Lều chõng/Chương 11
Rổ suốt cô đánh từ chiều hôm kia bây giờ đã ôi, lượt sợi ở ngoài đã biến ra màu vàng vàng và khô cứng như một lần vỏ, ruồi muỗi đậu vào đen kịt.
Súc sợi ngâm trong vại nước cũng chín đều rồi, đáng lẽ thì phải đạp cơm từ sáng hôm qua, nhưng cô vẫn không lúc nào giở đến nó được.
Mà nào có bận gì đâu? Thì giờ của cô chỉ dùng vào việc pha nước, têm trầu, phục dịch khách khứa hết cả.
Là vì từ hôm được tin Vân Hạc đã thi xong kỳ đệ nhị trở về thăm nhà, bà con nội ngoại lục tục đến chơi hỏi han, bọn này ra thì bọn kia vào, rình rịch suốt ngày không lúc nào dứt.
Ai cũng giật mình kinh sợ, khỉ nghe Vân Hạc thuật lại những cảnh mưa rét lầm lội trong trường.
Nhất là lúc thấy chàng nói rằng có ông cụ già chết rét trong lều, thì không người nào mà không ái ngại thương xót.
Nhưng cái thương một ông người dưng ở đẩu đầu đâu, vẫn không lấn được cái mừng cho một người rể họ mình.
Tuy rằng trong đám chú, bác, cô, dì, cũng không mấy người biết chữ, không rõ giá trị văn chương ra sao, nhưng nghe cụ đồ Vân Trình dè dặt khen ngợi sau khi đã xem bản giáp bài thơ bài phú của chàng đem về, thì ai cũng tin là chàng sẽ đỗ. Người ta thi nhau đem những điều mộng tốt lành kể ra. ông này khoe mình mơ thấy nhà cháy, ông kia bảo tôi mơ thấy đi vật trâu, bà khác bảo mình mơ thấy đi xem rước, đám rước có cả võng lọng. Rồi thì những người bông phèng lại bắt đầu gọi cô Ngọc là cô cử.
Trước sự cầu chúc của họ mạc hàng xóm, cô vẫn tỏ bộ ngượng ngùng và vẫn hết lời từ chối:
- Các ông, các bà có lòng mong cho như thế, tôi xin cảm ơn. Nhưng đến bao giờ được thế, bấy giờ sẽ hay, bây giờ tôi xin các ông, các bà đừng nói trước vội.
Mỗi khi nghe tiếng bà cử của người ta gán gẩm cho mình, cô vẫn nhũn nhặn trả lời như vậy. Tuy vậy, ở trong trái tim cô vẫn không khỏi luôn luôn hồi hộp.
- Ừ thì mình làm bà cử, cũng đáng chứ sao?
Người ta muốn làm bà cử thì khó, chứ mình muốn làm bà cử, tưởng cũng không khó lắm. Có điều muốn được hơn kia, chứ được cái tiếng bà cử, thì vẫn còn thua chị ấy.
Cả đêm vừa rồi, trong lúc nằm cạnh chồng, óc cô quanh quẩn đi lại có mấy câu đó.
Sáng nay, vì gần đến ngày ra bảng kỳ đệ tam, Vân Hạc sắp phải trẩy trường, nên cô cũng phải dậy sớm để sắm sửa đồ đạc cho chàng.
Ấm nước đun sôi, Vân Hạc cũng vừa tan giấc.
Ông đồ, bà đồ còn ở nhà trên chưa xuống. CÔ Bích và mấy đứa người nhà đều ở dưới bếp nấu cơm. Trong nhà ngang, ngoài vợ chồng cô, không có ai nữa. Trao cho chàng chén nước súc miệng, cô mỉm cười và hỏi bằng giọng âu yếm:
- Thế nào? Đi bây giờ hay là đến chiều?
Chàng đón chén nước với dáng bộ lơi lả:
- Bây giờ cũng được, đến chiều cũng được, mình bảo nên đi lúc nào thì tôi xin đi lúc ấy.
