Bước tới nội dung

Lĩnh Nam dật sử/Hậu biên/Hồi thứ XXII

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

HỒI THỨ XXII

Chém Thiết Ngưu, Quí-Nhi vạch mẹo,
Thi hiệu-lịnh, Lam Năng đặt quan.

Quí-Nhi và Kim-Liên đương ngủ ở trong gác, chợt thấy Lam Năng cho người vào gọi, gõ cửa cần-cấp, không biết là việc gì. Hai người cả kinh, vội vàng thức dậy. Kim-Liên nói:

— Chị hãy cứ ở đây, để tôi nói chuyện với Lam Năng, rồi sẽ cho người vào đón. Chị có đến chỗ ông bà nếu có nói rõ sự thực, thì phải dặn kỹ chớ nên tiết-lộ. Vạn-nhất mà tiết-lộ ra thời tai-vạ không vừa đâu!

Kim-Liên dặn xong rồi, vội-vàng đi trở vào nhà trong, bảo tiểu-tì mở cửa cho tên lâu-la vào. Kim-Liên hỏi rằng:

— Chẳng hay đại-vương gọi ta có việc chi vậy?

Tên lâu-la bẩm rằng:

— Hôm qua nhân Giang đại-vương có sai người đem biếu một con cá chép, sớm hôm nay truyền nhà bếp đã làm thành gỏi cá, nên đại-vương sai tôi vào mời tiểu-thư cùng ra nếm gỏi.

Kim-Liên nghe nói mới đành lòng khỏi kinh-nghi, liền quở mắng rằng:

— Thế tưởng gì, chỉ gọi ra ăn gỏi mà mày làm om-xòm cả lên thế này, thôi lui ra ngay!

Tên lâu-la vâng dạ mà bước lui ra. Kim-Liên liền gọi thị-tì thắng ngựa cưỡi ra đến trước trại vào yết-kiến. Lam Năng hỏi rằng:

— Chẳng hay con đã bày mẹo gì làm khuất-phục được Hoàng Quí-Nhi chưa?

Kim-Liên cười mà rằng:

— Con có sai đứa tiểu-tì ra dỗ bảo hắn, hắn nói chỉ sợ tài-mạo con tầm-thường, nên mới trối-từ đấy thôi. Sau bị con ra cho một đề-mục để khảo thơ, hắn phải đảo-áp, nay hắn đã kinh phục rồi.

Lam Năng nghe nói vỗ tay cả cười mà rằng:

— Phải lắm! Y tưởng rằng cha là lũ thô-lỗ cả, không biết gì đến văn-chương, nên y mới coi khinh trong trại ta là vô-nhân. Nay con ta hay làm đảo-áp được y phải chịu, thời lại càng thêm nổi cái oai-phong cho cha.

Kim-Liên nói:

— Cái tài văn-chương kim-tế của y thật giỏi, trong trại ta thiếu y không được. Nay y đã phục-tùng, nên lấy lễ đón tiếp y ra mới phải.

Lam Năng nói:

— Con ta nói phải đó.

Liền sai Tự Cúc đến vườn hoa đón rước Quí-Nhi ra. Quí-Nhi vào yết-kiến, lạy cúi đầu phục-tội. Lam Năng cả cười đỡ dậy mà rằng:

— Vua tôi ta đều lầm lỗi cả, có tội gì mà tạ.

Liền mời Quí-Nhi lưu ở trong trại khoản-đãi, lại sai người đưa đĩa cá gỏi đem biếu ông bà Hoàng thái-công. Quí-Nhi từ-tạ lui ra mật nói cho bố mẹ chồng biết. Tư-trai lẳng lặng mừng thầm.

Ngày hôm sau, Lam Năng sai người đến cùng với Tư-trai nói chuyện kết-thân, chọn ngày cát-nhật, dự bị bày tiệc, sai Diệp Thiên đến đón rước Quí-Nhi. Quí-Nhi khi ấy đội mũ ô-sa, mặc áo hồng bào, đi vào trong trại. Bên trong thì thị-nữ quây vòng rước một nàng phấn-trang ngọc-sức là Kim-Liên đi ra, trước lạy thiên-địa, sau lạy Lam Năng, đàn sáo rập-rình, đưa hai người tiến vào loan-phòng. Tướng-sĩ trong trại đều khen ngợi mà rằng:

— Đôi vợ chồng này thực là tốt đôi, dẫu kén khắp thiên-hạ cũng không được đôi nào như thế!

Lam Năng cả mừng, thân ra khoản-đãi tướng-sĩ yến ẩm, dẫu không nem công chả phượng, chỉ là thịt ngàn trâu, rượu vạn hũ, hoan hô sướng-ẩm, uống mãi đến say ngả-nghiêng ra mới tan về. Ngày hôm sau, những các tướng-súy ở Nam-lĩnh, Tân-điền, Miêu-mi nghe tin đều đến mừng rỡ. Lam Năng đều khoản-đãi tử-tế. bày tiệc uống đến hơn 10 ngày mới thôi. Quí-Nhi và Kim-Liên hai người giả-cách làm ra bộ hiếu-thuận, sớm tối hầu-hạ thăm nom, làm cho Lam Năng thỏa lòng vui vẻ. Quí-Nhi lại đem Kim-Liên đến tả-trại yết kiến bố mẹ chồng. Tư-trai trông thấy Kim-Liên làn thu thủy nét xuân-sơn, người thanh như cúc, vẻ đặm như lan, rất lấy làm mừng. Kim Liên lại mời cả bố mẹ chồng vào ở trong hoa-viên, để tiện phụng-dưỡng. Tư-trai nói:

— Phải nên thưa trước với đại-vương sẽ hay.

