Bước tới nội dung

Lều chõng/Chương 16

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Lều chõng  (1939)  của Ngô Tất Tố
Chương 16
Mọi khoa xong kỳ phúc hạch, lâu lắm cũng độ nửa tháng thì đã đến kỳ xướng danh. Khoa này sao mà chậm quá? Cái hạn nửa tháng qua rồi, người ta vẫn chưa được biết cuộc xướng danh sẽ là ngày nào.

Bạc đã đánh rồi, ai không mong cho chóng mở bài. Anh em Vân Hạc cũng như những người đã vào đến kỳ thứ tư, hết thảy nóng lòng sốt ruột, qua ngày nay lại ngóng ngày mai.

Ngay từ sau kỳ phúc hạch, Đoàn Bằng đã sai người về làng Đào Nguyên và làng Vân Trình đưa cho anh cả và ông đồ Vân Trình coi những bản sao các bài kỳ ấy của ba anh em. Họ nội họ ngoại cũng như những người ruột thịt trong nhà, ai nấy nô nức mừng rỡ. Cách một hôm sau, Đào Hải Âu và hai anh em họ là Đào Tường Loan, Đào Cương Phượng liền thân hành đến tận nhà trọ. Đáng lẽ cô Ngọc và hai chị dâu thứ hai thứ ba cũng cùng tới đó để hưởng những sự vinh dự sắp tới của các ông chồng. Nhưng ở nhà còn có nhiều việc cần phải lo liệu, nếu như anh em Vân Hạc cùng đỗ cừ nhân. Vì thế cô chỉ gửi ông anh cả đem thêm cho chồng một số tiền nữa, để chàng chi tiêu trong những ngày chờ đợi xem bảng. Hai người chị dâu cũng vậy.

Trong nhà Vân Hạc, Hải Âu tuy là ông anh thứ nhất, nhưng mà đối với các em không quá khắc khổ như Đoàn Bằng.

Thày năm nay đã năm chục tuổi, nhưng vẫn tráng kiện như con trai, râu tóc chưa bạc cái nào. Từ thuở chưa hai mươi tuổi, thày đã nổi tiếng là tay văn chương có tài. Về sau học lực càng ngày càng tiến, những vị khoa giáp ở xứ Đoài và xứ Bắc đều phục là tay đại nho. Nhưng tính thày cũng như ông cống ngày xưa chỉ thích khoáng dật, không chịu nổi những sự bó buộc... Cho nên, từ lúc trẻ tuổi, thày đã quyết không thi cử gì cả. Quanh năm tứ thời ngoài việc đọc sách, thì giờ của thày chỉ để vun xới hoa cỏ trong vườn. Lúc nào cao hứng, thì thày cho tìm mấy ông bạn thân đến nhà thưởng hoa, uống rượu. hoặc đi tiêu giao các nơi sơn thủy, hay là vào các ca lâu, tửu quán mua vui. Trong bọn thiếu niên, Vân Hạc, Đốc Cung đều là người rất hợp ý thày. Bởi vậy, khi mới bước vào nhà trọ, thày hỏi ngay đến Đốc Cung. Thấy nói Đốc Cung phải "ra bảng con". thày điềm nhiên bảo với các em:

- Sự đắc táng của cuộc đời, chẳng qua như một giấc mộng. Đỗ hay hỏng kể ra cũng chẳng quan hệ cho lắm. Có đều tài học anh ta nên đỗ là phải. Thế mà bị nêu bảng con, thì cũng khí oan. Nhưng may không phải tội gì, cũng còn khá đấy.

Rồi thày liền sai Vân Hạc đi kiếm Đốc Cung về đó cho vui.

Từ bữa bị hỏng, Đốc Cung chỉ lên nhà trọ một lần luôn bữa đó chàng lại bị mấy người bạn "cùng hỏng" kéo xuống hàng Lờ, la cà hết nhà ấy sang nhà khác, cái nồng nàn của những cuộc thâu đêm đàn hát đã làm cho chàng quên mình là người hỏng thi.

Đoán chắc Đốc Cung chỉ nằm ở nhà đào Cúc, Vân Hạc liền đến nhà ấy trước tiên. Nhưng mà Đốc Cung không có ở đấy. Đào Phượng hết sức chèo kéo, mời chàng ở lại đến mai, chàng phải nói thật là không thể ở và xin khất đến hôm khác.

