Lĩnh Nam dật sử/Tiền biên/Hồi thứ VII
HỒI THỨ VII
Thi độc-kế, mạo thư Hoàng Quỳnh.
Khởi hùng-binh, mắc tên Lực-Mộc,
Nói về: Mai tiểu-thư biết Hoàng Quỳnh còn quyến-luyến Lý công-chúa, trong bụng ghen tức, muốn lập mưu để hại Lý công-chúa, sai người mời Gia-Cát Đồng đến, thi-lễ tương-kiến xong. Mai tiểu-thư nói:
— Thưa quân-sư, Hoàng-lang ngày nào cũng chỉ tơ-tưởng Lý công-chúa, nếu để cho y đi, thời sợ y không trở lại nữa, nếu không để cho đi thời sợ vợ chồng sinh ra phản-mục, xin quân-sư bày cho diệu-kế, để trừ bỏ Lý công-chúa đi, thời Hoàng-lang mới tuyệt bụng tơ-tưởng về đó, họa may Hoàng-lang mới yên tâm thỏa ý ở cùng với tôi mãi được. Quân-sư chớ tiếc mưu cao mà dạy bảo cho.
Gia-Cát Đồng cúi đầu nghĩ một hồi lâu rồi bảo rằng:
— Trừ hắn cũng chẳng khó gì, chỉ cốt man-quá được thày trò Hoàng-lang như thế.... như thế.... là xong, không cần phải đi nã-trừ hắn, mà hắn tự đem nộp đầu, song phải bắt chước lấy tự-tích của Hoàng-lang thời mới lừa được hắn, chẳng hay Hoàng-lang có bỏ lộ tờ bút-tích nào ra không?
Mai tiểu-thư nói:
— Tôi thấy y ngày nào cũng viết, để tôi vào lấy một vài tờ ra quân-sư xem.
Mai tiểu-thư nói rồi liền đi vào hoa-liêu vội vàng lấy ra hai bức thư đưa cho Gia-Cát Đồng, mở ra xem thời là một bài đoản-thiên ca-từ.
Ca rằng:
Vầng thái-dương bay lên vùn vụt,
Mạch sầu tuôn nghi-ngút khôn ngần!
Bóng chiều ngả-ngọn đông-lân,
Nghĩ mình lại gánh cái thân cho mình!
Những ngổn ngang vì tình và nghĩa,
Tấm lòng này ai đấy hay không?
Bấy lâu lòng những giận lòng!
Lại xem đến tờ thứ hai thời mực nhèm mất quá nửa, chỉ còn trông rõ vài câu cuối. Gia-Cát Đồng xem mà đọc lên rằng:
................
Chàng Phan Nhạc tình-hoài lai-láng.
Gã Tuân-lang bóng dáng đâu nào?
Sứ loan lẩn-quất nơi nao?
Những toan chắp cánh bay cao tuyệt vời.
Non Gia kia xa khơi mấy dặm!
Chót hẹn-hò lại gặp nhau đây.
Mối sầu chan-chứa bấy nay.
Thơ nào tả được lòng này cho nguôi!
Còn về còn nhớ đến người...
Gia-Cát Đồng đọc xong lắc đầu rằng
— Ta xem thơ Hoàng Phùng-Ngọc đều không để bụng gì với Tiểu-thư, chỉ là nhớ Lý công-chúa và Trương Quí-Nhi, không bụng nào ở đây nữa; nếu không đem Lý công chúa ở Gia-quế trừ đi, thời sao hay giữ được Hoàng-lang ở lại.
Nói rồi liền cầm lấy tờ tự-tích của Phùng-Ngọc phóng theo lối chữ viết tập cả ngày, trông rõ mười phần như hệt, bèn viết một cái thư sai một người Hán lanh-lợi, dặn bảo lời nói kỹ càng, rồi cho cầm cái thư ấy đương đêm xuống núi đi sang miền Gia-quế. Thực là.
Phụ nhân tâm rất độc!
Độc nhất là phụ-nhân!
Quái thay bác râu rậm.
Trong lòng lại bất-nhân!
Nói về: Lý công-chúa từ khi Phùng-Ngọc đi rồi, không lúc nào nguôi lòng nhớ. đêm tơ ngày tưởng. lúc nào cũng mơ-màng đến Phùng-Ngọc. Một hôm đương ngồi trong trại, muốn tả một bài thơ nhớ Phùng-Ngọc, cầm bút lên viết được hai câu rằng:
Gặp nhau không được mấy,
Vội đã biệt-ly ngay!
...........
Viết rồi thấy tinh-thần khốn-quyện, dựa ghế mà nằm, chợt nghe ngoài trại tiếng nổ vang trời, ầm ầm như quân-mã bôn-đồn, sắt vàng loảng xoảng, vội vàng mặc giáp. tay cầm cây thương, nhẩy lên yên ngựa, đem tả hữu ra trước trại xem, thời thấy bên hữu núi Gia-quế sạt lở ra, mạch nước phun toé ra chảy sói vào trong trại, đương lúc kinh-nghi chợt thấy Phùng-Ngọc phi ngựa chạy lại trong bụng cả mừng, vội vàng thúc ngựa đến đón, không may ngựa vấp sa-tiền, người ngựa đều ngã, kêu thét to lên một tiếng: Ới chao ôi! thời sực tỉnh dậy, mới biết là chiêm-bao, mồ hôi đổ ra như tắm, ngửng lên thấy hai tên nữ-tỳ là Xuân-Hoa, Thu-Nguyệt đương lấy tay đỡ chặt đàng trước ngực. Công-chúa sẽ hỏi rằng:
— Hai chúng bay có thấy gì không?
