Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2023/Chương I

Văn thư lưu trữ mở Wikisource

Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; chế độ, chính sách trong hoạt động quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Công trình quốc phòng là công trình xây dựng, địa hình, địa vật tự nhiên được xác định, cải tạo do quân đội, cơ quan, tổ chức được giao quản lý, bảo vệ để phục vụ cho hoạt động quân sự, quốc phòng, phòng thủ bảo vệ Tổ quốc. Công trình quốc phòng có thể nằm trong hoặc ngoài khu quân sự.

2. Khu quân sự là khu vực có giới hạn được thiết lập trên mặt đất, trong lòng đất, trên mặt nước, dưới mặt nước, trên không, xác định chuyên dùng cho mục đích quân sự, quốc phòng.

3. Kho đạn dược là một loại công trình quốc phòng hoặc khu quân sự để cất trữ, sản xuất, sửa chữa, xử lý đạn dược, nguyên liệu, vật liệu nổ của Quân đội nhân dân Việt Nam.

4. Hệ thống ăng-ten quân sự là một loại công trình quốc phòng hoặc khu quân sự, gồm tổ hợp đồng bộ các trang thiết bị dùng để bức xạ hoặc thu sóng điện từ trong không gian, phục vụ cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng của cấp chiến lược, chiến dịch Quân đội nhân dân Việt Nam.

5. Khu vực cấm là khu vực được giới hạn bởi ranh giới trên mặt đất, trong lòng đất, trên mặt nước, dưới mặt nước, trên không của công trình quốc phòng, khu quân sự, được thiết lập để kiểm soát nghiêm ngặt hoạt động của người, phương tiện, bảo đảm an ninh, an toàn và phòng, chống hành vi xâm nhập, phá hoại, thu thập bí mật nhà nước, bí mật quân sự.

6. Khu vực bảo vệ là khu vực được giới hạn bởi ranh giới trên mặt đất, trong lòng đất, trên mặt nước, dưới mặt nước, trên không bao quanh phía ngoài khu vực cấm, được thiết lập để kiểm soát hoạt động của người, phương tiện, bảo đảm an ninh, an toàn cho công trình quốc phòng, khu quân sự.

7. Vành đai an toàn là khu vực được giới hạn bởi ranh giới bao quanh phía ngoài khu vực cấm hoặc khu vực bảo vệ, được thiết lập theo yêu cầu quản lý, bảo vệ để bảo đảm an ninh, an toàn cho công trình quốc phòng, khu quân sự.

8. Phạm vi bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự là giới hạn không gian được thiết lập để quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; có thể bao gồm đầy đủ khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn hoặc chỉ có khu vực cấm hoặc chỉ có khu vực cấm và khu vực bảo vệ hoặc chỉ có khu vực cấm và vành đai an toàn. Đối với kho đạn dược, phạm vi bảo vệ gồm khu vực cấm và vành đai an toàn kho đạn dược; đối với hệ thống ăng-ten quân sự, phạm vi bảo vệ gồm khu vực cấm và hành lang an toàn kỹ thuật hệ thống ăng-ten quân sự.

9. Vành đai an toàn kho đạn dược là khu vực bao quanh kho đạn dược, nằm giữa giới hạn trong và giới hạn ngoài với khoảng cách bằng bán kính an toàn, gồm trên mặt đất, trong lòng đất, trên mặt nước, dưới mặt nước, trên không.

10. Đường cơ bản của kho đạn dược là đường khép kín nối các điểm hoặc cạnh ngoài của các nhà kho đạn dược ngoài cùng của khu vực kho đạn dược, dùng làm mốc để xác định giới hạn trong của vành đai an toàn kho đạn dược.

11. Giới hạn trong của vành đai an toàn kho đạn dược là đường khép kín cách đường cơ bản của kho đạn dược một khoảng cách nhất định tùy thuộc vào tính chất, đặc điểm của kho đạn dược.

12. Giới hạn ngoài của vành đai an toàn kho đạn dược là đường khép kín tập hợp bởi các điểm ngoài cùng của bán kính an toàn kho đạn dược.

13. Bán kính an toàn kho đạn dược là khoảng cách nhỏ nhất tính từ giới hạn trong của vành đai an toàn kho đạn dược trở ra xung quanh để bảo đảm an toàn cho người và tài sản trên mặt đất, trong lòng đất, trên mặt nước, dưới mặt nước, trên không nếu kho đạn dược xảy ra sự cố cháy, nổ.

14. Hành lang an toàn kỹ thuật hệ thống ăng-ten quân sự là khu vực trên mặt đất, trong lòng đất, trên mặt nước, dưới mặt nước, trên không được giới hạn từ mép ngoài hệ thống ăng-ten quân sự trở ra xung quanh đến một khoảng cách nhất định tùy thuộc vào tính năng kỹ thuật của từng hệ thống ăng-ten để bảo đảm hoạt động bình thường của hệ thống ăng-ten quân sự.