Cái ấm chuyên chổng mông trên miệng chén tống vừa nhả hết những nước sôi ở trong, cô Ngọc sẻ ra hai chén và nhắc một chén đưa chồng.
- Thế thì ngoan lắm! Tôi khen cho mình biết điều! Vậy tôi bảo mình ở nhà đến mai sẽ đi có được không?
Chàng đưa chén nước lên dưới cặp môi tươi cười:
- Cứ kể thì thôi không đi nữa cũng được. Tôi đi chằng qua là đi hộ mình. Vì mình háo hức muốn làm bà cử, cho nên tôi phải chiều lòng. Chứ tôi nghĩ đến cái trận mưa rét hôm nọ, thì tôi chẳng thiết gì thi cử cả.
CÔ Ngọc nuốt vội hớp nước trong miệng, để cầm chén tống rói tiếp vào chén Vân Hạc.
- Thế mà mình không bị bắt. Cũng may đấy nhỉ?
Vân Hạc ngơ ngác không hiểu:
- Bị bắt về việc gì?
Cô Ngọc rói nốt nước trong chén tống vào chén của mình và cười ngặt nghẽo:
- Thi gian chứ gì? Mình đi thi hộ tôi mà lại. . . ! Có phải là thi gian không?
Vân Hạc cũng cười sằng sặc:
- Thật đấy. Tôi không nói đùa? Sở dĩ tôi thi khoa này. chỉ cốt để cho mình làm bà cử...
Cô Ngọc không đợi chồng nói hết:
- Bà cử mà thôi à?
Vân Hạc vội vàng nói tiếp:
- À quên bà thám, bà thám hoa. Nhưng muốn bà gì thì bà, cần phải có tiền đây đã. Hôm nay mình sắp cho tôi được bao nhiều quan?
- Mình định bán non hai tiếng "bà cử" đây chứ gì? Ừ thì tôi cũng mua non cho mình. Nhưng phải tính hạ một chút.
- Hạ nhất cũng phải đủ năm chục quan. Bây giờ hãy đưa hai chục, còn ba chục nữa thì để đến ngày phúc hạch.
CÔ Ngọc chế nước sôi vào ấm chuyên và cười mủm mím:
- Nói thách vừa vừa chứ nào! Nói thế thì còn ai dám mặc cả. Thế thì mình muốn bao nhiều?
- Năm tiền!
- Chết chửa! Cái giá bà cử rẻ thế kia ư? Nếu thế thì để tôi bán cho người khác vậy.
- Ừ mình muốn bán cho ai thì bán. Bán cho các cô ở phố hàng Lờ. Hôm nọ, còn có cái tội bằng cái đình đấy.
Nhà trên có tiếng ho khạc khúng khắng. Ông đồ, bà đồ đã dậy. Cô Ngọc cáo từ chồng bằng một cái nguýt thân yêu, rồi xuống nhà dưới sấp sửa cơm nước với cô Bích.
Trên ngàn cây bưởi trước sân, ánh mặt trời lấp loáng nhuộm trên lớp lá úa vàng. Mấy con chích chòe đua nhau đón chào sự ấm áp bằng những tiếng hót réo rắt. Ông đồ đủng đỉnh đi xuống nhà khách với tất cả cảm tình vui vẻ:
- Rét quá thế này hay để gần trưa hãy đi, anh ạ?
Rồi ông khoan thai ngồi vào phản ngựa Vân Hạc đương ngồi và tiếp:
- Ngày mai mới ra bảng kia mà? Tội gì đi từ bây giờ cho vất vả.
Vân Hạc vội vàng đứng dậy, chuyên một chén nước đệ đến trước mặt ông nhạc:
- Vâng, bây giờ đi khí rét. Nhưng không đi lại sợ hai anh con mong. Vì con đã hẹn với các anh con sáng nay ra sớm.