Xuân-Hoa thưa:
— Chúng con không thấy gì cả, Công-chúa đương lúc chợp ngủ, hai chúng tôi hầu bên, thấy Công-chúa chân tay động đậy, trong mồm nói lảm-nhảm, chúng tôi sợ Công-chúa phải bóng đè, nên cùng chạy đến giữ đỡ.
Lý công-chúa lặng nghĩ một hồi, trong bụng nghi ngờ, truyền lịnh mời Phù-Hùng đến thuật chuyện mộng cho nghe mà rằng:
— Mộng này không phải là điềm tốt hay là Hoàng-lang gặp sự gì không hay chăng.
Phù-Hùng nói:
— Vì Công-chúa tơ-tưởng Hoàng-lang quá, nên mới sinh ra mộng ấy, có can gì mà lo sợ. Vả, đây đến Đức-khánh đi lại chẳng qua độ nữa tháng trời, có điều chi mà ngại, xin Công-chúa cứ khoan tâm.
Phù-Hùng an uỉ Công-chúa một hồi rồi từ ra về. Song Công-chúa vẫn không đành lòng, bèn gọi hai tên kiện-bộc đến dặn bảo rằng:
— Hoàng chúa-công đi đến núi Đại-hám châu Đức-khánh, đã hơn một tháng nay, chừng cũng đã sắp về, hai ngươi phải đem tiền ăn đường đi cho nhiều, cưỡi ngựa đi đón xem, hễ gặp thấy thời một đứa phải về báo ta trước, thế nào cũng phải tìm đón đến nơi cho được.
Hai tên kiện-bộc vâng mệnh ra đi, hơn một tháng mới trở về. Công-chúa liền gọi vào hỏi rằng:
— Hai ngươi không gặp được hay sao?
Hai tên kiện-bộc thưa:
— Hai chúng tôi đến Đức-khánh hỏi thăm, thời không được tin tức-gì cả; hai chúng tôi lại đến cửa sông Nam-giang hỏi thăm đến núi Đại-hám để đón Hoàng chúa-công, thời nhân-dân xứ ấy đều nói rằng: Núi Đại hám mấy năm nay phải chúa Mán ở núi Thiên-mã là Mai-Anh chiếm-cứ, người ta không ai dám qua, vậy chúng tôi không dám đi, phải trở về phục-mệnh.
Lý công-chúa nghe nói cả kinh, liền cho đòi tên tì-tướng trước cho đi hỏi thăm ở núi Trà-mi đến hỏi vặn lại mà rằng:
— Núi Đại-hám đã phải quân giặc chiếm-cứ, Cô-nương lẽ nào lại có ở đó, hay là mày đi hỏi thăm không đích-thực chăng?
Tên tì-tướng thưa:
— Bẩm công chúa, những người láng giềng ở đó đều nói thế cả; Công-chúa không tin, xin lại sai người đến hỏi thăm lại mà xem.
Công-chúa nghe nói liền sai tên tì-tướng khác đến núi Trà-mi hỏi thăm lại, khi trở về nói rằng:
— Bẩm Công-chúa, Cô-nương di-cư đến núi Đại-chướng, chớ không phải núi Đại-hám.
Công-chúa giẫm chân mà rằng:
— Thôi Hoàng-lang. hưu-hĩ! Hoàng-lang là người khí-khái không chịu thua, cường ngạnh không chịu nhũn nếu gặp quân cường-đồ không chịu khuất-nhục, thời khỏi chết sao được!
Nói rồi liền khóc oà lên, sai điệu tên tì-tướng trước ra đánh cho hai chục roi, cách chức đi không dụng nữa. Chư-tướng đều đến thăm hỏi. Phù-Hùng nói:
— Xin Công chúa chớ thương đau quá, hãy xin sai một tên thám-tử đến núi Đại-hám dò xem rằng Hoàng-lang có đến xứ ấy không? có phải là đến đó mà bị hại không? nếu dò được đích thực tin-tức như thế nào, thời tiểu-tướng xin cùng với chư-tướng đem hết quân sơn-trại, đi đánh báo thù cho Hoàng-lang.
Chư-tướng đều đồng-thanh mà rằng:
— Phù tướng-quân nói phải lắm!
Chư-tướng cáo từ lui ra, một mình Công-chúa nghĩ phân-vân mãi không đành, bụng nghĩ thầm rằng: Hoàng-lang là người quân tử tình-thâm nghĩa-trọng, nếu không có sự-cố gì thời tất không chậm trễ đến nay, trước ở đây với ta ân-ái biết chừng nào, thế mà còn nóng ruột giữ theo lời hẹn ước với Trương-tiểu-thư Bây giờ đến Đại-hám lẽ nào lại phụ ước với ta mãi không thấy về chắc là không khỏi chết được. Công-chúa nghĩ vơ nghĩ vẩn mãi như thế. quên ăn quên ngủ đến hơn một tháng. Một đêm kia, gần trống canh hai, công-chúa tự-nhiên thấy nóng ruột, liền gọi hai tên thị-tì Xuân-Hoa. Thu-Nguyệt trở dậy, ra ngồi trước sân, trông lên bóng trăng vằng-vặc, cành quế la-đà, nhớ đến năm trước cùng Hoàng-lang ngoạn-nguyệt, phong-cảnh như cũ, tình-hoài khác xưa, ngẫm-ngùi những toan muốn khóc, bèn sai Thu-Nguyệt đem nghiên bút ra, dưới trăng tả thành một bài tuyệt-cú:
Đìu-hiu sân cỏ dãi,
Văng-vẳng tiếng chim kêu.