Hỏi thăm ba, bốn nhà nữa, Vân Hạc mới biết chỗ ở của Đốc Cung. Lúc ấy Đốc Cung đương cùng một lũ ả đào lăn lóc trong bàn tổ tôm. Tiếng ăn, tiếng phỗng tíu tít xen với tiếng cười nói tình tứ. Thấy Vân Hạc vào một cách đột ngột, Đốc Cung cho là chàng này đã trốn Đoàn Bằng, Tiêm Hồng, xuống đó cho qua cơn nghiện, liền chào bằng giọng bông đùa:

- Hôm nay trời đi vắng nhà hạc đã xổ lồng phải không? Vào đây cầm hộ vài ván. Tao đương bị chúng ăn hiếp, suốt hội không ù ván nào?

Vân Hạc cũng đùa:

- Thấy mặt là thấy nói láo! Bao giờ cho mày thành ra người lớn?

Cả bọn ả đào, tuy chưa ai quen Vân Hạc, nhưng cũng biết là bạn Đốc Cung nên đều tỏ ý vồ vập, thi nhau nhường bài cho chàng.

Vân Hạc hết thảy từ chối và nói cho Đốc Cung biết Hải Âu sai mình đi tìm.

Xưa nay đối với Hải Âu, Đốc Cung vẫn quý mến và rất kính trọng. Hồi này Hải Âu luôn luôn đi chơi, nên đã gần một năm nay, chàng chưa được gặp. Bây giờ nghe nói ông bạn vong niên và cực tương đắc đó mới ở quê ra, tự nhiên chàng thấy sự mải miết trong đám yên hoa đã thành ra cuộc vô vị. Tức thì Đốc Cung trao bài cho Vân Hạc đánh, để mình đứng dậy rứa mặt chải đầu sắp sửa khăn áo. Còn vài ván nữa hết hội. Trước sự co kéo lả lơi của một đám phấn son nhí nhảnh, hai chàng cùng dứt áo ra về.

Bấy giờ trời đã sầm tối, trong nhà bắt đầu thắp đèn. Dưới ánh sáng đỏ nhợt của ngọn lửa mùa đông, một mâm thịnh soạn và một nai rượu lớn của ông chủ nhà trọ đã chiếu lệ hàng ngày đặt ở giữa phản, cả nhà đương sốt sắng đợi người đi vắng.

Đốc Cung vừa nhô vào cửa, Hải âu liền cười và nói:

- Thế nào? Bác bị "khiếm tỵ" đấy ư? Ấy cũng vì thế mà từ thuở nhỏ tôi không dám nghĩ đến chuyện thi cử.

Đốc Cung chỉ trả lời bằng một nụ cười khiêm tốn.

Rồi đó, cả nhà quây vào quanh mâm. Hết cuộc hàn huyên của Hải âu, Đốc Cung, Tiêm Hồng nhắc lại câu chuyện còn dở:

- Hôm nọ, sau khi xem bảng, bốn người chúng em coi đi coi lại bản giáp của bác Cung đến hai chục lượt, vẫn không tìm được "khiếm ty" chỗ nào. Bởi vì hai chữ "trường", "ninh" lại ở hai câu, trong lúc vô tình, khó mà nhận thấy. Em chắc không may cho bác Cung, cho nên mới bị quan trường nhòm ra, chứ những quyển khác có khi cũng còn nhiều chỗ phạm tội như thế mà không ai biết.

- Cái đó tuy cũng có thể, nhưng mà ít khi xảy ra. Là vì mỗi quyển những bốn ông chấm, nếu ông chấm trước không thấy, thì ông chấm sau cũng thấy. Vả lại, theo phép nhà Nguyễn, trách nhiệm của các quan trường rất ngặt. Thí dụ gặp một quyển văn có tội như là "khiếm trang", "phạm húy", "phạm trường qui", "đồ di câu cải bất phụ" chẳng hạn, mà ông sơ khảo không biết, đến ông phúc khảo bới ra, thì ông sơ khảo tức thì phải đuổi ra liền; nếu cả mấy ông sơ khảo, phúc khảo, và giám khảo đều không nhận ra, rồi ông chủ khảo xét thấy thì ba ông kia cũng bị "phù xuất" tất cả, nếu ông chủ khảo cũng không xét thấy, nhưng mà quyển đó cũng bị đánh hỏng thì thôi không sao, giả sử quyển ấy được đỗ, khi đệ về triều, hoàng thượng hay các quan triều xét ra, thì từ ông chánh chủ khảo trở xuống đều có tội cả vậy, trong khi chấm văn, các quan đều phải hết sức tìm bới những chữ phạm tội.

