dạ ầm lên một tiếng như trời long đất lở, tả hữu đã bày hàng ra như kiếm-thụ đao-sơn. Hoàng Hán thấy cái cảnh-tượng cử-động như thế, sợ mướt mồ hôi bèn đi theo ra để xem sự-thể thế nào. Thời thấy Công-chúa lấy một lá cờ lịnh giao cho một viên tướng-hiệu mà bảo rằng

— Ra bắt cổ con đố-phụ vào đây!

Viên tướng-hiệu ấy dạ ầm lên một tiếng vang như sấm, chạy ra ngoài viên-môn áp giải Mai tiểu-thư vào. Lý công-chúa trông thấy Mai tiểu-thư tự lấy dây chạc trói vào mình, trên lưng lại giắt một cành gai để chịu tội, bước vào quị ở trước thềm, Công-chúa cả giận thét lên rằng:

— Ta với mày trước kia không có thù-hằn gì, mà ngày nay cũng không có oan nghiệt gì, sao mày dám hạ độc-kế định lừa ta để giết; làm hại danh-tướng ta, tàn quân lính ta, thì tội mày đáng như thế nào?

Mai tiểu-thư không đáp lại sao. Lý công-chúa thét quân đao-phủ mà rằng:

— Lôi con kia ra ngoài cửa đem vằm chém đi cho tao!

Tả-hữu dạ rầm lên một tiếng, quân đao-phủ đã điệu Mai tiểu-thư ra ngoài cửa viên-môn. Hoàng Hán thất-kinh vội gọi lại mà rằng:

— Hỡi đao-phủ! xin hãy hoãn lại đừng điệu người ấy ra chém vội.

Nói xong, Hoàng Hán liền chạy đến quì ở trước mặt Công-chúa lạy rập đầu mà rằng:

— Bẩm lạy Công-chúa, Công-chúa không muốn cứu cho Hoàng tướng-công tôi hay sao?

Công-chúa nói:

— Sao ta lại không cứu!

Hoàng Hán nói:

— Công-chúa nếu muốn cứu cho tướng-công tôi, thời không nên giết Mai tiểu-thư.

Công-chúa nói:

— Ta cứu Hoàng-lang, không phải cần đến con đố-phụ ấy làm chi!

Hoàng Hán nói:

— Không được, nay binh-lực toàn-tỉnh hợp cả lại một nơi; Công-chúa nếu tha tội cho Mai tiểu-thư cùng họp binh lại mà đánh thời mới dễ. Nhược bằng giết Mai tiểu-thư mà không cứu cho binh tướng tiểu-thư; thời binh-mã trại Thiên-mã tất đến bại-hoại, binh trại Thiên-mã đã tan, thời một mình cô-quân của Công-chúa sao hay chống lại quân cả toàn tỉnh được?

Công-chúa nói:

— Con Mai-tì này là đảng giặc, ta chém đầu con tặc-tì này là để chuộc tội cho Hoàng-lang, không cần phải đánh chác gì mà cũng có thể cứu được.

Hoàng Hán nói:

— Tôi nghe Súc Nục chỉ vì thua trận Lệ-pha, căm giận Công-chúa mà giận lây đến cả tướng-công tôi, nay tướng-công tôi mà bị tù là bởi tại Công-chúa, chớ không phải bởi tại Mai tiểu-thư, Công-chúa dẫu chém Mai tiểu-thư, có thể chuộc được tội cho tướng-công tôi đâu?

Đặng Bưu can rằng:

— Tội Mai tiểu-thư dẫu đáng giết, nhưng nàng đã đội gai chịu tội, giết đi cũng bất-võ, thà rằng tha đi là phải.

Phù Hùng cũng can mà rằng:

— Công-chúa đã qui-mệnh với triều-đình, có phụ gì Súc Nục, thế mà nó cứ hay gợi việc để gây hấn-khích với mình. Trước kia tiểu-tướng phụng-mệnh Công-chúa, đến nói với hắn để tá-binh, binh đã không cho mượn mà nó lại đè tiểu-tướng ra đánh cực độc ác, nào có phải đánh tiểu-tướng đâu, chẳng qua là nó đánh gửi cho Công-chúa đó; quân tiểu-nhân này không dụng oai thời không khuất-phục được nó. Gì bằng nghe lời Hoàng Hán, cứu cho binh tướng nhà họ Mai, mà đả-sát cho nó một trận, để cho nó biết quân trại Gia-quế ta không phải là vừa đâu.

