Luận lý học cai trị cả mọi sự ở đời

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Luận lý học cai trị cả mọi sự ở đời  (1930) 
của Phan Khôi

Bài đăng trên Trung lập, Sài Gòn, số 6217 (8.8.1930)

Anh lý trưởng nói hỗn với ông quan về hưu, ông nầy lại nhè kiện lý trưởng ăn gian của làng

Tôi đã nhiều lần nói rằng nước Việt Nam ta từ xưa đến nay chưa có cái nền học thuật đáng gọi là học thuật, có chăng họa là bắt đầu từ ngày nay ; mà ngày nay muốn bắt đầu lập cho nước ta một nền học thuật vững vàng thì phải lấy luận lý học làm trụ cốt. Vì trong các khoa học nếu chẳng hết thảy lấy luận lý học làm gốc, thì hết thảy đều là cẩu thả mà thôi, chẳng có giá trị gì hết.

Chẳng những về học thuật, suy ra cho đến trăm sự ở đời, thời sự nào cũng phải cần đến luận lý học. Bởi vì ta kêu bằng “đời” đó là gì ? Tức là sự loài người ăn ở với nhau. Nếu chẳng có loài người ăn ở với nhau thì chẳng thành ra đời nữa. Vả chăng trong sự ăn ở đại khái có những gì làm cho quan hệ người nầy với kẻ kia ? Đại khái có lời nói và việc làm. Lời nói việc làm lại đều gốc ở tư tưởng mà ra. Luận lý học là một khoa học dạy cho ta tư tưởng theo đường chánh đáng. Vì cớ đó, tôi nói : Trăm sự ở đời cũng phải cần đến luận lý học ; luận lý học cai trị cả mọi sự ở đời.

Tôi tưởng nếu có một người Tây nào học thức đúng đắn mà ở xen lộn vào xã hội ta, biết mọi sự trong xã hội ta như tôi biết, thì họ phải cười cho xã hội ta như trẻ con. Bởi vì trong xã hội ta có nhiều chuyện trái lẽ quá, mà trái lẽ một cách phi thường, đến nỗi người ta không có thể ngờ rằng nó xảy ra được.

Đó là vì thuở nay ta theo Nho giáo, mọi sự đều thiên trọng về cảm tình mà không kể đến lý trí. Trong một xã hội mà lý trí không phát đạt thì thường thường có chuyện buồn cười như thế, không đủ lấy làm lạ.

Phải chi chúng ta chỉ ở với nhau không như đời xưa thì dầu cho thiên trọng về cảm tình cùng vô hại. Đời nầy ta phải giao thiệp với các giống người khắp năm châu, nhứt là với người Pháp ; họ ăn chung ở lộn với ta, mà họ lại là một giống dân phát đạt về lý trí hơn hết, nếu ta còn giữ cách cũ, mọi sự không theo lý trí mà phán đoán, thì thiệt là nguy hiểm cho ta lắm. Bởi vậy tôi luôn luôn chú ý về chỗ đó, quyết đem những ngôn luận của mình mà mở mang cho đồng bào được phát đạt về lý trí. Ấy là tôi đã đề xướng cái khoa cần yếu là luận lý học trong bất kỳ việc gì.

Luận lý học là một phần trong triết học, song le nó chẳng phải cao xa chi, đem mà ghép vào mọi việc xảy ra hằng ngày đều được hết. Nếu làm như vậy thì nó thành ra dễ dàng lắm, ai lại chẳng hiểu ?

Tức như mới rồi trong báo Tiếng dân, nơi mục thời sự, có một chuyện rất tầm thường, tưởng chẳng ai thèm để ý tới làm chi, song tôi, tôi thấy nó là một vấn đề thuộc về luận lý học, tôi xách nó ra mà viết thành bài nầy để giúp sự phán đoán cho bà con, vui lắm.

Tại Bình Định, ở làng kia, có một ông quan về hưu trí tới ngụ. Ông không phải chính dân làng đó. Tháng Juillet rồi, làng ấy cất lại cái đình vừa xong, chẳng biết vì cớ gì tên lý trưởng lại đứng ngay ngõ ông mà nói nhiều lời lỗ mỗ.Việc ấy xảy ra ngày 16, qua hôm sau, 17, ông quan hưu ấy phát đơn đi kiện tên lý trưởng, tố giác rằng tên ấy đã ăn gian của làng trong khi làm đình và bán trộm đất công, v.v…

“Lạ thật ! Tên lý trưởng bất tổn[1] với ông thì ông cứ kiện sự bất tổn đó, sao lại tố giác việc làng ? Còn nói lý trưởng làm bậy, ăn gian, bán ruộng của làng là hại làng, thì sao trước khi đó ông không hề nói ? Nói cho đúng thì ông chỉ vì việc riêng… rồi lấy việc làng mà trả thù việc riêng, chớ không có ý chi vì làng vì dân cả”. - Trên đây là mấy lời của báo Tiếng dân phê bình cái thời sự buồn cười kia. Mấy lời phê bình nầy thậm phải.