Cương Phượng nói xen:

- Thảo nào em thấy thày em nói rằng: cái khoa bác cống làm phúc khảo cũng có mấy ông sơ khảo bì "phù xuất". Hẳn các ông ấy cũng phạm lỗi đó?

Hải Âu đáp vội đặt chén rượu xuống mâm:

- Không phải! Mấy ông sơ khảo khoa ấy mà bị phù xuất là tại phê văn không đúng. Theo lệ, những ông quan trường chấm văn tuy vẫn được môi người mỗi ý nhưng các dấu phê cũng phải na ná với nhau, không được chênh nhau xa quá. Thí dụ nếu ông sơ khảo phê "liệt" rồi ông phân khảo phê "thứ" hoặc phê "bình" thì không làm sao. nếu ông phân khảo phê "ưu" ấy là những ông chấm trước đã phê "liệt" đều phải phù xuất.

Hay là các ông sơ khảo phê "ưu" rồi ông chủ khảo phê "bình" hoặc phê "thứ" thì không việc gì, nếu ông chủ khảo phê "liệt" thì ông chấm trước phê "ưu" cũng bị đuổi ra khỏi trường. Bởi vì "ưu" với "liệt" cách nhau rất xa. Khi nào cùng một quyển văn mà lại có thể người này phê "liệt" người kia phê "ưu"? Mấy ông sơ khảo bị phù xuất trong khoa thày tôi đi chấm trường nghe đâu vì mấy quyển các ngài phê "liệt" đến ông phân khảo lại đều phê "ưu" có thế thôi.

Tường Loan lại hỏi.

- Giả sử có quyển dở quá, mấy ông chấm trước phê "liệt" là đúng. mà ông phân khảo lại đi phê "ưu" hay là những quyển văn thật hay nhưng ông chấm "liệt", thì làm thế nào? Các ông chấm trước cũng bị phù xuất ư?

Hải Âu nâng chén và đáp:

- Đã có các quan ngoại trường ngự sử can thiệp. Trách nhiệm của mấy ông này chỉ cốt coi sóc công việc ngoại trường. Nếu thấy mấy ông chủ khảo, phân khảo có ý thiên tư, thì các ông đó có quyền bắt bẻ và phải lập tức làm sớ đàn hoặc đưa về triều đình...

Cương Phượng nói góp:

- Thế ra thể lệ với khảo quan cũng nghiêm ngặt lắm. Vậy mả làm sao vẫn có những việc học trò thông với quan trường?

Hải Âu vẫn nâng chén rượu:

- Cái đó có lẽ là chuyện đời Lê. Cứ như các cụ kể lại thì việc thi cử về hồi Lê mạt nhũng lắm. Nhất là mấy khoa cuối đời Cảnh Hưng. Có khoa người ta ăn tiền, lấy đến sáu trăm sinh đồ. Về sau vì có nhiều tiếng nói ra nói vào, chúa Trịnh phải bắt những người đã đỗ ra bãi bờ sông hạch lại. Sáu trăm ông bị loại hơn bốn trăm ông. Cũng vì công việc trường ốc của nhà Lê hãy còn nhiều chỗ sơ xuất, cho nên mới có tệ đó. Chứ đến đời Nguyễn thì sự đề phòng đã cực chu đáo, không thể nào mà gian lận được.

Cả nhà đều lắng tai chờ nghe, Hải âu uống một hớp rượu rồi tiếp:

