Luật Khám bệnh, chữa bệnh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2023/Chương IV

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Chương IV
CƠ SỞ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH

Mục 1
GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH

Điều 48. Hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

1. Các hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bao gồm:

a) Bệnh viện;

b) Bệnh xá thuộc lực lượng vũ trang nhân dân;

c) Nhà hộ sinh;

d) Phòng khám;

đ) Phòng chẩn trị y học cổ truyền;

e) Cơ sở dịch vụ cận lâm sàng;

g) Trạm y tế;

h) Cơ sở cấp cứu ngoại viện;

i) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình;

k) Hình thức tổ chức khác của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Chính phủ.

2. Trường hợp cơ sở giám định y khoa, cơ sở giám định pháp y, cơ sở pháp y tâm thần, trung tâm y tế, viện có giường bệnh, y tế cơ quan, đơn vị, tổ chức hoặc cơ sở có tên gọi khác mà thực hiện khám bệnh, chữa bệnh thì việc cấp giấy phép hoạt động phải thực hiện theo một trong các hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 49. Điều kiện hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

1. Đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động.

2. Bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng cơ bản quy định tại điểm a khoản 1 Điều 57 của Luật này trong quá trình hoạt động.

Điều 50. Giấy phép hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

1. Mỗi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có một giấy phép hoạt động và không có thời hạn. Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thêm cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại địa điểm khác thì mỗi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải có một giấy phép hoạt động riêng.

2. Nội dung của giấy phép hoạt động bao gồm các thông tin cơ bản sau đây:

a) Tên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

b) Hình thức tổ chức;

c) Địa chỉ hoạt động;

d) Phạm vi hoạt động chuyên môn;

đ) Thời gian làm việc hằng ngày.

3. Cơ sở đề nghị cấp mới, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động phải nộp phí theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí, trừ trường hợp do lỗi của cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động mà phải cấp mới, cấp lại, điều chỉnh.

4. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày cấp mới, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động phải cập nhật thông tin liên quan đến việc cấp mới, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động trên Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

5. Chính phủ quy định chi tiết các trường hợp, điều kiện, hồ sơ, thủ tục cấp mới, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động đối với từng hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Điều 48 của Luật này; quy định mẫu giấy phép hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và các điều kiện đặc thù đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc lực lượng vũ trang nhân dân.

Điều 51. Thẩm quyền cấp mới, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động, đình chỉ hoạt động và thu hồi giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

1. Bộ Y tế cấp mới, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động, đình chỉ hoạt động và thu hồi giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế; đình chỉ hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác trên phạm vi toàn quốc.

2. Bộ Quốc phòng cấp mới, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động, đình chỉ hoạt động và thu hồi giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý.

3. Bộ Công an cấp mới, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động, đình chỉ hoạt động và thu hồi giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý.

4. Cơ quan chuyên môn về y tế thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp mới, cấp lại, điều chỉnh và thu hồi giấy phép hoạt động đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn quản lý, trừ trường hợp quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này; đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoạt động trên địa bàn quản lý.

Điều 52. Cấp mới giấy phép hoạt động

1. Cấp mới giấy phép hoạt động được áp dụng đối với các trường hợp sau đây:

a) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh lần đầu tiên đề nghị cấp giấy phép hoạt động;

b) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bị thu hồi giấy phép hoạt động, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản 1 Điều 56 của Luật này;

c) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động nhưng thay đổi hình thức tổ chức hoặc địa điểm;

d) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động nhưng chia tách, hợp nhất, sáp nhập;

đ) Trường hợp khác theo quy định của Chính phủ.

2. Điều kiện cấp mới giấy phép hoạt động bao gồm:

a) Được thành lập theo quy định của pháp luật;

b) Có cơ cấu tổ chức phù hợp với từng hình thức tổ chức của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

c) Có địa điểm hoạt động;

d) Có cơ sở vật chất phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn và quy mô của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trong đó hạ tầng công nghệ thông tin phải bảo đảm kết nối với Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại khoản 1 Điều 112 của Luật này;

đ) Có đủ thiết bị y tế, phương tiện phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn và quy mô của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

e) Có đủ người hành nghề phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn và quy mô của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải có người chịu trách nhiệm chuyên môn và mỗi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ có một người chịu trách nhiệm chuyên môn.