Ông đồ nhổ hớp nước trong miệng vào ống phóng:
- Được? Chậm một lúc nữa cũng không sao. Các bác ấy chắc cũng biết rằng trời giá ngăn ngắt thế này ai mà đi sớm cho được?
Bà đồ cũng vừa bước vào trong nhà với một giọng nói đon đả:
- Nhân tiện hôm nay tôi có sửa lễ ra thờ, anh hãy ở nhà lát nữa. Đợi cho đồ lễ làm xong, đem ra đình cúng, anh ra lễ thánh cái đã.
Thì ra từ khi Vân Hạc đi thi, ông nhạc bà nhạc vẫn luôn luôn cầu khấn quỷ thần úng hộ cho chàng. Ngoài cái lễ thứ nhất cử hành trước khi Vân Hạc lên đường, mỗi lần gần ngày vào trường, ông bà đều có sửa xôi và gà ra đình cúng đức "thượng đẳng".
Trước sự ân cần chu chỉ của cha mẹ vợ, cố nhiên chàng phải xin vâng. Thằng nhỏ lại xách lên đó ấm nước sôi khác.
Chàng tự đi súc ấm pha chè, chuyên lượt nước mới. Rồi chàng lễ phép ngồi vào chiếc ghế bên cạnh khi đã để khay nước trước mặt bố vợ.
Ông đồ một tay chống xuống mặt phản, một tay cầm chén lấy nước kéo qua miệng khay đánh sạt một cái để gạt những nước dính ở chôn chén cho khỏi rỏ xuống quần áo. Và nhìn Vân Hạc, ông cất cái giọng:
- Về việc quỷ thần thật là không biết thế nào. Cứ lấy lý ra mà nói, thì ai chẳng bảo thi cử cốt ở học lực, hễ mà học khá, dẫu không cung kính cũng đỗ, nếu mà học không biết gì thì dẫu thành tâm lễ bái đến đâu mặc lòng, quỷ thần cũng không thể làm cho mình đỗ. Thế mà chính tôi đã thấy có người nhờ về quỷ thần mà đỗ có lạ không chứ?
Ngừng lại để uống cho cạn chén trà, ông đồ quay mặt sang phía bà đồ:
- Bà còn nhớ ông cử Mỹ đấy nhỉ?
Bà đồ nhanh nhảu trả lời:
- Có, ông ấy là em ruột ông nghè Trịnh, người bên bắc, đã làm huấn đạo ở huyện gì đó, phải không?
Ông đồ sẽ rung cái chân đương xếp chữ "ngũ" trên phản:
- Phải đấy, chính ông ấy khi đỗ cử nhân, đã được thần làm văn cho đấy.
Rồi ông hỏi lại Vân Hạc:
- Anh có biết chuyện ấy không?
Vân Hạc cầm chén tống nước, rói vào hai cái chén con trong khay và đáp:
- Thưa thày không.
Ông đồ rẽ ràng giở ống thuốc lá để cuộn một điếu và kể:
- Tôi nghe người ta nói rằng cái năm thi đậu cử nhân, ông ta học kém lắm, đã bị hỏng hạch kia mà. Thế mà tình cờ gặp anh thày bói, ông ta xem chơi một quẻ, anh thày bói đó đoán rằng khoa ấy thế nào ông ta cũng đỗ. Ông ta cho hắn chỉ nói láo, chứ đã hỏng hạch không được đi thi, thì đỗ vào đâu được nữa?
Nhưng anh thày bói quả quyết lời hắn không sai, nếu khoa ấy ông ta không đỗ, thì cứ đến mà vọt cái tráp của hắn...
