Lục sì/II. Nàng thơ của gái Lục sì
Bác sĩ Joyeux lại còn giữ cả chức giám đốc ngạch Vệ sinh Thành phố[1].
Phòng giấy của ông ở gác một toà công sở thuộc quyền quan đốc lý toà nhà mà người dân Hà thành phải tới ít ra mỗi năm cũng một lần, khi họ đến lúc phải lấy thuế thân. Muốn lên đấy, người ta phải đi qua phòng thuế chính ngạch, phòng phát môn bài, rồi trèo một cái thang gỗ lim. Rẽ sang trái, ta đi qua một phòng khám bệnh của thành phố, tại đó nhà nước phát thuốc làm phúc cho người nghèo. Rồi đến phòng đợi, với một bàn báo chí, mấy cái ghế, cái bàn giấy của người loong toong[2] mà bổn phận là đổi danh thiếp của những khách khứa muốn được "quan chánh" tiếp, và biên sổ những giấy khai tử.
Khi tôi bước chân vào, phòng đợi lúc ấy đã đông khách. Hai người Tây, một người dâm, một người Hoa kiều và một người Nam. Những người ấy muốn chừng đã phải đợi lâu lắm. Người thì đọc báo một cách uể oải, người thì cầm can gõ xuống sàn xui cho đỡ buồn và do thế làm cho người khác càng sốt ruột. Người đầm, ví da cắp nách, đi đi lại lại ngoài hàng hiên. Sau khi đưa danh thiếp cho người loong toong, tôi cũng không có cách nào khác là bắt chước những người đã đợi từ trước. Tôi cũng xem báo, tôi cũng gõ ngón tay trỏ xuống mặt bàn, tôi cũng đi dạo dưới hàng hiên.
Cái sốt ruột, nếu có thể gọi nó là bệnh được, thì là một thứ bệnh hay lây. Người loong toong cũng đi dạo dưới hàng hiên như các khách khứa. Khi trông thấy một chiếc xe hơi tối tân kiểu thể thao sơn màu vàng nhạt từ từ tiến vào cái sân rộng ở phía dưới, người ấy vui mừng nói:
- A! "Quan chánh" ở bên quan đốc lý về kia rồi!
Tất cả mọi người đều thở dài sung sướng như vừa lúc trút được một gánh nặng. Cánh cửa xanh mở lại khép, khép lại mở. Người đầm quay lại phân bua với tôi:
- Ông đến sau tôi, thì tôi phải vào trước ông!
- Cái đó dĩ nhiên, thưa bà.
Rồi người đầm ấy được vào. Tôi nhìn đồng hồ ở tay tôi: 5 giờ 15 phút. Tôi lo lắng, phân vân... Chả mấy lúc nữa mà tan sở, liệu bác sĩ Joyeux sẽ tiếp tôi trong bao nhiêu lâu? Liệu tôi có thể có đủ thời giờ để mà yêu cầu cho được vào một nơi cấm mà nếu không là nhà thổ không là mật thám, không là thầy thuốc, thì ta không được bước chân vào...?
5 giờ 30.
Người đầm vẫn chưa ra.
Bên ngoài, những ông ký lục, khán hộ[3] đã thay áo, rửa tay, lục tục kéo nhau ra về.
6 giờ 15, tôi cũng vẫn được gọi vào.
- Thưa bác sĩ, tôi xin lỗi ngài về sự làm phiền nhiễu ngài như thế này...
- Ô! Ô! Mời ông cứ ngồi chơi, tôi không phải sẵn mối ác cảm với báo giới.
Bác sĩ Joyeux giơ tay ra cho tôi một cách rất thân mật và trỏ cái ghế trước bàn giấy. Bác sĩ chưa già như tôi vẫn tưởng. Có thể nói: hãy còn trẻ măng. Với cặp kính trắng gọng đồi mồi ấy, với cái cằm có dấu vết râu xanh mà lưỡi dao cạo không để cho mọc ra được, nếu hai má đầy đặn hơn chút nữa thì bác sĩ Joyeux hao hao giống một tài tử của màn ảnh: Jim Ge'rald.
