Bước tới nội dung

Lam Sơn thực lục/Bạt

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

BẠT

Cuốn « Lam-sơn thực lục » có phải do tay Nguyễn Trãi viết không?

Đọc văn bia Vĩnh-lăng, theo bản trường Viễn-đông Bác-cổ đã dập được và in ra, ta thấy đoạn đầu văn bia ấy tức là đoạn đầu cuốn sách này. Văn bia ấy là của Nguyễn Trãi soạn, vậy cuốn sách này tức cũng do Nguyễn Trãi soạn. Một là vì dọng văn rất giống nhau. Hai là vì không có lẽ ông Trãi là một tay văn-hào, phụng sắc viết bia, kể cũng là một việc trọng, lại lười mà chép cả đoạn ở một cuốn sách do người khác viết như vậy. Ba là vì trong sách chỉ nhắc đến Nguyễn Trãi về việc giữ giấy tờ trong quân và viết bài Bình Ngô đại cáo. Còn chỗ nói đến các văn-thần có công giúp Nhà-vua mở nước, thì chỉ kể có Lê văn Linh và Bùi quốc Hưng. Ấy là ông Trãi tự mình khiêm-tốn không dám tự-nhận là hạng khai-quốc nguyên-huân. Nếu người khác viết thì có lẽ nào chỗ đó lại bỏ tên Nguyễn Trãi cho được?

Vậy thì sao trong lời tựa vua Lê Thái-tổ lại tự nói là mình viết? Mà trong lời bình người sau lại cũng nhận là của Nhà-vua viết? Cái đó không có gì lạ: Nhà-vua sai ông Trãi viết hộ mình, cũng như viết hộ bài Bình Ngô đại cáo mà thôi. Đọc suốt cuốn sách mà coi, nếu quả vua Lê tự viết, thì dù Ngài hiếu thắng đến đâu, cũng không tự tán-tụng mình đến như thế! Huống chi Nhà-vua lại không phải người hiếu thắng. Về việc lấy nước làm vua, một thì rằng: Bản chí cũng muốn yên thân, không có lòng muốn lấy thiên-hạ; hai thì rằng: Nhờ Tổ-tiên nhân đức, trời, đất, phù-hộ, nên mới được thế! Cho đến dưới bài tựa cũng chỉ xưng mình là Chúa động Lam-sơn, cái hiệu lúc còn làm một vị « lang mường » nho-nhỏ...

Tiếc rằng sách đã qua tay các quan đời Vĩnh-trị được vua cho phép đem các sách riêng của họ mà bù thêm vào! Họ bù thêm vào được cái gì? Được mấy đoạn truyện thì hoang-đường, văn thì dốt-nát, mà tôi đã vạch ra trong khi dịch...

Trừ cái vết nhỏ ấy ra, thì « Lam-sơn thực lục » chính là một hòn ngọc ở trong mớ sử-liệu nước nhà. Cái giá-trị nó ở chỗ người đương-thời chép việc đương-thời. Đối với các sử-gia, những tài-liệu như thế chẳng phải là dễ kiếm.

Vì lẽ ấy, tôi dịch « Lam-sơn thực lục ».

Đêm Thất-tịch Giáp-thân (1944)
Tại nhà xuất-bản TÂN VIỆT
BẢO THẦN