Mồi thuốc cuốn xong, ông đồ gọi thằng nhỏ châm đóm, rồi lại tiếp tục:
- Thấy hắn nói chắc như vậy, ông ta hơi tin, khi về nhà mới bảo với ông nghè Trịnh lên tỉnh xin quan đốc học cho mình đi thi. Ông nghè Trịnh phì cười mà gạt đi rằng: "Mày học dốt quá, hạch còn không đỗ nữa là đi thi? Tao xin cho mày thì được, nhưng chỉ sợ mày viết bất túc quyển, hoặc là phạm húy, phạm lỗi, thì tội cả đến tao nữa".
Ông Mỹ hết sức nằn nỉ và đem lời ông thày bói kể với ông nghè. Nhưng ông này cũng vẫn không nghe. Cuối cùng ông Mỹ phải dọa anh rằng nếu mà không được đi thi khoa ấy nhất định phải nhảy xuống sông tự tử. Ông nghè Trịnh sợ em bực chí đâm ra liều lĩnh, nên cũng đành lòng đi nói với quan đốc học tỉnh nhà cho ông ta vào số thí sinh.
Thằng nhỏ đã cầm đóm lửa trao cho ông đồ, vừa châm mồi thuốc, ông đồ vừa nói một cách chậm rãi:
- Đến khi ông Mỹ trẩy trường thi ông nghè Trịnh ở nhà cứ lo canh cánh. Lo là phải. Em ruột ông nghè mà đi thi bị tội, còn gì là danh giá ông nghè? Lúc vào trường, ông này trông thấy đầu đề đã phát luống cuống không biết làm ra thế nào. Thình lình có một ông già đầu tóc bạc phơ chống gậy chui vào trong lều, và ông ấy bảo đưa giấy để mình giáp bài cho. Thế rồi, ông cụ cứ viết thao thao bất tuyệt, một lúc xong cả mấy bài, mà văn cực hay, ông Mỹ chỉ việc trông vào bản giáp mà chép.
Ông đồ im đi một lát, để hút một hơi thuốc lá. Bà đồ và Vân Hạc yên lặng lắng tai chờ nghe. Thở hết khói thuốc trong miệng, ông đồ cao hứng nói tiếp:
- Kỳ đệ nhị, ông Mỹ được vào, và lại thấy ông già ấy. Rồi kỳ đệ tam cũng vậy. Đến kỳ phúc hạch ông Mỹ mới hỏi tên họ ông già là ai, để khi thi xong thì xin tạ ơn. Bấy giờ ông già mới nói tên tuổi của mình cho ông này biết. Đến khi xướng danh, ông Mỹ được đậu cử nhân khá cao. Những bài thi của ông Mỹ khoa ấy, năm trước có một ông bạn đã đọc với tôi. Hay thật. Nhưng tôi quên cả, chỉ nhớ có hai cân thơ. Bài thơ khoa ấy đề là "Lũ phong niên". Câu trạng của ông già làm cho ông Mỹ thế này:
"Thuỷ ứng Chu hoa tam bạch hậu,
Trường trưng Thương quả thập hoàng sơ".
Ông đồ hút hơi thuốc nữa, rồi gặng Vân Hạc:
- Anh có chịu hai câu thơ ấy là hay hay không. "Chu hoa" đối với "thương quả" "tam . bạch" đối với "thập hoàng" chữ nào chữ ấy chọi nhau chan chát, mà đều là việc ở đời nhà Chu, rất sát ngay vào đầu đề nữa. Tôi tưởng thơ cử nghiệp mà đến như thế thì thật là tuyệt bút. Thấy nói khi chấm đến hai câu thơ ấy, quan trường có phê hai chữ "thần cú".
Bà đồ ra bộ ngơ ngác:
- Thế sau có biết ông cụ già người ở đâu không? .
Điếu thuốc đã tàn, ông đồ dụi cái đầu lửa vào sườn nghiên mực cho tắt than đỏ, rồi dán lên cột:
- Ấy! Sau khi thi dỗ, ông cử Mỹ có theo lời dặn của ông già ấy, tìm đến quê quán ông ta tạ ơn. Té ra vị ân nhân đó chính là cụ tổ tam đại của một vọng tộc trong tỉnh Hà Nội...