- Từ đời Minh Mệnh mà đi, nước ta có bảy trường thi là: trường Gia định, trường Bình Định, trường Thừa Thiên, trường Nghệ An, trưởng Thanh Hóa, trường Nam Định và trường Hà Nội. Việc thi cử của bảy trường đó đều do Lễ bộ trông coi. Nhưng việc lựa chọn hai ông chánh phó chủ khảo và các ông nội trường ngự sử, ngoại trường ngự sử, nội trường đề điệu, ngoại trường đề điệu, thì do ý kiến triều đình. Bấy nhiêu ông đó mỗi ông mỗi việc, các ông chủ khảo coi việc văn chương các ông đề điệu giữ việc canh phòng trong trường các ông ngự sử thì phải giám thị quan trường, và học trò. Bao giờ cũng vậy, đến cách kỳ thi độ chừng mười ngày trở lại, trong triều mới kén khảo quan. Sau khi cắt cử đâu đấy, ông chánh chủ khảo được ban lá cờ khâm sai, ông phó chủ khảo được ban cái biển phụng chỉ. lập tức hai đội thị vệ rước luôn cờ, biển và dẫn ông nào về nhà ông ấy. Mấy ông ngự sử cũng phải theo chân ra liền. Thế rồi các lính thị vệ ở luôn ngoài cổng canh giữ, không cho ai ra, ai vào. Mỗi ông ngự sử cũng phải kèm luôn bên cạnh một ông chủ khảo, ông này đi đâu, ông kia đi đấy. Lúc ấy hai ông chủ khảo chỉ còn có việc sắm sửa hòm xiểng quần áo rồi lên đường không được dặn vợ, dặn con nửa câu. Từ đấy cho mãi đến khi xong hết việc trường, các ông ngự sử không rời các ông chủ khảo bước nào. Các ông phân khảo cũng bị canh phòng như thế. chỉ kém cờ biển mà thôi. Như thế thì còn dặn nhau vào lúc nào mà bảo học trò có thể thông với quan trường?

Cương Phượng cầm chai rót rượu vào chén của Hải âu:

- Giả sử ông ngự sử vào hùa với ông chủ khảo thì sao?

- Không có dời nào như thế. Là vì những ông ngự sử đều là những người cương trực không kiêng nể ai. Chỉ những người cương trực không kiêng nể ai. mới được cử làm chức ngự sử. Cho nên các quan ngự sử tuy không có quyền, nhưng triều đình vẫn phải kính trọng.

Tường Loan vẫn chưa tin:

- Nhưng mà người ta cũng còn có thể thông với mấy ông sơ khảo, phúc khảo, giám khảo được chứ? Các ông này đều lấy những ông huấn đạo, giáo thụ sung vào kia mà?

- Cũng không thể được. Các ông sơ khảo, phúc khảo, giám khảo tuy cũng là chân huấn đạo, giáo thụ do các quan tỉnh cứ ra, nhưng cách đề cử cũng rất tinh tế. Ví như hai trường đường ngoài, người chấm trường Hà phải là huấn giáo của những tỉnh thuộc về trường Nam. người chấm trường Nam lại là thụ giáo của các tỉnh thuộc về trường Hà. Ông nào bị cử đi làm quan trường mà còn có em hay học trò dự thi ở trường sẽ có mình chấm thì phải làm giấy hồi tì. Như vậy, các ông sơ khảo, phúc khảo với các học trò còn ai biết là ai mà hòng thông nhau? Vả chăng, dù có thông nhau được nữa cũng là vô ích. Vì cái quyền lấy đỗ ở trường thi hương phải do tay ông chủ khảo, vậy mà sau khi tiến trường, các ông sơ khảo, phúc khảo, đều phải ở riêng ngăn trong, có rào che kín, có quan nội trường ngự sử giám thị, có ông nội trường đề điệu và lính mật sát canh phòng. Trừ ngày ra bảng giải ngạch, mấy ông đó không bao giờ được giáp mặt các ông chủ khảo, nghĩa là không thể nói lót được cho người nào, thế thì thông nhau để làm gì? Huống chi những việc tư túi chỉ quan hệ ở lúc chấm văn. Nhưng các quyển học trò đều phải rọc "phách", việc chấm cứ chấm, quan trường không thể biết được quyển nào là của người nào, còn dùng cách nào mà tư túi được?

Cương Phượng ra bộ mải nghe lại gợi:

- Không biết trong các quan trường ông nào coi việc rọc phách?

- Ông nội trường đề điệu. Việc ấy sở dĩ giao cho quan võ là vì trong lúc rọc phách các quyển đều có đủ cả tên tuổi quê quán của học trò, nếu để lọt vào tay một ông quan văn, sợ rằng ông ấy sẽ vì tình riêng mà sửa chữa văn bài trong quyển. Dùng ông quan võ trông coi, không phải nghi ngờ gì nữa.

Tường Loan lại hỏi:

- Nhưng mỗi kỳ thi có hàng vạn quyển, mỗi quyển là một cái phách, xếp đặt thế nào cho khỏi lẫn lộn?