3. Hồ sơ đề nghị cấp mới giấy phép hoạt động bao gồm:

a) Đơn đề nghị cấp mới giấy phép hoạt động;

b) Tài liệu chứng minh cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Thủ tục cấp mới giấy phép hoạt động được quy định như sau:

a) Hồ sơ đề nghị cấp mới nộp cho cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động;

b) Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động có trách nhiệm thẩm định. Thời hạn thẩm định không quá 60 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ. Kết quả thẩm định phải được thể hiện bằng biên bản thẩm định, trong đó nêu rõ các nội dung yêu cầu sửa đổi, bổ sung (nếu có) và phải có chữ ký của các bên tham gia thẩm định, cơ sở được thẩm định;

c) Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày ban hành biên bản thẩm định, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động phải cấp mới giấy phép hoạt động; trường hợp cơ sở phải thực hiện các nội dung sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu nêu tại biên bản thẩm định thì trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động phải cấp mới giấy phép hoạt động.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này; quy định việc cấp mới giấy phép hoạt động đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc lực lượng vũ trang nhân dân.

Điều 53. Cấp lại giấy phép hoạt động

1. Cấp lại giấy phép hoạt động được áp dụng đối với các trường hợp sau đây:

a) Giấy phép hoạt động bị mất;

b) Giấy phép hoạt động bị hư hỏng;

c) Giấy phép hoạt động có sai sót thông tin.

2. Hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép hoạt động bao gồm:

a) Đơn đề nghị cấp lại giấy phép hoạt động;

b) Bản gốc giấy phép hoạt động, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;

c) Tài liệu chứng minh đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.

3. Thủ tục cấp lại giấy phép hoạt động được quy định như sau:

a) Hồ sơ đề nghị cấp lại nộp cho cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động;

b) Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động có trách nhiệm cấp lại giấy phép hoạt động. Trường hợp phải thẩm định thực tế tại cơ sở thì thực hiện theo thủ tục quy định tại điểm b và điểm c khoản 4 Điều 52 của Luật này.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này; quy định việc cấp lại giấy phép hoạt động đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc lực lượng vũ trang nhân dân.

Điều 54. Điều chỉnh giấy phép hoạt động

1. Điều chỉnh giấy phép hoạt động trong các trường hợp sau đây:

a) Thay đổi phạm vi hoạt động chuyên môn;

b) Thay đổi quy mô hoạt động;

c) Thay đổi thời gian làm việc;

d) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không thay đổi địa điểm nhưng thay đổi tên, địa chỉ;

đ) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bị đình chỉ một phần hoạt động khi hết thời hạn đình chỉ mà không hoàn thành việc khắc phục đầy đủ các nội dung yêu cầu tại văn bản đình chỉ.

2. Điều kiện điều chỉnh giấy phép hoạt động bao gồm:

a) Có giấy phép hoạt động đang còn hiệu lực;

b) Đáp ứng các điều kiện phù hợp với nội dung đề nghị điều chỉnh theo quy định của pháp luật.

3. Hồ sơ điều chỉnh giấy phép hoạt động bao gồm:

a) Đơn đề nghị điều chỉnh giấy phép hoạt động;

b) Bản gốc giấy phép hoạt động và tài liệu chứng minh việc thay đổi quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.

4. Thủ tục điều chỉnh giấy phép hoạt động được quy định như sau:

a) Hồ sơ đề nghị điều chỉnh nộp cho cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động;

b) Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động có trách nhiệm điều chỉnh giấy phép hoạt động. Trường hợp phải thẩm định thực tế tại cơ sở thì thực hiện theo thủ tục quy định tại điểm b và điểm c khoản 4 Điều 52 của Luật này.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này; quy định việc điều chỉnh giấy phép hoạt động đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc lực lượng vũ trang nhân dân.

Điều 55. Đình chỉ hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

1. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bị đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động trong các trường hợp sau đây:

a) Xảy ra sự cố y khoa tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đến mức phải đình chỉ hoạt động;

b) Không bảo đảm một trong các điều kiện quy định tại Điều 49 của Luật này;

c) Không bảo đảm một trong các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 52 của Luật này.