Bà đồ vội ngoảnh sang nhìn Vân Hạc:
- Đấy. Anh chả cứ bảo cái việc báo ân báo oán ở trường thi là chuyện hoang đường...!
Vân Hạc chỉ cười mủm mỉm. Ông đồ kết luận:
- Nhưng mà về sau cái ông cử ấy đâm ra sằng bậy vô lại, không còn chút nào nho phong. Có lần ông ta chim vợ một anh đội tuần bên Bắc bị hắn bắt quả tang.
Nói đến đây ông đồ lại hỏi Vân Hạc:
- Anh có biệt hắn làm thế nào không?
Và ông lại tự trả lời:
- Hắn lột trần cả đôi trai gái, trói chung vào một cái chõng, sau lính tuần khiêng đi diễu khắp các phố. Trước chõng thì hắn bắt người lính khác cầm một cái biển bằng mo bôi vôi. Trong biển có đề bảy chữ.
"Dương vô vị hề khuyển vô kiên"
Rồi ông cắt nghĩa:
Đó là hắn muốn triết tự cái tên ông Mỹ. Chữ dương là dê mà không có đuôi và chữ khuyển là chó mà không có cái chấm ở vai hợp lại chẳng thành ra chữ mỹ à? Chuyện đó nếu ở một nhà không có thần thế thì đến mất cả cử nhân mà còn phải tù phải tội nữa chứ. Nhưng may ông Mỹ là em ông nghè, nhờ có anh xin ông tổng đốc sở tại làm ngơ đi cho, cho nên chỉ bị nhục với hàng phố một bữa chứ không việc gì.
Ấm trà đã tàn. Bà đồ đứng dậy xuống bếp để bảo chị em cô Ngọc sắp sửa đồ lễ. Một lát sau, xôi gà đều chấm. Vân Hạc rửa mặt chải đầu, sắm sửa khăn ảo, để theo mâm lễ ra đình.
Bóng nắng ra đến nửa thềm, cả nhà mới xong được bữa cơm sáng, cô Bích vội vàng quẩy gánh đi chợ vì sợ chợ trưa. Bà đồ mở chiếc hòm cáng lấy năm quan tiền đưa cho cô Ngọc và tươi cười:
- Đây là tiền của thầy mẹ giúp cho anh tư. Còn vốn riêng của chị để đâu, phải bỏ mười lăm quan nữa ra đây, cho đủ hai chục. Muốn làm bà nọ, bà kia, cũng phải tốn tiền mới được.
Rồi bà bưng đĩa xôi và mấy miếng thịt gà sang cho lũ trẻ hàng xóm.
Bấy giở các cậu học trò mới lục tục đến, ông đồ phải lên nhà trên nghe cho họ đọc.
Cô Ngọc bưng năm quan tiền đặt vào phản giữa, và ngó chồng một cách ỡm ờ:
- Nào ông định tiêu bao nhiêu nữa đây? Độ năm tiền nữa có đủ không?
Vân Hạc nín không trả lời, vì thấy ở ngoài sân, thằng nhỏ đương đưa một người lạ đi vào nhà ngang.
Tới thềm, người ấy đứng lại để lấy phong thư trong túi, trao cho thằng nhỏ, nhờ nó đưa vào trong nhà. Vân Hạc đón phong thư nhìn qua dòng chữ đề ngoài, chàng cười tủm tỉm:
- À thư của anh Nghè Long? Không biết hắn nói gì đây?
Cô Ngọc vội vàng tiến đến bên cạnh án thư, chờ coi Vân Hạc xé cái phong bì, moi lấy một bức hoa tiên ở trong. Hoa tiên viết toàn chữ nho đại ý như vậy:
"Anh Tư Đào Nguyên, trước án tạm ghé mắt xanh.