15. Mép ngoài hệ thống ăng-ten quân sự là đường khép kín tập hợp các điểm ngoài cùng của hệ thống ăng-ten quân sự.

16. Chướng ngại vật ăng-ten là vật cản, vật phản xạ, vật bức xạ do tự nhiên hoặc con người tạo ra có ảnh hưởng đến khả năng truyền dẫn, phát và thu sóng điện từ trong không gian của hệ thống ăng-ten quân sự.

Điều 3. Nguyên tắc quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự

1. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; phù hợp với điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và thỏa thuận quốc tế có liên quan; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

2. Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, là trách nhiệm của toàn dân, của cả hệ thống chính trị, trong đó Quân đội nhân dân làm nòng cốt.

3. Kết hợp quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự với phát triển kinh tế - xã hội, gắn phát triển kinh tế - xã hội với quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

4. Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự phải thống nhất theo quy hoạch, kế hoạch được phê duyệt; bảo đảm bí mật, an toàn, đúng mục đích, công năng sử dụng, phù hợp với từng loại, nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự.

Điều 4. Chính sách của Nhà nước trong quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự

1. Bảo đảm nguồn lực cho quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, ưu tiên địa bàn chiến lược, trọng điểm về quốc phòng, công trình quốc phòng, khu quân sự đặc biệt quan trọng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, phòng thủ bảo vệ Tổ quốc.

2. Có chế độ, chính sách phù hợp cho các lực lượng quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

3. Có chế độ, chính sách phù hợp để bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bị tác động, ảnh hưởng do hoạt động quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

4. Nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại vào hoạt động quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

Điều 5. Phân loại công trình quốc phòng và khu quân sự

1. Theo chức năng nhiệm vụ, mục đích sử dụng, công trình quốc phòng và khu quân sự phân thành loại A, loại B, loại C và loại D.

2. Công trình quốc phòng và khu quân sự loại A phục vụ nhiệm vụ tác chiến phòng thủ bảo vệ Tổ quốc, bao gồm:

a) Công trình quốc phòng gồm công trình chỉ huy, công trình tác chiến, bảo đảm tác chiến; công trình sơ tán thời chiến của Ban, Bộ, ngành trung ương; sân bay quân sự, bến cảng quân sự; hang động tự nhiên được cải tạo hoặc quy hoạch sử dụng cho nhiệm vụ tác chiến, phòng thủ; thành cổ, pháo đài cổ, hầm, hào, lô cốt do lịch sử để lại;

b) Khu quân sự gồm khu vực sở chỉ huy các cấp, căn cứ quân sự, khu vực bố trí trận địa chiến đấu, bảo đảm chiến đấu.

3. Công trình quốc phòng và khu quân sự loại B phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập của lực lượng quân đội và Dân quân tự vệ, bao gồm:

a) Công trình quốc phòng gồm công trình trường bắn, thao trường huấn luyện;

b) Khu quân sự gồm trường bắn, trung tâm huấn luyện, khu vực phục vụ diễn tập quân sự thuộc Bộ Quốc phòng.

4. Công trình quốc phòng và khu quân sự loại C phục vụ cất trữ, sửa chữa, tiêu hủy vũ khí, đạn dược, trang bị, nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất các sản phẩm quốc phòng, bao gồm:

a) Công trình quốc phòng để cất trữ đạn dược, vũ khí, trang bị kỹ thuật các cấp; cất trữ vật chất hậu cần, xăng dầu phục vụ quân đội; công trình phục vụ nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất, tiêu hủy vũ khí, đạn dược, trang bị;

b) Khu quân sự gồm kho đạn dược, vũ khí, trang bị kỹ thuật, vật chất hậu cần; nhà máy, xí nghiệp quốc phòng, cơ sở nghiên cứu, thử nghiệm vũ khí, khu vực xử lý tiêu hủy vũ khí, đạn dược.

5. Công trình quốc phòng và khu quân sự loại D phục vụ sinh hoạt, học tập, làm việc thường xuyên của quân đội, bao gồm:

a) Công trình quốc phòng gồm nhà làm việc, nhà ở, nhà ăn, nhà bếp, hội trường, nhà chuyên dùng, công trình hạ tầng kỹ thuật;

b) Khu quân sự gồm trụ sở cơ quan quân sự các cấp, doanh trại quân đội, học viện, nhà trường, viện nghiên cứu, bệnh viện, bệnh xá, cơ sở an dưỡng, điều dưỡng quân đội, trung tâm văn hóa, thể thao quốc phòng, khu nhà công vụ, bảo tàng quân sự và cơ sở giam giữ.