2. Thời hạn đình chỉ hoạt động từ 01 tháng đến 24 tháng.

3. Việc đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và thời hạn đình chỉ phải căn cứ vào nguyên nhân, tính chất, mức độ, hậu quả của sự cố y khoa hoặc phần điều kiện hoạt động không còn bảo đảm.

4. Trong thời hạn bị đình chỉ hoạt động, nếu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã hoàn thành việc khắc phục đầy đủ các nội dung yêu cầu tại văn bản đình chỉ, cơ quan có thẩm quyền đình chỉ hoạt động cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quyết định cho phép cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoạt động trở lại.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 56. Thu hồi giấy phép hoạt động cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

1. Giấy phép hoạt động bị thu hồi trong các trường hợp sau đây:

a) Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động không đúng quy định;

b) Giả mạo giấy tờ trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động;

c) Giấy phép hoạt động được cấp không đúng thẩm quyền;

d) Giấy phép hoạt động có sai sót thông tin;

đ) Cấp sai hình thức tổ chức, phạm vi hoạt động chuyên môn;

e) Sau 24 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép hoạt động mà cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không hoạt động;

g) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tạm dừng hoạt động từ 24 tháng liên tục trở lên hoặc chấm dứt hoạt động;

h) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bị đình chỉ toàn bộ hoạt động khi hết thời hạn đình chỉ mà không hoàn thành việc khắc phục đầy đủ các nội dung yêu cầu tại văn bản đình chỉ;

i) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không bảo đảm duy trì đầy đủ các điều kiện quy định tại Điều 49 hoặc khoản 2 Điều 52 của Luật này;

k) Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tự đề nghị thu hồi giấy phép hoạt động.

2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này. Trường hợp cần thiết phải bổ sung các trường hợp thu hồi giấy phép hoạt động, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi ban hành.

Mục 2
ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG CƠ SỞ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH

Điều 57. Tiêu chuẩn chất lượng đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

1. Tiêu chuẩn chất lượng là các tiêu chuẩn, yêu cầu về quản lý và chuyên môn kỹ thuật dùng làm cơ sở để đánh giá chất lượng của dịch vụ kỹ thuật hoặc của từng chuyên khoa hoặc của toàn bộ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động, bao gồm:

a) Tiêu chuẩn chất lượng cơ bản đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Bộ Y tế ban hành;

b) Tiêu chuẩn chất lượng nâng cao đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Bộ Y tế ban hành;

c) Tiêu chuẩn chất lượng đối với từng chuyên khoa hoặc dịch vụ kỹ thuật do Bộ Y tế ban hành;

d) Tiêu chuẩn chất lượng đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc từng chuyên khoa hoặc dịch vụ kỹ thuật do tổ chức trong nước, tổ chức nước ngoài ban hành được Bộ Y tế thừa nhận.

2. Khuyến khích cơ sở khám bệnh, chữa bệnh áp dụng tiêu chuẩn chất lượng quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này.

3. Tiêu chuẩn chất lượng quy định tại điểm d khoản 1 Điều này phải phù hợp với điều kiện tại Việt Nam, không thấp hơn tiêu chuẩn chất lượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này và bảo đảm các yêu cầu tối thiểu sau đây:

a) Bảo đảm tính khoa học và hiệu quả;

b) Bảo đảm đánh giá được tổng thể các đặc tính chất lượng và thành tố chất lượng;

c) Được các tổ chức quốc tế về chất lượng khám bệnh, chữa bệnh thừa nhận, đã được áp dụng trên thế giới.

4. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định việc thừa nhận tiêu chuẩn chất lượng quy định tại điểm d khoản 1 Điều này.

Điều 58. Đánh giá và chứng nhận chất lượng đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

1. Việc đánh giá và chứng nhận chất lượng nhằm mục đích sau đây:

a) Duy trì và cải tiến chất lượng hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

b) Cung cấp thông tin để người bệnh và các bên chi trả có thể lựa chọn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phù hợp;

c) Làm căn cứ để kiến nghị xử lý vi phạm và khen thưởng đối với kết quả đánh giá theo tiêu chuẩn chất lượng cơ bản.