Hải âu lại cất chén rượu:

- Người ta làm việc rất có trật tự.

Thày uống hớp rượu rồi tiếp:

- Thí dụ như trường Hà Nội khoa này có một vạn hai học trò ứng thí, thì số quyển thi phải bốn vạn tám. Vì ai cũng nộp sẵn bốn quyển cho đủ để viết bốn kỳ. Những quyển đó đều do chính tay học trò tự đề tên mình và nộp lên quan đốc học bản tỉnh. Sắp đến ngày thi, các quan đốc học các tỉnh phải đệ cả đến cửa trường giao cho quan trường. Ông ngoại trường đề điệu nhận đủ quyển của các tỉnh, đóng dấu "Hà Nội thi trường" vào những trang đầu các quyển, rồi mới chuyển vào nội trường cho ông đề điệu trong ấy. Công việc của ông này mới là lôi thôi. Trước hết phải mở các quyển đóng vào khe giữa trang hai và trang ba một miếng dấu nữa - dấu này có chữ "Văn hành công khí", người ta vẫn gọi là dấu "giáp phùng". - Rồi chọn mỗi tên học trò một quyển, tổng cộng một vạn và hai nghìn quyển, để vào một đống, trộn cho lung tung và chia ra làm bốn phần.

Ông chủ nhà trọ vừa qua trước sân, Hải Âu ngừng lại để chào ông ta, Cương Phượng tiện dịp lại xen một câu:

- Sao lại phải chia làm bốn? Trộn lên như thế để làm gì?

- Vì trường có bốn vi, quyển của vi nào để riêng cho vi ấy, cho nên phải chia làm bốn. Còn việc trộn cho đống lung tung là cốt để khi chia phần, những quyển cùng tỉnh khỏi ở cùng phần với nhau.

Tường Loan nhắc:

- Chia xong rồi thì làm thế nào?

- Bấy giờ ông ấy mới sai lại phòng lần lượt ghì tên quyển vào sổ, bốn phần phải tám cuốn sổ, mỗi phần hai cuốn, biên đúng như nhau. Rồi bắt bọn hành mật sát đem các phần quyển đóng làm bốn hòm, đưa ra ngoại trường, để đến ngày thi phát cho học trò. Những bản sổ quyển đã ghi cũng phải đưa luôn ra đó bốn cuốn, để ngoài này làm bảng "yết danh" tức là cái bảng biên tên học trò treo ở ngoài cửa các vi. Còn bốn cuốn nữa phải giữ lại đó để kỳ sau tra xem ai hỏng ai vào.

"Trong ngày thi, khi đã có trống thu quyển, ông ngoại trường đề điệu phải ra tại nhà Thập đạo, trông cho lại phòng thu nhận, quyển nào đúng hạn đều xếp vào hòm, khóa lại và dán niêm phong cẩn thận, quyển nào ngoại hạn thì đóng cái dấu "ngoại hàm" lên đầu và để riêng, rồi lại giao cả cho ông đề điệu nội trường.

"Ông này nhận những quyển đó, để riêng các quyển ngoại hàm một nơi, còn bao nhiêu quyển nội hàm thì đưa lại phòng đánh dấu rọc phách. Lúc này công việc gấp lắm, bao nhiêu lại phòng đều phải xúm lại mà làm. Mỗi quyển phải khuyên một cái ở giữa trang đầu và viết hai bên hai dòng chữ số như nhau:

Thí dụ bên này là "giáp nhất hiệp", bên kia cũng "giáp nhất hiệp", bên này là "khảm lục hiệp" bên kia cũng "khảm lục hiệp". Rồi gập một vệt ở giữa cái khuyên, rọc lấy một mảnh có đề tên họ quê quán học trò, mảnh giấy ấy gọi là cái phách. Rọc xong, có bao nhiêu phách, ông đề điệu phải cất vào hòm còn quyển thì giao các ông sơ khảo chấm trước, đến ông phúc khảo, đến ông giám khảo. Hết lượt nội trường, mới đưa ra ngoài ngoại trường. Các quan ngoại trường chấm xong, lại giao vào trả nội trường. Bấy giờ lại phòng lại phải xúm lại, giở hòm phách kháp vào các quyển. Hễ thấy bên phách bên quyển, hai dòng chữ số đúng nhau, hai nửa cái khuyên đúng nhau, tức là phách đúng với quyển. Phách của quyển nào hãy tạm cài vào quyển ấy, để kiểm dấu phê ở trong. Những quyển đã bị ngoại trường phê "liệt" bấy kỳ nội trường phê gì, hoặc "ưu" hoặc "bình" mặc lòng, đều là quyển hỏng, số phận cũng như các quyển ngoại hạn, phải để riêng ra một nơi. Còn những quyển nào được ngoại trường phê "thứ" hoặc "bình" hoặc "ưu", dẫu cho nội trường phê "liệt" cũng vẫn được "vào" phải tháo lấy những mảnh phách vừa cài vào đó, bỏ lại một đống trộn cho đều, rồi lại chia làm bốn phần và cũng biên tên từng phần vào sổ như lần trước.