Kim Liên nói:

— Con đã thưa qua rồi.

Tư-trai bèn cùng với Sa-thị dọn cả vào ở trong hoa-viên. Thời thấy: Vườn hoa mát mẻ, ao nước trong veo; cành xuân mưa nhuận, bông đào tươi chen với cành đào non; nước suối gương trong, ngó sen đỏ lẫn cùng mầm sen trắng; trên cành hợp-hoan, véo-von chim tị-dực; dưới hoa tịnh-đế, gắng gỏi khúc đồng-tâm. Tư-trai thấy cảnh vườn hoa như thế, rất lấy làm mừng, mới yên-tâm tạm-trụ ở đó.

Lam Năng từ khi được Quí-Nhi, suốt ngày cùng y đàm-luận. Một hôm Lam Năng đương ở trong trại cùng với Kim-Liên chương nghị, sắp sai người lên tỉnh mua vóc đoạn để đem về cho Quí-Nhi cắt áo mùa rét. Chợt thấy tên lâu-la chạy vào báo rằng:

— Quan Trung-trấn là Hoàng Nhượng có sai người đem năm trăm lạng vàng đến để chuộc hài-cốt của cha, khi đi qua Phụng-hoàng-cương bị chủ trại Trần Thiết-Ngưu cướp mất.

Lam Năng nghe báo cả giận, nhẩy thét lên như sấm, lập tức điểm lấy một vạn quân lâu-la và các kiện-tướng là: Diệp Thiên, Hoàng Doãn, Tần Vinh kéo thẳng đến núi Phụng-hoàng. Trần Thiết-Ngưu nguyên có tám viên đại-tướng đều là tay kiêu-dũng thiện-chiến. Tựu-trung có hai viên tướng: Một tên là Liêu Đắc, một tên là Lai Đắc, lại hùng-kiện hơn cả. Lai Đắc tự hiệu là Phi-thiên ngô-công, hay đứng ở trên mình ngựa múa thanh đại-đao nặng ba trăm cân, xưa nay vẫn tự cậy là khỏe, vốn không hiệp với Lam Năng. Nay cướp được vàng của Lam Năng, chắc rằng thế nào y cũng lại đánh để tranh lấy Trần Thiết-Ngưu bèn họp các tướng sĩ lại thương-nghị mà rằng:

— Nay chúng ta cướp giật được vàng của Lam Năng, Lam Năng tất nó không chịu nào. Nếu quân hắn kéo đến, chẳng hay các ngươi có diệu-kế gì không? Để giết cho nó một mảnh giáp không còn, thời ý ta mới thỏa.

Liêu Đắc nói:

— Dưới núi Phụng-hoàng ta đây chỉ có nơi Lão-bình là tiện, Lam Năng kéo đến hẳn là đóng quân ở đó. Đại-vương nên sai người đào hầm ở trong chôn làm bảy nơi địa-lôi-phục rồi lấp kín đi, đợi cho khi quân Lam Năng nó đến đông, người ngựa ngủ yên, rồi đốt lửa cho nó phát lên. Đại-vương thì đem binh ở ngoài xung-sát, nó tất phải tháo chạy, lũ chúng tôi thì đi ra mai-phục các con đường nó chạy về, đột-khởi lên đánh chặn ngang đường, như thế thì Lam Năng khá giết được hẳn.

Thiết-Ngưu cả mừng, liền sai Liêu Đắc đi thiết-phục đâu đấy, rồi ngả cờ lặng trống nghiêm-chỉnh để đợi. Được vài hôm, Lam Năng quả đem binh mã đến núi Phụng-hoàng, tịnh không thấy một người một ngựa nào cả. Lam Năng bèn truyền quân-sĩ lên núi phá cửa ải. Song núi cao như bích-lập, cửa ải vững bền, đánh phá suốt một ngày, chẳng khác gì như chầy rơm đấm chuông, chẳng ăn thua gì cả. Khi ấy trời đã tối, Lam Năng bèn đem quân đến Lão-bình đóng trại, đều cổi yên bỏ giáp mà nằm, ngủ đến nửa đêm, nghe thấy một tiếng địa-lôi nổ đánh đùng một cái, trong trại bốc lửa lên đùng đùng. Quân-sĩ kêu ầm cả lên. Lam Năng vội vàng trở dậy, truyền quân-sĩ không được ồn-ào. Tiếng kêu chưa rứt, lại thấy tiếng đùng-đùng nổi lên như sấm, sáu cái địa-lôi đều đồng-thời nổ tung lên, ngọn lửa bốc lên ngất trời nào phòng nào trướng đều cháy hết cả: quân-sĩ đều bị sém đầu bỏng trán ôm đầu chạy trốn. Lam Năng rẽ lửa chạy xông ra vội vàng vấp ngã xuống đất, liền chống tay đứng dậy, giơ tay xờ lên mặt xem thì thấy râu mày cháy sạch hết cả. Đương lúc hoang-mang lại nghe thấy trên núi có tiếng pháo nổ. Trần Thiết-Ngưu đem binh xung-sát ra đánh chặn đường, chỉ nghe tiếng thét rầm lên rằng: « Bắt cho được Lam Năng đừng có để cho nó trốn thoát đó! » Lam Năng nghe tiếng thét cứ cắm đầu nhảy chạy trốn. Chạy đến sáng rõ lại nghe tiếng súng nổ, phục-binh bốn mặt nổi lên, vây bọc Lam Năng vào giữa vòng vây. Lam Năng vội vàng giật được một thanh gươm của quân-sĩ, đánh bộ được một lúc lâu, gần đến lúc nguy-cấp, chợi đâu một tướng ở đàng sau xông lại, trông ra là Hoàng Doãn. Lam Năng kêu lên rằng:

— Tướng-quân cứu tôi với!

Hoàng Doãn liền giật lấy con ngựa của tướng thủ-hạ đưa cho Lam Năng cưỡi, rồi liền hăng-hái đánh xông ra, trông về Sái-đầu mà chạy trốn.

Tin bại-trận báo về đến Sái-đầu. Quí-Nhi liền đem chư-tướng ra tiếp-rước Lam Năng vào trong trại. Các tướng-sĩ đều lục-tục kéo về dần, khi điểm-soát lại binh tướng, thì chia ba mất đến hai phần. Lam Năng tức giận đến nỗi phải trợn mắt nghiến răng, chư-tướng khuyên-giải mãi một hồi lâu rồi mới trở vào trại sau.

Kim-Liên thấy cái bộ dạng Lam Năng bị cháy như thế, bèn làm ra bộ thân-phận con gái chạy đến trước ôm lấy Lam Năng cả khóc. Lam Năng úy-lạo mà rằng:

— Thôi con chớ khóc, cha dẫu phải nó đốt cháy cả râu mày, nhưng không có thương-hại gì cả.

Kim-Liên bèn chùi nước mắt, vội-vàng sai người bày tiệc uống rượu để giải phiền cho Lam Năng. Qua độ và ngày, Lam Năng lại muốn dấy quân đi đánh báo thù. Kim-Liên nói:

— Hoàng-lang có mưu-kế rất rộng, nên mời y ra thương-nghị

Lam Năng nói:

— Những việc xung-sát này chỉ cậy về đầu thương ngọn giáo y sao hay hiểu được.

Kim-Liên nói:

— Cha lại không biết đấy ư: Tiểu-Phạm lão-tử ngày xưa, mưu tính trong bụng bằng mấy trăm vạn giáp-binh, đừng có coi thường người học trò mới được, phải nên mời y ra bàn tính là hơn.

Lam Năng nghe lời bèn sai người mời Quí-Nhi ra để vấn-kế. Quí-Nhi nói:

— Binh pháp rằng: « Mưu tính có sâu-xa mới được chớ mưu tính nông nổi không được. » Trận đánh mới rồi mà nhạc-phụ bị thua là tại mưu-tính nông-nổi đó thôi. Tôi nghe núi Phụng-hoàng bích-lập nguy-nga, một người thủ hiểm, thì muôn người đều chịu cả. Quân nó nếu đánh mà được thì quân ta không có đường nào mà chạy; quân ta đánh mà được, thì quân nó lại lui lên núi thủ-hiểm. Nếu ta mà đóng đồn giữ lâu ở chỗ ấy, thời nó thừa khi quân ta trễ biếng, nó mở cửa ra đánh mặt trước, lại sai quân chẹn mặt sau, dẫu có người trí-mưu cũng không thể chống lại được. Nhạc-phụ nếu nghe theo kế của tiểu-tế này, thời lấy đầu Trần Thiết-Ngưu, chẳng khác gì như thò vào túi mà lấy đồ-vật đó thôi.

Lam Năng nghe nói vừa kinh vừa mừng mà rằng:

— Chẳng hay hiền-tế bày mưu-kế gì vậy?

Quí-Nhi nói:

— Lần này phải dùng cái kế điệu-hổ ly-sơn như thế.... mới xong, nhạc-phụ thử nghĩ xem có diệu không?

Lam Năng vỗ tay cả cười mà rằng:

— Đích-thị diệu-kế! diệu-kế!

Liền cho gọi Diệp Thiên và mấy người tướng-hiệu tâm-phúc vào dặn bảo mật-kế như thế... Diệp Thiên trở ra nói phao lên rằng: « Lam đại-vương bị Trần đại-vương dụng hỏa-dược đốt cháy xuýt nguy, đêm hôm trước hỏa-độc phát lên, thổ huyết hàng đấu, hôn-mê bất tỉnh nhân-sự, không biết có sống được không! » Lời nói ấy truyền ra, một người truyền mười, mười người truyền trăm; lúc mới còn ở trước trại sau trại, nghiêng đầu ghé tai nói thì-thầm với nhau. Cách vài ngày hôm sau, cả đến trên núi dưới núi đều rộn rịp bàn nói đến việc ấy, không đầy mấy ngày truyền đến tai Trần Thiết-Ngưu. Cho hay những tiếng đồn xa, bay đi như gió thực là nhanh thay!