2. Nguyên tắc đánh giá chất lượng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bao gồm:

a) Độc lập, khách quan, trung thực, công khai, minh bạch, đúng pháp luật;

b) Phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng khám bệnh, chữa bệnh đã được Bộ Y tế ban hành hoặc thừa nhận;

c) Chỉ thực hiện đánh giá chất lượng sau khi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được cấp giấy phép hoạt động ít nhất đủ 12 tháng;

d) Cơ quan, tổ chức đánh giá, chứng nhận chất lượng chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả đánh giá của mình.

3. Hằng năm, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm tự đánh giá chất lượng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 57 của Luật này.

4. Tổ chức đánh giá, chứng nhận chất lượng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đánh giá sự phù hợp theo quy định của pháp luật thực hiện đánh giá chất lượng khi có đề nghị của cơ quan quản lý nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh hoặc của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

5. Kết quả đánh giá chất lượng được công khai tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

6. Căn cứ kết quả đánh giá quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này, cơ quan quản lý nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh thực hiện kiểm tra kết quả đánh giá chất lượng đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý theo nguyên tắc quản lý rủi ro.

7. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Mục 3
QUYỀN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ SỞ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH

Điều 59. Quyền của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

1. Thực hiện các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật này.

2. Được từ chối khám bệnh, chữa bệnh trong các trường hợp sau đây:

a) Vượt quá khả năng chuyên môn hoặc không thuộc phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở, trừ trường hợp cấp cứu quy định tại Điều 61 của Luật này.

b) Thuộc một trong các trường hợp quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều 40 của Luật này.

3. Thu các khoản chi phí liên quan đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.

4. Hưởng chế độ ưu đãi khi thực hiện các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.

5. Giao kết hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế với cơ quan bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế; giao kết hợp đồng với các tổ chức bảo hiểm khác theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm để khám bệnh, chữa bệnh.

6. Hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

7. Được tổ chức cung cấp các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ theo yêu cầu của người bệnh, người đại diện của người bệnh.

8. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân được tham gia đấu thầu hoặc được Nhà nước đặt hàng cung cấp một số dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong danh mục dịch vụ sự nghiệp công do ngân sách nhà nước bảo đảm hoặc hỗ trợ một phần kinh phí.

Điều 60. Trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

1. Tổ chức việc sơ cứu, cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh kịp thời cho người bệnh.

2. Thực hiện quy định về chuyên môn kỹ thuật và các quy định khác của pháp luật có liên quan; chịu trách nhiệm về kết quả khám bệnh, chữa bệnh của người hành nghề thuộc thẩm quyền quản lý.

3. Công khai thời gian làm việc và danh sách người hành nghề, thời gian làm việc của từng người hành nghề tại cơ sở.

4. Niêm yết giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, giá dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ theo yêu cầu tại cơ sở và trên Hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

5. Bảo đảm việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người bệnh, người hành nghề theo quy định của Luật này.

6. Bảo đảm các điều kiện cần thiết để người hành nghề thực hiện khám bệnh, chữa bệnh.

7. Tự đánh giá chất lượng và công khai kết quả đánh giá chất lượng theo quy định tại khoản 3 và khoản 5 Điều 58 của Luật này.

8. Chấp hành quyết định huy động, điều động của cơ quan, người có thẩm quyền trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc tình trạng khẩn cấp.

9. Tổ chức lực lượng bảo vệ, bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất để bảo đảm an ninh, trật tự phù hợp với hình thức tổ chức, quy mô của cơ sở; phối hợp với cơ quan công an có thẩm quyền trong việc tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; thông báo cơ quan công an có thẩm quyền trên địa bàn để phối hợp triển khai các biện pháp bảo vệ người bệnh là người bị bạo lực, xâm hại.

10. Giới thiệu, chuyển người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác phù hợp tình trạng bệnh và yêu cầu của người bệnh trong các trường hợp sau đây:

a) Tình trạng bệnh vượt quá khả năng chuyên môn hoặc không thuộc phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở;

b) Theo yêu cầu của người bệnh, người đại diện của người bệnh và được sự đồng ý của người hành nghề trực tiếp điều trị cho người bệnh hoặc người trực lâm sàng;

c) Tạm dừng hoặc bị đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép hoạt động;

d) Gặp sự cố bất khả kháng mà không thể tiếp tục thực hiện việc tiếp nhận, điều trị cho người bệnh.

11. Tham gia các hoạt động y tế dự phòng theo quy định của pháp luật.

12. Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Chính phủ.