Bước tới nội dung

Luân lý giáo khoa thư - Lớp Sơ đẳng/II/24

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

2. — Tế-lễ.

Ở các đình, các miếu, những ngày tuần-tiết đều có lễ cả. Đồ lễ hoặc trầu, rượu, hoặc xôi, chuối, gà hay bò, lợn[1], là tùy nơi, tùy tục.

Nhưng trong một năm, trọng nhất là những ngày thần-húy, thần-đản, và hai kỳ về mùa xuân, mùa thu, dân làng thường đặt ra những tuần đại-tế gọi là tế kỳ-phúc[2].

Tế thì đại-để phải cắt đủ những người như sau này:

Trước hết phải có người đứng chủ việc tế, gọi là tế-chủ, hoặc có nơi gọi là mạnh-bái, hai hay bốn người phụ vào người tế-chủ gọi là bồi-tế, hoặc là bồi-bái.

Sau đến hai bên đông-xướng, tây-xướng đề xướng lễ cho các người đi tế y theo mà làm. Lắm nơi còn cắt hai người nội-tán đứng đôi bên người tế-chủ để dẫn đường đi lại cho hợp cách.

Sau có mươi, mười-hai người đứng hai bên, vào việc chấp-sự như thượng-hương, hiến-tửu, chuyển-chúc, hiến-tệ, v. v.

Đọc chúc cũng phải có một người riêng.

Người đi tế phải có thứ mũ áo riêng, và đi hia. Mũ thì có hai cái giải rủ xuống sau lưng. Áo thì rộng và dài.

Trong khi tế, lúc đánh trống, đánh chuông, bát-âm, nhã-nhạc, đốt pháo, đốt hương, nhất nhất cái gì cũng có phép-tắc chỉnh-tề, không được sai lầm.

Toát yếu. — Ở các đình, miếu, những ngày tuần-tiết đều có lễ cả.


Các quan-viên tế.

Còn những ngày đản, ngày húy, và một năm hai kỳ về mùa xuân và mùa thu thì thường có tế.

Khi tế, đại-để phải có người chủ-tế, hai người bồi-bái, hai người đông-xướng tây-xướng, một người đọc chúc, và mươi mười hai người chấp-sự.

Người đi tế có mũ áo riêng, và đi hia. Lúc tế có chuông, trống, bát-âm.

Giải nghĩa.Tuần-tiết = ngày sóc-vọng và tết nhất. — Thần-húy = ngày thần hóa. — Thần-đản = ngày thần giáng sinh.

Câu hỏi. — Ở đình, miếu, các ngày tuần-tiết người ta làm gì? — Các ngày húy, ngày đản, và xuân thu nhị kỳ người ta làm gì? — Tế phải có những ai? — Kể công việc của mỗi người.

  1. heo
  2. kỳ-yên