Đệ về quê nhà đã gần nửa tháng. Vì quá bận rộn về chuyện thù tiếp khách khứa, cho nên nay mới viết thư báo tin với huynh ông.
"Tính lại những ngày đệ với huynh ông xa cách thấm thoát đã đầy một năm. Trong mấy tháng tập việc ở viện Cát Sĩ, cái xuân sắc của đô thành tuy có rườm rà, tươi thắm, nó vẫn không thể khiến đệ quên được cảnh vui của nơi cửa tuyệt, song huynh, những đêm gió mát trăng trong, đứng trên sông Hương ngó về phương Bắc, ngắm đám mây bạc lơ lửng trên núi Tản Viên, đệ thường tưởng như sắc mặt, tiếng cười cua huynh ông vẫn phảng phất ở đâu bên cạnh. . ."
Vân Hạc ngừng lại để nói với vợ:
- Đứng trên sông Hương mà trông thấy đám mây bạc trên núi Tản Viên, mắt của quan nghè thật là tinh hơn mắt ông Thiên Lý Nhỡn trong truyện Phong thần.
Cô Ngọc sẽ cất cái giọng ngây thơ:
- Ấy thế, nhưng mà người ta cũng đỗ ông nghè.
Vân Hạc không trả lời, chàng lại cúi xuống đọc tiếp:
"Giữa lúc nhớ mong khao khát huynh ông, thình lình được tin huynh ông kết duyên cầm sắt với Lê tiểu thư ở làng Vân Trình, đệ thật mừng rỡ khôn xiết.
"Chuyện này, ở địa vị đệ, đáng lẽ không được nhắc đến, nhưng với huynh ông, đệ là một kẻ rất thân, đã được huynh ông coi như ruột thịt, há nên vì sự tỵ hiềm mà không bày tỏ nỗi lòng?
"Cái việc của đệ với Lê tiểu thư, đầu đuôi thê nào, huynh ông chắc đã biết rồi, không cần thuật lại.
"Thú thật với huynh ông, hồi tháng năm vừa rồi, khi đệ mang ơn vinh qui, giữa đường thấy Lê tiểu thư bị cảm, đệ thật bồi hồi khôn xiết.
Vân Hạc ngẩng lên nhìn vợ:
- Đuốc chưa? Sao mà trên đời lại có người đuốc như thế?
Cô Ngọc cười ngượng:
- Thôi đi? Anh đừng ghen bóng, ghen gió! Hãy đọc nốt đi, xem hắn nói ra sao đã nào?
Vân Hạc lại ngó vào bức hoa tiên:
"Từ đó, đệ đã thề với trời đất quỷ thần, quyệt làm mối cho tiểu thư một người bạn trăm năm xứng đáng.
Trong con mắt đệ, cái người nên được tiểu thư nâng khăn sửa lược chỉ có huynh ông mà thôi. Vì vậy, đệ phải đem cái tâm sự đó kính thưa với thày chúng ta và nhở thày thu xếp giúp cho."
Vân Hạc lại cười sằng sặc:
- Anh ta muốn kể công với mình đây chắc. Nhưng mình không ơn. Chẳng qua anh ta muốn tìm chồng cho vợ chứ tử tế gì với mình...
Cô Ngọc nguýt chồng một cái thật dài, tưởng như cả mấy gian nhà sắp bị đổ. Vân Hạc vờ không trông lên, chàng cứ thản thiên xem xuống đoạn dưới:
"May sao thày cũng xét tấm chân thành của đệ, nên đã tự nhận lấy quyền làm ông Nguyệt hạ lão nhân.
Chỉ tiếc sau đó vài ngày đệ liền phụng chỉ vào kinh tập sự không được tới nhà lan, dự cuộc vịnh thơ , nghe tiếng êm ái của đàn cầm, đàn sắt. Đó là một việc đệ vẫn lấy làm ân hận.