Cách khoảng mấy hôm sau, Diệp Thiên lại truyền lịnh ra đòi tất cả các chánh phó đầu-lĩnh phải vào hầu trước giường Lam đại-vương để nghe lời dặn bảo. Các tướng-lĩnh nghe lịnh truyền đều đến chực trước phòng Lam Năng, trông thấy Lam Năng nằm trên một cái ghế ỷ, có năm ba người đàn bà đứng hầu vòng quanh, Lam Năng thì che khăn lên đầu tựa ghế mà nằm, đờm máu đầy đất, tanh hôi xông xặc lên người. Các tướng-tá đến gần trước ghế vấn-an. Lam Năng giả cách rền-rĩ, nói không ra hơi, chỉ thấy hàm hồ nói mấy tiếng không hiểu là nói gì. Một người đàn bà nói truyền ra rằng: « Đại-vương tuyền các tướng-tá không ai được vào gần, chỉ cho Diệp đầu-lĩnh vào gần, để đại-vương dặn bảo. » Diệp Thiên vội vàng tiến bước vào, lắng tai nghe một hồi, rồi trở ra bảo với chư-tướng rằng:

— Đại-vương truyền rằng hiện nay đại-vương ruột nóng như cào, không thể sống lâu ở đời để cùng với chư-tướng họp mặt được. Vậy có lịnh truyền cho lập Hoàng quí-lang làm đại-tổng, ngày mai các người phải đến trước trại mà lạy mừng, nghe theo hiệu-lịnh y truyền-phán để báo-cừu cho đại-vương. Nay hãy cho lui ra cả.

Chúng tướng nghe nói, đều lấy làm kinh-ngạc. Khi ra đến ngoài trước trại, đều đến bàn với lũ Hoàng Doãn mà rằng:

— Nếu đại-vương ta mà chết, thời nên theo lệ cũ, tế cờ rồi chọn lập người làm đại-tổng. Nay Hoàng quí-lang là người nào, mà lại muốn làm hoại mất cả qui-tắc cũ của trại ta, dám chuyên tự thụ-lập.

Hoàng Doãn nói:

— Lũ các ngươi hãy nên nghe theo hiệu-lịnh y, chửa chắc Lam đại-vương đã chết hẳn hay chưa, nếu không nghe lời dặn bảo, vạn-nhất đại-vương không chết, Hoàng-lang thường ở bên cạnh tai đại-vương, chỉ nói bịa-đặt thêm cho mấy câu, chẳng lại thêm chuyện ra ư!

Chúng tướng đều bảo rằng phải, đều nghe theo cả. Ngày hôm sau, chư-tướng đều họp cả ở trước trại để nghênh-tiếp Quí-Nhi. Quí-Nhi đến nơi vào ngồi ngôi cao nhất trong trại, chúng tướng đều vào tham-bái xong. Quí-Nhi sai lấy sổ sách để điểm xét những người đầu-mục chức-sắc trong các tổng cho tiện khi điều khiển. Tả hữu đem dâng sổ lên, đều sai gọi tên điểm qua một lượt. Khi gọi đến một tên Tổng cờ là Tống Tín, không thấy người nào thưa. Tả hữu bèn gọi to lên, có người quen với Tống Tín bước lên thưa rằng:

— Tống Tín hôm nay bị đau ở nhà.

Quí-Nhi nói:

— Hằng năm mấy nghìn vạn ngày chẳng ốm, mà giữa ngày hôm nay lại ốm, hẳn là khinh-mạn ta, mà không tuân theo lời dặn bảo của Lam đại-vương đó. Quân đâu! Đem lá cờ lịnh đi bắt ngay lập-tức ra đây cho ta hỏi!

Tả hữu nghe gọi dạ lên một tiếng liền lĩnh mệnh đi như bay, bắt điệu Tống Tín đến quì ở trước án. Quí-Nhi cả giận mà rằng:

— Sao ngươi dám khinh-mạn ta?

Tống Tín khấu-đầu mà rằng:

— Chúng con thật quả có bệnh.

Quí-Nhi nói:

— Ta xem bộ mặt ngươi không phải là bộ mặt ốm. Ta mới làm đại-tổng, mà ngươi dám mạn như thế, không lấy đầu mày đi thì sao hay phục được kẻ khác. Quân đâu! Điệu nó ra chém phăng đi cho ta!

Lũ Diệp Thiên nghe tin liền chạy lại quì xuống xin hộ cho mà rằng:

— Hôm nay là ngày mừng quí-chức, nếu đem giết người thì không lợi. Xin quí-chức xá cho.

Quí-Nhi nói:

— Ta nể có chư-tướng xin cho, hãy tha cho mày một lưỡi đao này. Quân đâu! Đem đập cho nó ba mươi roi!

