Bước tới nội dung

Luân lý giáo khoa thư - Lớp Đồng ấu/44

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

44. — Tính nói xấu.

Đem chuyện xấu của người ta ra mà nói làm cho người ta mất danh-giá, là mình xấu bụng, không có độ-lượng.

Ta chớ nên nói xấu ai bao giờ.

Tiểu dẫn.Một đứa trẻ hay nói xấu.


Ông Mậu nói chuyện anh Bính.

Một hôm, ở nhà ông Mậu có mấy người đang ngồi uống nước, nói chuyện. Ông Mậu trông thấy anh Bính đi qua cửa, mới trỏ mà nói rằng: « Thằng bé kia là con ông Hai ở gần đây. Nó ngoan[1], lại học giỏi nữa. Nghe đâu thầy giáo khen nó lắm. — Anh Ngọ ngồi gần đấy, thấy cha khen anh Bính, liền nói rằng: « Cha đừng tưởng Bính học giỏi đâu, vừa hôm kia đây, nó không thuộc bài, bị thầy mắng. Người ta lại còn nói nó có tính tham ăn nữa đấy ». — Ông Mậu trừng mắt lên, mắng Ngọ rằng: « Không biết chuyện thằng Bính thật hư thế nào, nhưng hãy biết mày nói xấu nó, mày là một đứa hư rồi. Mày hãy giữ mình mày cho trong sạch, chớ nên nói xấu người ta ».

Giải nghĩaĐộ-lượng = bụng rộng-rãi.

Câu hỏi. — Ông Mậu trông thấy Bính đi qua cửa, nói thế nào? — Ngọ thấy cha khen Bính, nói thế nào? — Ông Mậu mắng con thế nào?

Cách-ngôn.Soi chân mình rồi hãy soi chân người.

  1. nết-na