Chư-tướng nghe nói đồng-thanh mà rằng:

— Lời Phù tướng-quân nói rất phải!

Lý công-chúa nguyên chỉ giận Mai tiểu-thư vô-cố lập-mưu lừa định giết mình, nếu không có tiên-nữ báo mộng, Kim-Anh chết thay, thời mình cũng chẳng thoát được nào; bây giờ thấy Mai tiểu-thư đến đây, thì tài nào mà chẳng giận. Nay thấy chư-tướng đều đồng-tâm nói cứu-giải cho-nàng, thời cũng phải y theo mà rằng:

— Chư vị tướng-quân đều nói như vậy, thời ta hãy tha cho tính-mệnh con tặc-tì này.

Hoàng Hán nghe nói mừng quá, cũng chẳng đợi lệnh Công-chúa truyền tha, liền chạy vội chạy vàng ra ngoài viên-môn, cởi trói cho Mai tiểu-thư rồi đưa vào quị ở trước án, Mai tiểu-thư khóc mà rằng:

— Thiếp đắc-tội với Công-chúa, kể ra chết cũng đáng tội, Công-chúa dẫu giết thiếp, thiếp cũng không dám oán điều gì, nhưng chỉ mong Công-chúa sớm sớm phát binh để cứu lấy Hoàng-lang.

Công-chúa nói:

— Cứ như ta thời không xá cho mày được, nhưng ta nể mặt chư-tướng, hãy tha cho mày lần này, từ đây về sau phải đồng-tâm đồng-đức với ta cùng thờ Hoàng-lang, chớ sinh lòng phản-trắc.

Công-chúa nói rồi liền sai thị-tỳ đưa Mai tiểu-thư vào hậu-đường thay áo cho ra tương-kiến. Mai tiểu-thư khấu đầu đứng dậy theo thị-tỳ đi vào hậu-đường. Phù phu-nhân tiếp-kiến liền sai Xuân-Hoa lấy cái áo lụa vàng và cái áo đại-hồng-bào của Công-chúa cho Mai tiểu-thư thay mặc. Lý công-chúa truyền-lịnh giải-phóng các tướng-sĩ rồi bước vào. Mai tiểu-thư xin mời Phù phu-nhân lên ngồi để bái-kiến mà rằng;

— Mai Ánh-Tuyết này bồ côi từ thuở bé, nay trông thấy phu-nhân như trông thấy mẹ tôi, vậy xin kính-bái phu-nhân làm mẹ, cúi xin phu-nhân chớ trối từ.

Mai tiểu-thư nói rồi liền khúm núm sắp lạy bốn lạy. Phù phu-nhân trông thấy Mai tiểu-thư phong-lưu yểu-điệu, sinh lòng yêu mến, lại càng thêm nể thêm vì mười phân, nay lại thấy nàng nhận làm mẹ con, mừng rỡ khôn xiết, nên phu-nhân cũng đứng dựa bên ghế ỷ chịu nhận hai lạy. Mai tiểu-thư lạy rồi. quay mình mời Công-chúa đứng lại bên tả, rồi cùng vái chào gọi nhau bằng chị em. Phù phu-nhân liền truyền tả-hữu bày yến tiệc khoản đãi. Thực là:

Thù xưa rũ sạch một nhà vui,
Áo chiến thay ra mặc áo mùi.
Rượu chuốc đầy vơi xuân bát ngát,
Đàn ca như giãi tấm lòng nguôi.

Ngày hôm sau, Mai tiểu-thư đối Lý công-chúa khóc mà rằng:

— Em tôi là Mai Anh đương bị vây ở núi Bạch-vân, lương-thảo đã hết, cúi xin thư-thư sớm phát binh-mã để giải-cứu cho.

Lý công-chúa nói:

— Hiền-muội chớ lo, để ta thương-nghị với chư-tướng, rồi sẽ phát binh ngay lập tức!

