Bước tới nội dung

Luật Quản lý ngoại thương nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2017/Chương VI

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Luật Quản lý ngoại thương nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2017
Chương VI. CÁC BIỆN PHÁP PHÁT TRIỂN HOẠT ĐỘNG NGOẠI THƯƠNG

Chương VI
CÁC BIỆN PHÁP PHÁT TRIỂN HOẠT ĐỘNG NGOẠI THƯƠNG

Điều 103. Chính sách chung về phát triển hoạt động ngoại thương

1. Nhà nước có chính sách phát triển hoạt động ngoại thương thông qua các biện pháp sau đây:

a) Hoạt động tín dụng do Chính phủ quy định phù hợp với điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

b) Xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy hoạt động ngoại thương bao gồm hỗ trợ xây dựng, bảo vệ, phát triển, quảng bá thương hiệu sản phẩm trong nước ra thị trường nước ngoài; thiết lập và cung cấp hệ thống thông tin xúc tiến thương mại; kết nối giao thương giữa các thương nhân nhằm thúc đẩy xuất khẩu, nhập khẩu có hiệu quả để phục vụ sản xuất trong nước hoặc gia công xuất khẩu;

c) Các biện pháp khác nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu, nhập khẩu.

2. Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân kinh doanh trong nước và nước ngoài được tham gia phát triển hoạt động ngoại thương phù hợp với quy định của pháp luật.

3. Các biện pháp phát triển hoạt động ngoại thương phải phù hợp với định hướng của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược ngoại thương trong từng thời kỳ do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

4. Các biện pháp phát triển hoạt động ngoại thương được thực hiện hiệu quả, có sự phối hợp với các biện pháp thúc đẩy đầu tư, du lịch.

Điều 104. Chính sách đặc thù về phát triển hoạt động ngoại thương

1. Nhà nước có chính sách phát triển hoạt động ngoại thương đối với sản phẩm có lợi thế cạnh tranh mà trong nước sản xuất được, sản phẩm công nghệ và nguyên liệu đầu vào cần thiết phục vụ sản xuất trong nước.

2. Nhà nước có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp tại địa bàn miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn tham gia hoạt động ngoại thương.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 105. Phát triển hoạt động ngoại thương thông qua xúc tiến thương mại

1. Chính sách xúc tiến thương mại hỗ trợ hoạt động ngoại thương được thực hiện thông qua hoạt động của các cơ quan, tổ chức sau đây:

a) Hoạt động của các cơ quan, tổ chức xúc tiến thương mại trong nước;

b) Hoạt động của các tổ chức xúc tiến thương mại tại nước ngoài;

c) Hoạt động của các tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam;

d) Hoạt động của cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại nước ngoài, của đại diện thương mại.

2. Các hoạt động phát triển ngoại thương thông qua xúc tiến thương mại bao gồm:

a) Xây dựng, thực hiện các chương trình, hoạt động cấp quốc gia về xúc tiến thương mại, xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia về sản phẩm, hàng hóa do Thủ tướng Chính phủ quyết định nhằm phát triển hoạt động ngoại thương phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ;

b) Xây dựng, thực hiện các hoạt động phát triển thị trường, xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm, hàng hóa địa phương do chính quyền địa phương thực hiện nhằm phát triển hoạt động ngoại thương phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội trong từng thời kỳ;

c) Thực hiện các hoạt động kết nối giao thương, tham gia hệ thống phân phối ở nước ngoài và tại Việt Nam;

d) Hỗ trợ phát triển, vận hành hạ tầng thương mại, logistics phục vụ hoạt động ngoại thương;

đ) Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa;

e) Đào tạo, nâng cao năng lực thương nhân trong xúc tiến thương mại, phát triển thị trường;

g) Các hoạt động khác theo quy định của pháp luật.

3. Các hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế thành lập, tham gia tổ chức xúc tiến thương mại tại nước ngoài thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước có liên quan.

4. Trên cơ sở chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu do Quốc hội quyết định trong từng thời kỳ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động xúc tiến thương mại của các cơ quan, tổ chức, thương nhân theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 106. Phát triển hoạt động ngoại thương thông qua hoạt động xúc tiến thương mại của các tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam

1. Tổ chức xúc tiến thương mại và tổ chức của nước ngoài (sau đây gọi chung là tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài) được thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam để thực hiện các hoạt động liên quan đến xúc tiến thương mại, phát triển hoạt động ngoại thương.

2. Tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài được thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Là tổ chức được thành lập phù hợp với pháp luật nước ngoài;

b) Có điều lệ, mục đích hoạt động phù hợp với pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

3. Chính phủ quy định cụ thể việc thành lập, quản lý văn phòng đại diện của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam.

Điều 107. Phát triển hoạt động ngoại thương thông qua hoạt động của đại diện thương mại

1. Ðại diện thương mại được tổ chức ở những địa bàn có nhu cầu phát triển hoạt động ngoại thương có chức năng phục vụ phát triển hoạt động ngoại thương của đất nước theo quy định của pháp luật, hỗ trợ bảo vệ lợi ích kinh tế, thương mại của Việt Nam, thương nhân Việt Nam trong hoạt động ngoại thương.

2. Việc tổ chức, hoạt động của đại diện thương mại thực hiện theo quy định của pháp luật về cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.