Bước tới nội dung

Lục sì/I. Cái xấu của thành phố

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Lục sì  (1937)  của Vũ Trọng Phụng
I. Cái xấu của thành phố

Một hôm, ông Đốc lý[1] H. Virgitti đã đáp cho phái viên báo La Pairie Annamite[2] trong một cuộc phỏng vấn về nạn hoa liễu:

- Trong thành phố Hà Nội, ít ra cũng có năm nghìn gái sống về nghề mại dâm. Năm nghìn! Nhưng làm thế nào biết họ cho khắp mặt được, nhất là từ khi, bị lôi cuốn vào cuộc biến hoá của phong tục, cái đức hạnh người đàn bà An Nam xưa kia kiên cố biết bao, thì nay đã hoá ra quá đỗi mỏng manh!

Ấy đó là lời bình phẩm của một người Pháp, mà lại một người Pháp thượng lưu, mà lại một viên quan đầu tỉnh, về cuộc "tiến bộ" của xã hội ta. Nói nôm na ra cho dễ nghĩa là: Phụ nữ Việt Nam ngày nay hư hỏng quá lắm.

Năm nghìn!

Tôi đã kinh hoàng vì con số ấy. Tôi đã toan không tin... Nhưng mà khi ông Đốc lý Hà thành tuyên bố cái con số những đàn bà làm đĩ trong tỉnh thành của ông - sự tuyên bố ấy chẳng danh giá gì - thì ông đã lấy con số ở biên bản của một sở mà sở đó khiến ta có thể tin được là Sở Liêm phóng[3].

Năm nghìn! Vâng, độ năm nghìn, bẩm chính thế đấy ạ. Cái đó không còn đáng ngờ gì nữa, vì rằng Sở Liên phóng, trong khi tuyên bố con số năm nghìn, lại không quên phân bua với ngạch cai trị rằng: Ấy là chưa kể đến bọn ả đào và gái nhảy các vùng ngoại ô!

Nào chúng ta thử làm một phép tính chơi. Số dân Hà thành là mười tám vạn, vậy mà có đến năm nghìn người làm đĩ, thế có nghĩa là cứ ba mươi lăm người lương thiện lại có một người thường nhật sinh sống bằng sự gieo rắc vi trùng hoa liễu. Tại Paris, số gái mại dâm do Sở Cảnh sát xướng kỹ (Police des Moeurs)[4] ước lượng là sáu vạn. Hà Nội, kể về đủ mọi phương diện, liệu có "to" bằng một phần mười của Paris không? Nếu ta chưa rõ thì ta cũng vẫn có thể tin chắc chắn rằng không thể nào Paris lại chỉ to gấp mười Hà Nội. Thế những mà kể đến cái dâm dục, cái số người làm đĩ, thì đối với Paris, Hà Nội gần được một phần mười.

Những con số ấy thừa cái hùng hồn để ta biết rằng chúng ta "tiến hoá" nhanh chóng lắm vậy ôi!

Trong con số năm nghìn gái đĩ ấy, ông Virgitti nghiệm ra rằng không kể những kẻ bán trôn nuôi miệng vì không muốn chết đói, thì đa số lại chỉ làm đĩ vì cái thích làm đĩ mà thôi. Thì ra trong cái làng mại dâm mà cũng có kẻ chủ trương "Nghệ thuật vì nghệ thuật"! Việc này không phải chỉ là vấn đề xã hội. Việc này lại là một vấn đề về phong hoá nữa.

***

Để đối phó với nghề mại dâm, thế giới ngày nay chia làm hai phái:

1. Phái người thắt buộc (les reglementaristes) nghề mại dâm bằng những luật lệ quy định nghề thanh lâu (reglementation de la prostitution).

2. Phái người bãi bỏ (les abolitionnistes) luật quy định nghề thanh lâu, nghĩa là giải phóng cho nghề mại dâm được mọi cái tự do, bằng chủ nghĩa "thủ tiêu" (abolitionnisme).

Phái trên lấy lẽ rằng nghề mại dâm đẻ ra nạn hoa liễu, mà nạn hoa liễu thì là một tai hoạ cho cả một xã hội, như vậy thì phải đem một ít luật lệ ra thắt buộc nó, kiềm chế nó, mong sao đỡ hại giống nòi.

