Bước tới nội dung

Luân lý giáo khoa thư - Lớp Sơ đẳng/I/17

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

CHƯƠNG THỨ HAI
BỔN-PHẬN ĐỐI VỚI HỌC-ĐƯỜNG


17. — Bổn-phận phải đi học.

Sự học rất có ích lợi. Có học thì mới biết đọc, biết viết, biết tính-toán, biết suy-nghĩ phải trái. Có học thì trí-tuệ mới mở mang, phẩm-giá mới cao lên được. Những người không có học, thì dẫu làm nên chức phận gì, có nhiều của đến đâu, cũng vẫn là người thô-lỗ chưa ra người có tư-cách hoàn-toàn.

Tiểu dẫn.Cần phải đi học.

Ông Bình có con là Ngọ làm mỏ ở Hòn-gay, mới gửi thư về.
Mượn người xem thư.
Ông cầm cái thư, chạy sang nhà anh Xuân nói rằng: « Tôi mới nhận được cái thư của cháu, nhờ cậu xem giùm ». Anh Xuân bóc cái thư, đọc cho ông Bình nghe. Ông nghe xong, cám ơn anh Xuân, rồi trở về, vừa đi vừa nghĩ bụng rằng: « May mà lại có anh Xuân biết chữ, xem thư hộ ta, chớ không, thì biết làm thế nào. Mình có mắt mà thật chẳng khác gì người mù. Nhưng đó là tại mình, chứ tại ai? Khi được đi học, thì chẳng chịu học, chỉ ham-mê chơi-bời, bây giờ già rồi, thì còn học gì nữa ».


Giải nghĩa.Trí-tuệ = tinh-thần của người ta. — Phẩm-giá = thứ bậc, giá trị. Người có phẩm-giá là người có giá cao, đáng trọng, đáng quí. — Thô-lỗ = xấu-xa quê-mùa. — Hoàn-toàn = trọn vẹn, đủ, không thiếu gì.

Câu hỏi. — Tại làm sao ta phải đi học? — Sự học có ích lợi cho ta thế nào? — Người không có học thì thế nào? — Ông Bình phải nhờ ai xem thư? — Ông hối-hận thế nào?

Cách-ngôn.Nhân bất học bất tri-lý.