6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 6. Phân nhóm công trình quốc phòng và khu quân sự

1. Theo tính chất quan trọng và yêu cầu quản lý, bảo vệ, công trình quốc phòng và khu quân sự phân thành Nhóm đặc biệt, Nhóm I, Nhóm II và Nhóm III.

2. Nhóm đặc biệt gồm các công trình quốc phòng, khu quân sự đặc biệt quan trọng phải áp dụng biện pháp quản lý, bảo vệ đặc biệt nghiêm ngặt để bảo đảm bí mật, an toàn tuyệt đối:

a) Công trình quốc phòng, khu quân sự phục vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cơ quan, đơn vị cấp chiến lược của Bộ Quốc phòng; công trình quốc phòng, khu quân sự có vai trò quyết định trong bảo vệ lực lượng, phương tiện tác chiến phòng thủ bảo vệ Tổ quốc;

b) Công trình, cơ sở nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất đặc biệt về vũ khí, trang bị;

c) Công trình khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

3. Nhóm I gồm các công trình quốc phòng, khu quân sự rất quan trọng có yêu cầu quản lý, bảo vệ rất nghiêm ngặt, bảo đảm bí mật, an toàn:

a) Công trình quốc phòng, khu quân sự loại A phục vụ nhiệm vụ tác chiến phòng thủ biên giới, vùng trời, vùng biển, hải đảo; nhiệm vụ quân sự, quốc phòng của cấp chiến dịch; công trình sơ tán thời chiến của Ban, Bộ, ngành trung ương;

b) Khu quân sự loại B gồm các trung tâm huấn luyện quân sự quốc gia, trường bắn cấp quân khu và tương đương; trường bắn khu vực, trường bắn biển; các công trình trường bắn, thao trường huấn luyện được xây dựng trong khu quân sự quy định tại điểm này;

c) Khu quân sự loại C gồm các kho đạn dược, vũ khí, trang bị kỹ thuật, vật chất hậu cần; nhà máy, xí nghiệp sản xuất, sửa chữa vũ khí, đạn dược; khu vực thử nghiệm, xử lý, tiêu hủy vũ khí, đạn dược cấp chiến lược; công trình quốc phòng phục vụ cất trữ, sửa chữa, tiêu hủy vũ khí, đạn dược, trang bị, nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất các sản phẩm quốc phòng được xây dựng trong khu quân sự quy định tại điểm này;

d) Khu quân sự loại D gồm trụ sở làm việc cơ quan Bộ Quốc phòng; công trình quốc phòng phục vụ sinh hoạt, học tập, làm việc thường xuyên được xây dựng trong khu quân sự quy định tại điểm này.

4. Nhóm II gồm các công trình quốc phòng, khu quân sự quan trọng có yêu cầu quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt, bảo đảm bí mật, an toàn:

a) Công trình quốc phòng, khu quân sự loại A phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng của cấp chiến thuật;

b) Khu quân sự loại B gồm các trường bắn cấp sư đoàn, bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh và tương đương; trung tâm, thao trường huấn luyện, trường bắn chuyên ngành; công trình trường bắn, thao trường huấn luyện được xây dựng trong khu quân sự quy định tại điểm này;

c) Khu quân sự loại C gồm các kho đạn dược, vũ khí, trang bị kỹ thuật, vật chất hậu cần; nhà máy, xí nghiệp sản xuất, sửa chữa vũ khí, đạn dược; nhà máy sản xuất sản phẩm quốc phòng cấp chiến dịch; công trình quốc phòng phục vụ cất trữ, sửa chữa, tiêu hủy vũ khí, đạn dược, trang bị, nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất các sản phẩm quốc phòng được xây dựng trong khu quân sự quy định tại điểm này;

d) Khu quân sự loại D gồm trụ sở làm việc cơ quan các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng và tương đương; công trình quốc phòng phục vụ sinh hoạt, học tập, làm việc thường xuyên được xây dựng trong các khu quân sự quy định tại điểm này.