Tả hữu liền nọc Tống Tín lột áo ra, đánh cho ba chục roi. Tống Tín bị đánh thâm-tím cả mình, thổ cả huyết tươi ra. Quí-Nhi vẫn còn chửa nguôi giận, sai đem trói ở dưới cột cờ, để ngày mai lại đánh. Tả hữu liền đem ra trói ở ngoài. Quí-Nhi mới lui vào dinh trong. Chư-tướng lui ra về đều mang lòng tức giận Đến nửa đêm, Diệp Thiên sai người sẽ cổi trói cho Tống Tín đưa vào trong trại. Diệp Thiên rỏ nước mắt mà rằng:

— Không ngờ Hoàng-lang mới lên làm đại-tổng, đã không lấy cách nhân-đạo mà đãi anh em mình, dám đè hiền-đệ ra mà đánh một cách độc ác như thế!

Tống Tín vái tạ mà thưa rằng:

— Tiểu đệ không nhờ được các anh cứu hộ cho, thì đã hóa ra con ma không đầu mất rồi, còn gì là đời nữa.

Tống Tín nói rồi cả khóc. Chợt báo có Hoàng đầu-lĩnh đến chơi. Diệp Thiên vội-vàng ra đón tiếp vào. Hoàng Doãn trông thấy Tống Tín cả mừng mà rằng:

— Tôi lại đây là định bàn-tính với Diệp-huynh để cứu lấy hiền-đệ, nay đã cứu gỡ ra đây rồi thì may lắm. Chỉ giận cho Hoàng Quí-Nhi dám ỷ-thế Lam đại-vương mà làm càn-dỡ như vậy, khắp cả người trên núi dưới núi đều không phục cả. Chúng ta nên nhân đêm hôm nay hẹn ước cả mọi người, đem giết quách Lam đại-vương và Hoàng Quí-Nhi đi, rồi cùng chọn mà công-cử lấy một người làm đại-tổng, hai ông thử nghĩ thế nào?

Diệp Thiên nói:

— Không nên, Lam đại-vương còn nhiều người tâm-phúc, vạn-nhất mà không thành sự, thời tai-vạ không vừa đâu. Gì bằng nhân đêm hôm nay mật đưa Tống-huynh xuống núi để sang phi-báo Trần đại-vương, bảo y nên nhân lúc bệnh-thế Lam đại-vương nguy-cấp, đem hết cả binh trại sang đánh. Tôi với anh thời mật-ước với mọi người làm nội-ứng ở trong, rồi mở cửa ra nghênh-tiếp quân Trần đại-vương, như thế thời thực là thiện-sách.

Hoàng Doãn gật đầu mà rằng:

— Kế ấy rất hay! Tống-huynh nếu đi thoát, ngày mai lại khỏi nó đánh đập. Nhưng việc này không nên chậm trễ, phải khởi-hành ngay đi mới được.

Tống Tín nghe lời vái tạ. Diệp Thiên liền sắp một con khoái-mã cho Tống Tín cưỡi, Hoàng và Diệp hai người thân đưa xuống núi, đinh-ninh dặn dò rồi mới tương-biệt.

Tống Tín thâu đêm hôm ấy đi đến núi Phụng-hoàng, vào yết-kiến Thiết-Ngưu, quì xuống đất, cất tiếng cả khóc. Thiết-Ngưu hỏi rằng:

— Ngươi là người nào?

Tống Tín thưa:

— Tôi là tổng-cờ trại Sái-đầu tên là Tống Tín.

Tống Tín bèn đem những chuyện bị đánh vừa rồi thuật hết cả ra và cổi lưng phô cho Thiết-Ngưu xem, nói rồi liền lạy rập đầu chảy máu mà rằng:

— Cúi xin đại-vương tốc-khởi hùng-binh để vì chúng tôi báo thù. Vả ở trong đã có Diệp, Hoàng hai người đầu-lĩnh đã ước-định với mọi người làm nội-ứng, để chậm sợ tiết-lộ ra chăng.

Tống Tín nói rồi lại khóc. Nguyên Trần Thiết-Ngưu trước đã nghe tin Lam Năng bị cháy bỏng sắp chết, đã sai người đi thám-thính chưa về, bèn bảo Tống Tín rằng:

— Ngươi hãy lui ra một lát nữa ta sẽ liệu.

Tống Tín nghe lời phải lui ra, một lát, thám-tử trở về. Thiết-Ngưu kíp gọi vào hỏi. Thám-tử nói:

— Hiện thám được tin rằng Lam Năng sắp chết, có di-mệnh lập con rể là Hoàng Quí-Nhi làm đại-tổng, chúng đều không phục. Vả Quí-Nhi lại chuyên quyền oai-phúc, khắp các trại trên trại dưới đều tức giận bất-bình cả.

Thiết-Ngưu lại hỏi:

— Mày có nghe được chuyện ngươi Tống Tín bị đánh có thực không?

Thám-tử thưa:

— Thưa có nghe được chuyện có người bị đánh, nhưng không dò hỏi được đích họ tên người ấy là ai.

Thiết Ngưu cả mừng, họp chư-tướng lại thương-nghị, chỉ lưu quân lão-nhược lại vài nghìn để giữ trại. còn thời khởi hết quân tinh dũng đem theo Tống Tín đi kéo thẳng đến trại Sái-đầu. Khi đến trước núi, chỉ thấy trên núi vắng ngắt tịch không có một người nào. Thiết-Ngưu trong bụng đã nghi ngờ, hỏi Tống Tín rằng:

— Ngươi nói có Diệp đầu-lĩnh mở cửa ải ra ứng tiếp, sao không thấy động-tĩnh gì cả là làm sao?