- Thưa bác sĩ, trong tất cả những vấn đề gay go mà Chính phủ phải giải quyết cho dân An Nam thì nạn mại dâm hiện giờ đương là một vấn đề hệ trọng... Lấy tư cách nhà ngôn luận, chúng tôi muốn được phép vào nhà Lục sì để viết một thiên phóng sự, ngõ hầu quốc dân của chúng tôi được biết rằng nhà nước đối phố với nạn hoa liễu ra làm sao... Ông chủ nhiệm báo của chúng tôi là ông hội viên thành phố Hà Văn Bích đã có gửi thư nhờ quan đốc lý về việc ấy, mà bây giờ thì tôi đến yêu cầu ngài nghe tôi giãi bày tất cả nhữn gý muốn của tôi để ngài bênh vực cho lời yêu cầu của chúng tôi để lên toà đốc lý...
Bác sĩ Joyeux ngắt lời tôi:
- Điều ấy ông Virgitti đã có nói cho tôi biết. Ông chủ nhiệm báo ông không những lấy tư cách nhà báo mà còn lấy cả tư cách dân biểu nữa. Đáng lẽ ra, nhà nước có thể từ chối lời yêu cầu ấy một cách dễ dàng mà chẳng cần phải cắt nghĩa gì cả. Nhưng mà vào trường hợp này, vì lẽ thành phố vừa bỏ ra một số tiền to để sửa đổi phúc đường, nên để các ông vào thì cũng là ý kiến hay. Vả lại, trái hẳn với nhiều người Pháp đã nghĩ, tôi thì tôi cho rằng báo giới An Nam rất có thể đồng lao cộng lực với nhà nước trong mọi sự phải làm cho dân chúng, miễn rằng các nhà viết báo các ông không được cố ý nói sai sự thực để vu oan cho các nhà cầm quyền. Tôi dám hứa ngay từ bây giờ với ông rằng ông rất có hy vọng vào được nhà Lục sì, bao giờ công việc chữa chạy ấy xong xuôi...
Tôi sung sướng cực điểm. Được phép vào nhà Lục sì nào có phải việc dễ! Từ khi nước Việt Nam có nghề viết báo, và từ khi nghề viết báo có cái mục phóng sự, trong số các bậc tiền bối của tôi hoặc những ông bạn đồng nghiệp thiếu đầu đề của tôi, đã bao nhiêu ông muốn khám phá cho ra những cái bí mật trong nhà Lục sì?
- Thưa bác sĩ, đích xác ngày nào thì tôi vào được?
- Điều ấy, ông phải chờ ông đốc lý.
- Thưa bác sĩ, nhân tiện tôi muốn hỏi ngài vì đâu mà từ chữ Dispensaire người An Nam chúng tôi lại gọi Lục sì. Ngay đến bọn làm báo chúng tôi cũng không hiểu danh từ quái gở ấy xuất xứ từ đâu ra.
- À! Lục sì là ở chữ luck sir, một động từ hồng mao[4]. Luck sir nghĩa là khám bệnh. Hẳn trong số những ông thầy thuốc trông nom phúc đường từ xưa kia, đã có một ông hay bông đùa, hay dùng tiếng hồng mao trong khi đáng lẽ phải dùng tiếng Pháp. Tôi tưởng có do thế thì tiếng cái nhà Lục sì (cai nha loock sce) phổ cập dân chúng An Nam như thế.
Ngừng lại một lúc, bác sĩ tiếp:
- Ông nên cố làm thế nào cho dân chúng hiểu rõ rằng Dispensaire không phải là nơi giam cầm bọn kỹ nữ có bệnh như những tù nhân, mà chỉ là chỗ chữa bệnh làm phúc cho những kẻ không có tiền, và không cứ phải làm đĩ mới đến chữa bệnh ở đấy được. Lục sì, cái tên ấy gây ra trong óc tất cả mọi người những cảm giác không tốt, và làm sai lạc cả ý muốn những người từ tâm sáng lập ra nó. Cái tiếng Lục sì lại hoá ra một mối hại nữa cho vấn đề vệ sinh chung, mặc lòng phúc đường là một nơi không có không được, và trong ấy nhà nước chỉ làm những điều ích lợi cho các kỹ nữ.
Kim đồng hồ chạy thành một vệt thẳng xuống như một cái cột điện 6 giờ.
Tôi vội vàng nói những điều cần nói:
- Thưa bác sĩ, tôi xin cố sức thế nào có thể là hữu ích được trong sự đồng lao công tác với nhà nước... Ý muốn của tôi là viết một thiên phóng sự về phúc đường, nạn hoa liễu, nạn mại dâm. Nhưng mà tôi lại không phải là một ông y khoa bác sĩ cũng không phải là một ông giám đốc phúc đường! Như vậy, tôi phải yêu cầu bác sĩ giúp tôi, nghĩa là cho tôi những vật liệu...