Nhưng mà, vợ thảo gặp chồng hiền, họ Mạnh đã đẹp duyên nàng chén; trai tài sánh gái sắc, chàng Tiêu đã phỉ chí cưỡi rồng, sự kỳ ngộ ấy thật đáng ghi vào diễm sử, túc nguyện của đệ đối với huynh ông và Lê tiểu thư thế là thỏa kiếp lắm rồi.
"Lẽ ra, ngày nay đệ phải tự mình đền trước lầu Tần, nâng chén quỳnh tương mừng chị bốn chữ "bách niên giai lão" , nhưng mà đệ hiện được lệnh bổ đi tri phủ Thuận Thành, hành kỳ đã gấp, không tiện tự sang bái yết vả chăng, hoa hòe đã nở huynh ông chắc đương để tâm trí vào trận đua văn. Đệ cũng không dám vì chuyện riêng tây, làm bận sức bay nhảy của bằng mây côn biển.
Vậy xin bái chúc huynh ông gió xuân đắc ý, thẳng đường mây bẻ quế cung trăng, để cho cái tài tế thế kinh bang có thể đem ra giúp dân giúp nước. Sau khi việc trường đã đoạn, xin mời huynh ông tạm rời gót ngọc tới tệ ty, cho đệ được hầu tiếp quang trần, thì đệ khôn xiết hân hạnh. Vài hàng sơ lược, cố để giãi tấm lòng son. Dù có chỗ nào sơ xuất, mừng rằng huynh ông lượng thứ.
Đương mùa mai nở, kính chúc văn an.
Năm ...tháng...ngày...
Đệ Trần Đằng Long bái".
Vân Hạc dặt bức hoa tiên xuống án:
- Té ra anh ta đã bổ đi được tri phủ...Thằng cha may thế. . . !
Cô Ngọc ra bộ tần ngần:
- Thế là chị Thúy đã làm bà phủ rồi đấy. Sướng nhỉ.
Rồi cô rẽ ràng di lên nhà trên. Vân Hạc lấy bút và giấy viết luôn bức thư trả lời Đằng Long, rồi chàng cho gọi cái người đưa thư lúc nãy, giao hắn cầm về. ông đồ đã tan buổi học của lũ học trò tí nhau, lững thững ở nhà trên đi xuống và hỏi:
- Chị Tư đâu? Đồ đạc tiền nong của anh ấy chị đã sắp sửa đủ chưa?
Với một tiếng dạ vui vẻ, Cô Ngọc nhanh nhảu bước xuống nhà ngang:
- Thưa thày, con sắp sửa đủ cả rồi ạ!
Vừa nói, cô vừa lễ mê vác mấy quan tiền đặt vào trong phản và sai thằng nhỏ đem số tiền ấy nhập với những quan tiền của bà đồ đưa cho lúc nãy, lấy mo bó làm hai bó. Bà đồ ở sân vừa vào:
- Thế chị đưa tiền anh Tư bao nhiêu?
CÔ Ngọc tươi cười:
- Thưa mẹ năm quan. Và năm quan của mẹ cho nữa là mười.
Bà đồ cũng cười:
- Ít nhất chị cũng phải có mười quan. Với năm quan của tôi là mười lăm quan, chứ chị nảy ra được năm quan thôi thì anh ấy tiêu sao cho đủ?
CÔ Ngọc vẫn cười lơi lả:
- Bao nhiêu, con cũng không tiếc, nhưng con chỉ sợ anh ấy có nhiều tiền lại càng hay đi cô đào.
Rồi cô vào buồng mở hòm lấy hai quan nữa giao cho thằng nhỏ và tủm tỉm cười nụ, cô nhìn chồng:
- Thôi mười hai quan là đủ lắm rồi. Hễ mà dược vào phúc hạch thì lấy mấy trăm cũng có.
Vân Hạc chỉ cười không đáp.
Tiền nong đồ đạc thu xếp xong. ông đồ bà đồ bảo thằng nhỏ đóng gánh đưa chàng lên Hà Nội.
Chú thích