Mong nhớ nào ai đó?
Hoa lồng bóng nguyệt cao.
Công-chúa vừa viết thơ xong, nghe thấy ngoài nổi hiệu báo có Phù-Hùng tướng-quân vào yết-kiến, Công-chúa cả kinh mà hỏi rằng:
— Chẳng hay cữu-phụ có việc gì mà đang đêm vào yết-kiến làm vậy? Mau ra mời vào.
Phù-Hùng tiến vào bẩm rằng:
— Thưa có Bàn Ma La ở ải Triều-thiên đương đêm giải một tên người Hán đến trại tiểu-tướng, nói rằng là người của Hoàng-lang ở núi Thiên-mã sai đưa thơ đến, vậy nên tiểu-tướng không dám trễ nải, phải vào bẩm-bạch.
Công-chúa liền hỏi rằng:
— Tên người Hán bây giờ ở đâu?
Phù-Hùng thưa:
— Bây giờ hiện ở ngoài trại kia.
Công-chúa cho gọi vào. Tên ấy vào trông thấy Công-chúa liền quì xuống đất, khóc òa lên mà rằng:
— Xin Công chúa nghĩ đến tình vợ chồng cứu lấy biểu-đệ tôi à Hoàng Phùng-Ngọc với!
Công-chúa liền hỏi?
— Ngươi là người ở đâu?
Tên ấy thưa:
— Chúng tôi là biểu huynh Hoàng Phùng-Ngọc tên là Lưu Hạc-Linh, theo mẹ tôi di-cư đến ở châu Đức-khánh, vì tôi tiêu mất cả tiền mang nợ, nên phải vào làm môn-hạ chúa Mán ở núi Thiên mã cho đi làm tuần-đinh. Đêm hôm 13 tháng trước tôi đi tuần đến đàng sau núi, nghe tiếng khóc thảm-thiết rõ là tiếng người làng tôi, nên mới đi đến tận nơi hỏi người lính canh, bảo là chúa Mán bắt được tên gian-tế ở núi Gia-quế lại, nên giam ở đó rất là khổ-sở không thể chịu được, chỉ là khóc lóc thảm thương. Tôi mới giả cách lấy lòng bọn quân canh cho tôi vào thăm xem, mới biết là biểu-đệ vì mẹ con tôi mà bị khổ ở đấy, tôi lấy làm đau đớn lắm, muốn lập mưu tháo ra song biểu-đệ tôi bảo: ở đây đường núi rậm rạp, đồn giặc khắp hết mọi nơi; vả thân mình lại bị trọng-thương sợ trốn đi không thoát được. Nếu muốn cứu cho ta, phi đưa tin tức đến Lý công-chúa ở núi Gia-quế, đại-cử binh-mã đến bình giặc này, thời mới cứu được ta. Công-chúa hẳn là nghĩ đến tình vợ chồng, biết tin tất đem binh lại, chỉ tức rằng bây giờ không có người thông tin mà thôi. Tôi nghe nói làm vậy, bèn ngầm đem nghiên bút cho biểu-đệ tôi viết thư, thâu đêm tôi lẻn xuống núi lại đây, xin Công-chúa rộng lượng từ-bi cứu vớt lấy cho.
Tên ấy nói rồi vừa khóc vừa giở trong mình ra lấy một phong thư gói ở trong bọc giấy dầu ra đem dâng lên. Tả hữu cầm lấy đệ lên Công-chúa. Công-chúa hỏi:
— À thế ra ngươi là Bá bá, mời Bá đứng dậy, Hoàng-lang bị bắt lúc nào? bị giam lúc nào? xin Bá-bá thuật kể lại cho tôi nghe.
Tên ấy đứng dậy, rồi ngồi xuống mà rằng:
— Bẩm Công-chúa, biểu-đệ tôi từ mồng tám tháng năm qua đò Nam-giang, trưa hôm mồng chín thì hai tên đầy tớ phải bị bắt; biểu đệ tôi đi đến sau đánh tan quân Mán, chém chết một tên tì-tướng, rồi quay ngựa toan chạy trốn. gặp phải Thạch Thung-Cữu ở núi Vân-lãm ra đánh chặn đường lại phải chạy vào núi Tử chướng, phải Dao-vương[1] là Mai Anh bắt được; Mai Anh yêu cái dung-nghi biểu-đệ tôi, bắt ép duyên với người chị hắn là Mai Ánh-Tuyết biểu-đệ tôi bảo rằng đã lấy Công-chúa rồi. bắt ép đến bốn năm lần biểu-đệ tôi nhất định không nghe bởi thế súc-phạm Dao-vương nổi giận, bị đánh đến 20 côn toạc cả da rách cả thịt, ngất đi hai ba lần, rồi đem giam ở nhà tù bằng đất đàng sau núi, cấm tuyệt không cho ăn uống. Đến ngày thứ ba lại sai người đến dụ biểu-đệ tôi chống cự lại càng hăng bảo rằng: « Nếu bắt tao lấy em gái mày thời phải có vợ tao là Lý công chúa thuận cho mới được. Nếu chỉ cạy oai mà bắt ép ta, thời không kể chi mày là quân giặc, dẫu đến ông Tể-tướng đương-triều. cũng vị-tất đã ăn hiếp Hoàng Phùng-Ngọc nổi được. » Vì thế Dao-vương nổi giận sai đem roi vọt đánh đập; may được quân-sư là Gia-Cát Đồng nói với Dao-vương rằng: « Nếu hắn đã không nghe, dẫu đánh chết cũng vô-ích » Dao-vương mới sai đem biểu-đệ giam ở đàng sau núi, ba đầy tớ, mỗi ngày cấp cho ba bát gạo, rất là khổ sở, nguy ngay đến sớm tối không biết chừng, cúi xin Công-chúa mau mau ra tay cứu giúp!