Tức khắc bác sĩ Joyeux đứng lên, ra lục lọi mấy cái tủ sách đựng những công văn, giấy má nhà nước. Sự ấy kéo dài 5 phút, nhưng cái cảm động trong lòng tôi sẽ dài đời đời. Tôi không ngờ một tay làm báo bản xứ mà lại được đối đãi tốt đến như thế. Khi bác sĩ Joyeux quay lại bàn giấy thì tôi có trước mặt những sách dưới đây:
1 cuốn Le Péril vénérien et la protection de à Hanoi (Etat actuel) - Bibliograsphie-Réglementation)
1 cuốn Ogranisstion de Phygiéne et de la protection de la maternité et de Penfance indigène à Hanoi.
1 cuốn Projet de lutte anti-véne'rienne à Hanoi.
1 cuốn tập giấy đánh mày bài diễn văn về Le Péril vénérien et les moyens de lutte.
Ngần ấy sách khảo cứu đều của một tác giả: Bác sĩ Joyeux.
- Đây, tất cả những vật liệu chung quanh vấn đề gay go ấy là vấn đề mại dâm. Ông cứ việc đọc đi thì rồi ông sẽ vừa là một ông giám đốc nhà Lục sì, lại vừa là một ông y khoa bác sĩ nữa.
- Xin cảm tạ ngài vô cùng. Thưa bác sĩ, nhân tiện xin ngàu cho biết ý những nhà cầm quyền đối với cái đoàn thể các cô ả đào như thế nào?
- Những cô đào nương vùng châu thành, ông nói?
- Vâng, nhà cầm quyền có liệt họ vào hàng mại dâm hay không? Theo ý riêng của tôi thì chính cái đoàn thể ấy phải chịu một phần trách nhiệm lớn trong cái nạn phong tình bây giờ...
- Thì cố nhiên! Họ không là mại dâm thì còn là gì nữa? Chẳng cứ tôi có ý kién ấy, mà cả những ông bạn đồng nghiệp của tôi như bác sĩ Le Roy des Barres và bác sĩ Coppin cũng đã liệt họ vào hàng kỹ nữ đã lâu.
Nói xong bác sĩ lục giấy má, đưa cho tôi xem một cái thơ đặt hàng một lúc hai trăm cái bốc. Dưới thư ấy, tôi thấy ký một cái tên: Nghĩa. Bác sĩ Joyeux hỏi tôi:
- Ông hẳn phải biết người chủ cô đào có danh tiếng này?
- Vâng.
- Ấy đó. Nếu không mại dâm, sao người ta lại nhờ tôi mua hộ ở tận Pháp một lúc những ngần ấy cái đồ thụt rửa? Còn chứng cớ nào hiển nhiên hơn nữa không?
- Nhưng mà, thưa bác sĩ, tại sao lại những hai trăm?
- Vì đó là người chủ ấy thửa hộ cho cả phố Khâm Thiên! Mua càng nhiều càng được rẻ tiền.
- Đã vậy, sao cô đào lại không phải khám ở phúc đường?
- Chỉ vì ngoài địa phận thành phố Hà Nội, thì là đất bảo hộ, mà thành phố thì không có quyền gì đối với dân của vua Bảo Đại. Do thế dân Hà thành bị các nhà hát giả danh ấy vậy trong một vòng vây những vi trùng hoa liễu mà phòng Vệ sinh của thành phố không có cách gì đối phó cả, vì lẽ ông đốc lý Hà thành còn phải kính trọng các điều ước mà quan thống lĩnh nước Pháp ký với nhà vua An Nam.
- Thật ra đó là vấn đề chính trị chứ không phải chỉ là vấn đề vệ sinh!
Bác sĩ Joyeux xuôi hai tay, thở dài:
- Chính thế. Cho nên hiện giờ ông đốc lý Virgitti và tôi đương sửa soạn in một cuốn sách khảo cứu về cô đào và gái nhẩy, nhan đề là Le Péril vénérien dans la Zone suburbaine de Hanoi[5] để rồi đệ lên phủ Toàn quyền để quan Toàn quyền biết rõ những nguy hiểm ấy cho dân thành phố, đất thuộc địa.
Kim đồng hồ chỉ 6 giờ 15.
Tôi đứng lên cảm ơn lần nữa và xin cáo từ.
Bác sĩ Joyeux ngăn tôi lại, ra tủ sách một lần nữa, lấy một ít giấy in đưa cho tôi.
- Trong những vật liệu tôi trao cho ông, còn thứ này nữa mới là đủ.