Tống Tín nói:

— Để tôi đến trước ải gọi y ra tương-kiến.

Nói rồi liền phi ngựa đến dưới cửa ải gọi to lên rằng:

— Xin mời Diệp đầu-lĩnh ra hỏi chuyện.

Gọi chưa rứt tiếng, thời liền nghe một tiếng pháo nổ, tinh-kỳ phút dựng cả lên. Diệp Thiên tới ra trước ải hỏi rằng:

— Ngươi gọi ta có việc chi đó?

Tống Tín nói:

— Đêm hôm trước ước-định, nay Trần đại-vương đã đem quân đến đó, xin đầu-lĩnh mau mau ra mở cửa.

Diệp Thiên nói:

— Hắn đã đến đó à, bảo hắn đi tiến lên.

Tống Tín cả mừng, vội vàng quay ngựa lại bảo Thiết-Ngưu rằng:

— Diệp đầu-lĩnh cho mời đại-vương tiến lên.

Thiết-Ngưu mừng thầm, liền đem chư-tướng phi ngựa tiến đến trước ải, trông thấy Diệp Thiên, liền giơ tay lên bảo rằng:

— Tôi được lời đầu-lĩnh cho bảo, đã đem đại-quân đến đó rồi.

Diệp Thiên cả giận mà rằng:

— Mày dám dùng quỉ-kế lừa dối đại-vương ta, nay lại dám đem quân đến đây, thật là khả-ố lắm.

Nói rồi, liền giương cung lắp tên, nhằm giữa Thiết-Ngưu bắn ra một phát. Thiết-Ngưu thấy sự nguy cấp, liền quay ngựa trở lại, thời bị tên trúng phải trên vai, xuýt nữa ngã ngựa. Khi chạy đến trước trận, trông thấy Tống Tín, trong bụng cả giận liền giơ đao chém phăng Tống Tín ra làm hai đoạn, kíp truyền quân-sĩ kéo lui. Khi ấy lại nghe một tiếng súng nổ, bên tả thời Tần Vinh, bên hữu thời Hoàng Doãn, đem binh sấn lại. Thiết-Ngưu kíp truyền Liêu Đắc, Lai Đắc hai tướng chia ra hai ngả nghênh-địch. Chợt lại nghe thấy trên ải súng nổ, Diệp Thiên đem quân ra xung-sát, tên bắn như mưa. Thiết-Ngưu kíp đem các tướng đánh xông ra. Nhưng vì tướng sĩ của Lam Năng người nào cũng điều dũng-mãnh, hăng-hái tức giận, liều chết chẳng nghĩ gì cả, cứ xông ra đánh, không thể ai ngăn được. Thiết-Ngưu tuy là dũng-mãnh. nhưng trên vai đã bị mũi tên, tay đã hơi ngượng, nên phải bại trận mà chạy. Diệp Thiên đuổi theo kíp lắm, truyền quân-sĩ gọi lên rằng « Bắt cho được đừng để chạy thoát. » Lai Đắc, Liêu Đắc hai tướng nghe tin trung-quân đã bại-trận, bèn bỏ Hoàng, Tần hai tướng, liền lần đi tìm Thiết-Ngưu hợp sức lại đánh vượt ra ngoài trùng-vi. Khi hồi-cố lại thì tám tướng chỉ còn có bốn tướng, quân-sĩ chết mất đến quá nửa. Đương lúc vội vàng chạy tháo lại nghe một tiếng súng nổ, bên sau núi lại có một toán quân xông ra, một tướng phi ngựa múa đao thét lên rằng:

— Lại Triệu-Minh chực ở đây đã lâu, ngươi sao chạy thoát được!

Thiết-Ngưu cả kinh, hô bốn tướng xông lên cự chiến, đánh nhau được mươi hợp, thời đàng mặt sau lũ Hoàng Doãn đã đuổi theo lên kịp bổ vây tứ phía. Lai Đắc kêu to lên rằng:

— Xin Đại-vương cứ theo tôi đây mà xông ra.

Lai Đắc hết sức đánh ra một đường huyết lộ, để cứu đem Thiết Ngưu ra, chạy được độ hơn hai mươi dặm, tiếng reo đuổi đã cách xa, ngảnh lại hỏi các tướng-sĩ thì chỉ còn Liêu, Lai hai tướng. Thiết-Ngưu cả khóc.

Lai Đắc khuyên-giải mà rằng:

— Nay may đã thoát khỏi trùng-vi, xin hãy trở về sơn-trại, rồi sẽ từ-đồ chỉnh-đốn đem quân-mã đi báo thù.

Nói rồi, thâu đêm hôm ấy chạy về núi Phụng-hoàng. Khi chạy về đến trước cửa ải, toan muốn tế ngựa lên núi, chợt đâu một tiếng súng nổ, có một tướng nhẩy ra thét lên một tiếng như sấm vang núi động, đem bốn năm trăm quân đao-phủ từ trong cửa ải xung-sát xông ra mà rằng:

— Sào huyệt ngươi đã bị ta chiếm được rồi!

