Bước tới nội dung

Lời cảm tạ đạt cho ông Huỳnh Ích Lợi

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Lời cảm tạ đạt cho ông Huỳnh Ích Lợi  (1928) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, số 731 (14.6.1928) để cảm tạ bài Một cái đại ngộ điểm của ông Huỳnh Ích Lợi (Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, số 722, 22.5.1928)

Kính ông,

Tôi hiện ở xa Sài Gòn, nên mãi đến hôm nay mới đọc được Đông Pháp thời báo số 722 và thấy bài Một cái đại ngộ điểm của ông.

Trong bài ấy ông ra sức binh vực cho lẽ phải, cho sự thực trong lịch sử, chớ không phải binh vực chi tôi; song tôi là người có quan hệ với cái lẽ phải, cái sự thiệt mà ông binh vực, nên tôi phải có mấy lời nầy tỏ ý cảm ơn ông, bằng chẳng vậy thì ra tôi đối với lẽ phải với sự thiệt cũng còn là vô tình quá.

Những lời nào đáng nói mà trong các bài của tôi nói chưa đến thì ông đã nói hết rồi, tôi không còn nói chi nữa. Tôi chỉ mong rằng độc giả có nhiều vị như ông thì trong làng báo quốc ngữ chúng tôi sẽ khỏi được cái tệ nhổ bậy phun càn trên con đường ngôn luận và sẽ phải đi tới một cách đường hoàng luôn, vì đã có nhiều viên cảnh sát đứng mà coi sóc hai bên đường.

Tôi còn muốn thưa cùng ông lời nầy, vì tôi tưởng là cần. Xin ông chớ xem khinh cái cuốn Đại Nam sử ký mà ông Trần Huy Liệu đã dẫn ra mấy đoạn. Tôi đồ chắc sách ấy là sách của ông Trương Vĩnh Ký, tôi có đọc qua đã lâu rồi. Tôi nhớ trong ấy có bức quốc thơ của vua Gia Long và có cả bổn giao ước mà vua Louis XVI ký tại cung Versailles. Sách ấy không phải là không có giá trị, ông Trương Vĩnh Ký cũng nói như ông Gosselin, ông Maybon ; giá trong khi viết bài "Bác cái thuyết..." của tôi mà tôi có cuốn sách ấy thì tôi đã viện dẫn rồi.

Ông Trần Huy Liệu vì muốn binh cho cái câu nói lỡ của mình thành ra ổng phải bỏ mấy đoạn trên mà chỉ dẫn mấy đoạn dưới của sách Đại Nam sử ký. Ừ phải, nếu ổng dẫn cho có đầu có đuôi như ông với tôi, thì trong khi cầu chứng để biện hộ cho mình chẳng hóa ra cầu chứng để buộc tội cho mình!

Hễ là học giả thì đối với người khác phải cho ngay thiệt, mà nhứt là đối với chính mình phải cho ngay thiệt, nghĩa là chớ nên tự khi (se faire d'illusion); tự khi thì sự học của mình không có cơ tấn tới được, có phải không ông? Mà như ông Trần Huy Liệu làm vậy là có hơi không được ngay thiệt với chính mình ổng một chút, có phải không thưa ông?

Biết khi nào ông vào núi mà gặp được tôi, hay là tôi ra khỏi núi mà gặp được ông cho biết nhau!

C.D.