Tôi nhìn thứ giấy gấp đôi ấy, in mực màu xanh: Phong tình ca khúc. Dưới một gốc cây, dưới bóng trăng thanh, bên một dòng suối, có một phụ nữ búi tóc sè goòng, ôm một cây đàn nguyệt, ý chừng đương ca bài thơ vệ sinh. Tôi giở tờ giấy ấy, thấy có bài thơ như thế này:
Đời người ăn uống cười cợt,
Rong chơi, trầu thuốc, bạc bài đủ đâu?
Bác sĩ Joyeux vừa mỉm cười vừa cắt nghĩa:
- Thành phố vừa mới in xong mấy vạn tờ giấy như thế. Mục đích: giảng dạy vệ sinh và cách khám bệnh cho gái mại dâm. Vì nỗi đa số bọn kỹ nữ là không biết một chữ nào cả nên nhà nước phải mượn đến Nàng thơ để bọn ấy có thể học truyền khẩu mà thuộc lòng được. Đó thuộc về sự vệ sinh cho cả một chủng tộc chứ không phải để chúng ta xem xong rồi mà buồn cười.
- Tôi xin cảm ơn ngài vô cùng! Uóc mong rằng lần sau, phải đến hỏi han ngài điều gì, ngài cũng dễ dãi như hôm nay...
- À bientôt, Monsieur Phụng![6]
Bác sĩ giơ tay cho tôi bắt.
Ngoài phố, trời đã tối, đèn điện đã sáng. Người gác toà đốc lý đã cau mặt khoá cửa sau lưng tôi. Thấy tôi, chiếc xe hơi màu vàng rẽ về phố Balny.
Những cặp uyên ương, những cô áo màu loè loẹt đã nhơn nhơ trên bờ hồ Hoàn Kiếm. Cái giờ của Hà Nội - làm việc đã hết. Cái lúc của Hà Nội - ăn chơi đã bắt đầu. Bắt đầu làm việc cho nạn hoa liễu, cho thần Bạch My!
Chỉ ít bữa thôi là tôi được vào nhà Lục sì!
Nghĩa là, thưa độc giả, chỉ ít bữa nữa thôi, là các ngài vào được nhà Lục sì.
Vậy thì, xin đọc vài câu thơ "tả chân" của bài Phong tình ca khúc dưới đây trong khi chờ đợi.
Đời người ăn uống cợt cười,
Rong chơi, trầu thuốc, bạc bài đủ đâu?
Nghĩ thân thế muôn nghìn sầu thảm,
Giàu sang kia, đâu dám phần mong;
Sắc tài lắm nỗi long đong!
Bệnh tình khốc hại, biết phòng sao đây!
Bọn nam tử, gớm thay! Yêu nghiệt!
Đem nọc tình đổ chết cho ta;
Ví bằng ta chẳng lo xa,
Đổ cho kẻ khác, ắt là hại to.
Chị em hỡi! Phải lo, phải tính,
Bệnh tình kia nên lánh cho xa;
Nam nhi ai muốn tìm hoa,
Xét cho kỹ lưỡng kẻo mà bị lây.
Thấy những kẻ trán đầy diềm đỏ,
Thấy những người mình có đám hoen,
Hoặc đám đỏ, hoặc đám đen,
Ở tay, ở ngực, hay bên vế đùi,
Ấy đích thực là người có bệnh,
Phải liệu bài trốn tránh cho xa;
Đừng cho bén mảng lân la,
Người đâu nguy hiểm như là hùm beo!
Giữ gìn lấy! Chớ liều thân thể,
Quyền trong tay chẳng để phần ai.
Vs chăng gặp khách làng chơi,
Vừa lòng thì hãy cho người hái hoa.
Song trước hết phải rửa sạch,
Cũng như mình, bảo khách làm theo;
Xà phòng trắng, nước trong veo,
Đôi bên cùng rửa chẳng điều gì lo.
Khéo gợi khách, làm cho khởi hứng,
Lạ gì đâu! Cái chứng đàn ông,
Hễ khi gần khách má hồng.
Lửa tình nung nấu người trông đỏ dừ!
...
Chú thích
- ▲ Sở Y tế ngày trước gọi là Sở Vệ sinh
- ▲ Người chạy giấy.
- ▲ Thời ấy gọi thư ký là ký lục, y tá là khán hộ.
- ▲ Ngày trước người ta hay gọi người nước Anh là "hồng mao", nghĩa là tóc đỏ
- ▲ Nguy cơ bệnh tình ở Hà Nội.
- ▲ Mong chóng gặp lại, ông Phụng à!