Mai tiểu-thư đứng dậy cảm-tạ. Lý công-chúa bèn cho mời Đặng Bưu, Phù Hùng đến để thương-nghị khởi-binh. Đặng Bưu nói:

— Nay Tả-tiễu, Tư-hán hai trại từ khi Phù Ly, Phùng Lực-Mộc hai tướng mất đi rồi, quân-sĩ đến nay cũng chưa có ai thống-suất; xin Công-chúa tuyển lấy người trí-dũng kiêm-toàn thống-lĩnh lấy hai trại quân ấy cho làm tiên-phong.

Công-chúa bèn sai Đặng Bưu truyền lịnh cho mười trại tướng-quân đến ngày mai phải tề-tựu giáo-trường thao-luyện để tuyển lấy tướng tiên-phong đi đánh Súc Nục, để cứu lấy Hoàng tướng-công, quân-sĩ nghe lịnh ấy đều hoan-hô dũng-rược. Chí kỳ, Lý công-chúa cùng Mai tiểu-thư đều mặc nhung-trang vào bái-từ Phù phu-nhân rồi ra giáo-trường. Chư-tướng nghênh tiếp rước lên tướng-đài. Lý công-chúa ngồi trên, Mai tiểu-thư ngồi bên cạnh, tấu nhạc một hồi, rồi nổi hiệu ba hồi trống. Khi ấy trong giáo-trường có đến hơn hai mươi vạn binh-mã, mà không có một người nào dám nghiêng đầu ghé tai thì-thầm động đậy, chạy chỗ nọ ra chỗ kia, coi hình như yên-lặng không có một người nào vậy. Công-chúa bèn truyền-lịnh, nổi hiệu súng khai diễn-trường. Thời thấy: trận bày bát-phương. cờ chia ngũ-sắc; hàng giáo khắp đất, bóng xí rợp trời; phấp phới mây bay cờ bắc-khảm, lập loè dáng tỏ tượng nam-ly; ngoan-ngu không phải đá Giang-lăng, hùng-võ thực là quân Gia-quế. Khi diễn tập thời đứng ngồi có phép, lên lui phải đường, khôi-giáp tiên-minh, sang-đao tề-chỉnh, Mai tiểu-thư trông thấy như thế trong bụng kinh hãi nghĩ thầm rằng: « Lý công-chúa thật là một vị kỳ-nữ-tử! có thế mới phải là phép dụng-binh, chớ như quân trại Thiên-mã ta, thật là như trò trẻ con vậy. » Mai tiểu-thư đương nghĩ khen thầm như vậy, thì nghe thấy một tiếng súng nổ, thao-diễn vừa xong. Quân-sĩ đều kéo về hàng-ngũ. Phù Hùng bước lên thưa rằng:

— Xin Công-chúa truyền-lịnh cho thi đấu-võ, để tuyển lấy tướng tiên-phong.

Công-chúa liền truyền-lịnh: Một là phải bắn trúng luôn ba phát; hai là phải cất nổi được nghìn cân; ba là võ-nghệ phải siêu-quần, ba điều ấy đều được cả, mới cho làm tướng tiên-phong. Quân-lịnh ấy mới truyền ra, thời thấy một tướng tế ngựa ra trước tướng-đài, rồi xoay đầu ngựa quay về hướng nam. giương cung lắp tên, liền bắn ra ba phát đều trúng hồng-tâm cả. Lý công-chúa trông ra thì là bộ tướng của Phù Hùng tên là Giả Kỳ. Khi bắn xong rồi liền nhẩy xuống ngựa, sắn áo chạy đến đống đá, cầm lấy một tảng đá lớn ước chừng nghìn cân, cất bổng lên như không, hồi lâu mới buông xuống, chư-tướng đều reo lên khen ngợi. Tướng ấy lại cầm lấy cây bát-xà-mâu, nhẩy tót lên mình ngựa, chạy quanh trong giáo-trường diễu múa một hồi, rồi chạy đến trước tướng-đài lĩnh lấy cờ tiên-phong. Chợt đâu trong đội quân cờ xanh một tướng nhẩy ngựa ra thét lên rằng:

— Giả tướng-quân hãy để ấn tiên-phong ấy nhường cho ta đã!