Thiết-Ngưu kíp trông nhận ra thì là Lam Năng, sợ run cả chân tay, lui chạy không kịp, liền bị Lam Năng vung đao ra chém phăng mất cánh tay bên hữu, nghiêng mình ngã lăn xuống ngựa. Quân-sĩ chạy lên trói ngay Thiết-Ngưu lại. Lai Đắc, Liêu Đắc đều xông ngựa lại đánh. Nhưng địch sao được Lam Năng sức như mãnh-hổ; đánh nhau được mươi hiệp, Liêu Đắc liền phải một đao chém phăng làm hai đoạn. Lai Đắc liền quay ngựa tháo chạy vòng qua đến đầu núi. không ngờ gặp phải Hoàng Doãn, Hoàng Doãn xông ngựa lên vật Lai Đắc ném quăng xuống đất. Quân-sĩ liền trói Lai Đắc lại. Lam Năng cả mừng, liền dẫn quân kéo lên sơn-trại, mở toang kho tàng ra lấy tiền-bạc của Thiết-Ngưu đi cướp được trong mấy năm đem thưởng hết cho tướng sĩ, còn năm trăm lạng bạc vừa cướp lấy mới rồi vẫn còn nguyên-phong. Chư-tướng đêm hôm ấy ngủ ở trại núi Phụng-hoàng Hôm sau, đem điệu Thiết-Ngưu và Lai Đắc đóng xiềng xích cả lại. rồi thu binh giải về sơn-trại. Khi kéo quân về đến cửa ải, Lam Năng trông thấy Quí-Nhi ra đón rước vội vàng cùng chư-tướng xuống ngựa bước lên cầm tay Quí-Nhi mà rằng:

— Hiền-tế mưu chước thật là thần diệu, dẫu Gia-Cát Khổng-minh cũng không bằng!

Chư-tướng hết thẩy đều bái-phục. Quí-Nhi nói:

— Đó đều là nhờ sức hùng-dũng của nhạc-phụ và chư-tướng mới thành-công được như thế, chớ như tiểu-tế thì có kể chi.

Chư-tướng thấy Quí-nhi có ý khiêm-nhường, lại càng thêm kính-trọng. Khi về đến trong trại, bày ra tiệc yến ăn mừng. Rượu uống được và tuần, thời tả-hữu điệu giải Thiết-Ngưu, Lai Đắc vào. Lai Đắc đứng sững ra không chịu quì. Lam Năng cả giận mà rằng:

— Tên tặc-nô kia đã điệu đến đó. sao còn không chịu quì làm vậy?

Thiết-Ngưu cũng mắng rằng:

— Chỉ mình ta là giặc, còn ngươi thậm-tệ biết mấy, lại không phải là giặc hay sao?

Lam Năng cả giận đoái trông tả hữu mà rằng:

— Quân đâu, điệu nó ra mà chém phăng đi cho ta!

Thiết-Ngưu cũng thét lên rằng:

— Chém thì chém đi khích-nộ làm chi nữa.

Tả hữu liền đem giải ra ngoài viên-môn, bắt Lai Đắc quị-xuống để chém. Lai Đắc kêu trời lên một tiếng cực to, rồi vung tay lên thì xiềng xích đứt cả, lại dậm chân xuống một cái thì cùm chân cũng toang ra cả, liền cướp giật lấy một con dao, chạy xông đi chực giết người. Tả hữu cả kinh, vội vàng chạy vào báo trong trại. Hoàng Doãn nghe tin vội-vàng bước dảo ra xem, trông thấy Lai Đắc đứt tung cả xích phá toang cả cùm, đương hung-hăng chực giết người. Hoàng Doãn nhẩy xông ra đấm ngay cho một quả thụi vào giữa ngực ngã lăn xuống đất, liền giật lấy con dao; vung chém toạc đầu ra. Lai Đắc trong cổ họng hãy còn hậm-hực. Hoàng Doãn xoay mình lại trông thấy Thiết-Ngưu còn bị trói ngồi ở bên kia mắng chửi, Hoàng Doãn cả giận, nhẩy sấn lại chém phăng làm hai đoạn.

Lam Năng đã giết được Thiết-Ngưu rồi, trong bụng cả mừng, cất chén rượu mời Quí-Nhi mà rằng:

— Nay Thiết-Ngưu đã chết rồi, ta không lo gì nữa.

Quí-Nhi nói:

— Nào đã là hết lo đâu. Xưa kia ông Khổng-tử có nói rằng: « Danh không chính thì nói không thuận, nói không thuận thì việc không thành. » Thế cho nên các hào-kiệt đời xưa sắp làm việc lớn, tất phải thống về nhất-tôn, rồi sau thi-hành hiệu-lịnh mới dễ, chẳng khác gì như thân mình sai khiến cánh tay. cánh tay sai khiến ngón tay, đều như ý cả Nay các tướng ở Tam-đô chỗ nọ xưng đại-vương, chỗ kia cũng xưng đại-vương. thế là danh bất-chính đó, danh đã không chính, thì tất là không chịu nhau, khi hoãn cấp không cứu nhau, lúc lợi hại không đỡ nhau, nếu gặp phải ông quan trung-thành ra coi việc, đem quân đến hỏi tội, thì tất là tan nát bại-hoại, thúc-thủ mà chịu chết, thế đã chắc là khỏi lo rồi hay chưa? Đại-vương muốn không lo thì trước nhất phải chính danh-phận, danh-phận đã chính thời quyền mới thu cả về mình, hễ người nào theo mệnh-lệnh thời ta có quyền thưởng, người nào không theo mệnh lệnh thì ta có quyền phạt, như thế thời người ta đều mến đức mà sợ oai phải cẩn theo mệnh-lệnh cả. Nếu đem binh dân ấy đi đánh đâu, thời thiên-hạ ai còn địch được, có phải chỉ khỏi lo mà thôi đâu.