Tên ấy nói rồi lại khóc nức-nở. Công-chúa nghe đến câu vị cự-hôn mà bị côn-đả, nước mắt liền rỏ ra ròng ròng thấm cả vạt áo, nghe hết câu chuyện liền bóc thư mở ra xem, Thư rằng:
— « Tiện-phu Hoàng Quỳnh trăm lạy kính thơ đệ:
Hiền-thê Lý công-chúa trang-thứ nhã-giám:
« Quỳnh từ trung-tuần tháng tư từ-biệt ái-khanh, đến thượng-tuần tháng năm mắc phải giặc Thiên-mã. Non Vân gia sức đánh, cũng đuổi tan quân cáo, giết được kẻ đầu đàn; núi Tía gặp đường cùng, đã mắc phải miệng hùm, khôn sao cho trốn thoát, Cảm lòng nàng mà cự-hôn gái mán, đành chịu độc-hình; nhịn dấu đau mà sống gượng đời thừa, xa đưa tin thảm.
« Than ôi! Miệng tuyệt canh-thang, mình trôi máu mủ; kiên-tâm vẫn giữ, thề chết không sai. Nếu quỉ-hồn biết lối, cũng trỏ non Gia quế mà đi về; xin quí-thể đành lòng, chớ thấy vận tiểu-sinh mà ân-hận. May ra Hoàng Quỳnh nhắm mắt mới yên.
« Nay rỏ nước mắt kính thư. »
Công-chúa đọc thư xong, kêu lên một tiếng ngất ra ở trên ghế, Hoa, Nguyệt hai đứa thị tì vội vàng ôm giữ lấy kêu gọi rầm lên. « Công-chúa lai-tỉnh!...» Phù-Hùng cũng khóc, Phù phu-nhân nghe tiếng vội-vàng chạy ra hỏi, ghé vào bên má Công-chúa cũng ngồi bên mà khóc. Một lát, Công-chúa dần dần hơi tỉnh kêu lên một tiếng to, lại chết ngất đi, mắt nhắm nghiền lại, nhan-sắc đã hơn trắng nhờn-nhợt, Phù phu-nhân vội vàng ôm vào trong lòng, gọi rầm lên mà rằng:
— Con ơi! Con làm sao thế hở con? Con nỡ nào con lại bỏ mẹ con ơi!
Phù Hùng thấy gọi mãi không tỉnh, bèn bảo tả hữu sắc một thang thuận-khí đổ cho uống một chén, thấy dần dần hơi tỉnh, Phù phu-nhân và các thị-nữ đỡ vào trong buồng để năm yên trên giường rồi cùng với Phù Hùng trông nom săn sóc cả đêm. Đến sáng mới thấy Công-chúa khóc lên được, mà nói rằng:
— Tôn-cữu ơi! Tôn-cữu làm sao rửa hờn cho cháu mới đành.
Phù-Hùng nói:
— Xin Công-chúa hãy bình-khí lại mà yên dưỡng quí thể, tôi chắc quân Thiên-mã, cũng không có sức mạnh như Triệu, Mã, Quán Trương; trí khôn như Tôn Tẫn, Ngô Khởi; đánh được cũng chẳng khó gì. Xin để tiểu-tướng cùng với chư-tướng luyện tập binh mã, rồi sẽ chọn ngày khởi-binh để báo thù tiết-hận cho Công-chúa chớ có sợ chi.
Phù phu-nhân cũng khóc mà rằng:
— Con ơi! Con muốn cứu cho Hoàng-lang, thời cũng phải giữ gìn cái thân mình, mới nên được việc. Bình-nhật con đọc sách để đâu, Kinh Thư có chữ rằng: « Có nhẫn mới nên được việc, » sao con lại tức giận mà tự hoại thân mình đi trước thời còn lo tính làm sao được.
Công-chúa khóc mà rằng:
— Quân giặc này khinh người quá lắm. ai là không phải tức giận!
Phù Hùng nói:
— Thôi, cháu hãy nên trận-trọng giữ gìn, để cậu ra cùng chư-tướng cùng thương-nghị.
Nói rồi, liền bước ra trước dinh, vội vàng nổi hiệu trống để hiệu-triệu chư-tướng. Các tướng nghe hiệu đều đến họp dưới trướng. Phù-Hùng bèn đem những truyện trên đó thuật lại cho chư-tướng nghe, lại đưa cả tờ thư cho chư-tướng xem, ai nấy đều nghiến răng tức giận; rút gươm vạch đất mà rằng:
— Quân giặc này khinh xược người lắm, xin tướng-quân tâu Công-chúa khởi binh, lũ chúng tôi xin liều chết mà đánh để đền ơn Công-chúa.