Lý công-chúa trông ra thì là bộ-tướng của Phù Ly là Đan Dũng chạy ra trước giáo-trường vừa tế ngựa vừa bắn luôn ra ba phát trúng cả hồng-tâm; rồi liền nhẩy xuống ngựa, cầm lấy đôi cây ngân-giản nặng tới 60 cân, vung tròn lên múa, lúc mới múa thời như con ngân-long uyên-diên vẫy vùng trên mặt bể; rồi sau như con ngọc-mãng lượn sóng, chỉ nghe thấy tiếng kêu vù vù, múa nhanh đến nỗi không trông thấy mình người đâu cả, chỉ trông thấy vành bóng sáng như vành mặt trăng. Ba quân đều reo lên khen nức nở, cả đến Mai tiểu-thư cũng nức nở khen thầm là người ấy múa cực giỏi. Đan Dũng múa xong cũng liền sắn tay áo chạy đến bên hòn đá xách phăng lên như chơi, chạy vòng quanh trước tam-quân mà hô lên rằng:

— Dũng-lực như thế này có đáng làm tiên-phong không!

Ba quân đều lắc đầu lè lưỡi phục là tài. Cả đến Mai tiểu-thư cũng kinh sợ khiếp người đi. Đan Dũng xách chạy khắp ba vòng rồi đưa hòn đá tung lên cao hơn một trượng; lúc rơi xuống đánh huỵch một cái, lõm sâu vào đất hơn một thước. Lý công-chúa cả mừng, truyền lấy ấn tiên-phong đem lại. Đan Dũng giơ tay sắp sửa nhận lấy. Thời chợt thấy một ngựa tế lại, như là một đóa thái-vân bay vào trong giáo-trường, khi tế đến tướng-đài thì liền xuống ngựa bước lên đài bái kiến. Lý công-chúa trông ra thì là con gái Đặng Bưu tên là Nguyệt-Nga mới 16 tuổi thực là: miệng tươi như nụ anh-đào, lưng nhỏ như cành dương-liễu, Lý công-chúa hỏi:

— Chẳng hay em tới đây có việc chi vậy?

Nguyệt-Nga cười mà rằng:

— Em nghe thấy Công-chúa mở trường thi võ-nghệ, nên em cũng ra đây để xin thi.

Công-chúa nói:

— Chị độ này bận việc lắm, nên ít lâu nay không được đua thi với hiền-muội, hôm nay hiền-muội đến đây, lại vừa có Mai tiểu-thư và chư-tướng đông đủ cả, hiền-muội thử diễn-võ chơi thử một hồi xem cũng vui.

Nguyệt-Nga nói:

— Đây là Mai tiểu-thư có phải không?

Công-chúa nói:

— Phải đó.

Nguyệt-Nga và Mai tiểu-thư hai nàng liền thi-lễ chào hỏi nhau.

Nguyệt-Nga lại hỏi rằng:

— Chẳng hay Công-chúa cho chư-tướng thi những võ-nghệ gì?

Công-chúa nói:

— Trước nhất cho thi bắn, rồi thứ hai thi xách tạ, thứ ba đến thi múa đao.

Nguyệt-Nga cười mà rằng:

— Thi bắn tên thì làm trò gì, vả Công-chúa cũng không phải là khai-khoa thi-sĩ, cần gì phải thi xách tạ múa đao.

Công-chúa nói:

— Chẳng hay hiền-muội ý-kiến thế nào?

Nguyệt-Nga nói:

— Như ý ngu-muội, thì hôm nay chỉ cầu tuyển lấy tướng tiên-phong, ngày mai phải đi đánh giặc ngay, thế mà thi xách tạ múa đao thì có dùng làm trò gì được. Gì bằng gọi chư-tướng ra đây cùng với tiểu-muội đấu-kiếm, nếu ai địch nổi tiểu-muội thì được làm tiên-phong mới là thực-tài.

Công-chúa nói:

— Giỏi nghề sang-kiếm có phải vừa đâu, hiền-muội chớ nên nói khoác vội.

Nguyệt-Nga cười mà rằng:

— Cũng gọi là ngứa nghề đôi chút, nào dám khoe khoang gì đâu!