Chừng đã thấy thèm thuốc lào. Hải Âu kéo lấy chiếc điếu bên cạnh, đặt thuốc và hút một mồi rồi tiếp:

- Trong lúc bọn lại phòng này biên các sổ phách, thì bọn lại phòng khác mở hòm quyển trắng lục lấy một vạn và hai ngàn quyển, tức là mỗi người học trò một quyển. Rồi mới kiểm số quyển hỏng, xem có những tên người nào, thì bỏ quyển của người ấy ở đống quyển trăng này đi. Còn những quyển trắng còn lại, thì đem so vào với bốn phần "phách" mới chia, phần nào có những người nào, quyển trắng của những người ấy lại phải để vào phần ấy. Thế là hết việc, các phách và các quyển trắng lại phải đóng làm bốn hòm, đưa ra ngoại trường phách thì để lại làm bảng "yết danh", quyển thì để lại phát cho học trò trong kỳ thứ hai. Đến kỳ thứ ba cũng phải làm việc như thế. Có điều sau này học trò thưa dần, số người ít dần, công việc cũng nhẹ hơn nhiều.

Tường Loan kết luận:

- Thế ra trong một khoa thi, công việc của quan nội trường đề điệu vất vả lắm nhỉ?

Hải Âu đáp:

- Cũng chưa vất vả bằng các ông sơ khảo, phúc khảo.

Đốc Cung khôi hài:

- Bác chưa nói đến những quyển khiếm tỵ như của tôi.

Hải Âu cũng cười:

- À còn sót nhỉ. Những quyển khiếm tỵ cũng như những quyền phạm húy, khiếm đài, bất túc, khiếm trang, bạch tự, thiệp tích, tì ố, phạm trường quy v.v... phần nhiều không được chấm hết. Các ông sơ khảo hay phúc khảo chấm đến những chỗ có tội như vậy, phải nêu vào mảnh giấy trắng nhỏ bằng giấy cuộn thuốc lá và cài lên chỗ đầu quyển, rồi thôi không chấm nốt nữa.

Mấy ông chấm sau, thấy chữ nêu đó, xét ra quả có tội thật thì chỉ ký tên vào trang đầu quyển, chứ không chấm một nhát nào. Những quyển ấy, sau khi trở về nội trường, lại phòng hợp phách xong rồi, cũng phải làm sổ đưa ra ngoại trường để các quan ngoài đó xét xem những ai đáng bảng con. Trong các tội mà tôi vừa nói, chỉ có bốn tội: phạm húy, khiếm đài, bất túc và khiếm tỵ phải yết bảng con, còn các tội kia chỉ bị đánh hỏng mà thôi.

Đêm đã khuya, ngoái phố chừng đã hết người đi lại bốn bề im lặng như tờ. Hứng rượu của Hải âu còn bồng bột. Câu chuyện thi cử kéo dài cuộc chén chú chén anh đến gần canh ba.

Từ đó, Hải Âu, và Cương Phượng, Tường Loan ở luôn trong trọ đợi ngày xướng danh. Và ở hai làng Đào Nguyên, Vân Trình thỉnh thoảng cũng vẫn có người tới đó hỏi thăm tin tức. Rồi các bạn bè của anh em Vân Hạc luôn luôn rủ nhau đến tìm Vân Hạc để nói chuyện phiếm. Trong nhà suốt ngày khách khứa dập dìu. ông chủ nhà trọ hình như cũng có lòng mừng, tuy phải phục dịch vất vả, nhưng vẫn tỏ vẻ sốt sắng và vui vẻ.

   




Chú thích