Giá như làm ông quan cho minh chánh, gặp vụ kiện nầy nên xử thế nào ? Tôi tưởng ông quan minh chánh thì ổng sẽ bác cái đơn của vị hưu quan kia mà không chấp, rồi ổng nói cùng ông hưu quan ấy rằng : “Nếu tên lý trưởng nói lỗ mỗ với ngài, ngài muốn kiện nó thì kiện ngay cái sự lỗ mỗ ấy, tôi sẽ xử cho. Xong việc ấy rồi, nếu ngài còn muốn kiện sự nó xâm khuy việc làng thì cũng được, tôi cũng sẽ xử cho ngài, chỉ duy phải phân biệt một điều, là hai việc khác nhau, phải cưa mạch nào cho dứt mạch nấy”.

Ông quan minh chánh nói như vậy là căn cứ vào đâu ? Ấy là căn cứ vào luận lý học.

Trong luận lý học, về điều mậu vọng của thành kiến (fausseté de la présomption), có một điều kêu bằng cái luận chứng hãm người (argument ad hominem)[2]. Điều ấy chỉ nghĩa rằng trong khi người nào chỉ trích mình điều chi, mình không nhè điều ấy mà biện bác, lại đi bới móc chuyện riêng của người ấy, hoặc là chức nghiệp hèn, hoặc là phẩm hạnh xấu, để tỏ ra rằng sự người ấy chỉ trích mình là không thật. Luận lý học cấm người ta làm như vậy, cũng như Khổng Tử đã dạy : “Quân tử bất dĩ nhân phế ngôn”.

Theo luận lý học đó thì trong việc nầy, ông hưu quan có kiện, chỉ nên kiện sự tên lý trưởng nói hỗn với mình ; chớ còn chuyện nó ăn gian của làng có mắc mớ chi mà kiện ? Như quả nó có ăn gian thật, ông quan nọ vì việc làng mà kiện thì nên kiện vào khi nào kia ; chớ nhè kiện nó sau khi nó nói hỗn với mình, thế tức là “thù vặt” hay là “hiệp hiềm”, người khôn ngoan biết xử sự, chẳng khi nào làm như vậy.

Ta cứ coi đó cũng đủ thấy việc nầy bên khúc bên trực đành rành. Vị hưu quan nầy đâu là Quang lộc tự khanh, chẳng phải nhỏ mọn gì, nếu là người trong sạch thì lý trưởng đâu dám nói hỗn ? Mà cho tên lý trưởng có nói hỗn đi nữa, nếu trong sự nó nói đó, ông kia đủ lẽ để binh vực mình và trừng trị nó thì đâu có bươi móc đến sự nó xâm khuy việc làng làm chi ? Cái nầy, ông bươi móc việc riêng của nó ra, đủ biết rằng ông khuất lý rồi, nên mới túng mà giở đến cái ngón ấy. Đoạn nầy là tôi cứ lẽ mà đoán, cái lẽ tôi nói đó đã ở ra ngoài vòng luận lý học.

Tôi chắc rằng nếu có người Pháp nào học hành khá một chút mà nghe câu chuyện nầy thì phải bụm miệng mà cười. Vì trong đó thấy cái tánh tình ra như cái tánh tình của trẻ con là hay thù vặt. Tôi lại cũng chắc rằng trong xã hội nước Pháp hay là xã hội văn minh nào khác thật không thể xảy ra vụ kiện nào chướng như vụ kiện đó.

Vậy mà không hiểu ông quan sở tại có chấp đơn của vị hưu quan kia chăng ? Theo tôi thì tôi kể chắc rằng ổng chấp đơn. Vì thường thấy trong xã hội ta sàn sàn như vậy, ít ai hay phân biệt việc nầy việc kia cho sách hoạch, huống chi quan An Nam ta lại còn trông cho có kiện mà xử nữa, bất kỳ lá đơn nào, họa có trời gầm mới nhả !…

PHAN KHÔI

   




Chú thích

  1. H.T. Paulus Của ghi một chữ “tổn” (từ gốc Hán) nghĩa là nhường, khiêm, nhường. Vậy “bất tổn” có thể có nghĩa là không nhường nhịn, thiếu tôn trọng
  2. Chữ ad hominem La-tinh, tức tiếng Pháp là à l’homme ; song trong luận lý học tiếng Pháp cũng dùng như vậy (nguyên chú của Phan Khôi)