Phù Hùng nói:
— Nếu được chư-tướng đồng-tâm hiệp-lực, thời lo gì không đạp đổ núi Cẩm thạch, phá tan ngàn Thiên-mã!
Bấy giờ chỉ có một mình Đặng Bưu cúi đầu nín lặng không nói gì cả. Phù-Hùng hỏi:
— Đặng tướng-quân nghĩ sao mà không nói câu gì cả làm vậy.
Đặng Bưu nói:
— Tiểu-tướng nghĩ cho kỹ ra thời chư-tướng chỉ suông có cái bụng giận xung-thiên, chớ như Hoàng chúa-công quyết không thể cứu được, mà quân Thiên-mã cũng không thể đánh phá được.
Phù-Hùng hỏi:
— Sao lại biết được như thế?
Đặng-Bưu nói:
— Tôi nghe đất La-bàng vạn sơn trùng-điệp: thiên-lý bao-la, đồn giặc ở rải rác ra các hang núi, thì-thọt không biết đâu mà lường, nếu đến đánh thời phải dùng đến 30 vạn quân, chẹn đường yếu-hại, đoạn quân cứu-ứng, phải đến hàng năm hàng tháng dần dà trừ tiễu, thời dụng-lực mới dễ. Nếu đem độ vài vạn quân mà đánh, chặn bên đông thời hụt bên tây, đánh bên nam thời mất bên bắc. tự mình cứu-ứng không xong, sao hay vào được sào huyệt của họ. Nay ở Gia-quế này binh mã chỉ có 20 vạn, quân lưu-thủ phi năm vạn không đủ, trừ năm vạn ra chỉ còn có 15 vạn, như thế thời có làm được việc gì không?
Phù-Hùng hỏi:
— Thế thời bây giờ làm thế nào?
Đặng-Bưu nói:
— Tôi nghe triều-đình đã mấy lần đem binh để chinh-tiễu La-bàng, phí-tổn vô-số tiền-lương, mà không bắt được mảnh cung mũi tên của giặc. Nay ta nếu đem quân trừ hắn thời triều-đình hẳn mừng, ta nên sai người đến Đô-đốc phủ, xin phát thêm cho 15 vạn đại-binh nữa đến trợ-chiến có hay không?
Phù-Hùng nói:
— Kế sách tướng-quân rất phải, song tính ngày ra không kịp, ví phỏng Ngô Đốc-phủ bằng lòng ưng cho, các nha-môn không ai ngăn trở. Song phát ra 15 vạn quân không phải là việc chơi, tất phải tâu lên triều-đình giao xuống bộ-nghị nếu có đắc-chỉ chuẩn cho, rồi mới di-tư ra cho biết, tư-văn đến tòa Đốc phủ bấy giờ mới sức họp các xứ binh-mã lại, rồi mới tiến-binh được. Nay cứu Hoàng-lang như cứu-phần chửng-nịch, nếu đợi mãi như thế, thời họa tìm Hoàng-lang ở chợ cá khô mà thôi.
Đặng Bưu nói:
— Nếu không thế, thời phải xin Đô-đốc sức tờ cho các nơi biết thời các cửa ải bến đò mới không ngăn trở lôi thôi, và phải mượn lấy 600 thuyền ván lớn, 400 thuyền chèo nhỏ, thủy lục đôi đường điều tiến lên, thời dự-bị mới đủ. Tôi nghe đến núi Cẩm-thạch phải vượt qua bể mới vào được cửa sông Nam-giang, nếu không có thuyền thời sao qua được bể? Khi đến Nam-giang phải đặt một thủy-trại đóng quân ở đó để làm ứng-viện, cái gì cũng phải nghĩ cho vạn-toàn, ý tôi như thế, xin tướng-quân liệu đó.
Phù Hùng nói:
— Tướng-quân nói phải lắm!
Bèn sai người cầm thư đến tòa Đốc-phủ, để nói mọi việc, và gọi các tì-tướng đi khai-điếm ở các xứ về. Một đàng thời luyện-tập binh-mã chỉnh-tề, mời Lý công-chúa thăng trướng để điều-bát binh-mã khởi-hành. Khi ấy vừa rứt ba hồi trống, nổ một tiếng súng thời sinh nhạc rập rình, rước Lý công-chúa ra lên ngự trên quân-trướng. các tướng vào bái-yết xong, Công-chúa phán lịnh cho quan Tiền-tiễu-tổng Phù Hùng trấn-thủ núi Gia quế, thống-chế cả binh-mã các trại; quan Tiễu tổng ở núi Ngọc-nhị là Đặng Bưu ra trấn ải Triều-thiên kiêm-quản cả ba cửa ải; tì-tướng Mã A-Ma giữ trại bên tả; Mã-Thuận giữ trại bên hữu; Đan Dũng giữ núi Ngọc-nhị; Giả Kỳ giữ núi Trung-đỗng: đều lưu binh một vạn để ở nhà trấn thủ. Lại sai Hữu tiễu-tổng Triệu Tín lĩnh thủy-quân tiên-phong, tiễu-tổng Đường-Hổ lĩnh thủy-quân hợp-hậu, đều đem một vạn binh, mười viên tì-tướng đi trước, phàm những đồ làm giàn gác chòi canh, tên loa, buồm, sào, đều chỉnh-bị đủ cả; lại sắm cả súng cò máy, súng cửu-long, chông gai, tật-lê, hạt nổ bằng thiếc, ống đựng gio, quả bùi-nhùi lửa, không thiếu một thứ gì, hai tướng tuân-lịnh đem đi trước. Lại sai Tả-tiễu-tổng Phù Ly làm tiền-bộ tiên-phong; Bàn Ma La làm Tả bộ-vệ; Phùng Lực-Mộc làm Hữu hộ-vệ; Mã Tán làm hợp-hậu, Mã Cách làm tiền-vận, Trịnh Kế-Luân làm hậu-vận, đều đem một vạn quân. Công-chúa thời tổng thống trung-quân, đem nữ-tướng là Dương Phiên-Phiên, Hứa Ngọc-Anh vào từ biệt Phù phu-nhân rồi ra nổ ba tiếng súng lớn lục-tục khởi-trình ra đi, Phù Hùng, Đặng Bưu tiễn xuống dưới núi, Đặng Bưu tâu rằng:
— Xin Công-chúa dẫn binh đến La-bàng, chớ có vội vàng, chớ có khinh địch mới được.
