Lời nói đầu Việt ngâm thi thoại
Thi Đường luật thạnh hành hơn ngàn năm nay. Từ Âu triều truyền sang, văn giới Tàu có xướng cái thuyết “thi giới cách mạng” vào khoảng Quang Tự canh tân mà phái Khương, Lương là lãnh tụ. Theo như Ẩm Băng thi thoại có chép, như thi Đàm Tự Đồng, thi Huỳnh Tuân Hiến, nói cách mạng mà chỉ là đem tư tưởng mới, học thuyết mới, cùng cơ xảo khoa học mới, khép vào trong khuôn kiểu thanh điệu theo luật thi Đường, nghĩa là nói hồn thi có mới mà hình xác thi vẫn còn nguyên.
Sau độ ít lâu, bác sĩ Hồ Thích xướng ra thứ văn bạch thoại, đồng thời thứ thi bạch thoại mới xuất hiện; phong triều thi bạch thoại sôi nổi một hồi, truyền sang bên ta, người mình cũng bắt chước theo mà phô cái tên là “thi mới”, để phân biệt với thi Đường luật.
Bình tâm mà nói, thứ thi mới ta, không thanh cách điệu gì cả. Trên báo Tiếng dân đã nhiều lần mạt sát và chỉ trích, có lẽ vì người chủ trương báo ấy là phái cựu học, nên phần đông cho là thủ cựu mà không ai để ý. Gần đây ông Nguyễn Tiến Lãng là nhà Tây học, mà trong buổi diễn thuyết tại hội Quảng Tri Huế (vào khoảng tuần tháng Juin 1941) bài xích thi mới một cách rất hăng hái. Đồng thời, ông Phan Khôi trước có hùa vui viết thi mới một đôi bài – thực ra ông thâm Hán học nên thơ mới ông tức là thi cổ phong Đường – nay thấy trong làng thi mới của bạn trẻ có lắm bài vô nghĩa, trong Dân Báo ông Thông Reo (hiệu ông Ph. Kh.) có bài dưới mục “Chuyện hằng ngày” (số ra ngày 25-6-41) cho thi mới là “một cái tai nạn của văn học”, xem đó đủ thấy giá trị thi mới ngày nay là thế nào.