Phái dưới, đem cái tự do cá nhân để lên trên tất cả mọi sự, cho rằng tất cả những cửu chỉ nào thuộc về sự nam nữ giao cấu, mặc dầu là bằng cách mại dâm đi nữa thì, nói cho cùng, cũng chỉ là sự thi hành cái quyền thiên nhiên của con người ta ở đời trong sự dùng hay lạm dụng cái thân thể của mình[5], lại nhân thấy luật quy định không có công hiệu gì cho sự giữ gìn nòi giống, các nhà phúc đường[6] chỉ giam có đám phụ nữ có bệnh mà để thả lỏng anh đàn ông thì là bất công, ngạch cảnh sát xướng kỹ nhiều khi vì hối lộ mà bắt bớ cả những con gái nhà lương dân hoặc là làm ngơ cho gái đĩ đã mắc bệnh, như vậy thì phải để nghề mại dâm được tự do, ngõ hầu xã hội đỡ được những sự dã man gây ra bởi ngạch cảnh binh xướng kỹ và những nhà phúc đường.

Nước Pháp là thuộc phái người thứ nhất.

Hà Nội, thủ phủ của Đông Dương, cũng theo chế độ như ở Pháp.

Nghĩa là Hà Nội cũng có một cuốn sách luật lệ quy định mại dâm, một số nhà đĩ điếm để bọn kỹ nữ bán dâm theo đúng luật, một phúc đường để giam và chữa cho bọn ấy khi họ có bệnh, một ngạch cảnh sát xướng kỹ để lùng bắt bọn ấy khi họ đi trốn, và bắt bọn gái đĩ lậu phải vào ở những nhà thanh lâu.

Những nhà đĩ điếm (maision de tole'rance) ấy, dân Việt Nam ta gọi nôm na là những nhà thổ. Phúc đường (dispensaire) ấy, dân Việt Nam ta gọi nôm na là nhà Lục sì[7].

Mà ngạch cảnh sát xướng kỹ (Services des moeurs) ấy, dân Việt Nam ta gọi nôm na là ngạch Đội con gái.

Nói tóm lại, chúng ta có đủ mọi thứ khí giới cần dùng trong viêc phải chiến đấu với thần Bạch My[8].

Vậy thì lẽ gì mà đến nỗi tại chốn "nghìn năm vạn vật" này, cứ ba mươi lăm người tử tế thì lại có một người làm đĩ? Vì những lẽ gì, nhà chuyên trách không thể biết mặt tất cả năm nghìn gái đĩ ấy, đến nỗi họ cứ tha hồ mà đổ bệnh trong dân gian? Vì những lẽ gì, nhà Lục sì không những chỉ là sự khủng bố cho bọn gái mãi dâm, mà lại còn là sự khủng bố cho cả đám phụ nữ lương thiện?

***

Biết rõ những điều ấy, thế không phải là điều vô ích cho độc giả, nam cũng như nữ.

Vì rằng một thiên phóng sự về nhà Lục sì thì đó lại còn là một công cuộc khảo cứu về nạn mại dâm.

Tóm lại một câu, những điều mà phàm người nào quan tâm đến xã hội, lo sợ cho giống nòi đều cũng phải biết.

Và, do thế, tôi đã đi tìm ông giám đốc nhà Lục sì: bác sĩ Joyeux.

Chú thích

  1. Đốc lý là viên quan cai trị Pháp đứng đầu bộ máy hành chính thành phố Hà Nội.
  2. Tổ quốc An Nam là tờ báo hàng tuần bằng tiếng Pháp của Phạm Quỳnh, Tôn Thất Bình là con rể đứng tên, chuyên ca tụng chính quyền thực dân và triều đình Huế.
  3. Thường gọi là Sở Mật thám.
  4. Cảnh sát Phong tục (theo nguyên văn tiếng Pháp).
  5. Tout acte de la vie sexuelle, même sous forme de prostitution, netant apretooutque Pexeercice du droit que chucunpossede d'user uo d'abuser de sa personne... (V.T.P.)
  6. Phúc đường là nhà thương không lấy tiền, miễn viện phí, ngày trước cũng gọi là nhà thương làm phúc hay nhà thương bố thí.
  7. Bệnh viện chuyên trị các bệnh phong tình ngày trước có phương pháp xét nghiệm vui trùng các bệnh ấy mà những người chuyên môn quen gọi bằng tiếng Anh đọc theo âm Việt là "lục sì" nên người Việt Nam gọi luôn là Lục sì.
  8. Thần Mày trắng là tổ sư nghề làm đĩ.