Công-chúa nghe lời ra đi, Đặng Bưu trở về đến trên ải, buồn-bã không vui, bảo Phù Hùng rằng:
— Tôi xem Công-chúa mãn-diện sầu-dung sợ không phải là cát-triệu. Vả trước kia tướng-quân sai Lưu Hạc-Linh cùng với tên tế-tác đi do thám đường nẻo La-bàng; tôi thiết-tưởng tên Hạc-Linh dẫu cầm thơ của Hoàng chúa-công có bút-tích làm bằng, song tôi xét hắn quầng con mắt khiếp sợ, mà cất gót đi xênh-xang sợ không thể tin được, tiểu-tướng xin hãy để nó ở lại đây, tướng-công nghĩ thế nào?
Phú Hùng nói:
— Tướng-quân thực là lo nghĩ sâu-xa lắm, tiểu-tướng thấy Công-chúa thương đau quá-độ, trong bụng bối rối, nghĩ một lúc không kịp được đến thế.
Nói rồi liền từ-biệt về trại.
Nói về Lý công-chúa đem chư-tướng kéo quân đi ầm-ầm như nước chẩy; tinh-kỳ rợp trời, kéo thẳng đến núi Thiên-mã, không đầy mấy ngày đầu binh đã đến núi Cẩm-thạch, hạ trại đóng lại, đợi quân đại-đội đến rồi sẽ vượt qua bể. Ngày hôm sau Lý công-chúa kéo quân đến, muốn lập-tức đem quân qua bể. Phù Ly ngăn lại mà rằng:
— Nay thủy quân chửa tới nơi, tới lui khó lòng phiền-lao quá, không nên vượt qua vội.
Công-chúa phải đóng ở lại. Đêm hôm ấy tinh-thần không yên, Công-chúa trở dậy đốt đèn ngồi ở trong trại, một lúc lâu lâu rồi dựa ghế thiu-thiu ngủ, mơ-mơ màng-màng đi đến một chỗ trông lên đầu núi mập mờ thấy hiện ra một tòa cung-điện, đài quỳnh như vẽ, gác ngọc ngất trời; cột vẽ sắc mây, coi như khói tỏa; rèm lồng bóng nguyệt ngờ tựa đèn soi; cao trót-vót hình như mấy trùng-đài trông thăm-thẳm tựa hồ không thấy đất; dẫu cảnh-tượng không phải là thần-lâu, hải-thị, song qui-mô thật rõ là ngọc-các châu-cung. Công-chúa đi đến trước cửa, thấy có một tên nữ-đồng ở trong chạy ra vẫy tay gọi mà rằng:
— Lại đây, lại đây.
Công-chúa trở gót sen theo y bước vào, thấy có một vị tiên nữ, đầu đội mũ sao, mình mặc áo tử-hà, tay cầm đuôi chủ, mỉm cười ra đón mà rằng:
— Hiền muội bấy lâu yên-ổn chớ?
Công-chúa nhận kỹ ra không biết là ai, vội vàng thi-lễ mà đáp rằng:
— Tiểu-muội không được rõ tiên-thư, chẳng hay tiên-thư sao lại biết tiểu-muội làm vậy?
Tiên nữ cười mà rằng:
— Hiền-muội tương-biệt đã 18 năm trời, không trách được hiền-muội quên mất cả chị em. Song hiền-muộn khó lòng mới đến được đây, mà bận này đi cũng không dễ đâu, tôi có một tờ thiếp này tặng cho hiền-muội cầm về nhận kỹ ra sẽ hiểu.
Nói rồi liền rút ở trong tay áo một tờ thiếp ra đút vào trong tay áo Công-chúa. Công-chúa rỏ nước mắt mà rằng:
— Chồng tôi phải quân giặc Thiên-mã nó làm khốn khổ không biết bận này đi đánh có cứu được không? xin tiên thư trỏ bảo cho một vài điều.
Tiên-nữ cười mà đọc mấy câu rằng:
— Tình ấy tình kia, tình sau tình trước, tình ly tình hợp, đều là đồng-tình.