Lam Năng nghe nói đến đó trong bụng ngứa ngáy lên vội hỏi rằng:

— Tôi là người thô-lỗ không hiểu thế nào là chính-danh, đều nhờ hiền-tế dạy bảo cho cả.

Quí-Nhi nói:

— Nay nên đặt Sái-đầu làm Vĩnh-an-đô, nơi chính-trại làm Vĩnh-an-cung, tôn đại-vương làm Vĩnh-an-vương; còn các danh-hiệu chư-tướng đều bỏ cả các tên xấu ngày trước như gọi là: Đại-tổng, Đô-tổng, Mãn-đầu, Thác-đầu. Nay đều nên châm-chước quan-chế cổ kim, tùy-tài mà bổ-nhiệm, hễ có công thì được thăng, có tội thì phải giáng, để khiến cho người biết tôn-ti, biết trên dưới, biết vinh-nhục, làm cho thành qui-mô thời nghiệp bá-vương mới định được.

Lam Năng cả mừng mà rằng:

— Nhờ hiền-tế vì ta mà làm cho thành việc.

Quí-Nhi nói:

— Xin để cho tiểu-tế cùng bàn với chư-tướng châm-chước thỏa-đáng, rồi sẽ điều-trần tiến-lãm.

Quí-Nhi nói rồi cáo-từ lui ra, họp chư-tướng thương-nghị, định chế ra áo cổn mũ miện, xiêm gấm hốt ngà. và sắp sửa lễ nghi, chọn ngày tế-cáo thiên-địa. rước Lam Năng lên điện, chư-tướng đều vào bái tạ chúc mừng, tôn Lam Năng làm Vĩnh-an-vương Trấn-quốc đại-tướng-quân Tổng-đốc tam-bộ đại-nguyên-súy.

Lý Kỳ làm Tả-thừa-tướng kiêm-lý Hộ-bộ Thượng-thư.

Trương Dịch làm Hữu-thừa-tướng kiêm-lý Binh-bộ thượng-thư.

Tần Vinh làm Tả-phiêu-kỵ tướng-quân.

Diệp Thiên làm Hữu-phiêu-kỵ tướng-quân.

Lại Triệu-Minh làm Long-nhương tướng-quân.

Hoàng Doãn làm Hổ-dực tướng-quân.

Lam Khuê làm Hàn-lâm-viện-học-sĩ.

Từ Tử-Tân làm Hành-nhân-ty.

Hoàng Quí-Nhi làm Phò-mã đô-úy.

Tạ Kim-Liên làm An-lạc công-chúa.

Giang Vạn-Dung làm Lĩnh-nam-hầu binh-mã phó nguyên-soái.

Lưu Hán-Giang làm Tân-điền-hầu binh-mã phó nguyên-soái.

Tô Doãn-Sơn làm Miêu-mi-bá Đô-thống-chế.

Lý Đường-Tôn làm Thượng-trấn-bá Đô-thống-chế.

Trần Hưng làm Đan-chướng-cung Đô-thống-chế.

Hà Túc-Tượng làm Nguyệt-giốc-lĩnh Chỉ-huy-sứ.

Còn các chức quan khác về hàng chính-tướng thì đều được thăng làm Thống-chế. về hàng phó-tướng thì đều được thăng làm Chỉ-huy thiêm-sự. Tuyền ban sắc chế xong cả rồi, các tướng đều mừng rỡ tạ-ơn, đặt tiệc ăn mừng. Ngày hôm ấy, Lam Năng lại sai Lam Khuê làm ra các tờ chiếu-sắc, sai Hành-nhân-ti là Từ Tử-Tân đem đi đến các trại để ban cho chức-tước, đến đâu các tướng đều vui mừng thụ-chức, dâng tờ biểu về tạ ân. Một hôm Tử-Tân đi đến trại Đan-chướng để ban chức cho Trần Hưng. Trần Hưng nghe tin đùng-đùng nổi giận mà rằng:

— Cùng là bọn làm giặc cả, sao nó dám bắt ta làm tôi tớ nó hay sao!

Nói rồi liền truyền cho thủ-hạ mở cờ nổi trống, rồi sai người ra gọi Từ Tử-Tân vào. Trần Hưng liền mắng rằng:

— Quân Lam-tặc nhà mày không to bằng quân giặc nhà tao, sao mày dám trịch-thượng chực làm chủ tao hay sao! Quân đâu, kéo nó ra ngoài cửa chém đi cho rồi!

Thực là:

Giở bộ con nghề mà dậm dọa,
Lên câu loài chuột cũng nho-nheo.