5. Nhóm III gồm các công trình quốc phòng, khu quân sự được áp dụng các biện pháp quản lý, bảo vệ để bảo đảm bí mật, an toàn:

a) Công trình quốc phòng, khu quân sự loại A gồm thành cổ, pháo đài cổ, hầm, hào, lô cốt do lịch sử để lại;

b) Khu quân sự loại B gồm các trường bắn, thao trường huấn luyện cấp trung đoàn, cấp huyện và tương đương trở xuống; công trình trường bắn, thao trường huấn luyện được xây dựng trong khu quân sự quy định tại điểm này;

c) Khu quân sự loại C gồm các kho đạn dược, vũ khí, trang bị kỹ thuật, vật chất hậu cần cấp chiến thuật; công trình quốc phòng phục vụ cất trữ, sửa chữa, tiêu hủy vũ khí, đạn dược, trang bị được xây dựng trong khu quân sự quy định tại điểm này;

d) Khu quân sự loại D gồm trụ sở làm việc của cơ quan cấp sư đoàn, bộ chỉ huy quân sự cấp tỉnh và tương đương trở xuống; học viện, nhà trường, viện nghiên cứu, bệnh viện, bệnh xá, cơ sở an dưỡng, điều dưỡng quân đội; trung tâm văn hóa, thể thao quốc phòng; khu nhà công vụ; bảo tàng quân sự; cơ sở giam giữ; công trình quốc phòng phục vụ sinh hoạt, học tập, làm việc thường xuyên được xây dựng trong khu quân sự quy định tại điểm này.

6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 7. Công trình lưỡng dụng

1. Công trình lưỡng dụng là công trình sử dụng cho cả mục đích quân sự, quốc phòng và mục đích dân sự, gồm công trình dân sự có tính lưỡng dụng và công trình quốc phòng sử dụng lưỡng dụng, được cấp có thẩm quyền quyết định khi phê duyệt chủ trương đầu tư hoặc chuyển đổi, bổ sung mục đích sử dụng.

2. Cơ quan chủ trì thẩm định chủ trương đầu tư, dự án công trình dân sự có tính lưỡng dụng có trách nhiệm lấy ý kiến của Bộ Quốc phòng về tính lưỡng dụng của công trình trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Chủ đầu tư, chủ sở hữu công trình lưỡng dụng có trách nhiệm cung cấp hồ sơ thiết kế, hoàn công và phối hợp với các cơ quan, đơn vị của Bộ Quốc phòng để đăng ký danh mục, phân loại, phân nhóm, quản lý hồ sơ theo quy định của Bộ Quốc phòng.

4. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ quyết định sử dụng, bãi bỏ sử dụng lưỡng dụng đối với công trình quốc phòng.

5. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định có thời hạn việc chuyển công trình lưỡng dụng từ sử dụng cho mục đích dân sự sang sử dụng cho mục đích quân sự trong trường hợp cấp bách để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, trong tình trạng chiến tranh hoặc tình trạng khẩn cấp về quốc phòng.

6. Việc quản lý, bảo vệ công trình lưỡng dụng được quy định như sau:

a) Công trình lưỡng dụng khi sử dụng cho mục đích dân sự được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật có liên quan và được lập hồ sơ quản lý, thống kê, kiểm kê công trình theo quy định tại Điều 10 và Điều 14 của Luật này;

b) Công trình lưỡng dụng khi sử dụng cho mục đích quân sự, quốc phòng được quản lý, bảo vệ theo quy định của Luật này;

c) Trường hợp công trình lưỡng dụng sử dụng đồng thời cho cả mục đích quân sự, quốc phòng và mục đích dân sự thì chủ sở hữu công trình có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tổ chức việc quản lý, bảo vệ công trình theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan;

d) Việc cải tạo, sửa chữa công trình dân sự có tính lưỡng dụng làm thay đổi công năng sử dụng cho mục đích quân sự, quốc phòng phải có ý kiến thống nhất của Bộ Quốc phòng.

7. Việc thay đổi chủ sở hữu hoặc đưa công trình dân sự có tính lưỡng dụng ra khỏi danh mục công trình lưỡng dụng phải có ý kiến thống nhất của Bộ Quốc phòng và được phép của cấp có thẩm quyền.

8. Nhà nước có chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư, xây dựng công trình lưỡng dụng, chuyển đổi mục đích sử dụng công trình dân sự sang công trình lưỡng dụng.

Điều 8. Những hành vi bị nghiêm cấm

1. Chiếm đoạt, chiếm giữ, lấn chiếm, xâm nhập trái phép; phá hoại, làm hư hỏng kiến trúc, kết cấu, trang thiết bị của công trình quốc phòng và khu quân sự.

2. Thu thập trái phép, chiếm đoạt, hủy hoại, làm lộ bí mật hồ sơ, tài liệu, thông tin công trình quốc phòng và khu quân sự.

3. Sử dụng trái phép, sai mục đích; chuyển mục đích sử dụng, phá dỡ công trình quốc phòng và di dời khu quân sự trái quy định của pháp luật.

4. Xây dựng, khai thác, đặt thiết bị làm ảnh hưởng đến kiến trúc, kết cấu, công năng sử dụng, an toàn, bí mật của công trình quốc phòng và khu quân sự.

5. Cản trở, chống đối việc thực hiện nhiệm vụ của lực lượng quản lý, bảo vệ hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.

6. Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao trong quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự để trục lợi, xâm hại lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.