Công-chúa không hiểu ý ra làm sao, toan muốn hỏi lại, thời tiên-nữ cầm đuôi chủ phất lên một cái, Công-chúa chợt tỉnh dậy mở mắt trông thấy Dương Phiên-Phiên đeo gươm đứng hầu ở bên. Công-chúa hỏi:
— Ngươi còn chưa ngủ à?
Phiên-Phiên nói:
— Công-chúa còn chưa ngủ, tôi đâu dám ngủ.
Công-chúa ngồi nghĩ điềm mộng bụng bảo dạ rằng: Người tiên-nữ ấy bảo ta với y tương-biệt đã 18 năm, hay là tiền-thân ta trước cũng là tiên-nữ Vả y bảo ta lần này lại đây không phải là dễ, làm sao ta tỉnh dậy nghĩ mãi cái câu nói: «tình kia tình ấy», không hiểu ra làm sao. Thôi chẳng qua độ này ta mệt nhọc luôn, tâm kinh thành mộng, chẳng biết đâu làm bằng được. Nghĩ rồi toan đứng dậy đi nghỉ. Chợt thấy trong tay áo rơi ra một cái thiếp vội vàng nhặt lên xem, thời là một tờ giấy thiếp. Công-chúa thất-kinh mà rằng:
— Mộng này thật không phải là huyền-ảo tầm thường đâu!
Dương Phiên-Phiên hỏi:
— Chẳng hay Công-chúa có mộng gì vậy?
Công-chúa mới kể lại mộng cho nghe.
Dương Phiên Phiên cầm lấy tờ thiếp, hai người cùng đến dưới đèn mở ra xem, thấy trong thiếp viết hai chữ lớn, dưới mỗi chữ lớn lại chua hai chữ con là: « Gian 姦 » (thần tiền 臣 前) «Niểu 嬲» (chủ hậu 主 後) Một chữ nữ đầu chữ gian thời viết bằng son đỏ, còn hai chữ dưới viết bằng mực, hai chữ nam đôi bên chữ niểu viết bằng son đỏ, còn chữ nữ ở giữa viết bằng mực. Hai người xem rồi không hiểu ý sao. Dương Phiên-Phiên chợt lấy tay vỗ án mà rằng:
— Thôi tôi nghĩ ra rồi! Đó là tiên-nữ bảo Công-chúa cái mưu-cơ hành binh đó.
Công-chúa nói:
— Ngươi thử giảng cho ta nghe.
Phiên-Phiên nói:
— Bẩm Công-chúa thế này: Lũ chúng tôi là tôi, mà Công-chúa là chủ; hai chữ « thần-tiền » nghĩa là lũ nữ-binh chúng tôi nên tiến đi trước cho nên chữ gian toàn là nữ cả « chủ hậu » nghĩa là công chúa cùng với chư-tướng tiến đi sau, cho nên chữ niểu có một chữ nữ ở giữa hai chữ nam mà thôi.
Công-chúa hỏi:
— Chẳng hay một chữ nữ trên viết son, mà chữ nữ dưới lại viết mực là ý làm sao?
Phiên-Phiên thưa:
— Chữ nữ dưới chua là chủ, chủ tức là trỏ về Công-chúa, Công-chúa hay mặc áo đỏ, mà nay lại viết chữ nữ đen ý là bảo Công-chúa phải biến phục đi mặc áo thâm vậy. Chữ nữ trên chua là thần, thần là trỏ về lũ chúng tôi, chúng tôi mặc áo nhung-phục thâm, mà chữ nữ lại viết đỏ, ý là bảo một người nữ-tướng đi đầu phải mặc áo đỏ vậy. Xưa kia Tào Mạnh-Đức đi đánh Từ-châu, hư-trương tinh-kỳ đi trước, mà mình lại ở lùi lại bến đò quan, hay là tiên-nữ cũng muốn Công-chúa làm điên đảo như thế cho nó nghi ngờ không biết đâu mà lượng
Công-chúa gật đầu mà rằng:
— Ngươi nói có lẽ phải, tiền-hư hậu-thực, hành-binh xưa nay vẫn có phép thế, hãy đợi chư tướng đến nơi, cho người cầm cờ hiệu của ta, mặc áo hồng-bào của ta đem quân tiến lên trước
Phiên-Phiên xin vâng lời, nói rồi đi nghỉ. Ngày hôm sau, Phù Ly dẫn một người vào yết-kiến. Công-chúa hỏi rằng:
— Mày là người ở đâu vào hầu ta có việc gì?
Người ấy đáp rằng:
— Con người họ Hoàng tên là Kiều-Thăng, người thôn Đào-hoa làng Trình-hương, từ khi nhỏ theo cha ở châu Đức-khánh làm nghề hương: phàm các núi Thiên mã, Đại-hám, chúng tôi ngày nào cũng đi lại để tìm các thứ gỗ thơm, đường đi lối lại đều thuộc tất cả. Nay nghe Công-chúa thân-chinh đến đánh giặc để trừ hại cho địa-phương này, vậy chúng tôi có vẽ ra một bản địa-đồ đem lại để hiến nộp.
Công-chúa hỏi rằng:
— Mày là người thôn Đào-hoa Trình-hương, thời mày có biết con cụ Tư trai Hoàng thái-công là Hoàng Phùng-Ngọc không?
Kiều-Thăng đáp:
— Đó là hàng chú chúng con sao lại không biết.