Công-chúa cười mà rằng;

— À, hiền-muội đã có gan như thế, thời cho Đan tướng-quân ra đấu kiếm với hiền-muội xem thử nào.

Nguyệt-Nga nói:

— Chẳng hay Công-chúa đã tuyển trúng được mấy vị tướng-quân.

Công-chúa nói:

— Đã tuyển được Đan tướng-quân và Giả tướng-quân hai người.

Nguyệt-Nga nói:

— Xin cho cả hai tướng ra đối địch với một mình tôi xem thử nào.

Công-chúa nói:

— Đã thế thời hiền-muội phải nên cẩn-thận mới được.

Nguyệt-Nga nói:

— Có sợ chi mà ngại.

Nguyệt Nga nói rồi liền chạy đến trước tướng-đài nhảy tót lên yên ngựa, rút ngay đôi thanh kiếm ra, phi ngựa chạy ra giữa giáo-trường. Giả Kỳ thấy vậy thét lên một tiếng, vung cây trượng bát-xà-mâu, nhằm vào giữa bụng Nguyệt Nga toan đâm cho một mũi. Nguyệt-Nga không hoang mang gì cả, cứ hai đùi cắp vững lấy yên ngựa, vung đôi kiếm ra gạt ngọn xà-mâu đi. Đan Dũng cũng chạy ra thét lên một tiếng, cầm đôi cây ngân-giản múa lên như con bạch-mãng xuyên-ba, chục sấn vào đàng sau đâm lại. Nguyệt-Nga liền đưa mũi kiếm lại giao-nghênh Khi ấy ba ngựa đều quây quần một chỗ, Lý công-chúa thấy một mình Nguyệt-Nga địch hai viên dũng-tướng, mà không hoang mang chút nào, trong bụng cả mừng, liền dắt tay Mai tiểu-thư, sai thị-nữ lấy kim-giao-ỷ đặt ở bên dưới nguyệt-đài cho Mai tiểu-thư ngồi. Hai nàng xem cuộc giao-đấu đương kịch-liệt, chợt thấy Nguyệt-Nga quay ngựa chạy lại bên dưới tướng-đài, hai tướng không tha đều sấn lại đuổi theo. Nguyệt-Nga liền quay đầu ngựa lại, vung đôi thanh kiếm ra sáng quắc như một đạo hồng-quang. Lý công-chúa và Mai tiểu-thư liền đứng dậy xem thì thấy một tướng ngã lăn xuống ngựa. Nguyệt-Nga đứng trên mình ngựa nhẩy tót lên trên tướng-đài cao hơn chín thước, đứng ngay trước mặt Công-chúa. Mai tiểu-thư thấy vậy ngả nghiêng vỗ tay cả cười. Nguyên là Nguyệt-Nga vốn mộ tài Tiền phu-nhân có may thành một bộ lưới gấm, đã tập-luyện được thành thuộc vẫn buộc ở bên mình. Khi ấy Nguyệt-Nga thấy đánh không nổi hai tướng, bèn giả cách chạy; hai tướng đuổi theo, nàng liền quay ngựa lại, vung lưới gấm ra chụp vào đầu. Giả Kỳ không kịp đề-phòng bị lưới gấm chụp phải, lúng túng như ếch vào siếc ngã lăn xuống ngựa. Ba quân đều reo cười ầm cả lên như sấm. Lý công-chúa sợ Giả Kỳ hổ thẹn, liền gọi hai tướng lại trước đài, thăng cho Giả Kỳ làm Tư-hán-quan Tiễu-tổng; Đan Dũng làm Tả tiễu-tổng, cho Đặng Bưu làm tiên-phong, Nguyệt-Nga làm phó tiên-phong, đem năm vạn binh đi trước. Lại cho Bàn Ma-La, Mã Tán làm tả hữu hộ-vệ; Đan Dũng. Giả Kỳ làm hợp-hậu; Công-chúa tự thống-suất đại-binh mười lăm vạn, lập tức ngày hôm ấy phát hiệu súng khởi-hành. Còn các tướng-sĩ khác đều giao cho Phù Hùng ở lại thủ trại. Thực là:

Tì-hưu đội chỉnh theo hàng kiếm,
Hổ-báo hồn kinh nép bóng cờ.