Nói rồi liền kể hết gia-thế Hoàng Phùng Ngọc không sai một chút nào. Công-chúa cả mừng, nghĩ là cháu Phùng-Ngọc bèn thưởng cho làm Bả-tổng để hầu dưới trướng rồi mở địa-đồ ra xem, thấy đường cái rậm-rạp, hình núi hiểm nghèo, bèn gọi Kiều-Thăng đến trước mở địa-đồ ra hỏi cặn-kẽ, biết hết các chốn hiểm-yếu. Khi ấy thủy-quân vừa kéo đến, bèn đều vượt qua bể, cứ án theo địa-đồ sai thủy-quân tiên-phong là Triệu Tín đem 300 cái mảng, tự vũng bể thứ chín-mươi kéo vào bến Tử-chướng; quan tiên-phong Phù Ly thời từ bên tả núi Giá-cô qua núi Vân-Lãm cũng đều kéo đến bến Tử-chướng. Dương Phiên-Phiên thời kéo cờ hiệu chủ-súy đem 300 nữ binh đi làm đội quân thứ hai; Phùng Lực-Mộc đem đội thứ ba, Công-chúa thời ở vào đội thứ tư; Mã Tán đem đội quân thứ năm, lại sai một đội quân cho Bàn Ma-La đem đi qua đường núi Giá-cô đi xuyên ra Tử-chướng cũng hợp-binh với Phù Ly. Đường Hổ thời đóng thủy-trại ở cửa sông Nam-giang. Điều-bát quân-sĩ đã xong bèn phát súng khởi-hành.
Nói về Dương Phiên-Phiên mặc áo hồng-chiến-bào bằng gấm của Công-chúa, kéo cờ hiệu Công-chúa vòng quanh kéo qua núi Vân-lãm, đi độ hơn hai mươi dặm, trông thấy đôi bên núi bích lập, sườn núi đều là nhà cỏ gianh lớp-sớp, cách xa cửa sông, nhân khi ấy tiền-quân đã đi qua, Phiên-Phiên cả gan cứ trỏ bảo đội nữ-binh theo men khe núi mà đi, đương lúc đi chợt trong đám rừng gianh rậm rạp, tiếng reo hò ầm lên, tên nỏ loạn xạ, quân nữ-binh kêu ầm lên toan tìm đường chạy, thời đường núi hẹp, khe nước sâu, quay mình không được chỉ ẩn núp cầm lá mộc che đỡ song tên nỏ dài đến ba thước mà mũi sắc phi-thường quân giặc phát tên nỏ nào cũng thủng qua lá mộc tin thấu vào xương, ba trăm nữ-binh vụt chốc đều ngã lăn cả ở trên khe. Phù Ly nghe tin. vội vàng quay binh lại cứu, song binh-mã xô-xát, quay giở không được, chợt nghe thấy đàng mặt trước còi trống vang lừng, có một toán quân xông lại, Phù Ly lại phải đem quân quay về mặt trước nghênh địch, đương lúc giao-chiến, đàng sau lưng lại kéo ra một cánh quân đánh chẹn lại, vây kín Phù Ly vào giữa vòng vây. Phùng Lực-Mộc nghe tin, thúc quân kéo lên, thấy ba trăm nữ-binh bị bắn chết thành một đống, Dương Phiên-phiên bị tên nỏ bắn khắp mình như lông nhím, đã bị cắt mất đầu, Lực-Mộc thất kinh biết là trúng kế một mặt sai người trở lại báo cho hậu-đội biết, một mặt đánh xông lên để ứng-cứu cho Phù Ly, song cửa hang đã phải quân giặc đóng lấp lại không tiến lên được. Đương lúc hoảng hốt, chợt nghe thấy tiếng reo rầm rầm, quân giặc chạy tán loạn. Nguyên là Bàn Ma-La đi xuyên-sơn qua núi Giá-Cô, gặp tướng giặc là Vạn Nhân-Địch chẹn ngang đường, Ma-La cố sức xung sát, Vạn Nhân-Địch phải tháo lui, Ma-La lại sấn về phía đông đuổi theo, gặp ngay tướng giặc là Thạch Thung-Cữu đương trỏ bảo quân-sĩ đóng lấp cửa hang. Ma-La bỏ Vạn Nhân-Địch không đuổi theo nữa. đảo lại đánh nhau với Thạch Thung-Cữu, Thung-Cữu chống lại không nổi phải bại trận mà chạy. Lực-Mộc ở đâu đánh xông lại, cùng hợp binh với Ma-La đánh xông vào trùng vi, cứu được Phù Ly ra quân giặc tháo lui cả. Chư-tướng vì không hiểu địa-thế, không dám đuổi theo phải tạm lập đồn trại đóng lại để đợi Công-chúa.
Nói về Công-chúa nghe tin mặt trước có quân giặc, liền thúc chư-tướng kéo lên đi đến bên khe, thấy Dương Phiên-Phiên bị bắn chết, liền thương khóc xót-xa bèn sai một viên tì-tướng với 3000 quân. đào huyệt ở phía nam núi ấy để chôn xác nữ-binh, xong rồi bèn tìm nơi hiểm-yếu ở đấy đóng đồn để phòng-bị quân giặc. Công-chúa truyền bảo xong, thâu đêm kéo quân vào Tử-chướng để cùng với chư-tướng cùng họp-binh đóng đồn
Thực là:
Hiểm thay kế độc lừa như quỉ,
Thương hại người trung phút hóa ma.
- ▲ Là chúa Mán Mèo tự xưng là Vương.